NỒNG ĐỘ D-DIMER HUYẾT TƯƠNG TRONG NHỒI MÁU NÃO CỤC BỘ CẤP

NỒNG ĐỘ D-DIMER HUYẾT TƯƠNG TRONG NHỒI MÁU NÃO CỤC BỘ CẤP

Nguyễn Thi Hùng*, Nguyễn Văn Sang**

TÓM TẮT

Mục tiêu: Mục đích của nghiên cứu này là xác định nồng độ D-dimer huyết tương trung bình và tìm mối liên quan giữa chúng với phân loại TOAST, với thang điểm Glasgow và với thang điểm NIHSS.

Phương pháp: Khảo sát tiến cứu, cắt ngang mô tả. Chúng tôi nghiên cứu trên 62 bệnh nhân nhồi máu não cấp xảy ra trong vòng 24 giờ được điều trị tại khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Kết quả: Nồng độ D-dimer huyết tương cao hơn trị số bình thường là: 69,3%, nồng độ D-dimer huyết tương trung bình là: 0,89±0,62mg/ml. Nồng độ D-dimer huyết tương theo phân loại TOAST:  nhồi máu não (NMN) động mạch lớn 0,78±0,51mg/ml; NMN do thuyên tắc từ tim 1,04±0,72mg/ml; NMN lỗ khuyết 0,47±0,07mg/ml; NMN do nguyên nhân khác 1,05±0,73mg/ml: NMN chưa rõ nguyên nhân 0,88±0,60mg/ml . Tuy nhiên, chỉ có nồng độ D-dimer huyết tương trung bình và NMN do thuyên tắc từ tim là có mối liên quan có ý nghĩa (p=0,028). Không tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với thang điểm Glasgow và thang điểm NIHSS.

Kết luận: Nồng độ D-dimer huyết tương thay đổi khác nhau ở các nhóm nguyên nhân nhồi máu não cấp, đặc biệt có mối liên quan có ý nghĩa giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình và NMN do thuyên tắc từ tim. Vì vậy nên làm D-dimer huyết tương như là một xét nghiệm thường qui và là một xét nghiệm theo dõi trong 2 tuần đầu ở nhóm nguyên nhân này, vì chúng có thể giúp ích khi cần một điều trị đặc hiệu như dùng tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu cũng như phát hiện sớm thuyên tắc tái phát xảy ra.

Từ khóa: Nhồi máu não cấp, nồng độ D-dimer huyết tương.         

ABSTRACT

PLASMA D-DIMER CONCENTRATION IN ACUTE ISCHEMIC STROKE

Nguyen Thi Hung*, Nguyen Van Sang**   

Objectives: This study aimed to define the average D-dimer levels in plasma and to investigate the relationship between D-dimer level and TOAST criteria, Glasgow coma scale, National Institutes of Health Stroke Scale (NIHSS).

Methods: Prospective, cross-sectional study design. We studied 62 acute ischemic stroke patients within the first 24 hours in our neurology department of Nguyen Tri Phuong Hospital.

Results: Plasma D-dimer level is higher than normal: 69.3%.  The mean D-dimer level in plasma is 0.89±0.62mg/ml. D-dimer levels according to the TOAST criteria: Artherothrombotic stroke: 0.78±0.51mg/ml; Cardioembolic stroke: 1.04±0.72mg/ml; Lacunar infarction: 0.47±0.07mg/ml; Nonatherosclerotic vasculopathies and prothrombotic states stroke: 1.05±0.73mg/ml; Undertermined stroke 0.88±0.60mg/ml. However, there is only significant correlation between the average D-dimer levels and cardioembolic stroke (p = 0,028). There is no significant correlation between plasma D-dimer level in Glasgow coma scale, and National Institutes of Health Stroke Scale (NIHSS).

Conclusions: Plasma D-dimer level changes variably according to the cause of acute ischemic stroke, especially, there is significant correlation between plasma D-dimer level and cardioembolic stroke. Therefore, D-dimer test should be taken routinely and be taken during the first 2 weeks to follow up in cardioembolic stroke group. Because D-dimer level helps fibrinolytic therapy during the first 3 hours either diagnosis early recurrence of cardioembolic stroke.

Key words: acute ischemic stroke, plasma D-dimer level.

