Thần kinh học trẻ em: Thách thức và triển vọng

Thần kinh học trẻ em: Thách thức và triển vọng

 

GS.TS. Lê Đức Hinh

Hội Thần kinh học Việt Nam

 

  1. SỰ RA ĐỜI CỦA THẦN KINH HỌC TRẺ EM Ở VIỆT NAM

Ở nước ta thuở trước không có Chuyên khoa Thần kinh học. Trong các cơ sở điều trị của chế độ cũ như ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn, các bệnh nhân thường thấy nằm rải rác tại các khoa, phòng khác nhau: người lớn trong các khu Nội thương hoặc Truyền nhiễm, trẻ em trong các Khoa Nhi, còn bệnh nhân loạn trí được giữ riêng trong một số trại như ở Bắc Giang, Biên Hoà. Riêng tại Bệnh viện Cống Vọng Bạch Mai, sau khi được cải tạo năm 1939 vẫn có một nơi gọi là “Khu Điên và Tù” nhưng trên lối cổng ra vào từ năm 1949 lại được ghi là “Khoa Thần Kinh”. Tại Trường Đại học Y Dược khoa thời trước không thấy giảng dạy về Thần kinh học, Tâm thần học và dĩ nhiên không ai nói tới Thần kinh học trẻ em.

Ngày 2 tháng 12 năm 1956, trên mảnh đất của “Khu Điên và Tù” cũ tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho thành lập Khoa Thần kinh và Tinh thần đầu tiên, gọi tắt là Khoa Tinh Thần kinh, đồng thời khai giảng Bộ môn Tinh Thần kinh ở Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Từ đó, Chuyên khoa Thần kinh học được xây dựng và phát triển từng bước ở trung ương và địa phương.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ngoài 30 giường nội trú cho bệnh nhân thần kinh người lớn còn tổ chức một Phòng Khám và Điều trị ngoại trú cho người lớn và trẻ em. Sau khi Khoa Thần kinh được phát triển độc lập (tháng 8 năm 1969), đã có 25 giường cho bệnh nhân nam và 25 giường cho bệnh nhân nữ. Từ Khoa – Bộ môn Thần kinh chung đã dần dần hình thành thêm bộ phận Điện quang – Thần kinh (1959), Cấp cứu Thần kinh (1961), Điện sinh lý – Thần kinh (1962) và Nhiễm khuẩn – Thần kinh (1963).

Vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước, tại miền Bắc hàng năm thường xảy ra các vụ dịch viêm não cấp phần lớn ở trẻ em. Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu vấn đề này với sự tham gia của các Chuyên ngành Truyền nhiễm, Nhi khoa, Dịch tễ học, Vi sinh y học, Côn trùng học và Tinh Thần kinh. Tại Khoa Tinh Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, các bài giảng về chuyên đề viêm não đã được trình bày vào năm 1964 và Thần kinh trẻ em vào năm 1967. Điểm quan trọng là các trường hợp viêm não thường xảy ra vào mùa hè với bệnh cảnh lâm sàng cấp tính khó điều trị và nếu được cứu sống, phần lớn bệnh nhi đều mang di chứng thần kinh và tâm trí nặng nề. Do đó ngày 10 tháng 6 năm 1968, Bộ Y tế đã quyết định giao cho Khoa Tinh Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu điều trị Hội chứng viêm não cấp. Trên cơ sở này, phần lớn bệnh nhi được gửi về Khoa ngoài các Khoa Nhi và Truyền nhiễm ở tuyến trung ương.

Trong hai vụ dịch viêm não năm 1968 và 1969, Khoa đã bố trí một số giường để phục vụ các bệnh nhi vào cấp cứu trong thời gian ngắn khoảng 4 tháng mùa hè. Từ năm 1970, xét thấy điều trị viêm não cần được tiếp tục kéo dài sau giai đoạn cấp, Khoa đã quyết định mở Đơn vị nghiên cứu điều trị Hội chứng viêm não cấp tại Phòng T3 với 25 giường nội trú; mỗi bệnh nhi đều có người mẹ hoặc người chăm sóc được cùng ở lại buồng bệnh. Hơn nữa, trong và ngoài dịch vụ, các trường hợp trẻ em có bệnh thần kinh đều được tiếp nhận điều trị. Như vậy Phòng điều trị viêm não đã dần dần trở thành Phòng Thần kinh trẻ em, một bộ phận quan trọng của Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai.

II.  VAI TRÒ CỦA THẦN KINH HỌC TRẺ EM

Trong lĩnh vực điều trị, Phòng Thần kinh trẻ em đã hoàn thành một Phác đồ Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí Hội chứng viêm não cấp cho mọi tuyến ở miền Bắc vào năm 1970 và đã có báo cáo đầu tiên về 41 trường hợp Viêm não Nhật Bản ở trẻ em trong vụ dịch năm 1970. Phòng cũng đồng thời tiếp tục cải tiến phương pháp xử trí cấp cứu và chăm sóc; do đó tỷ lệ tử vong đối với Viêm não cấp từ 31% (1990) đã được giảm dần xuống 7% (1986) và hạ xuống khoảng 4% (1990). Sau giai đoạn cấp, mọi bệnh nhi đều được tiếp tục theo dõi điều trị lâu dài kết hợp với phục hồi chức năng tại bệnh viện và cộng đồng. Ngoài viêm não Nhật Bản chúng ta đã chú ý tới các bệnh nhiễm khuẩn thần kinh khác cũng như các bệnh lý xâm phạm hệ thần kinh ở trẻ em.

