Lược sử Hội thần kinh học Việt Nam

LƯỢC SỬ HỘI THẦN KINH HỌC VIỆT NAM

GS.TS. Lê Đức Hinh, PGS.TS. Nguyễn Chương

Hội Thần kinh học Việt Nam

TÓM TẮT                                

Bài viết trình bày tóm lược các giai đoạn chính về sự hình thành và phát triển của Hội Thần kinh học Việt Nam. Trên cơ sở các hoạt động của Khoa Tinh Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tinh Thần kinh Trường Đại học Y Dược Khoa Hà Nội từ năm 1956 cùng với sự cộng tác của ba ngành Thần kinh học, Tâm thần học và Phẫu thuật Thần kinh dân y và quân y, ngày 3 tháng 9 năm 1962 Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam đã ra đời. Sau khi thống nhất đất nước, căn cứ vào nhu cầu phát triển và hoạt động thực tế của ba chuyên ngành, Chính phủ đã giải thể Hội ngày 24 tháng 1 năm 1997 và cho phép tổ chức ba Hội độc lập. Như vậy Hội Thần kinh học Việt Nam chính thức thành lập ngày 20 tháng 5 năm 1998. Hiện nay cả nước đã có trên 300 hội viên tham gia sinh hoạt trong năm Chi hội khu vực ở Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thanh Hoá, Thái Nguyên và Hà Nội. Hội Thần kinh học Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (ASNA), Hiệp hội Thần kinh học Châu Á và châu Đại Dương (AOAN) và Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (WFN).

 I. MỞ ĐẦU

Dưới thời đất nước còn bị đô hộ, ở Việt Nam không có chuyên khoa Thần kinh học. Trong các cơ sở bệnh viện của chế độ cũ như ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn, các bệnh nhân thường thấy nằm rải rác tại các Khoa, Phòng khác nhau: người lớn được điều trị trong các khu Nội thương hoặc Truyền nhiễm, trẻ em trong các khoa Nhi còn các bệnh nhân loạn  trí được giữ riêng trong một số trại như ở Bắc Giang, Biên Hoà… Riêng tại Bệnh Viện Cống Vọng Bạch Mai sau khi được cải tạo năm 1939 vẫn có một khu vực đặc biệt được gọi là “ Khu Điên và Tù” (Service des Aliénés et Prisonniers) nhưng trên lối cửa ra vào nơi này từ năm 1949 lại được ghi dòng chữ “Khoa Thần Kinh”! Thực chất không phải là Khoa mà cũng chẳng phải là Thần kinh vì đó là nơi giam giữ các bệnh nhân loạn thần nặng và các tù nhân bị ốm đau kể cả các phạm nhân chính trị. Còn tại Trường Đại học Y Dược khoa thời trước không thấy giảng dậy về Thần kinh học và Tâm thần học.

Lịch sử của chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam chỉ bắt đầu từ sau khi miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng tháng 10 năm 1954. Theo Quyết định của Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2 tháng 12 năm 1956 Khoa Thần kinh và Tinh thần đầu tiên, gọi tắt là Khoa Tinh Thần Kinh, được thành lập tại Bệnh viện Bạch Mai trên mảnh đất của Khu Điên và Tù cũ, đồng thời với sự khai giảng của Bộ môn Tinh Thần Kinh ở Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, một thầy thuốc chuyên khoa về Thần kinh và Tinh thần, nguyên Trưởng Khoa lâm sàng tại Đại học Y khoa Paris ở Pháp về, được giao phụ trách Trưởng Khoa và Trưởng Bộ môn đầu tiên của chuyên ngành, Từ đầu năm 1957, các hoạt động khám chữa bệnh, giảng dậy sinh viên và đào tạo cán bộ chuyên khoa Tinh Thần Kinh được song song triển khai. Khoa là cơ sở thực hành của Bộ môn và được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp Bộ chỉ đạo ngành Tinh Thần Kinh.

