NGHIỆM PHÁP GÂY MẤT NGỦ MỘT PHẦN TRONG VIỆC PHÁT HIỆN SÓNG DẠNG ĐỘNG KINH

NGHIỆM PHÁP GÂY MẤT NGỦ MỘT PHẦN TRONG VIỆC PHÁT HIỆN SÓNG DẠNG ĐỘNG KINH

Lê Văn Tuấn*, Đỗ Quốc Hùng**

TÓM TẮT

Mục tiêu: Xác định hiệu quả của nghiệm pháp gây mất ngủ một phần trong việc phát hiện các phóng điện dạng động kinh trên điện não đồ.

Phương pháp: Khảo sát đoàn hệ tiến cứu, trên 150 bản điện não của 75 bệnh nhân động kinh (mỗi BN được đo EEG 02 lần, lần I là EEG không sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, lần II là EEG có sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần) đến khám và điều trị tại khoa Nội Thần Kinh tổng quát – Bệnh viện Nhân Dân 115.

Kết quả: Khi không sử dụngnghiệm pháp gây mất ngủ một phần, chỉ có 13 trên tổng số 75 bản ghi EEG có ghi nhận sự xuất hiện của các phóng điện dạng động kinh, chiếm tỷ lệ 17,3%. Sau khi sử dụngnghiệm pháp gây mất ngủ một phần, có 44 trên tổng số 75 bản ghi EEG có ghi nhận sự xuất hiện của các phóng điện dạng động kinh, chiếm tỷ lệ 58,7%. Có mối liên hệ nhân quả giữa nghiệm pháp gây mất ngủ một phần với các phóng điện dạng động kinh ngoài cơn, thể hiện qua phép kiểm  c2 McNemar với kết quả Chi-Square = 20 > 1, có ý nghĩa thống kê với p < 0,001, và RR = 1,32.

Kết luận: Nghiệm pháp gây mất ngủ một phần có khả năng làm tăng sự xuất hiện các phóng điện dạng động kinh so với khi không sử dụng nghiệm pháp này. Do đó, ngoài các nghiệm pháp kích thích đã sử dụng thường qui (NP hít thở sâu, NP kích thích ánh sáng), cần ứng dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần nhiều hơn trong kỹ thuật đo điện não; để nâng cao chất lượng bản ghi EEG, hỗ trợ với lâm sàng và hình ảnh học trong việc chẩn đoán và điều trị động kinh.

Từ khóa: Nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, điện não đồ, động kinh.

PARTIAL SLEEP DEPRIVATION FOR ACTIVATING INTERICTAL EPILEPTIFORM DISCHARGES

Le Van Tuan*, Do Quoc Hung**

ABSTRACT

Objectives: Define effectiveness of partial sleep deprivation as a trigger method of interictal epileptiform discharges (IED) on electroencephalography (EEG).

Methods: Prospective cohort study on 150 EEG tracings of 75 suspected epilepsy patients  admitted on Department of General Neurology – 115 People Hospital (two EEG recordings of every patient in which the first recording is with non – partial sleep deprivation and the second one was with  partial sleep deprivation).

Results:

There were only 13 (17.3%) of the first recordings with non – partial sleep deprivation showed IED. The abnormal EEG with IED were increase to 44 (58.7%) among the second recordings with partial sleep deprivation.

There was a cause – effect relationship between partial sleep deprivation procedure and IED presenting by c2 McNemar test (Chi-Square = 20, p<0.001).

Conclusions: Partial sleep deprivation activates IED and is useful in evaluation of suspected epilepsy.

Key words: partial sleep deprivation, electroencephalography, epilepsy.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Động kinh là một trong các bệnh mạn tính thường gặp của hệ thần kinh trung ương; xảy ra ở tất cả các lứa tuổi và chủng tộc, các quốc gia và ở cả hai giới. Bệnh có thể gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội, thể chất và tâm lý.

Chẩn đoán bệnh động kinh là chẩn đoán lâm sàng. Điện não đồ (EEG) đóng vai trò hỗ trợ chẩn đoán, giúp phân loại cơn động kinh và hội chứng động kinh; từ đó giúp chọn lựa điều trị và giúp tiên lượng bệnh.