 

Cũng trong nhiều năm qua, ngoài Phòng Thần kinh trẻ em tại Bệnh viện Bạch Mai còn có Khoa Thần kinh trẻ em và Khoa Tâm bệnh trẻ em tại Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương) ở Hà Nội. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các Khoa, Phòng dành riêng cho bệnh nhi thần kinh tại các Bệnh viện Nhi Đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và từ khi nước ta sản xuất được vacxin phòng viêm não Nhật Bản cũng như nhiều loại vacxin khác, các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là bại liệt do polio đã được thanh toán vào năm 2000 và viêm não Nhật Bản đã được khống chế.

Trong hơn ba mươi năm qua, nhiều trọng tâm về Thần kinh học trẻ em đã được đề cập tới: Từ đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động, các hội chứng động kinh, chấn thương sọ não, u não đến các bệnh thần kinh ngoại vi, các bệnh rối loạn chuyển hoá, gia đình, di truyền v.v… Các kỹ thuật, phương pháp từ sinh thiết da, sinh thiết cơ, xét nghiệm thể nhiễm sắc, xét nghiệm miễn dịch đến siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch số hoá xoá nền, đã phục vụ tích cực cho chẩn đoán, theo dõi và điều trị lâm sàng. Sự kết hợp với y học cổ truyền, phục hồi chức năng, phẫu thuật thần kinh và cả tâm lý liệu pháp đã góp phần mang lại chất lượng cuộc sống cho rất nhiều bệnh nhi thần kinh.

Trong lĩnh vực giảng dạy và đào tạo, nhiều khoá sinh viên, bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã được cung ứng những kiến thức cơ bản về Thần kinh học trẻ em. Một số thầy thuốc thần kinh, thầy thuốc nhi khoa đã trở thành các thầy thuốc chuyên khoa thần kinh trẻ em.

Ngoài ra qua giao lưu khoa học trong và ngoài nước, chúng ta đã có một số đóng góp bước đầu từ những kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về Thần kinh học trẻ em ở Việt Nam. Đó là những thành tích rất đáng khích lệ và cần được tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

III. HIỆN TRẠNG CHUYÊN KHOA THẦN KINH HỌC TRẺ EM

Trong cả nước hiện có hơn ba mươi đơn vị Chuyên khoa Thần kinh học phục vụ cho 63 tỉnh/thành. Qua điều tra 78 bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên, chỉ 50% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có Khoa Thần kinh hoặc có Bác sĩ Chuyên khoa Thần kinh (với tỷ lệ 56,3% ở miền Bắc và 43,3% ở miền Nam). Hai nơi có Khoa Thần kinh trẻ em là TP. Hồ Chí Minh (Bệnh viện Nhi Đồng) và Hà Nội (Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương). Ngoài ra lẻ tẻ có một số cơ sở Điều trị bệnh tâm thần trẻ em hoặc Tư vấn tâm lý trẻ em.

Theo Điều tra Dân số năm 2009, nước ta có 85,847 triệu người và dự báo năm 2049 sẽ là 111,829 triệu người theo phương án mức sinh không thay đổi. Như vậy từ 2009 đến 2049, số dân tăng thêm từ 26,6% đến 30,3%. Tỷ lệ người dưới 15 tuổi khoảng 17,8%, từ 15 đến 64 tuổi là 63,8% và trên 65 tuổi là 17,5%. Đó là những số liệu cần được quan tâm về mặt chăm sóc sức khoẻ để có phương hướng hoạch định kế hoạch và chính sách.

Trên góc độ dự phòng và điều trị bệnh thần kinh trẻ em nói riêng, chúng ta thấy thấy rõ nhu cầu về giảng dạy, đào tạo và tổ chức màng lưới Chuyên khoa Thần kinh trẻ em trong thời gian tới. Để góp phần bàn phương hướng giải quyết trước mắt vấn đề nêu trên, thiết nghĩ cần nhìn lại các mặt giảng dạy và đào tạo. Cho đến nay, chương trình giảng dạy về Thần kinh học nói chung ổn định phù hợp với điều kiện phát triển khoa học – kỹ thuật trong nước cũng như trên thế giới. Các thầy thuốc Chuyên khoa Thần kinh học khi ra trường đều có tương đối đầy đủ các kiến thức chung cũng như có khả năng thực hành lâm sàng trong phạm vi tổng quát. Một số đồng nghiệp đã và đang đi sâu vào các chuyên đề quan trọng như bệnh thần kinh – mạch máu, bệnh thần kinh – cơ, bệnh thần kinh ngoại vi, chấn thương thần kinh, bệnh thoái hoá thần kinh. Tại các cơ sở bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng, các đồng nghiệp đó cũng có thể khám và xử trí một số trường hợp bệnh thần kinh ở trẻ em, dựa trên vốn kiến thức về Thần kinh học chung.

