Nghiên cứu phản xạ da gan tay- cằm ở bệnh nhân Parkingson

 

Nhữ Đình Sơn*, Nguyễn Văn Quảng**

Bệnh viện 103, * Bệnh viện Đa khoa Thanh trì**

 

TÓM TẮT

Nghiên cứu 30 bệnh nhân Parkinson nguyên phát, 30 bệnh nhân hội chứng Parkinson có tuổi trung bình 71,77±7,57 và 30 đối tượng làm nhóm chứng chúng tôi thấy:

Tỷ lệ phản xạ da gan tay cằm (+) ở nhóm bệnh Parkinson là 80%, HC Parkinson là 66,67%, chung cho cả hai nhóm là 73,33% và nhóm chứng 23,33%

Độ nhạy và độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán bệnh Parkinson là 77,42% và 79,31%; HC Parkinson là 74,07 và 69,69%; cả hai nhóm là 86,27 và 58,97.

Phản xạ da gan tay cằm không liên quan đến giai đoạn, mức độ nặng của bệnh, thời gian mắc bệnhcũng như mức độ suy giảm nhận thức của BN mắc bệnh Parkinson nguyên phát.

Từ khóa: bệnh Parkinson, Hội chứng parkinson, phản xạ da gan tay cằm.

SUMMARY

Studying 30 patients with Parkinson’s disease, 30 patients with parkinson syndrome were average age of 71.77 ± 7.57 and 30 subjects to the control group we found:

Ratio of the palmomental reflex(+) in Parkinson’s disease group was 80%, parkinson syndrome is 66.67%, the same for both groups 73.33% and the control group was 23.33%.

The sensitivity and specificity of palmomental reflex in diagnosis of Parkinson’s disease is 77.42% and 79.31%, parkinson syndrome is 74.07 and 69.69%, two groups are 86.27 and 58, 97%.

The palmomental reflex not related to stages, the severity, the duration of the disease and degree of cognitive impairment of patients with Parkinson’s disease.

Keywords: Parkinson’s disease, parkinson syndrome, palmomental réflex.

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh hay gặp nhất của nhóm bệnh do rối loạn ngoại tháp. Cùng với xu hướng tuổi thọ càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh trong thời gian tới sẽ càng tăng cao. Việc chẩn đoán bệnh Parkinson cho tới nay vẫn chủ yếu dựa vào lâm sàng. Phản xạ da gan tay – cằm (palmomental reflex) còn gọi là phản xạ Marinesco là một trong các phản xạ bệnh lý hay gặp còn gọi là các phản xạ trục hay các phản xạ thân não. Phản xạ này có thể thấy ở người già khoẻ mạnh. Ở người trưởng thành, phản xạ biểu hiện trong liệt giả hành não, HC Parkinson.

Tại Việt nam chưa có các nghiên cứu về đặc điểm của phản xạ da gan tay cằm ở bệnh nhân Parkinson được công bố. Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu: Nhận xét giá trị chẩn đoán Parkinson của phản xạ da gan tay cằm ở bệnh nhân Parkinson.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

– Gồm 60 bệnh nhân (BN) mắc Parkinson điều trị tại khoa Thần kinh – Bệnh viện Hữu Nghị từ tháng 2/2013 đến tháng 7/2013 được chia thành hai nhóm: nhóm bệnh Parkinson và nhóm hội chứng (HC) Parkinson, mỗi nhóm 30 BN.

– Nhóm chứng: gồm có 30 người khỏe mạnh có đặc điểm về tuổi và giới tương tự nhóm bệnh.

Tiêu chuẩn chọn nhóm nghiên cứu:

Chẩn đoán bệnh Parkinson nguyên phát theo Hauser và cs (1997)[4]

– Có thể là bệnh Parkinson nếu có một trong các triệu chứng: run lúc nghỉ hoặc ở một tư thế, cứng đơ, giảm vận động.

– Nhiều khả năng là bệnh Parkinson nếu có hai trong các triệu chứng: run lúc nghỉ, cứng đơ, giảm vận động, tư thế bất an.

– Chẩn đoán chắc chắn bệnh Parkinson nếu có cả ba triệu chứng chính (run, giảm động, cứng đơ) hoặc hai triệu chứng chính với triệu chứng không đối xứng, loại trừ các nguyên nhân gây HC Parkinson thứ phát, hoặc run lúc nghỉ, triệu chứng không đối xứng, đáp ứng tốt với L-dopa.

– Các BN có HC Parkinson nhưng không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Parkinson được đưa vào nhóm  HC Parkinson.