ĐẶT VẤN ĐỂ

TBMMN là một bệnh lý thần kinh thường gặp, tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh ung thư và bệnh tim mạch và để lại nhiều di chứng nặng nề. Chẩn đoán và điều trị sớm TBMMN giúp hạn chế tỷ lệ tử vong và các thiếu sót thần kinh nặng nề về sau. Tiêu chuẩn chẩn đoán và theo dõi điều trị TBMMN chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và hình ảnh học sọ não (CT scan, MRI). Nhưng với tình trạng khó khăn về kinh tế hiện nay ở nước ta, việc theo dõi bằng hình ảnh học còn nhiều hạn chế, chưa kể là ở một số trường hợp bệnh nhân NMN nhập viện sớm thì kết quả chụp CT scan sọ não lại chưa ghi nhận được tổn thương. Nhiều nước trên thế giới đưa ra giải pháp bổ trợ để chẩn đoán sớm NMN bằng cách đo lường nồng độ các yếu tố sinh học trong máu, trong đó các nhà nghiên cứu ghi nhận D-dimer huyết tương, một protein sinh học trong máu, sản phẩm thoái hóa của Fibrin gia tăng trong NMN cấp (6). Một số nghiên cứu cho thấy việc định lượng nồng độ D-dimer huyết tương trong NMN cấp giúp hỗ trợ chẩn đoán, phân loại nguyên nhân, đánh giá độ nặng, tiên đoán hậu quả, dự đoán thuyên tắc tái phát(7). Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm tìm hiểu đặc điểm D-dimer huyết tương và mối liên quan của chúng với nguyên nhân nhồi máu não theo phân loại TOAST, với thang điểm Glasgow và thang điểm NIHSS.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán NMN cấp nhập viện khoa Nội thần kinh BV. Nguyễn Tri Phương từ tháng 10/2011-3/2012 thỏa tiêu chuẩn chọn bệnh và tiêu chuẩn loại trừ.

Tiêu chuẩn chọn bệnh:

–          Bệnh nhân được chẩn đoán NMN cấp theo tiêu chuẩn đột quỵ của WHO.

–          Nhập viện trong vòng 24 giờ từ lúc khởi phát.

–          Được chẩn đoán xác định bằng CT scan hoặc MRI não, nếu kết quả lúc đầu bình thường thì chụp lại lần 2.

Tiêu chuẩn loại trừ:

–          Có tiền căn bệnh huyết học, đang điều trị bệnh huyết học hoặc đang sử dụng kháng đông.

–          Có bằng chứng bệnh huyết khối tĩnh mạch.

–          Vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn.

–          Có bệnh đi kèm: xuất huyết, NMCT, nhiễm trùng, bệnh gan, ung thư.

Phương pháp nghiên cứu:

–          Thiết kế nghiên cứu: cắt ngang mô tả, tiến cứu.

–          Cỡ mẫu: 62 trường hợp bằng kỹ thuật chọn mẫu không xác suất.

–          Xử lý số liệu: số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 13.0.

KẾT QUẢ

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:

Tuổi trung bình : 66,31 ± 13,49; giới : nam (46,8%), nữ (53,2%).

Phân bố theo nhóm tuổi

 

Nhóm tuổi 40 – 49 50 – 59 60 – 69 70 – 79 ≥ 80 Tổng
Số trường hợp 9 10 14 17 12 62
Tỷ lệ % 14,5 16,1 22,6 27,4 19,4 100,0

 

Chiếm 69,4% bệnh nhân có tuổi từ 60 trở lên, tần suất cao nhất ở lứa tuổi từ 70-79 chiếm 27,4%, thấp nhất ở nhóm ³ 80 tuổi là 19,4%.

Phân bố nhóm tuổi theo giới tính

Nhóm tuổi Nam Nữ
40 – 49 4 (13,8) 5 (15,2)
50 – 59 5 (17,2) 5 (15,2)
60 – 69 8 (27,6) 6 (18,2)
70 – 79 7 (24,1) 10 (30,3)
≥ 80 5 (17,2) 7 (21,2)
Tổng 29 33

c2 = 1,01, p = 0,909

Không có sự khác biệt về giới tính giữa các nhóm tuổi.

Đặc điểm nguyên nhân của đối tượng nghiên cứu theo TOAST

Phân loại nguyên nhân theo TOAST

Nguyên nhân Số trường hợp Tỷ lệ %
Nhồi máu não động mạch lớn 11 17,7
Thuyên tắc từ tim 23 37,1
Nhồi máu não lỗ khuyết 9 14,5
Nguyên nhân khác 8 12,9
Không xác định nguyên nhân 11 17,7
Tổng 62 100,0

 

Nhồi máu não do thuyên tắc từ tim chiếm tỷ lệ cao nhất 37,1%, nhồi máu não do nguyên nhân khác chiếm tỷ lệ thấp nhất 12,9%.

