Tầm quan trọng của dự phòng đột quỵ não nguyên phát

Tầm quan trọng của dự phòng đột quỵ não nguyên phát

TS.BS. Đinh Hữu Hùng
Bộ môn Thần Kinh, Khoa Y Dược, Trường Đại học Tây Nguyên

Tầm quan trọng của đột quỵ não kế toán thực hành
Đột quỵ não (ĐQN) luôn là một vấn đề thời sự của y học trên thế giới bởi đây là hội chứng phổ biến, có tỷ lệ tử vong và tàn tật cao, thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình[8], [12]. Thật vậy, những dữ liệu cập nhật gần đây cho thấy trên toàn cầu, gánh nặng ĐQN đã và đang ngày càng gia tăng rất nhanh trong gần 30 năm qua: Từ tỷ lệ mắc đến tỷ lệ tử vong, và tàn tật [5], [12]. Trong đó, tỷ lệ tử vong gia tăng 41%, mới mắc tăng 66%, hiện mắc tăng đến 84% [8], [10]. Quan trọng hơn khi có sự khác biệt rất lớn về gánh nặng ĐQN giữa các quốc gia. Cụ thể, nếu như ĐQN có xu hướng giảm dần ở các quốc gia có thu nhập cao thì điều ngược lại đã và đang xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhất là khu vực Đông Á, Đông Âu và Nga [4], [11].
Cho đến nay, ĐQN vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 (chiếm đến 11,8% tổng số tử vong) tính chung trên toàn thế giới. Trong đó, có đến 85% trường hợp tử vong thuộc các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình [11]. Tại Hoa Kỳ, một thống kê mới nhất năm 2018 cho thấy: mỗi 40 giây có một bệnh nhân ĐQN, mỗi 4 phút có một trường hợp tử vong. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ hiện mắc ĐQN ở người ≥ 18 tuổi ở quốc gia này sẽ tăng thêm 20,5% so với năm 2012 [5]. Ở Việt Nam, theo Lê Văn Thành và cộng sự (cs), mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc bệnh và có hơn 50% trường hợp bị tử vong [2]. Bên cạnh đó, người bệnh bị ĐQN còn có thể bị nhiều biến chứng nghiêm trọng và chịu nhiều tàn tật về lâu dài như mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, té ngã,…[24]. Trong khi đó số bệnh nhân ĐQN còn sống đã đạt đến con số 33 triệu người tại thời điểm năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên đến 77 triệu vào năm 2030[11].
Mặt khác, ĐQN đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ảnh hưởng rất lớn đến những người đang trong độ tuổi lao động [4], [5], [8], [11], [15]. Chẳng hạn, nghiên cứu của Giang và cs ở Thụy Điển công bố năm 2017 cho thấy tỷ lệ hiện mắc đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở người trẻ (< 45 tuổi) tăng theo thời gian (từ 1995 đến 2010) [15]. Bênh cạnh đó, một số dữ liệu khác cũng đã chỉ ra rằng 2/3 tổng số bệnh nhân ĐQN xảy ra ở những người < 70 tuổi [12], [24]. Hơn nữa, có sự gia tăng đáng kể số hiện mắc và tử vong do ĐQN (cả nhồi máu não và chảy máu não) theo thời gian ở nhóm tuổi từ 20 đến 64 cả hai giới. Trong đó, đột quỵ chảy máu não là gánh nặng lớn nhất và tổng số trường hợp tử vong do ĐQN ở những người thuộc nhóm tuổi này tại các nước đang phát triển tăng thêm 36,7% [11], [12].