Lúc đầu với khoảng 80 giường nội trú phần lớn dành cho các bệnh nhân loạn thần, Khoa đã bố trí một buồng riêng cho các bệnh nhân thần kinh. Đồng thời đã mở một Phòng Khám và Điều trị ngoại trú Tinh Thần Kinh. Có thể nói bộ phận nhỏ bé Phòng Thần kinh và Phòng Khám Ngoại trú ngày đó là tiền thân của Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai ngày nay

II. TIỀN ĐỀ CỦA SỰ THÀNH LẬP HỘI CHUYÊN KHOA

Từ khi khai trương các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực Thần kinh học và Tâm thần học, Khoa thường xuyên liên hệ với các khoa Tai – Mũi – Họng, Nội, Điện quang, Xét nghiệm trong Bệnh viện Bạch Mai và các Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Chấn thương Chỉnh hình tại các Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) và Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) để hội chẩn và điều trị bệnh nhân thần kinh. Với sự cộng tác như vậy, công trình đầu tay của Khoa và Bộ môn về “Hội chứng thần kinh của u độc nền sọ” được báo cáo vào tháng 3 năm 1957 tại Tổng hội Y Dược học Việt Nam và Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội.

Một chương trình giảng dậy về Thần kinh học và Tâm thần học hoàn toàn bằng tiếng Việt được bắt đầu từ năm 1957 và từ năm 1959 Khoa đón nhận sinh viên y khoa năm thứ IV đến thực tập. Cùng với giảng dậy lý thuyết tại Trường, việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật mới tại Khoa trong chẩn đoán và điều trị các bệnh thần kinh và tâm thần ngày đó đã tạo nên một thế đứng vững của chuyên khoa trong nền y học và y tế của nước nhà.

Một đặc điểm rất quan trọng trong giai đoạn từ năm 1956 đến năm 1960 là sự xây dựng Khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện  Việt – Đức và Khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, sự phát triển Khoa Phẫu thuật Thần kinh Viện Quân y 108 và Khoa Thần kinh – Tâm thần Viện Quân y 103. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để các thầy thuốc chuyên khoa cùng nhau gặp gỡ, tập trung trí tuệ và khả năng chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Chính sự hội tụ của các cánh chim đầu đàn như các Thầy Nguyễn Quốc Ánh, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Thường Xuân, Lê Văn Chánh, Đặng Đình Huấn, cùng đội ngũ tiên phong như các thầy Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Chương, Phan Chúc Lâm, Lê Xuân Trung, Nguyễn Việt, Trần Đình Xiêm và chuyên gia nước ngoài như các Bác sĩ  KOMÁROMY LÁSZLO, KOLEK, KENAROV,BOSZORMYNÉI… đã góp phần từng bước đẩy mạnh sự phát triển các chuyên khoa Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh ở Việt Nam.

Cũng từ năm 1980, Khoa Tinh Thần kinh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn cho các y sĩ  các địa phương xử trí những trường hợp cấp tính về thần kinh và tâm thần cũng như theo rõi điều trị các bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển trở về địa phương. Công tác giảng dậy được tiếp tục mở rộng với các lớp sinh viên y khoa năm thứ V theo học chuyên khoa, các lớp chuyên khoa khác đi luân hệ Tinh Thần Kinh và các lớp y sĩ cao cấp bổ túc lên Bác sĩ.

Ngày 8 tháng 3 năm 1960, Khoa Thần kinh và Tinh thần Bệnh viện Bạch Mai được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Y tế Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tới thăm. Đây thực sự là một động viên vô cùng to lớn đối với Khoa trong nhiệm vụ điều trị, giảng dậy, đào tạo và phát triền chuyên khoa. Như vậy, tới tháng 8 năm 1960 đã có 9 Y sĩ chuyên khoa Tinh Thần Kinh đầu tiên về nhận công tác xây dựng cơ sở tại các tỉnh lớn ở miền Bắc, bước đầu hình thành một mạng lưới chuyên khoa Tinh Thần Kinh ở nước ta.

 III. SỰ THÀNH LẬP HỘI THẦN KINH, TÂM THẦN VÀ PHẪU THUẬT THẦN KINH VIỆT NAM

Trong bối cảnh nêu trên, việc tập hợp lực lượng chuyên môn của ba chuyên khoa là một yêu cầu thiết yếu. Công tác chuẩn bị tổ chức và nhân sự được xúc tiến trong tháng 8 năm 1962 với sự tham gia của các đại diện ba chuyên khoa.