– Các BN đều đáp ứng tốt với điều trị bằng L dopar

2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Tiến cứu, mô tả, cắt ngang, có đối chứng.

Các bước tiến hành nghiên cứu, tiêu chí nghiên cứu, đánh giá

Nhóm bệnh:

Lựa chọn BN theo tiêu chuẩn chọn. Khám lâm sàng thần kinh: Các BN Paskinson được khám bệnh và làm bệnh án nghiên cứu theo mẫu thống nhất.

Đánh giá giai đoạn bệnh theo Hoehn và Yahr. Đánh giá mức độ bệnh theo Thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS – part III). Đánh giá trầm cảm theo thang điểm Beck. Đánh giá suy giảm nhận thức dựa vào trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm trí tối thiểu của Folstein.

Khám phản xạ da – gan tay cằm. Cách làm phản xạ này như sau: dùng kim khám cảm giác vạch vào da gan bàn tay BN bắt đầu từ khe giữa ngón 1,2 xuống cổ tay, xuất hiện co cơ cằm cùng bên, da cằm hơi nhích lên trên. Làm cả hai tay.

Nhóm chứng

Chọn nhóm chứng theo tiêu chuẩn nghiên cứu. Khám phản xạ da – gan tay cằm.

Phương pháp đánh giá

Nhận xét tuổi khởi phát, thời gian mắc bệnh, mức độ bệnh, giai đoạn bệnh. Mối liên quan giữa phản xạ da gan tay cằm với mức độ, giai đoạn, thời gian mắc bệnh, mức độ suy giảm nhận thức ở nhóm bệnh Parkinson nguyên phát. So sánh với nhóm HC Parkinson và nhóm chứng.

Tỷ lệ BN có phản xạ da gan tay cằm, độ nhạy, độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán Parkinson.

Để đánh giá ý nghĩa chẩn đoán của một phương pháp so với 1 tiêu chuẩn khác, người ta dùng các đại lượng: độ nhạy, độ đặc hiệu, khả năng chẩn đoán chính xác và giá trị tiên đoán dương. Chúng tôi so sánh giá trị chẩn đoán của phản xạ da gan tay cằm (+) so với chẩn đoán lâm sàng.

Các giá trị này được tính theo bảng 2×2 thể hiện như sau:

Phản xạ da gan tay cằm Chẩn đoán lâm sàng Dương tính Âm tính Cộng
Parkinson a b a +b
Nhóm chứng c d c+d
Cộng a + c b +d a+b+c+d

So sánh giá trị chẩn đoán của phản xạ da gan tay cằm giữa nhóm bệnh Parkinson và HC Parkinson, giữa nhóm bệnh và nhóm chứng.

Xử lý số liệu: bằng phần mềm Stata 10. Các giá trị có ý nghĩa khi p < 0,05.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu

Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 71,77±7,57. Không có sự khác biệt về tuổi và giới giữa nhóm nghiên cứu và nhóm chứng. Nhóm HC Parkinson có tỉ lệ bị HC parkinson nguyên nhân mạch não là 86,66%. Đa số BN có thời gian mắc bệnh trong khoảng từ 1-5 năm (70%), 6-10 năm (30%). Số lượng BN mắc bệnh ở giai đoạn 2 và 3 là cao nhất với tỉ lệ lần lượt là 33,33% và 46,67%. 53,33% số BN có bệnh ở mức độ nặng. 43,33% có suy giảm nhận thức ở mức độ vừa.

2. Kết quả nghiên cứu về phản xạ da gan tay cằm

Bảng 1. Tần xuất gặp phản xạ da gan tay cằm trong nghiên cứu

Mục Phản xạ Phản xạ (+) Phản xạ ( – )
SL % SL %
I Nhóm bệnh Parkinson  (n =  30 ) 24 80,00 6 20,00
Nhóm chứng   (n=30) 7 23,33 23 76,67
P <0,05
II Nhóm HC Parkinson (n =  30) 20 66,67 10 33,33
Nhóm chứng  (n=30) 7 23,33 23 76,67
P <0,05
III Nhóm nghiên cứu  (n=60) 44 73,33 16 26,67
Nhóm chứng  (n =  30 ) 7 23,33 23 76,67
P <0,05

Nhận xét:Tỷ lệ BN có phản xạ da gan tay cằm dương tính ở nhóm bệnh Parkinson là 80%, nhóm HC Parkinson là 66,67%, tỷ lệ chung cả hai nhóm là 77,33%. So sánh các nhóm với nhóm chứng sự khác biệt đều có ý nghĩa thống kê p<0,05.

