Đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh mắc bệnh động kinh tại Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2020

Đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh mắc bệnh động kinh tại Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2020

Nguyễn Anh Tuấn1, Dương Minh Đức1, Nguyễn Thị Phương1, Phạm Thị Ngọc1, Hoàng Tuyết Nhung2
Khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức1
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội2

TÓM TẮT:

Mục tiêu: Đánh giá chất lượng cuộc sống (QoL) của người bệnh động kinh đang khám và điều trị tại Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả được tiến hành trên 96 người bệnh đến khám và điều trị tại Khoa Nội – Hồi sức thần kinh từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020.

Kết quả: Điểm trung bình QoL là 50,28 ± 14,36. Tỷ lệ người bệnh không lo âu là 50%, và tỷ lệ người bệnh có lo âu là 24%, lo âu có mối tương quan nghịch với QoL (r = -0.611). Tỷ lệ người bệnh trầm cảm là 24%, có 34,4% người bệnh không trầm cảm, trầm cảm cũng cho thấy có tương quan nghịch với QoL (r = -0.597).

Kết luận: Chất lượng sống người bệnh động kinh chỉ ở mức trung bình, trong đó tỷ lệ đáng kể người bệnh có biểu hiện của triệu chứng trầm cảm lo âu, do đó cần sớm có những giải pháp làm giảm tình trạng trầm cảm lo âu nhằm góp phần nâng cao QoL cho người bệnh động kinh.

Từ khóa: Động kinh, chất lượng cuộc sống, trầm cảm, lo âu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Động kinh là một bệnh lý không lây nhiễm thuộc hệ thần kinh thường gặp và phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của Liên hội Quốc tế chống Động kinh (ILAE), hiện nay trên thế giới có khoảng 70 triệu người bị mắc động kinh, trong đó khoảng 60 triệu người (80-90%) ở các nước đang phát triển [1]. Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu khảo sát được thực hiện tại Hà Tây cũ của Nguyễn Thúy Hường và cộng sự cho thấy tỷ lệ mắc bệnh chung của các thể động kinh là 4,9‰, riêng động kinh dạng hoạt động là 4,6‰ [2].

Với đặc điểm bệnh mang tính chất kỳ lạ và sự thiếu hiểu biết cũng như ảnh hưởng của các yếu tố tâm linh, mê tín dị đoan, ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, động kinh vẫn tiếp tục được xem là hiện tượng quỷ nhập và sự ám ảnh của các linh hồn tổ tiên. Sự phân biệt đối xử và kỳ thị trên đã khiến cho người bệnh động kinh thường có xu hướng sợ hãi chính bản thân mình và xã hội, làm tăng các nguy cơ bị các bệnh lý về tâm thần, nhẹ có thể gặp lo âu, mất ngủ, nặng hơn có thể bị tình trạng trầm cảm. Do vậy đánh QoL và các yếu tố ảnh hưởng đến QoL của người bệnh động kinh trở nên đặc biệt cần thiết.

Tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BVHNVĐ) nói riêng mới chỉ có các đánh giá sơ bộ về tình hình dịch tễ và thống kê số lượng mắc bệnh, tình hình điều trị hay tỷ lệ tử vong của người bệnh động kinh mà chưa có nghiên cứu nào có đo lường về QoL của nhóm đối tượng này. Chúng tôi mong muốn tìm hiểu trọng số QoL của bệnh nhân động kinh và so sánh sự khác biệt với các nước khác ra sao. Việc nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng đến QoL của người bệnh và có thể giúp đề xuất các chiến lược để cải thiện việc quản lý người bệnh động kinh trong cộng đồng. Do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu: “Đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh động kinh đang khám và điều trị tại Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”


 

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Địa điểm nghiên cứu

–      Khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

2.2 Thời gian nghiên cứu

–      Từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020

2.3 Đối tượng nghiên cứu

–      Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân:

+ Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh động kinh đang khám và điều trị nội trú và ngoại trú tại Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, BVHNVĐ.