Mối đe dọa của ĐQN nói riêng và các bệnh lây nhiễm nói chung không chỉ có ý nghĩa sống còn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân trên toàn thế giới mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Điều này đã được Liên Hợp Quốc nhấn mạnh và các quốc gia thành viên đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ và cụ thể của mình về những hành động cần thiết nhằm làm giảm gánh nặng do các bệnh lý này gây ra[11]. exim train
Theo y văn, những yếu tố quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến gánh nặng ĐQN hiện nay là sự gia tăng dân số và tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới cũng như sự gia tăng đột biến các yếu tố nguy cơ hàng đầu ĐQN [24]. Trong đó, Theo nghiên cứu INTERSTROKE, khoảng 90% trường hợp ĐQN trên toàn cầu có thể được quy cho là có liên quan đến 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu (nhưng có thể điều chỉnh được) sau đây: tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), rối loạn lipid máu (RLLM), béo phì, bệnh tim mạch, hút thuốc, uống rượu bia quá mức, chế độ ăn không thích hợp, thiếu hoạt động thể lực và stress tâm lý. Đây là một nghiên cứu lớn ở 32 nước khác nhau với 26.919 người tham gia, bao gồm 10.338 người bị đột quỵ thiếu máu não cục bộ và 3.059 người chảy máu trong não, cùng với 13.472 người thuộc nhóm đối chứng [19]. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Marshall và cs cho thấy có đến 72% bệnh nhân ĐQN có ít nhất 1 YTNC và 30% bệnh nhân không được điều trị các YTNC trước khi ĐQN xảy ra [17].
Bên cạnh việc có nhiều YTNC hàng đầu ảnh hưởng đến gánh nặng ĐQN thì điều đáng nêu ra thêm ở đây là sự gia tăng chóng mặt theo thời gian của các YTNC quan trọng này. Điều đó đã và đang làm cho gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm nói chung và ĐQN nói riêng, vốn đã rất nặng, nay còn nặng hơn. Rõ ràng, đây là một thách thức rất lớn đối với nền y tế trên toàn cầu nếu chúng ta không có những chiến lược và chương trình hành động kịp thời và hiệu quả.
Thật vậy, một nghiên cứu kéo dài 10 năm (2004 – 2014) của Otite và cs là một dẫn chứng điển hình cho sự gia tăng các YTNC của ĐQN theo thời gian. Kết quả đã cho thấy: Tỷ lệ hiện mắc (đã được hiệu chỉnh theo tuổi và giới) của các YTNC đối với ĐQN, bao gồm THA, RLLM, ĐTĐ, hút thuốc lá, và nghiện rượu lần lượt là 79%, 47%, 34%, 15%, và 2%. Quan trọng hơn khi tỷ lệ hiện mắc của các YTNC kể trên có sự gia tăng hằng năm với giá trị lần lượt là: 1,4%, 2%, 7%, 5%, và 7% [20]. Hơn nữa, cũng trong nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có đồng thời nhiều YTNC cũng gia tăng theo thời gian [20]. Từ đó các tác giả đã nhấn mạnh: mặc dù đã có nhiều hướng dẫn quan trọng về dự phòng ĐQN nhưng tỷ lệ hiện mắc của các YTNC đối với ĐQN vẫn đang tiếp tục gia tăng sau một thập kỷ. Vì vậy, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm trong chiến lược dự phòng đột quỵ não [20].
Bên cạnh đó, theo Wang và cs, gánh nặng ĐQN ở Trung Quốc ngày càng gia tăng rất nhanh, đặc biệt là ở nhóm tuổi trung niên bởi sự tăng đột biến tỷ lệ hiện mắc của một số YTNC đối với ĐQN như béo phì (tăng khoảng 9 lần) và rối loạn đường máu khi đói (tăng 11 lần) trong vòng 2 thập kỷ (1992-2012). Đồng thời, nếu không kiểm soát tốt các YTNC thì gánh nặng ĐQN sẽ tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới [26].Ngay tại các quốc gia phát triển, ĐQN ở người trẻ và trung niên không giảm hoặc thậm chí có thể tăng. Điều đó có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng các YTNC chuyển hóa, bao gồm béo phì và đái tháo đường ở nhóm đối tượng này [12], [24].
Đặc biệt, gần đây nhất, khi bản hướng dẫn chẩn đoán và điều trị về THA của Hội Tim mạch Hoa Kỳ mới được công bố vào cuối năm 2017 thì tỷ lệ hiện mắc THA đã gia tăng đột biến bởi giá trị ngưỡng để chẩn đoán THA hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn, đó là ≥ 130 và/hoặc 80 mmHg thay vì ngưỡng ≥ 140 và/hoặc 90 mmHg như trước đây [27]. Theo Chin và cs (2017), THA, bản chất là một bệnh tim mạch, nhưng lại là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực thần kinh trên toàn cầu bởi lẽ có mối liên quan mạnh và chặt chẽ giữa THA và ĐQN (một bệnh lý rất thường gặp trong lĩnh vực thần kinh) [7].