Ngày 1 tháng 9 năm 1962, Đại hội lần thứ 1 của ba ngành chuyên khoa trong dân y và quân y được tổ chức trọng thể tại Giảng đường C Bệnh viện Bạch Mai. Một số công trình nghiên cứu khoa học báo cáo tại hội nghị bao gồm các vấn đề thời sự về thần kinh học, tâm thần học và phẫu thuật thần kinh trong nước. Ban trù bị thành lập Hội đã xin ý kiến các đại biểu trong Đại hội về cơ cấu của các cấp lãnh đạo và được sự nhất trí của toàn thể Đại Hội. Ngày 3 tháng 9 năm 1962, Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam chính thức ra đời tại Bệnh viện Bạch Mai dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Đại diện Chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam. Ban Chấp hành gồm: Bác sĩ Đặng Đình Huấn, Chủ tịch Hội; đồng Phó Chủ tịch là Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, và Bác sĩ Phạm Gia Triệu; Tổng Thư ký là Bác sĩ Nguyễn Thường Xuân. Tham gia Ban chấp hành có các Bác sĩ Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Việt, Trần Đình Xiêm, Nguyễn Chương và một số đại biểu khác. Trụ sở của Hội đặt tại  Khoa Thần kinh và Tinh thần Bệnh viện Bạch Mai. Hội quyết định duy trì sinh hoạt khoa học định kỳ hàng tháng và dự kiến tiến hành Đại hội hai năm một lần. Từ nay, các hội viên đã có điều kiện thường xuyên gặp gỡ nhau trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, phổ biến khoa học và nâng cao kiến thức chuyên khoa. Là một thành viên của Tổng hội Y Dược học Việt Nam, các đại diện Ban Chấp hành của Hội tham dự đều đặn các cuộc họp thường kỳ của Tổng Hội.

Đại hội lần thứ II của Hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 9 năm 1964 tại Hội trường lớn của Khoa Thần kinh và Tinh thần nay đã được mở rộng và xây dựng khang trang trong Bệnh viện Bạch Mai. Nhiều đề tài khoa học phong phú được trình bầy, phản ánh quá trình phát triển của ba chuyên khoa.

Nhưng đây cũng là giai đoạn cả nước đang bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Một số cán bộ chuyên khoa được cử đi công tác tại các khu vực khói lửa hoặc chuyển về các cơ sở sơ tán. Trong hoàn cảnh này, các sinh hoạt của Hội tạm thời bị gián đoạn để dành mọi nguồn lực vào việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ  bệnh nhân và nhân dân. Tuy nhiên trong điều kiện khó khăn vất vả của thời chiến, một số cán bộ chuyên khoa vẫn tiếp tục tiến hành các nghiên cứu khoa học ngay tại vị trí công tác thường ngày trong các Phòng Khám, Phòng điều trị ở Hà Nội cũng như tại các nơi sơ tán. Kết quả các công trình đó sau này sẽ được báo cáo tại các hội nghị khoa học ở địa phương cũng như trung ương.

Theo xu hướng chung trên thế giới, ngày 15 tháng 8 năm 1969 dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Thần kinh học và Tâm thần học được tách thành hai chuyên ngành riêng biệt. Tuy vậy nếu ở cấp trung ương, Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai cùng với Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Hà Nội hoạt động tách biệt với Tâm thần học thì tại các địa phương mô hình Khoa Tinh Thần Kinh trong khuôn khổ của Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh vẫn được duy trì cho tới khi phát triển hệ thống các Bệnh viện Tâm thần của tỉnh. Trong tình hình đó, các sinh hoạt khoa học của Hội vẫn được duy tri nhưng dần dần đã có xu hướng thu hẹp trong phạm vi liên khoa Thần kinh học và Tâm thần học hoặc Thần kinh học và Phẫu thuật Thần kinh.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với sự chuyển đổi công tác từ Bắc vào Nam của một số hội viên, hoạt động của Hội cũng có một số chuyển biến. Các cán bộ tu nghiệp ở nước ngoài trở về đã kịp thời giới thiệu tình hình phát triển chuyên khoa trên thế giới với các đồng nghiệp của mình. Ngoài ra quan hệ giao lưu khoa học với các nước phương Tây cũng giúp chúng ta nắm bắt các thành tựu mới liên quan đến các chuyên ngành của Hội. Do đó chủ đề các buổi sinh hoạt khoa học của Hội ngày càng chuyên khoa hoá sâu về Thần kinh học, Tâm thần học hoặc Phẫu thuật Thần kinh.