+ Thời gian bị bệnh động kinh của các bệnh nhân ít nhất là 12 tháng.

+ Người bệnh ≥ 18 tuổi, tỉnh táo và không có khiếm khuyết về nhận thức

+ Người bệnh đồng ý tham gia nghiên cứu

–      Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Người bệnh già yếu, không đủ sức khỏe tham gia trả lời phỏng vấn hoặc người bệnh dưới 18 tuổi.

+ Người bệnh có khiếm khuyết về nhận thức, không tỉnh táo

+ Người bệnh không đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.4 Phương pháp nghiên cứu

–      Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang

–      Cỡ mẫu: 96 người bệnh đáp ứng tiêu chuẩn nghiên cứu

–      Phương pháp chọn mẫu: thuận tiện

2.5 Bộ công cụ thu thập số liệu

–      Các biến nhân khẩu học: Tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập bình quân đầu người, thời gian mắc bệnh, thể động kinh, tần số cơn động kinh, thuốc chống động kinh đang dùng

–      Bộ câu hỏi đánh giá QoL: Quality of Life in Epilepsy (QOLIE – 31)

–      Bộ câu hỏi đánh giá mức độ trầm cảm lo âu: Hospital Anxiety and Depression Scale (HADS)

2.6 Quá trình thu thập số liệu

–      Trước khi được phỏng vấn, người bệnh được nghiên cứu viên giải thích về mục đích của nghiên cứu. Sau khi đạt được sự đồng ý tham gia nghiên cứu, người bệnh được kí vào phiếu đồng ý tham gia nghiên cứu, sau đó người bệnh được phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi có sẵn. Thời điểm lấy số liệu là sau khi người bệnh được bác sĩ thăm khám.

2.7 Xử lý số liệu

–      Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0

2.8 Đạo đức nghiên cứu

–      Đề cương nghiên cứu được thông qua Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

–      Mọi thông tin liên quan đến người bệnh đều được giữu kín và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

CHƯƠNG III: KẾT QUẢ

3.1 Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1: Phân bố các đối tượng theo giới và nhóm tuổi

Tần số Phần trăm Mean ± SD Khoảng
Giới Nam 60 62,5 30,48 ± 8,54  
Nữ 36 37,5 29,58 ± 8,55
Tổng cộng 96 100  
Nhóm tuổi 18 – 30 57 60,41 30,15 ± 8,51 16 – 61
31 – 45 35 36,46
46 – 61 4 4,17
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Tuổi trung bình của người bệnh là 30,15 ± 8,51, đa số người bệnh là nam giới (62,5%). Nhóm tuổi 18 – 30 chiếm đa số với tỷ lệ 60,41%, nhóm tuổi 46 – 60 chiến tỷ lệ thấp nhất với 4,17%.

Bảng 2: Phân bố đối tượng theo tình trạng hôn nhân

Tình trạng hôn nhân Tần số Phần trăm
Góa 1 1,04
Ly thân/ ly dị 6 6,25
Độc thân/ chưa từng kết hôn 51 53,13
Có vợ/ chồng/ bạn tình 38 39,58
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Có tới 53,13% số người bệnh sống độc thân/chưa từng kết hôn. Tỷ lệ người bệnh có vợ/chồng/bạn tình là 39,58%.

Bảng 3: Phân bố đối tượng theo trình độ học vấn

Trình độ học vấn Tần số Phần trăm
Không đi học 2 2,08
Tiểu học (1-5) 6 6,25
Trung học cơ sở (6-9) 23 23,96
Trung học phổ thông (10-12) 25 26,04
Trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học 40 41,67
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Tỷ lệ người bệnh có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học chiếm phần lớn 41,67%, tỷ lệ người bệnh có trình độ trung học phổ thông là 26,04%, chỉ có một tỷ lệ nhỏ 2,08% người bệnh không đi học.