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế công bố năm 2016 cho thấy so với năm 2010, hầu hết các YTNC của các bệnh không lây nhiễm nói chung và ĐQN nói riêng (nhóm tuổi 25-64) đều có sự gia tăng tỷ lệ theo thời gian: (1) uống rượu bia tăng từ 37,0% lên 44,8% (ở cả 2 giới), (2) thừa cân béo phì tăng từ 12,0% lên 17,5%, (3) rối loạn đường huyết khi đói tăng từ 1,5% lên 3,5%, (4) tăng đường huyết tăng từ 2,6% lên 4,1%, (5) tăng huyết áp tăng từ 15,3% lên 20,3%. Trong đó, tỷ lệ người được phát hiện, quản lý điều trị THA, ĐTĐ còn rất thấp [1].
Tầm quan trọng của dự phòng đột quỵ não nguyên phát
Dự phòng ĐQN nguyên phát nghĩa là điều trị dự phòng cho các đối tượng không có tiền sử ĐQN (chưa từng mắc ĐQN trước đó). Thông qua việc hiểu rõ sự chuyển đổi lớn về gánh nặng bệnh tật trên phạm vi toàn cầu: từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả ĐQN, Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia hàng đầu về ĐQN đã đưa ra những cảnh báo đối với thực trạng đáng báo động của ĐQN, nhất là ở các nước đang phát triển. Sự gia tăng nhanh số người bị ĐQN và số người sống sót sau ĐQN trong hơn hai thập kỷ qua, từ 50% lên 100%, chỉ ra rằng các chiến lược và các biện pháp dự phòng ĐQN hiện nay chưa thực sự hiệu quả và cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc. Theo nhiều dự báo, trong những thập kỷ tới, các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả ĐQN sẽ ngày càng phổ biến và trở thành những đại dịch đồng thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu cũng như sự phát triển kinh tế và xã hội [3], [11], [24]. Điển hình, theo Feigin và cs, cho đến hiện nay, các biện pháp dự phòng ĐQN nguyên phát (bao gồm cả những đối tượng nguy cơ cao) chưa thực sự hiệu quả bởi có rất nhiều bằng chứng thuyết phục rằng gánh nặng ĐQN gia tăng rất nhanh trong hơn 2 thập kỷ qua. Từ đó, tác giả cho rằng việc tìm ra những nguyên nhân nhằm giúp lý giải cho thực trạng đáng báo động này có ý nghĩa sống còn, trong đó cần đặc biệt chú ý đến sự gia tăng đột biến một số YTNC của ĐQN cũng như sự khác biệt theo giới tính, nhóm chủng tộc và sự trẻ hóa của ĐQN trong những năm gần đây [8].
Tuy nhiên, chúng ta có thể lạc quan bởi vì hầu hết các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả ĐQN là có thể dự phòng được. Trên thực tế, cần có những chiến lược hợp lý, biện pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời về dự phòng ĐQN nguyên phát bởi đây là việc làm cốt lõi và mang lại nhiều lợi ích nhất trong nỗ lực làm giảm gánh nặng ĐQN [6], [8], [12], [28]. Theo Krishnamurthi và cs, tỷ lệ hiện mắc ĐQN đang ngày càng gia tăng và dự phòng ĐQN nguyên phát là việc làm vô cùng quan trọng [16]. Mặt khác, Feigin và cs cũng đã chỉ ra rằng mặc dù dự phòng ĐQN là một vấn đề y khoa phức tạp nhưng có tính khả thi cao trong thực tế. Do đó, cần có những hành động kịp thời nhằm đưa dự phòng ĐQN bước vào một thời đại mới mà trong đó ĐQN được xác định là một trong những bệnh ưu tiên trong Kế hoạch hành động của Tổ chức Y tế thế giới về các bệnh không lây nhiễm [11].