Thần kinh học dần dần được triển khai tại nhiều địa phương từ Bắc vào Nam, trong các trường Đại học Y khoa, các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và trung ương. Các hoạt động thực chất nhằm xây dựng và phát triển mối liên hệ chuyên môn giữa các đồng nghiệp phần lớn tập trung tại hai miền Nam và Bắc. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này đồng thời cũng đã được hoàn thành tốt với cả hai chuyên ngành Tâm thần học và Phẫu thuật Thần kinh.

Một hình thức phổ biến là triển khai các sinh hoạt khoa học định kỳ nhằm bồi dưỡng liên tục kiến thức chuyên khoa do Khoa Thần kinh hay Khoa Tâm thần hoặc Khoa Phẫu thuật Thần kinh kết hợp với các Bộ môn liên quan thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược khoa Tp. Hồ Chí Minh hoặc Trường Đại học Y Dược Huế đứng ra tổ chức với sự tham gia đông đảo của các đồng nghiệp quân dân y trong khu vực. Nơi gặp gỡ giao lưu phần lớn tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó chính là điều kiện thuận lợi để phát triển chuyên khoa, tiền đề cho việc thành lập các Chi hội chuyên khoa sau này. Trong các cuộc sinh hoạt khoa học, chúng ta đã mời một số chuyên gia nước ngoài tới trao đổi chuyên môn tại một số cơ sở Viện – Trường ở Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh về phía dân y cũng như quân y. Đáp lại tình hữu nghị của chúng ta, một số nước trên thế giới đã đề nghị một số chuyên gia của Hội tới báo cáo khoa học tại Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi. Một số đại diện của Hội đã được bầu là thành viên một số Hội Y học chuyên khoa quốc tế.

Trong giai đoạn hai mươi năm sau  năm 1975 và từ khi đất nước chuyển mình đổi mới, hoạt động của Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam được thể hiện một cách linh hoạt sinh động qua hoạt động của ba thành viên của Hội.

Đối với chuyên ngành Thần kinh học, đại diện là Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Hà Nội, trọng tâm cơ bản là phát triển chuyên khoa. Tại các tỉnh và thành phố lớn, các Khoa Thần kinh dần dần được tổ chức trong bệnh viện đa khoa. Các bệnh viện Trung ương Quân dân y và một số bệnh viện của các ngành Giao thông Vận tải, Bưu chính Viễn thông, v.v… đều có Khoa Thần kinh. Để nâng cao chất lượng và năng lực của các thầy thuốc chuyên khoa thần kinh, nhiều cuộc tập huấn, hội thảo, hội nghị về Thần kinh học được tổ chức tại các trung tâm lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hoá và Hà Nội với sự tham gia của một số chuyên gia quốc tế. Ngoài ra cán bộ giảng dậy ở Khoa – Bộ môn Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên đi xuống các bệnh viện địa phương cùng với các đồng nghiệp tại chỗ hội chẩn chuyên môn và phục vụ bệnh nhân. Sự cộng tác chặt chẽ với các cơ sở quân y và cả chuyên ngành Y học cổ truyền đã mang lại các kết quả đáng khích lệ. Có thể nói các hoạt động khám chữa bệnh và dự phòng, giảng dậy và đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyên, tư vấn và phản biện, hợp tác quốc tế luôn được duy trì. Cùng với các mặt công tác tích cực của các đồng nghiệp ở khu vực miền Trung, Tp. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, các hội viên trong cả nước đã góp phần xây dựng và phát triển chuyên khoa Thần kinh học ngày một mạnh mẽ. Đáng chú ý là mối quan hệ chuyên môn với Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Oxtrâylia và các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á được tăng cường đã củng cố vị thế của Thần kinh học Việt Nam. Một sự kiện đáng ghi nhớ là ngày 27 tháng 7 năm 1997, Hội Thần kinh học Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (Asean Neurological Association/ASNA) tại Singapo với sự có mặt của các đại diện khu vực Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ đó đến nay, liên tục trong các cuộc Hội thảo chuyên đề cũng như Hội nghị thường kỳ hai năm của Hiệp Hội, chúng ta đều cử đại biểu tham gia đóng góp báo cáo công trình nghiên cứu khoa học của các đồng nghiệp chuyên khoa trong cả nước.