Bảng 4:Phân bố đối tượng theo nghề nghiệp

Nghề nghiệp Tần số Phần trăm
Thất nghiệp, về hưu/nghỉ mất sức không lương 10 10,42
Học sinh/ sinh viên/ học nghề 13 13,54
Nông dân 11 11,46
Về hưu/ nghỉ mất sức có lương 2 2,08
Nhân viên nhà nước 12 12,50
Tự do (kinh doanh, buôn bán, bồi bàn..) 33 34,38
Người làm việc trong công ty, doanh nghiệp 15 15,63
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Tỷ lệ lao động tự do chiếm đa số 34,38%; tỷ lệ người bệnh làm việc trong các công ty, doanh nghiệp chiếm 15,63%; tỷ lệ người bệnh thất nghiệp chỉ chiếm 10,42%.

Bảng 5: Mức thu nhập bình quân của các đối tượng

Thu nhập bình quân Tần số Phần trăm
< 3 triệu 50 52,08
3 triệu đến < 5 triệu 19 19,79
5 triệu đến < 10 triệu 16 16,67
10 triệu đến < 20 triệu 9 9,38
> 20 triệu 2 2,08
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Tỷ lệ người bệnh có mức thu nhập dưới 3 triệu/tháng chiếm phần lớn 52,08%, tỷ lệ người bệnh có thu nhập từ 3 – 5 triệu/tháng và 5 – 10 triệu/tháng lần lượt là 19,79% và 16,67%.

3.2 Đặc điểm lâm sàng bệnh động kinh của các đối tượng nghiên cứu

Bảng 6: Thời gian bị bệnh của các đối tượng

Tần số Phần trăm Mean ± SD Khoảng
Số năm điều trị =<5 năm 42 45.65 9.28 ± 8.08 0 – 37
>5 năm 50 54.35
Tổng cộng 92 100.0

Nhận xét: Số người bệnh bị bệnh từ 0 – 5 năm là 42 người (45.65%), số người bệnh bị bệnh trên 5 năm là 50 người (54.35%).

Bảng 7: Thể động kinh của các đối tượng

Thể động kinh Tần số Phần trăm
Cơn toàn thể 33 34,38
Cơn cục bộ 47 48,96
Cả hai loại cơn 12 12,50
Không thể phân định được 4 4,17
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Tỷ lệ người bệnh có cơn cục bộ và cơn toàn thể lần lượt là 48,96% và 34,38%, có 12,5% số người bệnh có cả hai loại cơn, và 4,17% số người bệnh không xác định được cơn.

Bảng 8: Tần số cơn động kinh của các đối tượng

Tần suất cơn động kinh Tần số Phần trăm
1 lần/ngày 15 15,63
1 lần/tuần 27 28,1
1 lần/tháng 27 28,13
1 lần/ 3 tháng 1 1,04
1 lần/ 6 tháng 3 3,13
1 lần/năm 6 6,25
>1 lần/năm 10 10,42
Không nhớ 7 7,29
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Số người bệnh có số cơn 1 lần/tuần và 1 lần/tháng chiếm tỷ lệ lớn nhất cùng là 28,13%, số người bệnh có số cơn 1 lần/ngày là 15,63%.

Bảng 9:Thuốc chống động kinh đối tượng đang dùng

Số loại AED dùng trong ngày Tần số (n) Phần trăm (%)
1 loại AED/ngày 38 39,58
2 loại AED/ngày 35 36,46
>=3 loại/ngày 14 14,58
Không dùng 9 9,37
Tổng cộng 96 100

Nhận xét: Có 39,58% số người bệnh đang điều trị 1 loại AED/ngày, 36,46% đang điều trị 2 loại AED/ngày, số người bệnh đang điều trị từ 3 loại AED/ngày là 14,58%.

3.3 Chất lượng cuộc sống, và tình trạng lo âu trầm cảm của người bệnh động kinh   

      Bảng 10: Điểm các yếu tố cấu thành QoL của người bệnh động kinh

Yếu tố Trung bình Độ lệch chuẩn
Cảm giác dễ chịu 58,50 18,34
Chức năng xã hội 41,21 22,37
Năng lượng/mệt mỏi 52,37 20,92
Chức năng nhận thức 53,54 17,20
Lo lắng cơn co giật xuất hiện lại 40,82 25,73
Ảnh hưởng của thuốc 37,32 23,84
QoL chung 55,18 14,36
QoL tổng thể 50,28 14,36

Nhận xét:Điểm trung bình QoL của người bệnh là 50,28điểm. Trong đó yếu tố Cảm giác có điểm cao nhất là 58,50 điểm, yếu tố Tác dụng phụ của thuốc có điểm thấp nhất là 37,32 điểm.