Bảng 2. Độ nhạy, độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm nhóm nghiên cứu (n=60)

Phản xạ da gan tay cằmChẩn đoán lâm sàng Dương tính Âm tính Cộng
Nhóm nghiên cứu 44 16 60
Nhóm chứng 7 23 30
Cộng 51 39 90

Ghi chú: Độ nhạy và độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán lâm sàng của nhóm nghiên cứu là 86,27% và 58,97%.

Bảng 3 . Độ nhạy, độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm nhóm bệnh Parkinson (n=30)

Phản xạ da gan tay cằm

Chẩn đoán lâm sàng

Dương tính Âm tính Cộng
Nhóm bệnh Parkinson 24 6 30
Nhóm chứng 7 23 30
Cộng 31 29 60

Ghi chú: Độ nhạy và độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán lâm sàng của nhóm bệnh Parkinson là 77,42% và 79,31%.

Bảng 4. Độ nhạy, độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm nhóm HC Parkinson

Phản xạ da gan tay cằm

Chẩn đoán lâm sàng

Dương tính Âm tính Cộng
Nhóm HC Parkinson 20 10 30
Nhóm chứng 7 23 30
Cộng 27 33 60

Ghi chú:Độ nhạy và độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán lâm sàng của nhóm HC Parkinson là 74,07% và 69,96%.

Bảng 5. Giá trị chẩn đoán của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán Parkinson

Số TT Chỉ số đánh giá Parkinson nói chung (n=60) Bệnh Parkinson (n=30) HC parkinson (n=30)
1 Độ nhạy (%) 86,27 77,42 74,07
2 Độ đặc hiệu (%) 58,97 79,31 69,69
3 Khả năng chẩn đoán chính xác (%) 44,26 24,38 20,38
4 Giá trị tiên đoán dương (%) 73,33 80,00 66,67

Bảng 6. Mối liên quan giữa phản xạ da gan tay cằm với mức độ bệnh

Triệu chứng

Mức độ

Phản xạ dương tính phản xạ âm tính p
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
Nhẹ (n=2) 2 100,00 0 0 >0,05
Vừa (n=8) 4 50,00 4 50,00
Nặng (n=16) 14 87,58 2 12,50
Rất nặng (n=4) 4 100,00 0 0

Nhận xét:Có sự khác biệt giữa mức độ bệnh với phản xạ da gan tay cằm ở nhóm bệnh Parkinson. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

Bảng 7: Mối liên quan giữa phản xạ da gan tay cằm với giai đoạn bệnh

Triệu chứng

Giai đoạn

Phản xạ dương tính phản xạ âm tính p
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
GĐ1 (n=1) 1 100,00 0 0 >0,05
GĐ2 (n=10) 7 70,00 3 30,00
GĐ3 (n=14) 14 100,00 0 0
GĐ4,5 (n=5) 4 80,00 1 20,00

Nhận xét:Phản xạ da gan tay cằm dương tính ở tất cả các giai đoạn của bệnh Parkinson, tuy nhiên sự khác biệt là không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

Bảng 8: Mối liên quan giữa phản xạ da gan tay cằm với thời gian mắc bệnh

Triệu chứng

Thời gian

Phản xạ dương tính phản xạ âm tính p
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
1-5 Năm (n=21) 16 76,19 5 23,81 >0,05
6-10 năm (n=9) 8 88,89 1 11,11
>10 năm (n=0) 0 0 0 0

Nhận xét:Không có sự khác biệt về tỷ lệ BN có phản xạ da gan tay cằm dương tính ở nhóm có thời gian mắc bệnh < 5 năm và >=5 năm.

Bảng 9: Mối liên quan giữa phản xạ da gan tay cằm với mức độ suy giảm nhận thức

Triệu chứng

Mức độ SGNT

Phản xạ dương tính phản xạ âm tính p
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
Không 11 78,57 3 21,43 >0,05
Nhẹ 2 66,67 1 33,33
Vừa 11 84,62 2 15,38

Nhận xét: Sự khác biệt về tỷ lệ phản xạ gan tay cằm dương tính ở các nhóm bệnh nhân có suy giảm nhận thức là không có ý nghĩa thống kê.

IV. BÀN LUẬN

1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

Đặc điểm về tuổi.

Theo đa số tác giả, bệnh Parkinson là bệnh của người cao tuổi  thường khởi phát ở người trên 50 tuôi, tuổi hay gặp nhất là 60 – 70 tuổi. Trương Thị Thu Hương [2] thấy độ tuổi trung bình của BN Parkinson là: 69.1 ± 8.9. Nguyễn Thế Anh cho thấy độ tuổi trung bình của BN Parkinson là: 69,98 ± 5,44, [1].