Về phía chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh, ngoài các Khoa Phẫu thuật Thần kinh ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Quân Y 103 Học viện Quân Y và Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều Khoa Phẫu thuật Thần kinh mới đã và đang được khai trương ở nhiều tỉnh và thành phố lớn trong nước. Trong việc bồi dưỡng chuyên khoa, chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh đã quan tâm tổ chức một số cuộc hội thảo hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.

Đối với chuyên ngành Tâm thần học, một mạng lưới các cơ sở điều trị đã được hình thành tại hầu hết các tỉnh và thành phố trong cả nước. Ngày 8 tháng 8 năm 1991, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập viện Sức khoẻ Tâm thần kết hợp Khoa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai với Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện Tâm thần Trung ương đặt cơ sở I tại Thường Tín và cơ sở II tại Biên Hoà. Nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho các hội viên chuyên khoa Tâm thần học, nhiều cuộc tập huấn, hội thảo, hội nghị trên quy mô quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công.

V. SỰ THÀNH LẬP HỘI THẦN KINH HỌC VIỆT NAM

Tình hình hoạt động tích cực của ba chuyên ngành trong Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam như mô tả trên là điều kiện để phát triển Hội thành ba Hội độc lập. Do đó theo quyết định số 998/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giải thể Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần Kinh Việt Nam đã cho phép thành lập Hội Thần kinh học Việt Nam.

Thực hiện Quyết định trên, Ban trù bị thành lập Hội đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc để chính thức thành lập Hội ngày 20 tháng 5 năm 1998 tại Hà Nội. Ban Thường vụ Hội với đại diện chuyên khoa Thần kinh học quân dân y trong cả nước đã nhất trí bầu Ban Chấp hành và các chức danh sau: Giáo sư Phan Chúc Lâm, Chủ tịch; Giáo sư Lê Văn Thành và Giáo sư Lê Đức Hinh, Phó Chủ tịch; Giáo sư Nguyễn Chương,Tổng Thư ký. Trong phần sinh hoạt khoa học, Đại hội đã nghe một số báo cáo chuyên môn của các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Đại hội cũng quyết định cho xuất bản Nội san Thần kinh học và dự kiến triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc cách bốn năm một lần; mặt khác khuyến khích thành lập các Chi hội Thần kinh học tại các địa phương trong nước.

Từ đó, các hội nghị chuyên đề được tổ chức thường xuyên theo các chủ đề như tai biến mạch não, động kinh, nhiễm khuẩn thần kinh, thoái hoá thần kinh, v.v… Ngày 25 và 26 tháng 4 năm 2000, Hội nghị Quốc tế về Động kinh lần thứ Nhất đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai dưới sự bảo trợ của Liên hội Quốc tế Chống Động kinh (ILAE), Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (ASNA) và Hội Thần kinh học Việt Nam (VAN). Tiếp theo cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, Hội Thần kinh học Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Tai biến mạch não ngày 25 tháng 1 năm 2002 với sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Hồng kông, Đài Loan, Singapo và Malaixia.

Trong phong trào phát triển các Chi hội, Chi hội Thần kinh học khu vực Tp. Hồ Chí Minh được thành lập đầu tiên vào ngày 20 tháng 9 năm 1995. Sau đó Chi hội Thần kinh học khu vực Hà Nội đã chính thức ra mắt ngày 24 tháng 7 năm 2002 quy tụ được các đồng nghiệp quân dân y trên địa bàn. Chi hội Thần kinh học ở các khu vực khác cũng lần lượt được triển khai: ngày 19 tháng 11 năm 1998 tại Cần Thơ, ngày 27 tháng 10 năm 1999 tại Thái Nguyên và ngày 12 tháng 12 năm 2000 tại Thanh Hoá.