Đặc điểm D-dimer huyết tương của đối tượng nghiên cứu

(mg/ml)

Biểu đồ 1. Phân bố chuẩn theo D-dimer

Nồng độ D-dimer huyết tương trung bình trong mẫu nghiên cứu  cao hơn giá trị bình thường chiếm tỉ lệ: 69,3% (bình thường nồng độ dưới 0,5mg/ml).

Trung bình: 0,89 ± 0,62 mg/ml; Lớn nhất: 2,74 mg/ml ; Nhỏ nhất: 0,21 mg/ml

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với các đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Liên quan với phân loại TOAST:

Nguyên nhân D-dimer (mg/ml) p
NMN ĐM lớn 0,78 ± 0,51 0,547
Thuyên tắc từ tim 1,04 ± 0,72 0,028
NMN lỗ khuyết 0,47 ± 0,07 0,127
Nguyên nhân khác 1,05 ± 0,73 0,419
NMN chưa rõ nguyên nhân 0,88 ± 0,60 0,969

Kiểm định t

Nồng độ D-dimer huyết tương và NMN do thuyên tắc từ tim có mối liên quan có ý nghĩa (p = 0,028).

Liên quan với thang điểm GCS:

Điểm GCS Tần số D-dimer TB (mg/ml)
Nặng (£ 8) 1 1,21
TB (9-12) 13 1,18 ± 0,79
Nhẹ (13-14) 36 0,77 ± 0,51
Bình thường (15) 12 0,88 ± 0,71
Tổng 62 0,89 ± 0,62

F Anova = 1,457;   p = 0,236

Nồng độ D-dimer huyết tương có khuynh hướng tăng khi điểm Glasgow ở mức độ trung bình đến nặng. Tuy nhiên mối liên quan này không có ý nghĩa thống kê.

Liên quan với thang điểm NIHSS:

Điểm NIHSS Tần số D-dimer TB (mg/ml)
Nhẹ (< 8) 37 0,88 ± 0,62
TB (8-20) 23 0,88 ± 0,67
Nặng (> 20) 2 1,11 ± 0,15
Tổng 62 0,89 ± 0,62

F Anova = 0,1222;   p = 0,885

Nồng độ D-dimer huyết tương có khuynh hướng giảm khi điểm NIHSS ở mức độ nhẹ và trung bình, tăng khi điểm NIHSS ở mức độ nặng. Tuy nhiên mối liên quan này không có ý nghĩa thống kê.

Liên quan với nhóm tuổi:

Nhóm tuổi Tần số D-dimer TB (mg/ml)
40-49 9 0,61 ± 0,37
50-59 10 0,52 ± 0,23
60-69 14 0,62 ± 0,33
70-79 17 0,99 ± 0,53
³ 80 12 1,56 ± 0,84
Tổng 62 0,89 ± 0,62

F Anova = 7,934;   p < 0,001

Có mối liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương và nhóm tuổi, p < 0,001.

Liên quan với giới tính:

Giới Tần số D-dimer TB (mg/ml)
Nam 29 0,83  ± 0,61
Nữ 33 0,93 ± 0,63
Tổng 62 0,89 ± 0,62

p = 0,534

Không có mối liên quan giữa D-dimer huyết tương với giới tính.

Liên quan với giới tính theo nhóm tuổi:

Nhóm tuổi Nam Nữ
Tần số D-dimer Tần số D-dimer
40-49 4 0,49 ± 0,07 5 0,71 ± 0,49
50-59 5 0,53 ± 0,29 5 0,51 ± 0,16
60-69 8 0,50 ± 0,16 6 0,79 ± 0,43
70-79 7 1,29 ± 0,64 10 0,77 ± 0,34
³ 80 5 1,3 ± 0,84 7 1,74 ± 0,85
Tổng 29 0,83 ± 0,60 33 0,93 ± 0,65
Giá trị P 0,008 0,002

Có mối liên quan giữa D-dimer huyết tương và nhóm tuổi theo giới ở nam giới ³ 70 tuổi D-dimer cao hơn so với các nhóm còn lại, trong khi ở nữ giới ³ 80 tuổi D-dimer cao hơn so với các nhóm còn lại.