Bảng 11: Tình trạng lo âu của đối tượng nghiên cứu

Tần số Phần trăm Mean ± SD Khoảng
Lo âu Không lo âu 48 50,0 7,82 ± 4,24 0 – 21
Ranh giới lo âu 25 26,0
Lo âu 23 24,0
Tổng 96 100

Nhận xét: Điểm số trung bình trầm cảm của đối tượng nghiên cứu là 7,82 ± 4,24; trong đó tỷ lệ người bệnh không lo âu là 50%, tỷ lệ người bệnh có lo âu là 24%, có 26% số người bệnh ở ranh giới lo âu.

Bảng 12: Tình trạng trầm cảm của đối tượng nghiên cứu

Tần số Phần trăm Mean ± SD Khoảng
Trầm cảm Không trầm cảm 33 34,4 8,68 ±   3,41 0 – 19
Ranh giới trầm cảm 40 41,7
Trầm cảm 23 24,0
Tổng 96 100

Nhận xét: Điểm số trung bình trầm cảm của đối tượng nghiên cứu là 8,68 ± 3,41; trong đó tỷ lệ người bệnh trầm cảm là 24%, tỷ lệ người bệnh không trầm cảm là 34,4%, có tới 41,7% số người bệnh ở ranh giới trầm cảm.

Bảng 13: Tương quan giữa lo âu và các thành phần QoL và QoL tổng thể

  QoL lo lắng QoL chung QoL cảm xúc QoL năng lượng/

mệt mỏi

QoL nhận thức QoL tác dụng phụ của thuốc QoL chức năng xã hội QoL tổng thể
Lo âu r -,446** -,537** -,458** -,520** -,434** -,278** -,424** -,611**
p ,000 ,000 ,000 ,000 ,000 ,006 ,000 ,000

**. Correlation is significant at the 0,01 level (2-tailed).

*. Correlation is significant at the 0,05 level (2-tailed).

Nhận xét: Bảng kết quả trên cho thấy mức độ lo âu của đối tượng nghiên cứu có tương quan nghịch với CLCS tổng thể (p < 0,001; r = -0,611). Mức độ lo âu cũng cho thấy mối tương quan nghịch với tất cả các các thành phần của QoL.

Bảng 14: Tương quan giữa trầm cảm và các thành phần QoL và QoL tổng thể

  QoL lo lắng QoL chung QoL cảm xúc QoL năng lượng/

mệt mỏi

QoL nhận thức QoL tác dụng phụ của thuốc QoL chức năng xã hội QoL tổng thể
Trầm cảm r -,148 -,460** -,519** -,480** -,509** -,260* -,459** -,597**
p ,149 ,000 ,000 ,000 ,000 ,011 ,000 ,000

**. Correlation is significant at the 0,01 level (2-tailed).

*. Correlation is significant at the 0,05 level (2-tailed).

Nhận xét: Bảng kết quả trên cho thấy mức độ trầm cảm của đối tượng nghiên cứu có tương quan nghịch với QoL tổng thể (p < 0,001; r = -0,597). Mức độ trầm cảm cũng cho thấy mối tương quan nghịch với tất cả các thành phần của QoL.

 

CHƯƠNG IV: BÀN LUẬN

4.1 Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Đa số người bệnh động kinh là nam giới, kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Đà Nẵng năm 2012, tuy nhiên lại có chút khác biệt so với nghiên cứu tại Malaysia và Thái Lan với tỷ lệ người bệnh đa số là nữ giới [4] [5].