Điện não đồ thường qui cho kết quả dương tính trong khoảng 20-50% các trường hợp (5). Do đó, các nghiệm pháp hoạt hóa như hít thở sâu, kích thích ánh sáng, ngủ và gây mất ngủ, được áp dụng nhằm làm tăng độ nhạy của kỹ thuật chẩn đoán này.

Gây mất ngủ là một phương pháp hữu ích để kích hoạt các phóng điện dạng động kinh trong và ngoài cơn ở những bệnh nhân bị động kinh. Nghiệm pháp gây mất ngủ có khả năng kích hoạt các phóng điện dạng động kinh một cách trực tiếp và gián tiếp (do làm cho bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ trong quá trình đo điện não).

Tuy nhiên, việc thức suốt đêm trước khi đo EEG cũng như khả năng có thể tái phát cơn động kinh khi làm nghiệm pháp mất ngủ là một gánh nặng đối với bệnh nhân, thân nhân và cả nhân viên y tế (4). Để khắc phục nhược điểm này, một số tác giả đã đề nghị cho bệnh nhân ngủ một thời gian ngắn thay vì phải thức suốt đêm. Nghiệm pháp gây mất ngủ một phần đã được chứng minh có hiệu quả trong một vài công trình nghiên cứu(1, 9).

Ở Việt nam hiện nay, kỹ thuật đo EEG chưa được quan tâm đúng mức và chuẩn hóa theo những tiêu chuẩn của các Hiệp hội chống động kinh trong khu vực và trên thế giới. Hầu hết các phòng điện não ở các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh đều chưa ứng dụng nghiệm pháp gây ngủ, cũng như gây mất ngủ và gây mất ngủ một phần trong qui trình chẩn đoán động kinh. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Nghiệm pháp gây mất ngủ một phần trong việc phát hiện sóng dạng động kinh” với các mục tiêu sau:

– Xác định tỷ lệ phóng điện dạng động kinh trên EEG không sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần.

– Xác định tỷ lệ phóng điện dạng động kinh  trên EEG có sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần.

– Xác định các yếu tố có liên quan đến sự xuất hiện của phóng điện dạng động kinh.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng

Bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng bị bệnh động kinh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 08/2010 đến tháng 06/2011.

Bệnh nhân thỏa các tiêu chí chọn mẫuvà tiêu chí loại trừ sẽ được đo EEG 02 lần. Lần 1 (không sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần) thường vào buổi trưa ngay sau khi vào viện. Lần 2 (có sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần) thường vào buổi trưa ngày kế tiếp.

Thiết kế nghiên cứu: Đoàn hệ tiến cứu.

Kỹ thuật chọn mẫu: Ngẫu nhiên không xác suất.

Xử lý số liệu: Phần mềm SPSS phiên bản 11.5.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu

Tỷ lệ giới tính trong mẫu nghiên cứu: Nam: 60% – Nữ: 40%

Tuổi trung bình của bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là 43,2 ± 19,2 tuổi, trẻ nhất là 13 và lớn nhất là 84.

45% các trường hợp không có bệnh lý gì trước đây. Bệnh lý thường gặp nhất trong tiền sử bệnh là tai biến mạch máu não (17,3%), sau đó là chấn thương sọ não (12%), còn lại là các bệnh lý khác (25,7%).

Cơn động kinh thường gặp nhất là động kinh toàn thể hóa (76%), sau đó là cơn cục bộ vận động (10,7%), cục bộ phức tạp (8%), cục bộ cảm giác (2,7%). Loại cơn ít gặp nhất là cơn cục bộ thực vật (1,3%) và động kinh cơn lớn (1,3%).

Phần lớn các trường hợp cơn động kinh mới xuất hiện trong vòng một tháng (41%). Tuy nhiên, có 19% trường hợp đã bị co giật trên 1 năm.

72% các trường hợp có ít hơn 10 cơn động kinh trước khi nhập viện; 28% các trường hợp có từ 10 cơn động kinh trở lên.

72% các trường hợp được tiến hành đo EEG trong vòng 48 giờ đầu tiên.

70,6% các trường hợp có bệnh lý khác đi kèm với bệnh động kinh. 29,3% trường hợp bệnh động kinh là biểu hiện duy nhất.

20% bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu có triệu chứng thần kinh khu trú, 80% trường hợp còn lại bình thường khi thăm khám thực thể thần kinh.

Kết quả điện não đồ

Trước khi thực hiện nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, tỷ lệ bản ghi EEG có kết quả bất thường là 54,6%; Sau khi thực hiện nghiệm pháp, tỷ lệ này tăng lên 73,3%.

Trong 54,6% bản ghi có kết quả bất thường trước khi thực hiện nghiệm pháp gây mất ngủ một phần: 17,3% có phóng điện dạng động kinh và có thể có cả sóng bất thường không có dạng động kinh; 37,3% chỉ có các sóng bất thường không có dạng động kinh. Trong 73,3% bản ghi có kết quả bất thường sau khi thực hiện nghiệm pháp: 58,7% có phóng điện dạng động kinh và có thể có cả sóng bất thường không có dạng động kinh; 14,6% chỉ có các sóng bất thường không có dạng động kinh.

Trước khi sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, vị trí thường gặp nhất của các phóng điện dạng động kinh là vùng trán (61,5%), và cả trán lẫn thái dương hoặc trung tâm (23,1%). Sau khi làm nghiệm pháp, vị trí thường gặp nhất của các phóng điện dạng động kinh là vùng trán (47,7%), kế tiếp là vùng thái dương (31,8%) và cả trán lẫn thái dương hoặc trung tâm (9,1%)

Trước khi thực hiện nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, các phóng điện dạng động kinh xuất hiện trong giai đoạn thức và cả lúc thức lẫn lúc ngủ khoảng 39% các trường hợp. Sau khi thực hiện nghiệm pháp, tỷ lệ này tăng lên 59%.

Trước khi thực hiện nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, có 32 bản ghi không ghi nhận được giai đoạn ngủ, chiếm tỷ lệ 42,7%; các trường hợp còn lại chỉ có biểu hiện của các giai đoạn 1 và 2 của giấc ngủ không có cử động mắt nhanh. Sau khi thực hiện nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, số bản ghi không ghi nhận được giai đoạn ngủ là 9 trường hợp, chiếm tỷ lệ 12%; đặc biệt, ghi nhận được các giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ không có cử động mắt nhanh với tỷ lệ tương ứng là 14,7% và 1,3%.

Hiệu quả của nghiệm pháp gây mất ngủ một phần trong việc phát hiện sóng dạng động kinh

Khi không sử dụngnghiệm pháp gây mất ngủ một phần, chỉ có 17,3% bản ghi EEG có ghi nhận sự xuất hiện của các phóng điện dạng động kinh. Sau khi sử dụngnghiệm pháp, tỷ lệ này là 58,7%.

Test c2 McNemar

N 75
Chi-Square 20
P < 0,001

Phép kiểm c2 McNemar cho kết quả Chi-Square = 20 > 1, có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.

Số đo kết hợp RR

Phóng Điện Dạng Động Kinh
    Sau NP  
    Không Cộng
Trước NP Không 38 24 62
6 7 13
  Cộng 44 31 75

RR = (38/62)/(6/13) = 1.32

Các yếu tố có liên quan đến sự xuất hiện của phóng điện dạng động kinh

Yếu tố Hệ số

B

Khoảng tin cậy 95% của hệ số B p Hệ số chuẩn hóa

Beta

Nhóm tuổi 0,008 0,003 0,013 0,001 0,325
Khoảng thời gian bị động kinh -0,005 -0,008 -0,002 0,002 -0,319
Số cơn động kinh 0,016 0,006 0,026 0,002 0,316
Cơn động kinh cuối -0,008 -0,013 -0,003 0,002 -0,318

Khả năng xuất hiện các phóng điện dạng động kinh tăng thuận chiều với số tuổi và số cơn động kinh, tăng ngược chiều với khoảng thời gian bị động kinh cũng như khoảng thời gian tính từ cơn động kinh cuối đến lúc đo điện não.