Mặt khác, để dự phòng hiệu quả, bên cạnh vai trò quan trọng của hệ thống y tế trong việc tầm soát, xác định, và điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ của ĐQN thì vai trò của các tổ chức khác như Tổ chức Đột quỵ thế giới cũng có những ý nghĩa hết sức quan trọng. Cụ thể, dựa trên chứng cứ khoa học tốt, các Tổ chức này có trách nhiệm quan trọng trong việc đưa ra những khuyến cáo thích hợp về phòng ngừa, thực hành, quản lý và điều trị các YTNC, bao gồm cả việc giúp đỡ mọi người nhận ra các YTNC và đánh giá đúng nguy cơ mắc ĐQN của riêng mình trong tương lai và cách làm giảm nguy cơ này. Theo các chuyên gia về ĐQN, trách nhiệm làm giảm gánh nặng ĐQN trên toàn cầu là việc làm không của riêng ai [8], [9].
Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Kế hoạch Hành động Toàn cầu, bao gồm một tập hợp các mục tiêu toàn cầu nhằm cải thiện các yếu tố nguy cơ (YTNC) về lối sống và cải thiện hệ thống y tế để đạt được mục tiêu chung là giảm 25% tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm đến năm 2025. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh: Phòng chống ĐQN không nên tách rời mà cần phải gắn liền với việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm nói chung. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa [11].
Theo y văn, để cho việc dự phòng ĐQN nguyên phát được hiệu quả cao, chúng ta cần có sự hiểu biết rõ về tình hình dịch tễ học và kiểm soát tốt các YTNC của ĐQN [12], [14]. Cụ thể là, kết quả từ một báo cáo về gánh nặng bệnh tật cũng đã chỉ ra rằng 90,5% gánh nặng ĐQN trên toàn thế giới có liên quan đến các yếu tố nguy cơ ĐQN có thể điều chỉnh được. Trong đó, có đến 74,2% gánh nặng ĐQN có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố nguy cơ hành vi, lối sống, bao gồm hút thuốc lá, chế độ ăn không thích hợp, thiếu hoạt động thể lực [12], [14], [23]. Thêm vào đó, cho đến nay, theo Chin và cs, THA vẫn là một trong những YTNC quan trọng nhất đối với ĐQN (nhưng hoàn toàn có thể thay đổi được) [7].
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, theo Prabhakaran và cs, việc kiểm soát tốt các YTNC, bao gồm THA giúp kiểm soát tốt gánh nặng ĐQN [21]. Mặt khác, tại Anh Quốc, một nghiên cứu cho thấy mỗi năm có khoảng 12.000 bệnh nhân ĐQN lần đầu có thể dự phòng được nếu các thuốc hạ lipid máu, chống huyết khối, thuốc hạ huyết áp được kê đầy đủ theo đúng chỉ định. Tuy nhiên, có đến hơn 50% bệnh nhân không được dùng thuốc đầy đủ tại quốc gia này [25]. Có thể nói đây là thực trạng đáng phải báo động và cần quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, sự kiểm soát huyết áp tốt dẫn đến số bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu não đã và đang giảm dần. Đây là một nỗ lực đáng phải ghi nhận và học hỏi. Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tăng cholesterol máu thì nhồi máu não do xơ vữa động mạch lại gia tăng đáng kể [13].Ngoài ra, theo Bejot và cs, việc kiểm soát hiệu quả các YTNC hàng đầu có ý nghĩa lớn trong chiến lược dự phòng ĐQN, bao gồm cả sự nâng cao hiểu biết của người dân về các YTNC của ĐQN qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là ứng dụng tiện ích của điện thoại di động [4].
Điểm cần chú ý và nói thêm là việc kiểm soát tốt các YTNC của ĐQN cũng mang lại lợi ích đáng kể cho một số bệnh không lây nhiễm khác như bệnh tim (bao gồm cả bệnh mạch vành), bệnh ung thư, ĐTĐ, các bệnh phổi,…bởi lẽ các nhóm bệnh lý này đều có chung một số YTNC quan trọng như hút thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, uống rượu bia quá mức, và chế độ ăn không thích hợp [3], [11], [24]. Đây cũng là những nhóm bệnh và các yếu tố nguy cơ được Tổ chức Y tế thế giới ưu tiên trong Kế hoạch Hành động Toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm [28].