Trong nghiên cứu của chúng tôi tuổi trung bình của người bệnh là 30,15 ± 8,51thấp hơn một chút so với nghiên cứu tại Đà Nẵng và Nga, và có phần tương đồng với nghiên cứu tại Malaysia và Miền nam Thái Lan.

Hơn một nửa người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi ở tình trạng độc thân/chưa từng kết hôn, kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu tại Đà Nẵng và Malaysia với tỷ lệ người bệnh độc thân là khá cao [6] [4]. Một số nghiên cứu đã cho thấy người bị động kinh nhiều khả năng bị thất nghiệp và ít có khả năng lập gia đình [7]. Điều này phản ánh sự khó khăn của người bệnh động kinh đối với việc lập gia đình vì những lý do khác nhau như sự phân biệt đối xử và kỳ thị của cộng đồng, sự không đảm bảo về kinh tế và sức khỏe, sự thay đổi về tâm thần kinh.

Kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có đến 10,42% số người bệnh động kinh thất nghiệp, đây là một tỷ lệ khá cao so với quần thể người lao động có sức khỏe bình thường vì theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 ở Việt Nam ước tính là 2,48 % [8]. Tỷ lệ thất nghiệp cao phản ánh tình trạng khó khăn của người bệnh động kinh trong cuộc sống. So với người bình thường, người bệnh động kinh khó học việc hơn, khó tìm việc phù hợp với sức khỏe của mình và nếu có tìm được việc cũng khó duy trì được công việc trong thời gian dài. Điều này được Albena Grabowska – Grzyb và các cộng sự kết luận trong một nghiên cứu là những người bệnh động kinh bị trầm cảm thường bỏ việc vì khí sắc trầm, giảm các hoạt động, rối loạn nhận thức và thay đổi nhịp sinh học. Chính những yếu tố này tác động tiêu cực đến khả năng lao động của họ [9].

Số người bệnh có thu nhập bình quân dưới 3 triệu/tháng chiếm tỷ lệ cao 53,1% thấp hơn nhiều so với quần thể người lao động có sức khỏe bình thường, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 5,5 triệu đồng/tháng [8]. Điều này nói lên sự khó khăn của người bệnh động kinh trong việc tìm cho mình một công việc thích hợp có mức thu nhập tốt.

4.2 Đặc điểm lâm sàng bệnh động kinh của các đối tượng nghiên cứu

Trong nghiên cứu của chúng tôi, số người bệnh mắc bệnh trên 5 năm chiếm phần đông (54,4%), số người bệnh mắc bệnh dưới 5 năm là 45,6%. Tỷ lệ người bệnh mắc bệnh trên 5 năm trong nghiên cứu của chúng tôi có chút thấp hơn so với nghiên cứu ở Đà Nẵng, và nghiên cứu ở Malaysia [6] [4].

Về thể động kinh, trong nghiên cứu này chúng tôi nhận thấy động kinh cục bộ chiếm đa số với 48,96% theo sau bởi động kinh toàn thể với 34,38%. Tỷ lệ thu được trong đề tài nghiên cứu này phù hợp với một số kết quả của các nghiên cứu khác đã công bố, theo đó ở các nước đang phát triển, động kinh cục bộ chiếm tỷ lệ cao hơn động kinh toàn thể [10]

Về tần số cơn động kinh, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng số người bệnh động kinh có cơn dày chiếm số lượng lớn. Như vậy người bệnh động kinh trong nghiên cứu của chúng tôi có tần số xuất hiện cơn động kinh trái ngược so với nghiên cứu tại Đà Nẵng, và nghiên cứu tại Miền Nam Thái Lan: tỷ lệ người bệnh động kinh có cơn càng dày càng giảm dần [5] [6]. Sự khác biệt này là do Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, người bệnh đến khám hầu hết đều là những ca phức tạp, điều trị thuốc tại tuyến cơ sở không hiệu quả hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cơn động kinh, hoặc các trường hợp thuộc nhóm kháng trị có chỉ định phẫu thuật.

