Một số ý kiến về chứng đau (nhức) Thần kinh
Một số ý kiến về chứng đau (nhức) Thần kinh
PGS.TS. Nguyễn Chương
Chuyên khoa Thần kinh học, Khoa – Bộ môn Thần kinh
Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai
Đau – nhức Thần kinh là một loạt chứng bệnh do rối loạn các thành phần cấu tạo của đường cảm giác, do quá trình thương tổn kích thích, đồng thời cũng có tác động của yếu tố tâm lý.
Rối loạn cảm giác
Cảm giác là chức năng quan trọng nhất của Thần kinh – Tâm thần. Con người “cảm giác” được là sự nhận thấy những kíchthích từ bên trong và bên ngoài cơ thể. Các loại kích thích này tới các thụ thể ở ngoài da, ở cơ, xương…Từ các thụ thể, các sợi thần kinh cảm giác được tạo thành các dây, các rễ cảm giác (ở tủy sống, các bó cảm giác. Các bó này ở tủy sống đi lên tùy theo chức năng sẽ có những trung tâm ở thânnão, ở đồi thị, ở vỏ não….).
Cảm giác đaulà một loại hình cảm giác nông. Có thể gây đau bằng mũi kim hoặc bằng kích thích ấn. Thường là châm kim kích thích đau ở những vùng tương ứng khi khám cảm giác sờ. Thường là rối loạn cảm giác đau đi đôi cùng với rối loạn cảm giác sờ nhưng có trường hợp rối loạn phân ly cảm giác – mất cảm giác sờ, còn cảm giác đau nóng lạnh. Đó là rối loạn cảm giác kiểu rỗng tủy.
Đau kiểu rễ là đau theo đường đi của dây thần kinh, đau tăng lên khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế.
Cảm giác kiến bòlà một rối loạn cảm giác đặc biệt riêng cho người bệnh. Thường người bệnh thấy tê bì, kiến bò (hoặc kim châm) ở một vùng ngoài da, ở một khu vực tay hoặc chân, hoặc ở cả hai chân hoặc có cảm giác kiến bò ở sau gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên, ở hai bên. Thường đó là giai đoạn đầu “kích thích rễ” của thoái hóa đốt sống (thoái hóa đốt sống cổ, hay thoái hóa đốt sống lưng, thắt lưng, hoặc giai đoạn đầu của ép tủy (tổn thương đốt sống, u tủy, lao đốt sống, ung thư đốt sống…).
Phân loại chứng Đau (Nhức) Thần kinh
Cảm giác Đau
được dẫn truyền từ các thụ thể ở ngoài da, cơ, xương, đi qua các dây thần kinh, rễ thần kinh tương ứng, đi vào tủy qua đường dẫn truyền cảm giác lên thân não, đồi thị và vỏ não.
Từ ngoại vi lên tới vỏ não, “cảm giác đau’’ có nhiều liên hệ từng cấp: Ở cơ, xương, nhất là các sợi cơ, thớ cơ (có những trường hợp cứng cơ, “chuột rút” cũng gây đau), đốt sống cùng các lỗ tiếp hợp ở đốt sống cổ, đốt sống lưng, dốt sống thắt lưng cùng đau do thoái hoá đốt sống, gai xương…Dễ gây cảm giác có đoạn đường đi trong dịch não tủy (viêm nhiễm, viêm màng nhện, viêm màng não cũng gây chứng đau thần kinh).
Có sự tưới máu đều khắp tứ sợi thần kinh, cơ ở sợi cơ, thớ cơ, bó cơ (do vậy nên có hiện tượng đau thần kinh cơ và thường có liên hệ với rối loạn vi mạch ở bệnh tiểu đường, với các cứng cơ (cơn chuột rút – cơn cứng cơ của người lái xe…), sự tưới máu qua các bó mạch thần kinh ở lỗ tiếp hợp các đốt sống. Thiếu máu do thoái hóa ở lỗ tiếp hợp gây các cơn đau theo từng khu vực chi phối của đốt sống bị tổn thương, ví dụ đau ở gáy bả vai, đau bả vai cánh tay.