BÀN LUẬN

Về tỷ lệ bản điện não có phóng điện dạng động kinh trước và sau khi thực hiện nghiệm pháp gây mất ngủ một phần

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tất cả các bệnh nhân đều trải qua nghiệm pháp gây mất ngủ một phần với thời gian ngủ tối đa là 03 giờ vào buổi tối trước (đi ngủ lúc 24h, thức dậy lúc 03 giờ). Hầu hết các bệnh nhân được đo EEG vào buổi trưa sau khi ăn, trong phòng tối và yên tĩnh. Tất cả các bản ghi EEG đều kéo dài 1 giờ. Trong khoảng 15 phút đầu tiên là EEG giai đoạn thức với đầy đủ các nghiệp pháp hoạt hóa như kích thích ánh sáng cũng như nhắm mở mắt và tăng thông khí ở bệnh nhân hợp tác. Khoảng 45 phút còn lại là giai đoạn ngủ với giấc ngủ tự nhiên, không dùng thuốc.

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hồng Thanh (7): Trước “đêm trắng”, 24/35 bệnh nhân có kết quả bất thường (60%); trong đó 21/35 bệnh nhân có các sóng bất thường không có dạng động kinh bao gồm các sóng chậm theta và delta (60%); chỉ có 2/35 bệnh nhân có ghi nhận các phóng điện dạng động kinh bao gồm các hình thức tổ hợp của các nhọn/đa nhọn/sóng chậm (8,6%). Sau “đêm trắng”, 29/35 bệnh nhân có kết quả điện não bất thường (82,9%); trong đó chỉ có 8/35 bệnh nhân có các sóng bất thường không có dạng động kinh (22,8%); tỷ lệ các bản ghi điện não có các phóng điện dạng động kinh tăng đáng kể (60,1%).  Tác giả đã đưa ra một kết luận chung là nghiệm pháp gây mất ngủ làm tăng tỷ lệ thay đổi sóng nền và sóng kịch phát trên điện não đồ từ 68,6% lên 82,9 % và sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Nghiên cứu của J. A. Carpay và cộng sự (1) trên 552 trẻ em và thiếu niên, từ 1 tháng đến 16 tuổi, có hai hay nhiều cơn động kinh trong quá khứ. Tất cả bệnh nhân được đo EEG thường quy. Trong các trường hợp EEG thường quy cho kết quả bình thường, sẽ tiến hành đo EEG lần thứ II có sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần. Bệnh nhân được gây mất ngủ một phần tùy theo lứa tuổi: từ 0-2 tuổi: EEG được ghi trong giấc ngủ trưa; từ 3-10 tuổi: bệnh nhân được ngủ tối đa 07 giờ vào tối hôm trước; từ 11-15 tuổi: thời gian ngủ tối đa vào tối hôm trước là 05 giờ. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ phát hiện sóng dạng động kinh của EEG thường quy là 56%; Trong 44% các trường hợp còn lại, EEG có sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần giúp phát hiện sóng dạng động kinh thêm 34,5% (tương đương 11% nếu tính trên tổng số 552 bệnh nhân). Do đó, nếu tính trên tổng số 552 bệnh nhân trong nghiên cứu, bản ghi EEG lần thứ II có sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần làm tỷ lệ phát hiện sóng dạng động kinh từ 56% (với EEG thường quy) tăng lên 67%.

R.Peraita-Adrados(8) đã tiến hành ghi EEG trên 686 bệnh nhân có ít nhất 1 cơn động kinh trong quá khứ. Bệnh nhân được gây mất ngủ một phần từ 1 đến 3 giờ vào đêm hôm trước (3 giờ đối với người lớn; 2 giờ đối với thanh thiếu niên; 1 giờ đối với trẻ em và không sử dụng nghiệp pháp gây mất ngủ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi); sau đó được đo EEG liên tục trong 02 tiếng (từ 1 đến 3 giờ chiều) ngày hôm sau. Trong số này, 40 trường hợp có kết quả không rõ ràng được đo EEG lần thứ hai. Phóng điện dạng động kinh ngoài và trong cơn được ghi nhận ở 40,4% các trường hợp khi đo EEG lần đầu và 35% trong 40 trường hợp đo lần thứ hai.