Vì vậy, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía khác nhau mới có thể đảm bảo rằng việc dự phòng ĐQN được hiệu quả. Trong đó, cần có sự cải thiện môi trường (ví dụ: ô nhiễm không khí), xã hội (ví dụ: đói nghèo, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân không đồng đều, giáo dục, nhà ở, việc làm,…), y tế (cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế) và các yếu tố lối sống (ví dụ: hút thuốc lá, dinh dưỡng và hoạt động thể lực,…) [11]. Theo Rothwell và cs, để góp phần vào việc dự phòng hiệu quả ĐQN, rất cần có những nghiên cứu thiết thực về ĐQN, bao gồm dịch tễ học và các YTNC liên quan [22].
Hiện nay, tất cả những biện pháp dự phòng ĐQN nguyên phát đều dựa trên những chứng cứ khoa học có giá trị và được kết tinh trong các khuyến cáo dự phòng ĐQN nguyên phát. Trong đó, việc kiểm soát tất cả các YTNC của ĐQN hàng đầu là việc làm cấp thiết. Năm 2014, Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội Đột quỵ Hoa Kỳ đã xuất bản hướng dẫn phòng ngừa ĐQN nguyên phát [18]. Những khuyến cáo trong bản hướng dẫn này đã được cập nhật trong một cuốn sách giáo khoa mới xuất bản gần đây. Theo đó, các biện pháp chủ yếu trong dự phòng hiệu quả đột quỵ não nguyên phát bao gồm: điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, kiểm soát rung nhĩ (bao gồm cả việc dùng thuốc chống huyết khối (kháng đông, chống kết tập tiểu cầu)), kiểm soát mỡ máu (bao gồm cả việc dùng statin), thay đổi các YTNC liên quan đến hành vi và lối sống như bỏ hút thuốc lá, cải thiện các thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như ăn mặn, nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu bia, tăng cường hoạt động thể lực, đạt được và duy trì mức cân nặng bình thường, giảm lo âu, căng thẳng, và khám sức khỏe định kỳ[14].

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng (2016). Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm Việt Nam 2015,Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
2. Lê Văn Thành và cộng sự. “Những tiến bộ mới trong điều trị tai biến mạch máu não và đơn vị đột quỵ”, http://hoiyhoctphcm.org.vn/nhung-tien-bo-moi-trong-dieu-tri-tai-bien-mach-mau-nao-va-don-vi-dot-quy/.
3. Beaglehole R., Bonita R., Horton R., Adams C., Alleyne G., Asaria P., et al. (2011), “Priority actions for the non-communicable disease crisis”, Lancet, 377(9775), 1438-1447.
4. Bejot Y., Daubail B., Giroud M. (2016), “Epidemiology of stroke and transient ischemic attacks: Current knowledge and perspectives”, Rev Neurol (Paris), 172(1), pp.59-68.
5. Benjamin E. J., Virani S. S., Callaway C. W., Chamberlain A. M., Chang A. R., Cheng S., et al. (2018), “Heart Disease and Stroke Statistics-2018 Update: A Report From the American Heart Association”, Circulation, 137(12), e67-e492.
6. Brainin M., Feigin V., Martins S., Matz K., Roy J., Sandercock P., et al. (2018), “Cut stroke in half: Polypill for primary prevention in stroke”, Int J Stroke, 1747493018761190.
7. Chin J. H., Bhatt J. M., Lloyd-Smith A. J. (2017), “Hypertension-A Global Neurological Problem”, JAMA Neurol, 74(4), pp.381-382.
8. Feigin V. L. (2017), “Primary stroke prevention needs overhaul”, Int J Stroke, 12(1), 5-6.
9. Feigin V. L., Krishnamurthi R., Bhattacharjee R., et al. (2015), “New strategy to reduce the global burden of stroke”, Stroke, 46(6), pp. 1740-1747.
10. Feigin V. L., Krishnamurthi R. V., Parmar P., Norrving B., Mensah G. A., Bennett D. A., et al. (2015), “Update on the Global Burden of Ischemic and Hemorrhagic Stroke in 1990-2013: The GBD 2013 Study”, Neuroepidemiology, 45(3), pp.161-176.
