Đánh giá chức năng nhận thức đái tháo đường ở người lớn tuổi

Đánh giá chức năng nhận thức đái tháo đường ở người lớn tuổi

Vũ Anh Nhị*, Tống Mai Trang*

 *PGS.TS. Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh

**BS. BV. ĐHYD

 TÓM TẮT

Mục tiêu nghiên cứu:Đánh giá loại nhận thức nào có thể bị ảnh hưởng do đái tháo đường. Xác định những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường làm nặng thêm suy giảm chức năng nhận thức. Phương pháp: 129 bệnh nhân đái tháo đường nhập khoa Nội Tiết BV Chợ Rẫy được đưa vào nghiên cứu.Bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh sử, thăm khám tổng quát và thần kinh sau đó thực hiện các test đánh giá chức năng nhận thức: MMSE, VF, CDT, GDS, IADL.Kết quả: Khả năng định hướng, trí nhớ gần, chú ý tập trung, ngôn ngữ, trí nhớ ngữ nghĩa, kĩ năng dùng từ, chức năng điều hành, thị giác không gian trên bệnh nhân đái tháo đường đều giảm hơn so với người bình thường chỉ có trí nhớ tức thì là không bị ảnh hưởng.Kết luận: Đái tháo đường góp phần gây suy giảm nhận thức, và các yếu tố: phương pháp điều trị, trầm cảm, kiểm soát đường huyết, học vấn, giới, tuổi có ảnh hưởng đến chức năng nhận thức.

  1. MỞ ĐẦU

Ngày nay, đái tháo đường là bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, nó có thể gây tử vong và tàn phế. Bên cạnh những biến chứng của đái tháo đường trên thận, võng mạc, tim mạch, bệnh lý thần kinh ngoại biên đã được chứng minh thì những hiểu biết về đái tháo đườngtrong chức năng nhận thức vẫn còn rất hạn chế do chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Một số nghiên cứu cho thấy đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức [8,9,12,14]. Các nghiên cứu gần đây ghi nhận đái tháo đường làm tăng tỉ lệ suy giảm nhận thức mức độ nhẹ, và những bệnh nhân này có tỉ lệ phát triển thành sa sút trí tuệ cao hơn. Theo Bruce và cộng sự [4], có đến 16% người đái tháo đường lớn tuổi bị suy giảm nhận thức.

Có nhiều cơ chế gây suy giảm nhận thức trên bệnh nhân đái tháo đường, nhưng sinh lý bệnh chính xác thì chưa được xác định. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch máu não vốn là nguyên nhân gây suy giảm nhận thức thông qua bệnh lý mạch máu, thúc đẩy trực tiếp hay gián tiếp bệnh Alzheimer.

Những yếu tố nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ trên bệnh nhân tiếu đường cần được xác định là giá trị đường huyết, chế độ sử dụng thuốc đái tháo đường, thời gian mắc đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại biên, microalbumin niệu,…

Tại Việt Nam lĩnh vực này được quan tâm muộn hơn và có rất ít nghiên cứu về sa sút trí tuệ nói chung hay các báo cáo liên quan đến sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức trên bệnh nhân đái tháo đường nói riêng của người Việt Nam. Từ những lý do nêu trên, chúng tôi tiến hành đánh giá chức năng nhận thức trên người đái tháo đường lớn tuổi tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm mối liên quan giữa đái tháo đường và chức năng nhận thức.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đây là một nghiên cứu mô tả hàng loạt trường hợp trên các bệnh nhân nhập viện khoa Nội Tiết từ ngày 01/02/2010 – 31/07/2010. Bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu theo các tiêu chuẩn sau:

  1. Tiêu chuẩn đưa vào

Đường huyết bất kỳ ≥ 126 mg% (≥ 7.0 mmol/L) hoặc đường huyết 2 giờ sau ăn ≥ 200mg% (≥ 11.1 mmol/L) hoặc được chẩn đoán bệnh đái tháo đường trước đó và tuổi ≥ 60 (2010 – năm sinh).