Độ tuổi trung bình mắc bệnh Parkinson là: 71,77 ± 7,57. Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có tuổi mắc cao hơn một số mẫu khác có thể là do đối tượng thu dung ở Bệnh viện Hữu Nghị là cán bộ về hưu nên tuổi của BN thường cao hơn ở các bệnh viện khác, hơn nữa đây là nhóm bệnh Parkinson và HC Parkinson nên tuổi có thể khác so với bệnh Parkinson.

Chúng tôi chọn nhóm chứng là những người khỏe mạnh có tuổi và giới tương tự nhóm bệnh để so sánh.

2. Phản xạ da gan tay cằm

Phản xạ da gan tay cằm là phản xạ có thể được thử dễ dàng và nhanh chóng. Sự  xuất hiện của phản xạ này có thể cho thầy thuốc lâm sàng biết về khả năng có bệnh lý não. Tuy nhiên, co cơ cằm mạnh, duy trì và dễ dàng lặp lại có thể tạo ra kích thích ở những vùng khác ngoài gan bàn tay. Phản xạ này có thể thấy ở người già khỏe mạnh. Ở người trưởng thành, phản xạ có thể thấy trong liệt giả hành não, trong bệnh và HC Parkinson [3,5].

Kết quả từ bảng 1 thấy: Phản xạ da gan tay cằm (+) ở bệnh Parkinson nguyên phát, HC Parkinson và nhóm Parkinson nói chung có tỷ lệ là: 80,00%; 66,67% và 73,33%. So với nhóm chứng thì sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

So với một số nghiên cứu ngoài nước chúng tôi thấy: A. Maertens De Noordhout , P. J. Delwaide (1988) đã thử nghiệm trên 356 người bình thường và 109 BN parkinson. Các tác giả thấy tỷ lệ phản xạ xuất hiện ở 16.3% người bình thường, ở BN parkinson tần suất gặp phản xạ là 71.5% [6]. B. Okuda, K. Kawabata và cs (2008) nghiên cứu phản xạ ở 132 BN mắc bệnh Parkinson và 55 BN HC Parkinson căn nguyên mạch não thấy rằng. Tỷ lệ phản xạ da gan tay cằm (+) ở nhóm HC Parkinson: Bệnh Parkinson là 53: 26 tác giả cho rằng tần xuất phản xạ da gan tay cằm ở nhóm HC Parkinson do mạch máu cao hơn bệnh Parkinson. Các tác giả kết luận: Phản xạ da gan tay cằm là một phản xạ khá hay gặp trong chẩn đoán bệnh Parkinson và HC Parkinson, có thể phản ánh gián tiếp giảm hoạt động hệ dopamin trong thể vân [8].

Chúng tôi chưa có các tài liệu tại Việt Nam công bố về vấn đề này.

Về giá trị chẩn đoán của phản xạ da gan tay cằm

Trong bệnh Parkinson cho đến nay vẫn dùng chẩn đoán lâm sàng là chính, chưa có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh.

Một số nghiên cứu đã đưa ra độ nhạy, độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán bệnh và HC Parkinson, chúng tôi lấy chẩn đoán lâm sàng làm tiêu chuẩn để tính độ nhạy độ đặc hiệu, khả năng chẩn đoán xác định và giá trị tiên đoán có bệnh của phản xạ da gan tay cằm. Kết quả thu được tính theo bảng 2×2 và thể hiện qua bảng 3,4,5 trong đó:

– Độ nhạy của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán bệnh Parkinson, HC Parkinson và Parkinson nói chung là 77,42; 74,07 và 86,27%.

– Độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán của ba nhóm ở trên lần lượt là 79,31%; 69,59% và 58,97%.

Theo như kết quả này thì phản xạ da gan tay cằm có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh Parkinson nguyên phát hơn nhóm HC Parkinson vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.Theo B. Okuda và cs tác giả thấy độ nhạy và  độ đặc hiệu của phản xa da gan tay cằm ở nhóm HC Parkinson do mạch máu là 84% và 82% [8]. Ngoài ra chúng tôi tính được giá trị tiên đoán (+) và khả năng chẩn đoán chính xác của phản xạ da gan tay cằm (bảng 3.22). Đối với bệnh Parkinson  là 80,00% và 24,28%. HC Parkinson là 66,67% và 20,38%. Cả hai nhóm nói chung 73,33 và 44,26.