Một vinh dự lớn cho Hội Thần kinh học Việt Nam là được đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về bệnh Xơ cứng rải rác tại Châu Á và Trung Đông lần thứ Hai tại Tp. Hồ Chí Minh vào hai ngày 19 và 20 tháng 11 năm 2004. Sự hội nhập quốc tế quan trọng nhất là Hội Thần kinh học Việt Nam được gia nhập vào Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (World Federation of Neurology/WFN) nhân dịp Đại hội Thần kinh học Thế giới lần thứ XVIII tổ chức tại Xít-ni, Ôxtrâylia vào tháng 11 năm 2005. Đồng thời Hội Thần kinh học Việt Nam cũng trở thành thành viên của Hiệp hội Thần kinh học  Châu Á và châu Đại dương (The Asian and Oceanian Association of Neurology/AOAN).

Là một đại biểu trong Ban Tư vấn Tai biến mạch não châu Á (Asian Stroke Advisory Panel/ASAP) ngay từ năm 1996, Hội Thần kinh học Việt Nam đã cùng với Ban Tư vấn tổ chức Hội nghị chuyên đề về Tai biến mạch não tại Hà Nội ngày 6 tháng 12 năm 2008. Đây là lần thứ hai Tai biến mạch não được đề cập đến ở nước ta trong dịp Hội nghị lần thứ 25 của Ban Tư vấn. Tiếp theo là Hội nghị mùa Xuân chuyên đề Động kinh do Hội tổ chức tại Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2010 với sự tham dự của đại diện các nước Thái Lan, Singapo, Philippin, Hàn Quốc, Hồng Kông, Inđônexia, Malaixia và Ôxtrâylia. Đây cũng là một Chương trình Đào tạo Y học Liên tục (CME) của Ban Cố vấn Động kinh Châu Á hợp tác với Hội Thần kinh học Việt Nam.

Trong phạm vi chuyên khoa, đã nhiều năm qua Hội đều có thành viên tham gia các Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương và Ban Tư vấn Viện Pháp y Quốc gia. Bộ Y Tế cũng đã chỉ định một số chuyên gia của Hội tham dự các Ban soạn thảo và xây dựng các Tiêu chuẩn giám định bệnh tật và thương tật, Tiêu chuẩn chết não phục vụ cho công tác ghép tạng, Tiêu chuẩn Chẩn đoán di chứng nhiễm chất độc hóa học/ dioxin. Một số Hội đồng chuyên môn ngành hoặc liên ngành cấp Viện và cấp Bộ cũng đã yêu cầu sự tham gia của một số cán bộ chuyên khoa của Hội. Những năm gần đây trước tình hình gia tăng bệnh mạch não ở trong nước, Bộ Y tế đã tổ chức Hội đồng chuyên môn chỉ đạo công tác chăm sóc tai biến mạch não với sự có mặt một số chuyên gia của Hội kết hợp với Tổ chức Tai biến mạch não Thế giới (World Stroke Organization/WSO) đi xuống hỗ trợ các cơ sở y tế tại các địa phương trong cả nước từ tháng 4 năm 2008 đến cuối năm 2009. Một vinh dự đặc biệt là Tổ chức Tai biến mạch não Thế giới đã đồng ý cho xuất bản Tạp chí Quốc tế về Tai biến mạch não (International Journal of Stroke) phiên bản tiếng Việt từ năm 2009 do Giáo sư Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai và cũng là Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam làm Chủ biên. Riêng Nội san của Hội và Tập san của hai Chi hội ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Hà Nội vẫn được xuất bản đều đặn. Dự kiến Nội san của Hội sẽ được nâng lên thành Tạp chí Thần kinh học Việt Nam trong thời gian tới.

Trên cương vị chuyên ngành, Hội Thần kinh học Việt Nam đã và đang động viên các Chi hội đi sâu nghiên cứu các chương mục quan trọng về các bệnh lý mạch não, nhiễm khuẩn, thoái hoá, chuyển hoá, v.v… kết hợp lâm sàng với các phương pháp và kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, chú trọng tới dịch tễ học và dự phòng. Trên bước đường phát triển chuyên khoa, nhiều thành viên của Hội đã xây dựng thành công các Hội chống Động kinh, Hội phòng và chống Tai biến mạch máu não. Mặt khác Hội chúng ta vẫn hợp tác thường xuyên với các Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Hội Tâm thần học Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, Hội Điện Quang và Y học hạt nhân Việt Nam, v.v… Đồng thời Hội thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Tổng hội Y học Việt Nam, kết hợp thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ công tác của Tổng hội. Năm 2011. Hội đã tham gia biên soạn cuốn Từ điển Bách Khoa Y học Việt Nam và đã xuất bản cuốn Từ điển Thuật ngữ Thần kinh học.