  1. Tiêu chuẩn loại trừ

BN có tiền căn tổn thương não: đột quỵ não, u não, viêm não, chấn thương đầu gây máu tụ,…

Tình trạng nội khoa kèm theo nặng như: nhiễm trùng, nhiễm độc, rối loạn điện giải, thiếu máu nặng, suy thận phải chạy thận định kì, xơ gan,…

BN đã được chẩn đoán sa sút trí tuệ trước đó.

Bệnh nhân thỏa tiêu chí chon mẫu và loại trừ sẽ được đánh giá chức năng nhận thức bằng  các test MMSE: Thang điểm đánh giá chức năng nhận thức chung. MMSE<24 điểm được xem là bất thường [3,5].

VF: Đánh giá trí nhớ ngữ nghĩa, kỹ năng dùng từ, VF<12 điểm là bất thường [8].

CDT: Đánh giá thị giác không gian, chức năng điều hành, CDT< 6 điểm là bất thường [15].

GDS: Bảng điểm đánh giá trầm cảm ở người già, GDS >=5 điểm được xem là có biểu hiện trầm cảm [7].

IADL: Bảng điểm đánh giá sử dụng, đánh giá khả năng độc lập trong cuộc sống hằng ngày IADL>= 1 điểm được xem là sống phụ thuộc [11].

Số liệu thu thập được sẽ được xử lý bằng phần mềm Stada phiên bản 10.0. Các biến định lượng sẽ được dùng phép kiểm T-test, Mann Whitney, biến định tính dùng phép kiểm χ²,  so sánh trung bình giữa các nhóm dùng phép kiểm Anova để tìm mối liên quan giữa chức năng nhận thức với các yếu tố: tuổi, giới, học vấn, kiểm soát đường huyết, trầm cảm, phương pháp điều trị. Giá trị p<0.05 được xem là có ý nghĩa thống kê.

  1. KẾT QUẢ

Trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi có 129 bệnh nhân, tỉ lệ nữ 66,67% cao hơn nam, độ tuổi trung bình: 71,15 ± 7,22, đa số sống ở nông thôn 62,02%, trình độ học vấn cấp 1 – cấp 2: 63,57%, thời gian mắc đái tháo đường trung bình là 7,16 ± 6,4 (năm), phần lớn kiểm soát đường huyết không tốt khi HbA1c trung bình 10,65 ± 2,8 (%) và có 28,91% bệnh nhân phải dùng đến insulin để kiểm soát đường huyết, không có bệnh nhân nào điều chỉnh đường huyết bằng lối sống và chế độ ăn.

Tỉ lệ bệnh nhân có suy giảm nhận thức (MMSE < 24điểm) trong nghiên cứu của chúng tôi là 85 bệnh nhân (65,89%).

Tỉ lệ bệnh nhân thực hiện test VF và CDT kém lần lượt là 30,23% và 32,56%.

Tỉ lệ bệnh nhân sống phụ thuộc vào người khác là 38,76%.

Về yếu tố dịch tễ trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận tuổi tác, giới, trình độ học vấn có ảnh hưởng đến tất cả các chức năng nhận thức, cụ thể tuổi càng cao, giới nữ, trình độ học vấn thấp sẽ gây suy giảm các lĩnh vực nhận thức.

Các bệnh đi kèm như: tăng huyết áp, béo phì, tăng LDL không ảnh hưởng chức năng nhận thức vì giá trị các kiểm định định có p>0,05. Riêng trầm cảm thì có gây suy giảm trí nhớ ngữ nghĩa cũng như ảnh hưởng đến khả năng sống độc lập của bệnh nhân p<0,05.

Khi dùng chỉ số HbA1c để đánh giá tình trạng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân HbA1c < 7%: kiểm soát đường huyết tốt. HbA1c ≥ 7%: kiểm soát đường huyết không tốt, chúng tôi không ghi nhận mối liên quan giữa kiểm soát đường huyết và chức năng nhận thức. Cụ thể HbA1c ≥ 7% không gây suy giảm nhận thức. Tuy nhiên khi chúng tôi chia 2 nhóm: đái tháo đường kiểm soát không tốt kèm biểu hiện bệnh thần kinh ngoại biên với nhóm đái tháo đường không kèm biểu hiện bệnh thần kinh ngoại biên thì ghi nhận chức năng nhận thức có bị suy giảm khi đái tháo đường có kèm biểu hiện bệnh thần kinh ngoại biên.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân đái tháo đường điều trị bằng insulin thì giảm trí nhớ ngữ nghĩa, các lĩnh vực nhận thức khác như định hướng, chú ý tập trung tính toán, trí nhớ gần, ngôn ngữ, chức năng điều hành thì không bị ảnh hưởng.