BÀN LUẬN:

Đặc điểm D-dimer huyết tương của đối tượng nghiên cứu

Nồng độ D-dimer huyết tương trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 0,89mg/ml cao hơn giá trị bình thường (< 0,5mg/ml). Kết quả này gần tương đương của Montaner là 0,8mg/ml(4). Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy hệ thống đông máu và tiêu sợi huyết được kích hoạt trong nhồi máu não và D-dimer hầu như là dấu chỉ tình trạng đông máu bị kích hoạt (9). Vì vậy, nồng độ D-dimer tăng có thể xảy ra trên những bệnh nhân đột quỵ tiến triển, một chỉ điểm cho sự trầm trọng hơn của đột quỵ.

Nồng độ D-dimer huyết tương trong nhồi máu não đã được khảo sát trong nhiều nghiên cứu và nhận thấy D-dimer là một xét nghiệm đáng tin cậy để chẩn đoán đột quỵ, xác định loại nhồi máu não, độ trầm trọng, tiên lượng và nguy cơ tái phát của nhồi máu não (7).

Trong các nghiên cứu khác đã đồng nhất D-dimer như một dự báo độc lập của đột quỵ trong tương lai ở những người khỏe mạnh. D-dimer có thể dự đoán tiến triển của đột quỵ, tử vong và là một nguy cơ cao của đột quỵ tái phát.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng nồng độ D-dimer huyết tương là huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, đông máu nội mạch lan tỏa, phẫu thuật, chấn thương, tuổi cao, có thai (4).

Nghiên cứu  của Feinberg WM và cộng sự cho thấy nồng độ D-dimer huyết tương trung bình ở bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp tăng hơn so với giá trị bình thường, nồng độ D-dimer cũng tăng trong tất cả các nhóm nguyên nhân nhồi máu não (nhồi máu não động mạch lớn, nhồi máu não do thuyên tắc từ tim, nhồi máu não lỗ khuyết, NMN do nguyên nhân khác và NMN không rõ nguyên nhân). Những bệnh nhân NMN do thuyên tắc từ tim có nồng độ D-dimer hơn đáng kể so với các NMN không do thuyên tắc từ tim (p = 0,033) (2).

Nghiên cứu của Kang DW và cộng sự trên 153 bệnh nhân nhồi máu não cấp kết quả cho thấy nồng độ D-dimer huyết tương trung bình là 0,82mg/ml giúp dự đoán sớm NMN tái phát ở 37 bệnh nhân (24,2%), (p = 0,028), điều này cũng phù hợp khi tác giả dùng phân tích hồi quy đa biến cho thấy OR = 3,2; p = 0,027(5).

Trong một nghiên cứu khác trên 473 bệnh nhân đột quỵ cấp, nồng độ D-dimer huyết tương được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khởi phát đột quỵ. Trong số này, 46 bệnh nhân đã từng trải qua một lần đột quỵ tái phát, kết quả thu được cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về nồng độ D-dimer giữa những bệnh nhân có đột quỵ lần đầu và những bệnh nhân có đột quỵ tái phát (3).

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với mỗi nhóm nguyên nhân nhồi máu não theo phân loại TOAST

Kết quả chúng tôi thu được nồng độ D-dimer huyết tương trung bình ở mỗi nhóm nhồi máu não theo phân loại TOAST là: D-dimer ở nhóm NMN động mạch lớn là 0,78mg/ml, nhóm thuyên tắc từ tim là 1,04mg/ml, nhồi máu não lỗ khuyết là 0,47mg/ml, nguyên nhân khác là 1,05m/ml, không xác định nguyên nhân là 0,88mg/ml. Ngoại trừ nhồi máu não lỗ khuyết các nguyên nhân khác đề          u có nồng độ D-dimer cao hơn bình thường. Tuy nhiên chỉ có mối liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình và nhồi máu não do thuyên tắc từ tim là có ý nghĩa thống kê (p = 0,028).

Nghiên cứu của Montaner(4) cho thấy D-dimer ở nhóm NMN động mạch lớn là 0,5mg/ml, nhóm thuyên tắc từ tim: 1,1mg/ml, NMN lỗ khuyết: 0,6mg/ml, không xác định nguyên nhân: 0,8mg/ml.