Một hoạt động quan trọng nhất của Hội là các Hội nghị khoa học- kỹ thuật định kỳ. Từ sau khi Hội Thần kinh học phát triển độc lập, tiếp theo Đại hội lần thứ I năm 1998, cách hai năm một lần chúng ta tổ chức các hội nghị luân phiên tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội do các Chi hội hai khu vực nói trên đăng cai phụ trách. Đó là những dịp rất tốt để các hội viên trong cả nước trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và giúp đỡ nhau cùng nâng cao kiến thức. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V được tổ chức muộn hơn thường lệ theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Tổng hội Y học Việt Nam để bầu lại Ban Chấp hành và Ban Thường vụ vào ngày 2 tháng 12 năm 2009. Trong nhiệm kỳ lần này, Đại hội đã giao nhiệm vụ như sau: Giáo sư Lê Đức Hinh, Chủ tịch; các Giáo sư Hoàng Văn Thuận, Vũ Anh Nhị, Lê Văn Thính là Phó Chủ tịch; Giáo sư Nguyễn Chương, Tổng Thư ký Ban Thường trực có 7 uỷ viên. Đại hội đã nhất trí tôn vinh Giáo sư Phan Chúc Lâm là Chủ tịch danh dự của Hội. Ban chấp hành gồm 24 uỷ viên trong đó có 16 đại biểu phía Bắc, 8 đại biểu phía Nam; 3 đại biểu là nữ, 21 đại biểu là nam; 5 đại biểu quân y và 19 đại biểu dân y.

VI. KẾT LUẬN

Hội Thần Kinh học Việt Nam, từ thuở ban đầu là một thành viên trong Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam đến nay tiếp tục phát triển độc lập, đã trải nghiệm nhiều bước thăng trầm trên chặng đường năm mươi năm qua. Với nhiệt tình khoa học và quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ của toàn thể hội viên, Hội đã đạt được những thành tích nhất định, góp phần xây dựng và phát triển chuyên ngành Thần kinh học ở nước ta.

Đáng chú ý là từ năm 1980 đến nay phần lớn các hoạt động trong và ngoài nước của Hội đã được sự hỗ trợ kinh phí từ phía các bạn bè đồng nghiệp. Nhân đây chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong Chính phủ, nhất là sự chỉ đạo của Tổng hội Y học Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ. Xin được phép thay mặt Hội, chúng tôi những người viết bài này chân thành bầy tỏ tấm lòng tri ân của chúng tôi đối với các cá nhân và đoàn thể, đặc biệt là các Công ty Dược phẩm trong và ngoài nước đã luôn giúp đỡ Hội Thần kinh học Việt Nam cũng như các Chi hội Thần kinh học trong cả nước hoàn thành với chất lượng cao các hoạt động của Hội.

Trong thiên niên kỷ này, Hội Thần Kinh học Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Với sự bùng nổ dân số và sự phát triển khoa học – kỹ thuật mạnh mẽ liên tục cùng với quá trình toàn cầu hoá, Thần kinh học đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp từ các bệnh thần kinh – mạch máu đến các bệnh thoái hoá thần kinh, từ các bệnh do prion đến dịch bệnh sa sút trí tuệ. Nhưng Não là cuộc sống và lịch sử là sự tiếp nối không ngừng của quá trình phát triển. Trong thời đại ngày nay, chúng ta quyết tâm viết tiếp những trang vàng cho lịch sử của Hội Thần kinh học Việt Nam.

