Những điều gì của Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh để lại trong tôi

Những điều gì của Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh để lại trong tôi

GS.TS. Lê Văn Thành

Nguyên Trưởng Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Dược khoa TP. Hồ Chí Minh
và Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy
Nguyên Chủ tịch danh dự Hội Đột quỵ não Việt Nam

Lịch sử của Thần kinh học Việt Nam bắt đầu từ sau khi Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng tháng 10 năm 1954. Theo quyết định của Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 12 năm 1956, Khoa Thần kinh và Tinh thần đầu tiên (gọi tắt là Khoa Tinh Thần kinh) được thành lập tại Bệnh viện Bạch Mai đồng thời cùng với sự ra đời Bộ môn Tinh Thần kinh Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, một thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh và Tinh thần, nguyên Trưởng khoa lâm sàng Đại học Y khoa Paris ở Pháp về được giao phụ trách Trưởng khoa và Trưởng Bộ môn. Từ đầu năm 1957, các hoạt động khám chữa bệnh, giảng dạy sinh viên và đào tạo cán bộ chuyên khoa Tinh thần kinh được song song triển khai; Khoa là cơ sở thực hành của Bộ môn và được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp Bộ chỉ đạo ngành Tinh thần kinh.
Mấy khóa đầu chúng tôi được đào tạo theo chương trình chuyên khoa Tinh – Thần kinh.
Trong chương trình học Y có lẽ nhiều người cho rằng môn học Thần kinh là tương đối khó. Đúng vậy khó thể hiện trong từng phần như giải phẫu, sinh lý và sinh lý bệnh, triệu chứng và bệnh học. Khi đó, chúng tôi học tài liệu giảng dạy do Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh mang về từ Paris; tài liệu đầu tiên môn Thần kinh học bằng tiếng Việt ra đời từ đó. Thầy giảng với viên phấn trắng trong tay. Hồi đó phương tiện giảng dạy đơn sơ chỉ có bảng đen và phấn viết.
Bài giảng lôi cuốn tôi nhiều đó là cơ chế phản xạ gân-xương (sau này tôi đề nghị đổi thành phản xạ gân cơ), trong đó vai trò sinh lý của thoi cơ (physiologie du fuseau musculaire) nảy sinh trong tôi một câu hỏi “khi bó tháp bị tổn thương hoạt động của thoi cơ mất kiểm soát sẽ gây nên hiện tượng gì trong lâm sàng?”. 
Trong quá trình khá dài điều trị người bệnh tôi lặng lẽ tìm nhiều cách kích thích các ngón tay và chân hy vọng tìm ra một dấu hiệu hoặc một hiện tượng nào đó dựa trên tiêu chí:
– Không giống và trùng với các dấu hiệu của các tác giả đã được công bố trong y văn.
– Dấu hiệu tìm được phải nhậy, dễ thực hiện trên các bệnh nhân có thương tổn bó tháp, từ nhẹ tới nặng.
Nghiệm pháp dựa trên cách thực hiện:

2

Cách tìm dấu hiệu Lê Văn Thành

Người khám dùng hai ngón tay (ngón cái và trỏ) bóp mạnh ngón chân thứ tư của bệnh nhân, một ngón để trên lưng ngón chân thứ tư, một ngón ép mặt dưới ngón chân rồi bẻ ngược ngón chân, sau đó thả ra bất thình lình. Lúc này có hiện tượng cộng hưởng ngón cái tự động hưởng ứng ngửa lên và rồi gục về tư thế cũ; như vậy ngón chân thứ tư cùng lúc chịu hai loại kích thích: cảm giác bóp ép và kéo căng. Tập thể đặt tên có tính tả thực là dấu hiệu “GẬT GÙ NGÓN CÁI”.
Để chứng minh khi bó tháp không kiểm soát được một cách vĩnh viễn hay tạm thời tế bào vận động thứ hai ở đầu sừng trước tủy sống lúc đó sẽ xuất hiện các dấu hiệu bó tháp. Tôi đề nghị Thầy Ánh cho phép tôi tìm dấu hiệu này trong liệu pháp Sakel, là cách gây mê hạ đường huyết bằng insulin để điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt; GS. Lê Đức Hinh khi đó phụ trách khu Tâm thần đã tận tình giúp tôi và giám sát; kết quả không ngờ là dấu hiệu gật gù ngón cái xuất hiện trước và mất đi khoảng sau 2 phút so với các dấu khác. Quá trình này được hai Ông Khương Mễ và Nguyễn Đảnh là hai nhà quay phim lão thành của miền Nam tập kết ra Bắc, lúc đó công tác tại Xưởng phim Việt Nam, đồng thời cũng là bạn GS. Hinh – đã cho người ghi hình và dựng phim.
Những việc đặt ra trước khi báo cáo tại các Hội nghị Khoa học:
– Tên dấu hiệu, tôi đề nghị tên Thầy Ánh đứng trước. Lúc này vẻ mặt nghiêm nghị và đôi mắt nhíu lại, Thầy trả lời: “ …. đã đứng bên dốc cuộc đời và 20 năm trong nghề mà chưa làm được như anh, cớ gì tôi đứng tên…” Hình ảnh và lời nói đó đến nay trên nửa thế kỷ vẫn còn rõ trong tôi.