Theo Ageno, nồng độ D-dimer huyết tương tăng có khả năng dự đoán nhồi máu não do thuyên tắc từ tim với độ nhạy là 59,3% và độ chuyên biệt là 93,2% (10). Tuy nhiên, việc sử dụng D-dimer huyết tương để phát hiện nhồi máu não vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ trong đột quỵ. D-dimer tăng cao trong nhồi máu não do thuyên tắc từ tim được giải thích là do sau đột quỵ hệ thống đông máu bị kích hoạt do huyết khối được hình thành gây hẹp hoặc tắc mạch. Trên thực tế huyết khối được hình thành trong buồng tim gây ứ máu dẫn đến ứ đọng nhiều cục fibrin. Theo Koch và đồng sự nồng độ D-dimer huyết tương trung bình tăng cao trong nhồi máu não do thuyên tắc từ tim (6). Nghiên cứu của Feinberg W M và cộng sự với thời gian theo dõi kéo dài hơn một năm cho thấy nồng độ D-dimer cao hơn đáng kể ở bệnh nhân nhồi máu não do thuyên tắc từ tim và là yếu tố tiên đoán tỷ lệ tử vong nghiêm trọng (2).

Nghiên cứu của Tohgi H và cộng sự trên 108 bệnh nhân nhồi máu não, trong đó có 21 bệnh nhân NMN do thuyên tắc từ tim. Các bệnh nhân được chia làm hai nhóm NMN do thuyên tắc và NMN do huyết khối, ở mỗi nhóm tác giả chia NMN ra ba giai đoạn: NMN cấp (<7 ngày), NMN bán cấp (7-27 ngày), NMN mạn tính (³ 28 ngày) và tìm mối liên quan giữa các nhóm với nồng độ D-dimer huyết tương, kết quả cho thấy ở những bệnh nhân NMN do thuyên tắc nồng độ D-dimer tăng nhẹ trong giai đoạn cấp, tăng nhiều hơn trong giai đoạn bán cấp và mạn tính, ở những bệnh nhân NMN do huyết khối nồng độ D-dimer tăng nhẹ trong giai đoạn cấp, tăng đáng kể trong giai đoạn bán cấp và tăng nhẹ trong giai đoạn mạn tính(9).

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với thang điểm Glasgow

Không có mối liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương với các mức độ rối loạn ý thức. Mức độ rối loạn ý thức có liên quan trực tiếp với mức độ trầm trọng của tổn thương thần kinh. Tuy nhiên theo Haapaniemi E, nồng độ D-dimer huyết tương không giúp đánh giá mức độ tổn thương thần kinh trong nhồi máu não cấp, ngoại trừ nhồi máu não do thuyên tắc từ tim (3).

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với mức độ thiếu sót thần kinh theo thang điểm NIHSS.

So sánh nồng độ D-dimer huyết tương trung bình theo thang điểm NIHSS trong công trình nghiên cứu của chúng tôi và của Young – Woopark (11).

Điểm NIHSS D-dimer (mg/ml) P
Young-Woopark Chúng tôi Young-Woopark Chúng tôi
Nhẹ 0,45 0,88 P = 0,04 P = 0,885
Trung bình 0,8 0,88
Nặng 0,77 1,11

Phép kiểm One Way Anova trong nghiên cứu của chúng tôi so sánh nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với các mức độ thiếu sót thần kinh theo thang điểm NIHSS cho thấy không có mối liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với các mức độ thiếu sót thần kinh theo thang điểm NIHSS. Nghiên cứu của Young – Woopark có kết quả tương quan giữa D-dimer huyết tương trung bình và NIHSS lúc nhập viện.

Theo Barber, việc phát hiện D-dimer tăng giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tiến triển nặng các thiếu sót thần kinh sau nhồi máu não cấp (1). Nghiên cứu của Haapaniemi E và cộng sự cho thấy tăng D-dimer liên quan đến mức độ thiếu sót thần kinh nghiêm trọng của đột quỵ ngay khi nhập viện và ít liên quan khi xuất viện (3).

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với nhóm tuổi

Nồng độ D-dimer huyết tương trung bình so với nhóm tuổi thu được từ phép kiểm One Way Anova cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tuổi tác với nồng độ D-dimer huyết tương, đặc biệt ở lứa tuổi 70 trở lên nồng độ D-dimer huyết tương tăng cao. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Koch và cộng sự (6), có lẽ ở lứa tuổi trên 70 hệ thống đông máu bị tác động bởi nhiều yếu tố, có khả năng là do giảm phóng thích hoặc giảm sản xuất các sản phẩm cầm máu.