RÉSUMÉ

HISTOIRE  ABRÉGÉE DE

 L’ ASSOCIATION DE NEUROLOGIE DU VIETNAM

Le Đuc Hinh, Nguyen Chương

Association de Neurologie du Vietnam

Cet article relate succinctement les principales étapes de la fóndation et du développement de l’ Association de Neurologie du Vietnam. En se basant sur les activités de la Clinique Neuro – Psychiatrique de l’Hôpital de Bach Mai et de la Chaire de Neuro – Psychiatrie de la Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi depuis 1956 et avec la collaboration entre trois disciplines civiles et militaires Neurologie, Psychiatrie et Neuro – Chirurgie, le 3 Septembre 1962 a été fondée la Société de Neurologie, Psychiatrie et Neuro – Chirurgie du Vietnam. Après la  réunification du pays, vu les besoins de développement  et les  réelles activités des trois spécialités, le Gouvernement a dissous la Société et permis la formation des trois organisations indépendantes. L’Association de Neurologie du Vietnam a été ainsi officiellement établie de 20 Mai 1998. Actuellement on compte plus de 300 membres actifs dans cinq Sociétés de Neurologie à HoChiMinh Ville, Can Tho, Thanh Hoa, Thai Nguyen et Hanoi. L’Association de Neurologie du Vietnam fait partie de l’Association de Neurologie des pays du Sud – Est Asiatique (ASNA), de l’Association de Neurologie de l’Asie et de l’Océanie (AOAN) et de la Fédé ration Mondiale de Neurologie (WFN).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Quốc Ánh. Sự phát triển của Khoa Tinh Thần Kinh sau ba năm thành lập. Đặc san Bệnh viện Bạch Mai kỷ niệm 15 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III. Bệnh viện Bạch Mai, 1960, 52-57.
  2. Bệnh viện Bạch Mai. Lược sử, Tổ chức, Biên chế. Bệnh viện Bạch Mai, 1984.
  3. Bệnh Viện Bạch Mai. Sơ lược lịch sử 85 năm Bệnh viện Bạch Mai. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. 1997.
  4. Bệnh viện Bạch Mai 100 năm xây dựng và phát triển. Bệnh viện Bạch Mai, 2011.
  5. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sơ lược lịch sử 90 năm Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức Hà Nội (Bệnh viện Phủ Doãn). Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 1996.
  6. Bộ môn Khoa Thần kinh học. Sơ lược lịch sử quá trình thành lập và phát triển của Bộ môn – Khoa Thần kinh học. Học viện Quân y – Bệnh viện 103, 2010.
  7. Bộ Y tế. Sơ lược lịch sử Y tế Việt Nam, Tập I. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 1996.
  8. PGS.TS. Nguyễn Chương. 45 năm xây dựng và phát triển  Bộ môn Tinh thần Kinh. Y học thực hành 1987, 2.
  9. PGS.TS.Nguyễn Chương. Từ điển Thuật ngữ Thần kinh học. Nhà xuất bản Y học, 2010.
  10. GS.TS.Lê Đức Hinh, Nguyễn Văn Toán. Một vài tư liệu về Bệnh viện Bạch Mai từ 1911 đến 1946. Y học Việt Nam 1988, 5 -6; 1-4.
  11. GS.TS.Lê Đức Hinh. Góp phần nghiên cứu lịch sử Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị khoa học lần thứ 6 Hội Thần kinh học Việt Nam ( 12-2006). Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 2006, 3-10.
  12. GS.TS.Lê Đức Hinh. Nhìn lại chặng đường phát triển Hội Thần kinh học Việt Nam. Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành Thần kinh. Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 2009, 8-10.
  13. GS.TS.Lê Đức Hinh. Nửa thế kỷ hoạt động của Hội Thần kinh học Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế Thần kinh học Việt Nam lần thứ 15. Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 2011, 9-11.
  14. GS.TS.Lê Đức Hinh. Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, 2011.
  15. Trường Đại học Y Hà Nội. Trường Đại học Y Hà Nội 1902-1982. Trường Đại học Y Hà Nội, 1982.
  16. Trường Đại học Y Hà Nội. 100 năm Đại học Y Hà Nội,  Năm tháng và sự kiện. Trường Đại học Y Hà Nội, 2002.

Tiếng Anh – Pháp

  1. DIRECTION GÉNÉRALE DE L’ INSTRUCTION PUBLIQUE. L’ École de plein exercice de Médecine et de Pharmacie de l’ Indochine. Hanoi, 1931.
  2. GS.TS.Lê Đức Hinh. L’état passé et présent de la Neurologie au Vietnam. Revue Médicale 1993, 13-16.
  3. GS.TS.Lê Đức Hinh. The training of neurologists in Vietnam. Revue Médicale 2011, 1, 1-4.
  4. Nguyễn Thường Xuân, Nguyễn Khắc Giảng. Neurochirurgie à l’Hospital Viet Dưc Ha Noi, Vietnam. Revue Médicale 1993, 30-33.