Kết quả các test đánh giá chức năng nhận thức ở nhóm mới mắc đái tháo đường và nhóm có thời gian mắc lâu hơn là như nhau.

  1. BÀN LUẬN

Nhóm dân số trong nghiên cứu của chúng tôi có mối liên quan giữa tuổi và các chức năng nhận thức với xu hướng nhận thức giảm dần khi số tuổi tăng. Điều này cũng tương tự nghiên cứu Rotterdam của Ott [13], Lê Nguyễn Nhựt Tín [2], Nguyễn Kinh Quốc [1], trong đó khả năng chú ý, tập trung, tính toán là có liên quan mạnh nhất với tuổi tác.

Theo nghiên cứu của chúng tôi giới nữ có nhiều nguy cơ giảm các chức năng nhận thức hơn giới nam. Kết quả này tương tự tác giả Lê Nguyễn Nhựt Tín [2]. Tuy nhiên, không phù hợp với nghiên cứu Rotterdam của Ott [13], Nguyễn Kinh Quốc [3] khi cho rằng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của giới nam và nữ. Do đó chưa có sự thống nhất ảnh hưởng của giới tính với các chức năng nhận thức, chúng tôi cần một nghiên cứu khác với cỡ mẫu lớn hơn để kiểm chứng kết quả này.

Có mối liên quan giữa trình độ học vấn và chức năng nhận thức trong nghiên cứu của chúng tôi. Điều này cũng phù hợp với y văn và các nghiên cứu sau: Lê Nguyễn Nhựt Tín [2], Nguyễn Kinh Quốc [1], Christopher [6]…

Nơi sống không có mối tương quan với các chức năng nhận thức: định hướng, chú ý, tập trung, tính toán, ngôn ngữ, chức năng điều hành, trí nhớ ngôn từ. Tất cả các kiểm định thống kê đều cho p > 0,05. Nơi cư trú ít được chú ý ở các nghiên cứu của nước ngoài và trong y văn yếu tố nơi sống cũng ít được nhắc đến. Do đó, theo kết quả của nghiên cứu này nơi cư trú không liên quan với chức năng nhận thức.

Nhiều y văn đã xác định tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch máu, do đó khi có tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát tốt thì có khả năng sẽ gây suy giảm nhận thức thông qua cơ chế mạch máu.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, tăng huyết áp không có mối tương quan với đa số các chức năng nhận thức: định hướng, chú ý, tập trung, tính toán, ngôn ngữ, trí nhớ ngôn từ, kỹ năng dùng từ. Kết quả này phù hợp tác giả Lê Nguyễn Nhựt Tín [2], và nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu Rancho Bernardo của Kanaya [10]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Framingham thì ghi nhận tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức.

Béo phì không ảnh hưởng chức năng nhận thức trong nghiên cứu của chúng tôi có thể do Việt Nam là nước đang phát triển, đời sống vật chất không cao như các nước phương Tây nên tỉ lệ béo phì ít hơn do đó khi khảo sát vai trò của yếu tố này với chức năng nhận thức thì không chính xác.

Munshi và cộng sự ghi nhận bệnh nhân đái tháo đường cần sự ủng hộ từ người thân về cả mặt tinh thần lẫn thể chất do sự suy giảm nhận thức, kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của chúng tôi.

Các tác giả Arvanitakis, Gregg, Munshi, Wastson: Ghi nhận kiểm soát đường huyết kém gây suy giảm nhận thức. Trong nghiên cứu của mình chúng tôi cũng ghi nhận kiểm soát đường huyết không tốt có kèm biểu hiện bệnh viêm thần kinh ngoại biên thì chức năng nhận thứccủa họ kém đi.