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ người bệnh đang điều trị 1 loại AED/ngày là 39,6% và 2 loại AED/ngày là 36,5%. Tỷ lệ người bệnh động kinh trong nghiên cứu của chúng tôi đang điều trị từ 2 loại ADE/ngày cao hơn các nghiên cứu tại Malaysia và Iran và các nước vùng Vịnh và Cận Đông [4] [11].

4.3 Chất lượng cuộc sống, và tình trạng lo âu trầm cảm của người bệnh động kinh

Trong nghiên cứu của chúng tôi, điểm QoL tổng thể thuộc mức trung bình (50,28± 14,36), con số này thấp hơn so với nghiên cứu tại Malaysia năm 2013 (68,9 điểm) nhưng lại cao hơn tại Mosscow – Nga năm 2007 (42,13 điểm) hay nghiên cứu trên 980 người lớn mắc bệnh động kinh ở Úc năm 2019 (43,9 điểm), hay một nghiên cứu trong nước tại Đà Nẵng năm 2010 (48,8 điểm)[4], [3], [12], [6]. Sự khác biệt này có thể được giải thích là do sự khác biệt về các dịch vụ chăm sóc y tế của quốc gia, các yếu tố văn hóa xã hội hoặc các đặc điểm lâm sàng của bệnh [14].

Người bệnh động kinh thường có một tỷ lệ cao với các rối loạn tâm thần kết hợp. Trong khoàng 20 năm trở lại đây, phần lớn các nghiên cứu đã cho thấy rằng trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần kết hợp phổ biến nhất với người bệnh động kinh ở mọi lứa tuổi [13] và nó là nguyên nhân phổ biến gây ra hành vi tự sát ở các đối tượng này. Trong nghiên cứu của chúng tôi có đến 24% đối tượng có biểu hiện của triệu chứng trầm cảm, kết quả này cũng tương đồng với một nghiên cứu được thực hiện ở Thái Lan với tỷ lệ trầm cảm là 24,44% và một nghiên cứu được thực hiện ở UAE với tỷ lệ trầm cảm là 28,7% [15]. Tuy nhiên tỷ lệ trầm cảm trong nghiên cứu của chúng tôi có thấp hơn so với một số nghiên cứu khác như tại Brazil cho thấy có đến 31,6% người bệnh động kinh bị trầm cảm, một nghiên cứu khác được thực hiện trên người bệnh động kinh mạn tính ở Thái Lan cho thấy tỷ lệ mắc trầm cảm là 39%. Sự khác biệt này có thể là do thang điểm mà các nghiên cứu sử dụng để đánh giá tình trạng trầm cảm là khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trầm cảm có tương quan nghịch với QoL của người bệnh động kinh với hệ số tương quan chỉ ra mức độ tương quan khá chặt chẽ (r = -0.597). Người bệnh có điểm số trầm cảm càng cao thì QoL càng thấp. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ năm 2014 với kết quả cho thấy trầm cảm là một trong hai yếu tố dự đoán quan trọng nhất đối với QoL của người bệnh động kinh [18]. Một nghiên cứu khác về các đặc tính liên quan đến QoL ở những người bệnh động kinh kháng thuốc được thực hiện ở Anh năm 2017 cũng cho thấy sự suy giảm QoL ở nhóm người bệnh động kinh kháng thuốc với các cơn co giật dai dẳng có liên quan đáng kể với các triệu chứng trầm cảm [16]. Nghiên cứu của Eleftheria và cộng sự năm 2019 được thực hiện trên 70 bệnh nhân ỏ tây Bắc Hy Lạp cũng cho thấy trầm cảm có mối tương quan với QoL của người bệnh động kinh [19]