Trước khi sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, tỷ lệ xuất hiện các phóng điện dạng động kinh theo nghiên cứu của chúng tôi là 17%. Kết quả này cao hơn của tác giả Nguyễn Hồng Thanh (8,6%) do tác giả ghi EEG theo qui trình thường quy(7,2), trong khi đó bản ghi EEG của chúng tôi có thời gian dài hơn (01 giờ). Kết quả này thấp hơn đáng kể so với kết quả nghiên cứu của tác giả J. A. Carpay (56%), do tác giả có thể kéo dài thời gian ghi đến 1,5 giờ trong trường hợp chưa ghi nhận được EEG giấc ngủ của bệnh nhân, và tuổi trung bình trong nhóm nghiên của tác giả nhỏ hơn trong nghiên cứu của chúng tôi(6,3).

Sau khi sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, tỷ lệ xuất hiện các phóng điện dạng động kinh theo nghiên cứu của chúng tôi là 59%. Kết quả này tương đương của tác giả Nguyễn Hồng Thanh (60,1%) và J. A. Carpay (67%). Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hồng Thanh tuy sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ toàn bộ (“đêm trắng”) nhưng thời gian của bản ghi ngắn hơn (EEG thường quy).

Về số đo kết hợp RR

Trong nghiên cứu của chúng tôi, số đo kết hợp RR=1,32. Điều này có thể diễn giải như sau: Sau nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, khả năng xuất hiện các phóng điện dạng động kinh ở nhóm không có IED gấp 1,32 lần nhóm có IED khi không sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần. Giá trị 1,32 nhỏ hơn kỳ vọng (RR=1,5) có thể do cỡ mẫu nhỏ, thời gian đo EEG ngắn (01 giờ) và điều kiện phòng ốc trang thiết bị không tốt (tiếng ồn).

Về các yếu tố có liên quan đến sự xuất hiện của phóng điện dạng động kinh

Sự xuất hiện của các phóng điện dạng động kinh ngoài cơn tăng cùng chiều với nhóm tuổi của bệnh nhân và số cơn động kinh trước khi đo EEG; tăng ngược chiều với khoảng thời gian bị động kinh và thời gian tính từ cơn động kinh cuối đến lúc đo điện não. Hay nói cách khác: các phóng điện dạng động kinh ngoài cơn dễ xuất hiện ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều cơn động kinh, mới bị động kinh gần đây và được đo điện não sớm.

C. Ajmone Marsan và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trên 1824 bản ghi điện não từ 308 bệnh nhân (trung bình 6 bản EEG/ 1 bệnh nhân). Từ nghiên cứu của mình, tác giả đã đưa ra kết luận: yếu tố tuổi tác, bao gồm cả tuổi lúc đo điện não và tuổi lúc khởi phát động kinh, có liên quan đến sự xuất hiện của các phóng điện dạng động kinh. Các bản ghi điện não có nhiều khả năng bắt được các phóng điện này ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi và nhiều khả năng bình thường ở nhóm bệnh nhân lớn hơn 40 tuổi. Thêm vào đó, khi xét đến các yếu tố như khoảng thời gian tính từ cơn động kinh cuối đến lúc đo điện não và số cơn động kinh trước khi đo, tác giả nhận định: khoảng thời gian tính từ cơn động kinh cuối đến lúc đo điện não càng ngắn và/hoặc số cơn động kinh càng nhiều thì tỷ lệ bắt được các phóng điện dạng động kinh càng cao(6).

Trong một nghiên cứu đa trung tâm tại Đức, Hungary và Thụy Điển trên 303 bệnh nhân, Jozsef Janszky và cộng sự thấy rằng: các yếu tố như tuổi của bệnh nhân, khoảng thời gian bị động kinh và số cơn động kinh càng nhiều thì tỷ lệ bắt được các phóng điện dạng động kinh càng cao (theo phân tích đơn biến). Tuy nhiên, khi phân tích hồi quy logistic, chỉ có tần suất cơn cao (p<0,001) và khoảng thời gian bị động kinh lâu (p=0,007) là có liên quan đến khả năng bắt được các phóng điện dạng động kinh trên điện não đồ, còn yếu tố tuổi của bệnh nhân thì không(3).

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Mark A. King và cộng sự , ghi điện não trong vòng 24 giờ sau cơn động kinh cuối có khả năng bắt được các phóng điện dạng động kinh nhiều hơn so với ghi điện não sau 24 giờ (51% so với 34%)(9).