11. Feigin V. L., Norrving B., Mensah G. A. (2017), “Global Burden of Stroke”, Circ Res, 120(3), pp.439-448.
12. Feigin V. L., Roth G. A., Naghavi M., et al. (2016), “Global burden of stroke and risk factors in 188 countries, during 1990-2013: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2013”, Lancet Neurol, 15(9), pp.913-924.
13. Furuta Y., Ninomiya T. (2016), “Epidemiology of stroke in Japan and comparison with the world”, Nihon Rinsho, 74(4), pp.549-553.
14. Galen V. H. (2019), “Stroke prevetion”. In: Ajay K. S, Joseph L., The Brigham Intensive Review of Internal Medicine, Third edition, Philadelphia.
15. Giang K. W., Mandalenakis Z., Nielsen S., Bjorck L., Lappas G., Adiels M., et al. (2017), “Long-term trends in the prevalence of patients hospitalized with ischemic stroke from 1995 to 2010 in Sweden”, PLoS One, 12(6), e0179658.
16. Krishnamurthi R. V., Moran A. E., Feigin V. L., Barker-Collo S., Norrving B., Mensah G. A., et al. (2015), “Stroke Prevalence, Mortality and Disability-Adjusted Life Years in Adults Aged 20-64 Years in 1990-2013: Data from the Global Burden of Disease 2013 Study”, Neuroepidemiology, 45(3), pp.190-202.
17. Marshall I. J., Wang Y., McKevitt C., Rudd A. G., Wolfe C. D. (2013), “Trends in risk factor prevalence and management before first stroke: data from the South London Stroke Register 1995-2011”, Stroke, 44(7), pp.1809-1816.
18. Meschia J. F., Bushnell C., Boden-Albala B., Braun L. T., Bravata D. M., Chaturvedi S., et al. (2014), “Guidelines for the primary prevention of stroke: a statement for healthcare professionals from the American Heart Association/American Stroke Association”, Stroke, 45(12), pp.3754-3832.
19. O’Donnell M. J., Chin S. L., Rangarajan S., Xavier D., Liu L., Zhang H., et al. (2016), “Global and regional effects of potentially modifiable risk factors associated with acute stroke in 32 countries (INTERSTROKE): a case-control study”, Lancet, 388(10046), pp.761-775.
20. Otite F. O., Liaw N., Khandelwal P., Malik A. M., Romano J. G., Rundek T., et al. (2017), “Increasing prevalence of vascular risk factors in patients with stroke: A call to action”, Neurology, 89(19), pp.1985-1994.
21. Prabhakaran S. (2017), “Big data trends in stroke epidemiology in the United States: But are they good data?”, Neurology, 89(19), pp.1940-1941.
22. Rothwell P. M. (2007), “Lack of research funding for stroke”, Int J Stroke, 2(2), pp.73.
23. S. Hughes (2016), “90% of Stroke Burden Can Be Avoided”. Medscape Medical News. 2016 Jun 13.
24. Sacco R.L. (2016), “Epidemiology and Risk Factors”, In: Mohr J.P., Philip A. Wolf, et al, Stroke – Pathophysiology, Diagnosis, and Management, 6th ed, Philadelphia, pp. 212-291.
25. Turner G. M., Calvert M., Feltham M. G.,, et al. (2016), “Under-prescribing of Prevention Drugs and Primary Prevention of Stroke and Transient Ischaemic Attack in UK General Practice: A Retrospective Analysis”, PLoS Med, 13(11), e1002169.
26. Wang J., An Z., Li B., Yang L., Tu J., Gu H., et al. (2015), “Increasing stroke incidence and prevalence of risk factors in a low-income Chinese population”, Neurology, 84(4), pp.374-381.
27. Whelton P. K., Carey R. M., Aronow W. S., Casey D. E., Jr., Collins K. J., Dennison Himmelfarb C., et al. (2017), “2017 ACC/AHA/AAPA/ABC/ACPM/AGS/APhA/ASH/ASPC/NMA/PCNA Guideline for the Prevention, Detection, Evaluation, and Management of High Blood Pressure in Adults: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines”, Hypertension. doi: 10.1161/HYP.0000000000000066.
28. WHO (2016), “World Health Organization Global Action Plan for the Prevention and Control of Noncommunicable Diseases 2013–2020. Available
from: http://www.who.int/nmh/events/ncd_action_plan/en/. April 2016”.