Bên cạnh trầm cảm thì lo âu cũng là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp ở người bệnh động kinh. Lo âu thường là một triệu chứng điển hình của rối loạn điều chỉnh mà hầu hết người bệnh đều trải qua khi được chẩn đoán lần đầu mắc bệnh động kinh. So với nghiên cứu được thực hiện ở Thái Lan vào năm 2009 cho thấy tỷ lệ lo âu trên người bệnh động kinh là khá cao với 40% thì trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ lo âu ở người bệnh động kinh có thấp hơn với 24% người bệnh động kinh có lo âu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự tương đồng với một nghiên cứu phân tích tổng hợp về tỷ lệ lo âu ở người bệnh động kinh cho thấy tỷ lệ lo âu nói chung trong các nghiên cứu là khoảng 26,1%, một nghiên cứu khác được thực hiện ở UAE năm 2015 cũng cho thấy tỷ lệ lo âu ở người bệnh động kinh là 26,2% [15]. Bên cạnh trầm cảm thì lo âu cũng có mối tương quan chặt chẽ với QoL (r = -0.611) điều này cho thấy lo âu càng nhiều thì QoL càng thấp. Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với một số nghiên cứu khác. Leone và công sự trong một nghiên cứu được thực hiện tại nước Anh năm 2017 cũng cho thấy mối tương quan giữa lo âu và QoL của người bệnh động kinh [16]. Một nghiên cứu khác về rối loạn lo âu trên người bệnh động kinh được thực hiện năm 2011 tại Đức đưa ra kết luận rằng rối loạn lo âu thường xảy ra ở người bệnh động kinh, và các bác sĩ lâm sàng nên đưa ra các kiểm tra cẩn thận đến những người bệnh có bệnh lý đi kèm quan trọng này [17].

 

CHƯƠNG V: KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu trên tổng số 96 người bệnh động kinh đang điều trị nội trú và ngoại trú tại Khoa Nội – Hồi Sức Thần Kinh, Bệnh Viện HN Việt Đức năm 2020, chúng tôi thu được các kết quả chính như sau:

Điểm trung bình QoL là 50,28 ± 14,36, trong đó yếu tố cảm giác có điểm cao nhất (58,50), và yếu tố tác dụng phụ của thuốc có điểm thấp nhất với 37,32 điểm.

Điểm trung bình lo âu là 7,82 ± 4,24; trong đó tỷ lệ người bệnh không lo âu là 50%, tỷ lệ người bệnh có lo âu là 24%, có 26% số người bệnh ở ranh giới lo âu. Lo âu có mối tương quan nghịch với QoL, với hệ số tương quan khá chặt chẽ với QoL (r = -0.611)

Điểm trung bình trầm cảm là 8,68 ± 3,41; trong đó tỷ lệ người bệnh trầm cảm là 24%, tỷ lệ người bệnh không trầm cảm là 34,4%, có tới 41,7% số người bệnh ở ranh giới trầm cảm. Trầm cảm cũng cho thấy có tương quan nghịch với QoL của người bệnh động kinh với hệ số tương quan chỉ ra mức độ tương quan khá chặt chẽ với QoL (r = -0.597)

 

ABSTRACT:

ASSESING QUALITY OF LIFE OF EPILEPSY PATIENTS IN DEPARTMENT OF NEUROLOGY AND NEURO INTENSIVE CARE, VIET DUC UNIVERSITY HOSPITAL IN 2020

Objective: Assessing Quality of Life (QoL) of epilepsy patients being on examination and treatment in Department of Neurolody and Neuro Intensive Care, Viet Duc University Hospital

Methodology: This is descriptive study conducted in 96 epilepsy patients in Department of Neurolody and Neuro Intensive Care from January 2020 to December 2020.

Results: The mean score of QoL was50.28 ± 14.36. The percentage of patients with anxiety was 50%, and those without anxiety was 24%, anxiety had negative correlation to QoL (r = -0.611). The prevalence of patients with depression was 24%, and 34.4% patients had no depression, depression also had negative correlation to QoL (r = -0.597).

Conclusion: TheQoLof epilepsy patients was average level, in which a significant percentage of patients had symptoms of depression and anxiety. Therefore, it is necessary to have early solutions to reduce patient’s depression and anxiety to contribute to improving QoL for epilepsy patients.