3

GS. Lê Văn Thành (người thứ 4 từ trái sang) đang trình bày bệnh án của một bệnh nhân trước BS. Nguyễn Quốc Ánh (người thứ 1 bên trái)

– Tôi báo cáo lần thứ nhất trong sinh hoạt Hội nghị Khoa học Bệnh viện Bạch Mai, lần thứ hai tại Hội nghị Khoa học Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật thần kinh Việt Nam.
Giữa năm 1972 tôi đang làm nghiên cứu tại Khoa Y trường Tổng hợp Charles Praha nhận được thư của GS. Nguyễn Chương và BS. Vũ Trọng Hồng báo tin Thầy Ánh đã báo cáo “dấu gật gù ngón cái” trong Hội nghị Y học toàn quốc 1971. Chủ tọa đoàn Hội nghị đánh giá cao đã lần đầu dựng phim cho một báo cáo khoa học. Ngay sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng cho chỉ thị phải ưu tiên công bố ra báo chí nước ngoài. Thầy Ánh đã viết một bài báo về dấu hiệu gật gù ngón cái với tiêu đề “ Babinski et sa suite, Le signe de Le Van Thanh” đăng trên tạp chí Le Concours Médical xuất bản ở Pháp năm 1971. Trong lòng tôi mừng vô hạn và quá bất ngờ vì thời gian này miền Bắc đang bị oanh tạc dữ dội, bao nhiêu khó khăn mà Thầy và tập thể Khoa vẫn cố gắng công bố báo cáo này ra nước ngoài. Khi có số báo này tôi trình với Gs Josef Vymazal, Thầy hướng dẫn của tôi; sau vài tháng dấu hiệu “gật gù ngón cái” được báo cáo trong Hội nghị Khoa học Hội Thần kinh học Tiệp Khắc…
Những đức tính và khả năng của Thầy Ánh đã làm các anh em đồng nghiệp phải kính nể và học tập:
Về Sư phạm Thầy là một người có khả năng truyền đạt kiến thức cao cho học viên.
Về Kiến thức chung cùng kiến trúc và hội họa rất rộng, Thầy đã cùng Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện xây dựng Khoa Tinh thần Kinh Bệnh viện Bạch Mai giống như một dinh thự với tỷ lệ hợp lý dành cho vườn cây và hồ nước, núi non bộ; không ai nghĩ đó là một cơ sở y tế điều trị người bệnh thần kinh và người “loạn trí”.
Về Văn hóa: Thầy đã dịch tập thơ Từ Ấy của tác giả Tố Hữu sang tiếng Pháp.
Tôi còn nhớ trong một lần lúc đó khoảng 14h30 phía Bắc Bệnh viện Bạch Mai bị máy bay Mỹ thả bom, từ hầm cá nhân lên tôi chứng kiến mảnh bom rải rác khắp nơi, nhiều cửa kính và cánh cửa gỗ của Khoa bị sức ép vỡ và đổ. Khoảng 16h30 tôi thấy Thầy Ánh đầu đội nón dứa đạp xe từ phố Hàn Thuyên tới xem anh chị em trong Khoa có ai bị thương không. Chúng tôi rất xúc động về nghĩa cử này.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của con người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngành Thần kinh học nước nhà, tôi xin phép nêu một vài tâm tư từ đáy lòng: “nghìn ngày tìm tòi nghiên cứu chưa bằng một ngày học từ Thầy. Nếu ai đó hỏi thành công của tôi bắt nguồn từ đâu, xin thành thật trả lời Thầy là người đã mang đến cho tôi kiến thức và hành trang bước vào nghề và đời”.
“Từ nơi xa theo hương bay của gió, xin gửi lòng tôn kính tới vong linh người Thầy kính yêu”.