Giá trị tiên đoán (+) là khả năng mắc bệnh trong điều kiện một kết quả xét nghiệm là dương tính. Như vậy khi BN có phản xạ da gan tay cằm (+)  thì có khoảng 73,33% khả năng bị bệnh Parkinson nói chung.

Các đại lượng này kết hợp với độ nhạy, độ đặc hiệu cho ta biết được giá trị trong chẩn đoán bệnh.

Qua tỷ lệ trên thấy rằng phản xạ da gan tay cằm có giá trị vừa phải trong chẩn đoán lâm sàng Parkinson góp một phần trong chẩn đoán bệnh mà cho đến nay chưa có tiêu chuẩn vàng chẩn đoán xác định.

Về mối liên quan giữa phản xạ da gan tay cằm với các biểu hiệu khác của bệnh Parkinson.

Từ bảng 6,7,8,9 chúng tôi thấy rằng phản xạ da gan tay cằm dương tính không liên quan tới mức độ bệnh, giai đoạn bệnh, thời gian mắc bệnh và mức độ suy giảm nhận thức ở BN Parkinson nguyên phát nói chung với (P > 0,05)

Maertens De. Noor và cs cho rằng có sự tương quan giữa mức độ rối loạn vận động với tỷ lệ dương tính và cường độ của phản xạ da gan tay cằm [6].Marx P., and Reschop J. (1980) thấy các phản xạ bệnh lý ở miệng có liên quan tới triệu chứng sa sút trí nhớ [7].

Chúng tôi chưa thấy các tác giả nào trong nước nghiên cứu và công bố về vấn đề trên.

Vì thời gian nghiên cứu ngắn, số lượng BN còn ít để đưa ra những nhận định một cách chính xác về mối liên quan của phản xạ da gan tay cằm với các biểu hiện khác của bệnh Parkinson cũng như giá trị trong chẩn đoán bệnh Parkinson.

V.KẾT LUẬN

Nghiên cứu 60 BN mắc bệnh Parkinson và HC Parkinson chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Tỷ lệ phản xạ da gan tay cằm (+) ở nhóm bệnh Parkinson là 80%, HC Parkinson là 66,67%, và chung cho cả hai nhóm là 73,33%.

Độ nhạy và độ đặc hiệu của phản xạ da gan tay cằm trong chẩn đoán bệnh Parkinson là: 77,42% và 79,31%. Trong chẩn đoán HC Parkinson là 74,07 và 69,69%. Nếu tính chung cho cả hai nhóm thì độ nhạy và độ đặc hiệu là 86,27 và 58,97.

Giá trị tiên đoán (+) và khả năng chẩn đoán chính xác của phản xạ da gan tay cằm đối với HC Parkinson là 20,38%; với bệnh Parkinson là 24,38% và Parkinson nói chung là 44,26%.

Phản xạ da gan tay cằm có thể gặp ở mọi giai đoạn của bệnh, không liên quan đến thời gian mắc bệnh, độ nặng của bệnh, cũng như mức độ suy giảm nhận thức của BN mắc bệnh Parkinson nguyên phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thế Anh (2008), Nghiên cứu một số đặc điểm chức năng nhận thức ở BN Parkinson cao tuổi, Luận văn thạc sỹ Y học Trường ĐH Y Hà Nội.
  2. Trương Thị Thu Hương (2006), Nghiên cứu rối loạn nhận thức ở bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, Luận văn tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp II Đại học y Hà Nội.
  3. Brodsky H., Dat Vuong K., Thomas M., Jankovic J., (2004). Glabellar and palmomental reflexes in Parkinsonian disorders. Neurology 63 (6), pp:1096-1098.
  4. Hauser R.A., et al.,(1997). Parkinson’s Disease – Questions and Answers. 2nd edition, Merit Pub Intl., 152 pages.
  5. Huber S. J.,  and Paulson G. W., (1986). Relationship between primitive reflexes and severity in Parkinson’s disease. J Neurol Neurosurg Psychiatry 49 (11), pp: 1298-1300.
  6. Maertens de Noordhout A., and Delwaide P. J., (1988). The palmomental reflex in Parkinson’s disease. Comparisons with normal subjects and clinical relevance. Arch Neurol 45 (4), pp: 425-427.
  7. Marx P., and Reschop J., (1980). The clinical value of the palmomental reflex. Neurosurg Rev 3 (3), pp: 173-177.
  8. Okuda B., Kawabata K., Tachibana H., Kamogawa K., and Okamoto K., (2008). Primitive reflexes distinguish vascular parkinsonism from Parkinson’s disease. Clin Neurol Neurosurg 110 (6), pp: 562-565.