Keywords: Epilepsy, quality of life, depression, anxiety

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. WHO (2001). Epilepsy: epidemiology, aetiology and prognosis. WHO Factsheet, number 165.
  2. Nguyễn Thúy Hường (2000), Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tể động kinh  và tình hình điều trị động kinh tại tỉnh Hà Tây. Luận án Tiến sỹ khoa học Y dược, Học viện Quân Y -> 3
  3. Guekht AB1Mitrokhina TVLebedeva AVDzugaeva FKMilchakova LELokshina OBFeygina AAGusev EI. Factors influencing on quality of life in people with epilepsy.Seizure. 2007 Mar;16(2):128-133. Epub 2006 Dec 8.
  4. Norsa’adah BZainab JKnight A. The quality of life of people with epilepsy at a tertiary referral centre in Malaysia.Health Qual Life Outcomes. 2013 Aug 23; 11:143.
  5. Kanitpong Phabphal, Alain Greater, Kitti Limapichat, Pornchai Satirapunya, Suwanna Setthawacharawanick (2009), Quality of Life in Epileptic Patients in Southern Thailand, J Med Assoc Thai, 92(6),
    pp. 762 – 769.
  6. Trần Nguyên Ngọc và cộng sự (2010), Nghiên cứu chất lượng sống bệnh nhân động kinh ở người lớn tại thành phố Đà Nẵng năm 2010.
  7. Zuhua Zhao, Qin Zhang, Thashi Tsering, Sangwan, Xuejun Hu, Ling Liu, Huifang Shang, Qin Chen, Yonghong Liu, Xuhong Yang, Wenzhi Wang, Shichuo Li, Jianzhong Wu, Josemir W. Sander, Dong Zhou (2008), Prevalence
  8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2021, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020
  9. Albena Grabowska – Grzyb, Joanna Jedrzejckzack, Ewa Naganska, Ursula Fiszer (2006), Risk factors for depression in patients with epilepsy, Epilepsy and Behavior, 8, pp. 411– 417
  10. Tô Hồng Đức, Nguyễn Quang Vinh, Trần Diệp Tuấn (2008), Phân Loại cơn động kinh trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng I thành phố Hồ Chí Minh, Y học thành phố Hồ Chí Minh,12(3), tr. 172 – 175.
  11. Baker AG, Jacoby A, Doughty J, Ellina V, on the behalf of the SIGN group: Quality of life of people with epilepsy in Iran, the Gulf and Near East. Epilepsia 2005, 46(1):132–140.
  12. Jeremy MW, Christine W Kate R Alvin Ng Lisa T, Wendyl JD, (2019), Quality of life and its association with comorbidities and adverse events from antiepileptic medications: Online survey of patients with epilepsy in Australia, Epilepsy Behav 2020 Mar;104(Pt A):106856.
  13. World Health Organization: Epilepsy in The Western Pacific Region: A call to action. Global Campaign Against Epilepsy. 2004. Geneva: WHO. ISBN 9290610999.
  14. Baker GA, Gagnon D, McNulty P: The relationship between seizure frequency, seizure type and quality of life: findings from three European countries. Epilepsy Res 1998, 30(3):231–240
  15. Taoufik A, Tarek MS: Depression Disorders in Patients with Epilepsy: Underdiagnosed and Appropriately Managed?. Brain Disorders & Therapy 2015, 4(2)
  16. Leone R, Gabriella W, Emily R, Sabine L, Adam N, Stephanie T, Mark R, Gus B, Laura HG: Characteristics associated with quality of life among people with drugresistant epilepsy. Journal of Neurology 2017, 1174-1184
  17. Andes MK. Anxiety Disorders in Epilepsy: The Forgotten Psychiatric Comorbidity. Epilepsy Currents 2011, 11(3): 90-91
  18. Shubham M, Alok T, Richa T, Mahesh K: Study of Inter-relationship of Depression, Seizure Frequency and Quality of Life of People wih Epilepsy in India. Mental Illness Journal 2014, 6(1): 5169
  19. Eleftheria S, Thomas H, Aristeidis HK, Sygkliti HP, Athanassios PK, Sofia M: Depression and quality of life in patients with epilepsy in Northwest Greece. Seizure 2019, 66: 93-98.