Tuy nhiên, ai cũng biết trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Sự phát triển và trưởng thành của trẻ em nói chung, về mặt thần kinh học nói riêng, theo những quy luật và những đặc điểm riêng. Vì vậy việc học tập, nghiên cứu và thực hành về Thần kinh học trẻ em cũng có những yêu cầu và quy tắc nhất định. Mọi thầy thuốc, bao gồm cả thầy thuốc nội khoa, ngoại khoa và nhi khoa đều hiểu biết và có thể thăm khám và xử trí bệnh Thần kinh ở trẻ em. Nhưng muốn phục vụ tốt chuyên khoa Thầnh kinh trẻ em cần được đào tạo chuyên sâu.

Hiện nay, có một bệnh cảnh ở trẻ em được nhiều người quan tâm là hội chứng tự kỷ. Một số thông tin đã được đưa lên các phương tiện truyền thông. Nhiều gia đình có con nhỏ đã tìm hiểu các thông tin đó và căn cứ vào một số dấu hiệu liệt kê trên một số trang sách báo để chẩn đoán cho con cháu mình rồi sinh ra hoang mang lo sợ và vội vã đi tìm cách điều trị tâm lý! Đúng ra các trẻ em đó cần được đưa khám Chuyên khoa Nhi và Thần kinh trẻ em để đánh giá tình trạng phát triển của cơ thể, xác định bệnh cảnh lâm sàng và có phương hướng xử trí thích hợp.

Theo xu hướng chung ở các nước, các thầy thuốc thần kinh trẻ em thường được đào tạo từ Chuyên khoa Nhi hoặc từ Chuyên khoa Thần kinh. Ở nước ta số thầy thuốc thần kinh trẻ em như vậy hiện không có nhiều, một số đã và sắp nghỉ hưu; còn những đồng nghiệp đang bước vào chuyên khoa này không được bao nhiêu. Do đó nhu cầu phục vụ cho Thần kinh học trẻ em là một vấn đề cấp thiết cần được sớm quan tâm.

Trong giai đoạn hiện nay, đang có những thay đổi trong đời sống kinh tế – xã hội, với tình trạng đô thị hoá,  điều kiện đô thị hoá, sự phát triển các phương tiện truyền thông, giao lưu rộng rãi văn hoá trong nước và quốc tế. Những thay đổi đó đã và đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới mọi thành viên trong xã hội, ảnh hưởng tới đời sống của mọi gia đình và cá nhân. Những biến đổi khí hậu và môi trường đã và đang phát sinh một số biểu hiện bệnh lý mới cùng với việc bùng phát một số dịch bệnh. Chế độ dinh dưỡng, giáo dục, học tập, sinh hoạt, giải trí và nếp sống hiện nay cũng dẫn đến những hậu quả nhất định đối với lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên. Một số chi tiết đó cần được các thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh trẻ em chú ý quán triệt. Có như vậy công tác thực hành Thần kinh học trẻ em nói riêng, chăm sóc phục vụ các “Trẻ em hôm nay” sẽ mang lại một “Thế giới ngày mai” thực sự tốt đẹp như chúng ta hằng mong ước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Đức Hinh, Nguyễn Chương (2001) Thần kinh học trẻ em (xuất bản lần thứ 2) Nhà xuất bản Y học.
  2. Lê Đức Hinh (2006). Góp phần nghiên cứu lịch sử Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị khoa học lần thứ 6 Hội Thần kinh học Việt Nam. Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 3 -10.
  3. Lê Đức Hinh (2012). Góp ý đối với nghiên cứu khoa học giai đoạn 2013 – 2014. Phát biểu tại Hội nghị Khoa học Chuyên ngành Thần kinh toàn quốc lần thứ 16. Hà Nội, 21-12-2012.
  4. Lê Đức Hinh (2013). Suy nghĩ về hướng phát triển của Hội Thần kinh học Việt Nam. Tạp chí Thần kinh học Việt Nam 2, 4 -7.
  5. Nguyễn Công Khanh (2012). Biến đổi khí hậu toàn cầu với sức khoẻ trẻ em. Hội nghị Khoa học Chuyên ngành Thần kinh toàn quốc lần thứ 16. Hà Nội, 264 – 274.
  6. McMICHAEL AJ, WOODRUFF RE, HALES S (2006). Climate change and human health: present and future risks. Lancet, 367, 859 – 869.
  7. Lê Văn Thính, Nguyễn Thị Xuyên, Trần Viết Lực (2010). Tình hình và thực trạng chăm sóc đột quỵ trong các bệnh viện đa khoa từ tuyến tỉnh trở lên ở Việt Nam. Tạp chí Y Dược Lâm sàng 108, tập 5, số đặc biệt, 38 – 42.
  8. Tổng Cục Thống Kê (2011). Dự báo Dân số Việt Nam 2009 – 2049. Bộ  Kế hoạch và Đầu tư.