Yaffe [16] ghi nhận tỉ lệ suy giảm nhận thức tăng theo thời gian mắc đái tháo đường, còn nghiên cứu chúng tôi không ghi nhận mối liên quan này điều này có thể do các bệnh nhân đái tháo  đường tại Việt Nam mặc dù là mới phát hiện bệnh nhưng thực sự đã mắc bệnh từ lâu nhưng không có điều kiện phát hiện.

  1. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu: Của 129 bệnh nhân đái tháo đường tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 01/02/2010 – 31/07/2010. Chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Các loại chức năng nhận thức bệnh nhân đái tháo đường trong nghiên cứu của chúng tôi bị suy giảm là: Định hướng, chú ý, tập trung, tính toán, trí nhớ gần, ngôn ngữ, trí nhớ ngữ nghĩa, kỹ năng dùng từ, chức năng điều hành. Trong đó, khả năng chú ý, tập trung và trí nhớ ngữ nghĩa là bị giảm nhiều nhất. Chỉ có trí nhớ tức thời là không bị ảnh hưởng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chức năng nhận thức trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi là: tuổi, giới, học vấn, trầm cảm, điều trị đái tháo đường với insulin, kiểm soát đường huyết không tốt kèm biểu hiện bệnh đa dây thần kinh ngoại biên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Kinh Quốc (2006). “Khảo sát thang điểm MMSE trên người Việt Nam bình thường”. Luận văn thạc sỹ y học. Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Lê Nguyễn Nhựt Tín (2006). “Tần suất và các yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ sau đột quị”. Luận văn nội trú. Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. American Psychiatric Association (1994). Diagnostic and Statical Manual of Mental Disorders, fourth edition. Washington.
  4. Bruce G. D. ,Davis A. W., Casey P. G. (2008). Predictors of Cognitive Decline in Older Individuals With Diabetes. Diabetes Care 31: pp.2103–2107.
  5. Canadian Study of Health and Aging (1994). Study methods and prevalence of dementia. CMAJ;150, pp.899-913
  6.  Christopher T. Kodl and Elizabeth R (2008). Cognitive Dysfunction and    Diabetes Mellitus. Endocrine Reviews.29: pp.494-511
  7. D’Ath P, Katona P, Mullan E, …(1994). Screening, detection and management of depression in elderly primary care attenders. I: The acceptability and performance of the 15 item Geriatric Depression Scale (GDS15) and the development of short versions. Fam Pract 11: pp.260 –266.
  8. Grodstein F, Chen J, Wilson RS, et al (2001). Type 2 diabetes and cognitive function in community-dwelling elderly women. Diabetes Care 24:1060–1065.
  9. Haan MN, Mungas DM, Gonzalez HM, et al (2003). Prevalence of dementia in older Latinos: the influence of type 2 diabetes mellitus, stroke and genetic factors. J Am Geriatr Soc 51: pp.169–177.
  10.  Kanaya AM, Barrett-Connor E, Gildengorin G, et al (2004). Change in cognitive function by glucose tolerance status in older adults: a 4-year prospective study of the Rancho Bernardo study cohort. Arch Intern Med 164: pp.1327–1333.
  11.  Munshi M, Grande L, Hayes M, et al (2006). Cognitive dysfunction is associated with poor diabetes control in older adults. Diabetes Care 29: pp.1794–1799.
  12.  Ott A, Stolk RP, Hofman A, et al (1996). Association of diabetes mellitus and dementia: the Rotterdam Study. Diabetologia 39: pp.1392–1397.
  13.  Ott A, Stolk RP, Van Harskamp F (1999). Diabetes mellitus and the risk of dementia: The Rotterdam Study. Neurology; 53: pp.1937–42.
  14.  Sinclair AJ, Girling AJ, Bayer AJ (2000). Cognitive dysfunction in older subjects with diabetes mellitus: impact on diabetes self-management and use of care services: All Wales Research into Elderly (AWARE) Study. Diabetes Res Clin Pract 50: pp.203–212.
  15.  Shulman I.K. (2000). Clock-Drawing : Is It The Ideal Cognitive Screening Test?. Int.J. Geriat. Psychiatry 15, pp.548-561.
  16.  Yaffe K, Blackwell T, Kanaya AM, et al (2004). Diabetes, impaired fasting glucose, and development of cognitive impairment in older women. Neurology 63: pp.658–663