Như vậy, khi so sánh kết quả nghiên cứu của chúng tôi với các tác giả trên, có thể rút ra một số nhận xét:

– Tuổi của bệnh nhân tại thời điểm đo EEG tăng cùng chiều với tần suất của các phóng điện dạng động kinh; khác với các kết quả của các tác giả C. A. Marsan và  J. Janszky.

– Số cơn động kinh trước khi đo EEG tăng cùng chiều với tần suất của các phóng điện dạng động kinh; phù hợp với các kết quả của các tác giả C. A. Marsan và J. Janszky.

– Khoảng thời gian tính từ lúc bị động kinh đến lúc đo EEG tăng ngược chiều với tần suất của các phóng điện dạng động kinh; phù hợp với kết quả của tác giả C. A. Marsan nhưng khác với kết quả của J. Janszky.

– Thời gian tính từ cơn động kinh cuối đến lúc đo EEG tăng ngược chiều với tần suất của các phóng điện dạng động kinh; phù hợp với kết quả của các tác giả C. A. Marsan và M. A. King.

– Sự khác biệt trên có thể do cỡ mẫu của chúng tôi quá bé so với các tác giả.

KẾT LUẬN

Nghiệp pháp gây mất ngủ một phần có tác dụng kích hoạt các phóng điện dạng động kinh trên điện não đồ ở bệnh nhân bị động kinh. Do đó, ngoài các nghiệm pháp kích thích đã sử dụng thường qui, cần ứng dụng nghiệm pháp gây mất ngủ một phần nhiều hơn trong kỹ thuật đo điện não; để nâng cao chất lượng bản ghi EEG.

Ngoài nghiệm pháp gây mất ngủ một phần, còn có các yếu tố khác làm tăng khả năng xuất hiện của các phóng điện dạng động kinh ngoài cơn, bao gồm: nhóm bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều cơn động kinh, mới bị động kinh gần đây và được đo điện não sớm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Carpay J.A., et al (1997). “The diagnostic yield of a second EEG after partial sleep deprivation: a prospective study in children with newly diagnosed seizures”. Epilepsia, 38(5): p. 595-9..
  2. Flink R, Guekht AB, Malmgren K, Michelucci R, Neville B, Pinto F, Stephani U, Ozkara C (2002). “Guidelines for the use of EEG methodology in the diagnosis of epilepsy. International League Against Epilepsy: commission report. Commission on European Affairs: Subcommission on European Guidelines”. Acta Neurol Scand, 106(1): p. 1-7.
  3. Janszky J, et al (2005). “Spike frequency is dependent on epilepsy duration and seizure frequency in temporal lobe epilepsy”. Epileptic Disord, 7(4): p. 355-9.
  4. Kubicki S, Wittenbecher H (1991). “Short-term sleep EEG recordings after partial sleep deprivation as a routine procedure in order to uncover epileptic phenomena: an evaluation of 719 EEG recordings”. Epilepsy Res Suppl, 2: p. 217-30.
  5. Lawrence J Hirsch M and M Hiba Arif (2009). “Electroencephalography (EEG) in the diagnosis of seizures and epilepsy“. Up To Date.
  6. Marsan C, Zivin LS (1970). “Factors related to the occurrence of typical paroxysmal abnormalities in the EEG records of epileptic patients”. Epilepsia, 11: p. 361.
  7. Nguyễn Hồng Thanh (2011). Nghiên cứu đặc điểm điện não đồ sau đêm trắng. Hội nghị Thần kinh học 2011
  8. Peraita-Adrados R, et al (2001). “Nap polygraphic recordings after partial sleep deprivation in patients with suspected epileptic seizures”. Neurophysiol Clin, 31(1): p. 34-9.
  9. Werhahn Konrad J.. (2009). “Epilepsy in the elderly”. Continuing medical education, Review article. Dtsch Arztebl int 2009; 106(9), pp.135-42.

 

 

 

* TS BS; Bộ môn Thần Kinh, ĐHYD Tp. HCM

** BS Khoa Nội Thần kinh tổng quát – BV Nhân Dân 115, ĐT: 0903886333, Email: doquochung97@yahoo.com.vn