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với giới tính

Nồng độ D-dimer huyết tương trung bình ở nữ giới (0,93mg/ml) cao hơn ở nam giới (0,83mg/ml), tuy nhiên mối liên quan này không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Koch và cộng sự. Các tác giả cho rằng nồng độ D-dimer huyết tương trung bình không có liên quan ở hai giới (6).

Liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình với giới tính theo nhóm tuổi

Nam giới ³ 70 tuổi nồng độ D-dimer huyết tương trung bình cao vượt trội, trong khi ở nữ chỉ có nhóm ³ 80 tuổi thì nồng độ D-dimer huyết tương mới tăng cao, ở từng nhóm tuổi của mỗi giới và nồng độ D-dimer huyết tương trung bình đều có mối liên quan có ý nghĩa thống kê.

Nghiên cứu của Righini M và cộng sự (8) cho thấy nồng độ D-dimer huyết tương cao ở những lứa tuổi ³ 40 có độ nhạy là 99 – 100%.Trong khi đó độ chuyên biệt tỷ lệ nghịch với lứa tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi 70 – 79, độ chuyên biệt 26%, lứa tuổi ³ 80 độ chuyên biệt là 9%.

KẾT LUẬN

Nồng độ D-dimer huyết tương thay đổi khác nhau ở các nhóm nguyên nhân nhồi máu não cấp, đặc biệt có mối liên quan có ý nghĩa giữa nồng độ D-dimer huyết tương trung bình và NMN do thuyên tắc từ tim. Vì vậy nên làm D-dimer huyết tương như là một xét nghiệm thường qui và là một xét nghiệm theo dõi trong 2 tuần đầu ở nhóm nguyên nhân này, vì chúng có thể giúp ích khi cần một điều trị đặc hiệu như dùng tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu cũng như phát hiện sớm thuyên tắc tái phát xảy ra.

Tài liệu tham khảo

  1. Barber M, Lanhorne P, et al (2004). Hemostatic function and progressing ischemic stroke D-dimer predicts early clinical progression. Stroke, 35: 1421-1425.
  2. Feinberg WM, et al (1996). Hemostatic markers in acute ischemic stroke, Stroke, 27: 1296-1300.
  3. Haapaniemie E, Tatlisumakt (2009). Is D-dimer helpful in evaluating stroke patient? A systematic review. Acta Neurol scand, 119: 141-150.
  4. Joan Montaner, Mila Perea Gain Z, et al (2008). Etiologic Diagnosis of ischemic stroke subtypes with plasma Biomarkers. Stroke, 39:  2280-2287.
  5. Kang DW, et al (2009). Inflammatory and Hemostatic biomarkers associated with early recurrent ischemic lessions in acute ischemic stroke. Stroke, 40: 1653-1658.
  6. Koch HJ, Horm M, Bogdahn U and Ickenstein G.W (2005). The relationship between plasma D-Dimer concentrations and acute ischemic stroke subtypes. Journal of stroke and cerebralvascular diseases, 14: 75-79.
  7. Mehmet Ustundag, Murat Orak, Cahfer Guloglu, Yusuf Taman, Mustafa Burak Sayhan (2010). Plasma D-Dimer levels in acute ischemic stroke: association with mortality, stroke type and prognosis. Nobel Medicus, 6: 37-42.
  8. Righini M, Goehring C, et al (2000). Effects of age on the performance of common diagnostic tests for ulmonary embolism. Am J Med, 109(5): 357-361.
  9. Tohgi H, Kawashima M, et al (1990). Coagulation – fibrinolysis abnormalities in acute and chronic phases of cerebral brombosis and embolism. Stroke, 21: 1663 – 1667.
  10. Walter Ageno, Sergio Finazzi, et al (2002). Plasma measurement of D-dimer levels for the early diagnosis of ischemic stroke subtypes. Arch intern med, 162: 2589 – 2593.
  11. Young-Woopark, Eun-Jeong Koh, et al (2011). Correlation between serum D-dimer level and volume in acute ischemic stroke. J Korean Neurosurg SOC, 50: 89-94.

 

 

* PGS.TS. – Giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương TP.HCM

** BS. Khoa Nội thần kinh – BV. Nguyễn Tri Phương TP.HCM, ĐT: 0903.690309, Email: nguyenvansang2010@gmail.com