Đặc biệt, cảm giác đau ở vùng sọ mặt: vòm sọ (các màng não), vùng mặt, vùng hầu họng đi vào thân não, đồi thị, vỏ não…Các trung tâm và đường dẫn truyền cảm giác đau cũng có nhiều liên hệ: hộp sọ (các lỗ ở nền sọ, ví dụ khe bướm với nhánh V1 – nhánh ổ mắt – tiếp thu cảm giác ở giác mạc, và một phần ba trên nửa mặt (giới hạn dưới là từ đuôi mắt đi vòng ra phía mang tai), thân não (liên hệ với bó tháp với hội chứng giao bên), đồi thị (đau kiểu đồi thị), vỏ não (rối loạn tâm lý ở những vùng tương ứng).
Phân loại đau theo Giải phẫu – Hình thể
Tùy theo các dây thần kinh tiếp thu cảm giác đau cùng đốt sống, đốt tủy tương ứng, ta có nhiều chứng Đau: Đau đầu, đau nửa đầu, đau nửa mặt, đau vùng gáy, đau gáy bả vai, đau gáy bả vai cánh tay, đau nửa người, đau lưng, đau ở bụng chân, ở cẳng chân…
Phân loại đau theo bệnh Dây thần kinh
Có nhiều loại Đau dây thần kinh: Đau dây thần kinh V (dây “sinh ba”), đau dây thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh hông. Thường có liên quan tới tổn thương thoái hóa xương, viêm nhiễm (hiện nay thường có viêm do herpes zoster), sang chấn, chèn ép tại chỗ hoặc từ nơi khác tới.
Đặc biệt, đau dây thần kinh – bệnh dây thần kinh. Ở lâm sàng có hội chứng rối loan vận động ngoại biên với liệt mềm mất phản xạ gân xương. Tùy loại tổn thương có rối loạn cảm giác theo khu vực chi phối của dây thần kinh. Thường là tổn thương có liên quan tới thiếu Vitamin B1, tới bệnh tiểu đường…, tới tác động gây bệnh lâu dài (thâm niên) của một số nghề nghiệp, ví dụ bệnh dây thần kinh ở một số người làm lâu năm ở xí nghiệp chì.
Đau Thần kinh trong Phức hợp bệnh
Đau Thần kinh trong Phức hợp bệnh, là có liên quan tới nhiều chuyên khoa như nội, tim mạch, thận, nội tiết, tâm thần,…phẫu thuật thần kinh.
Chứng bệnh Đau nhức đầu
Còn gọi là nhức đầu, đau đầu. Là một trong những chứng bệnh thường gặp và có phạm vi rộng của nhiều chuyên khoa. Là chứng bệnh được nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đề xuất Bảng phân loại quốc tế về Nhức đầu. Về phương diện thực hành, cần chú ý căn nguyên trước tiên của chứng bệnh này là tổn thương chèn ép (u não, viêm dày dính màng não…) và dị dạng mạch não.
Mặt khác, nhức đầu là chứng bệnh hoàn toàn chủ quan nên cần luôn luôn chú ý tới công tác tâm lý trong khám chữa bệnh.
Chứng Đau nhức nửa đầu
Đau nhức nửa đầu còn gọi là hội chứng Migraine, là chứng bệnh có liên quan tới rối loạn thần kinh thực vật, yếu tố nội tiết…Thường gặp ở nữ giới có cơ địa kinh nguyệt thất thường.
Cần chú ý phân biệt chứng nhức nửa đầu “kiểu migraine” trong viêm màng não do lao, do giang mai, trong dị dạng mạch não (phình mạch cảnh trong ở đoạn xoang hang).
Đau nhức nửa mặt
Đau nhức nửa mặt – đau vùng mặt – thường là do tổn thương kích thích một phần hay toàn bộ các nhánh cảm giác của dây thần kinh tam thoa (dây V). Cần phân biệt cơn đau dây V (thường được nghiên cứu điều trị như cơn động kinh cục bộ) và đau nửa mặt do tổn thương dây V (thường là do dị dạng mạch não, do u não, do nhiễm khuẩn, do sang chấn sọ).
Tài liệu tham khảo
1. Guy Lazorthes. Le systeme nerveux central. Bản dịch: Nhà xuất bản Y học 1981 các trang 187-191 (tập 2) và 20-25 (tập 1).
2. MIMS & Psychiatry – Vietnam 2011-2012. Neuropathic Pain, page A174 – A190.
3. Chương Nguyễn. Sổ tay điều trị bệnh thần kinh. Nhà xuất bản Y học 1994.
4. Chương Nguyễn, Hinh Lê đức. Từ điển Thuật ngữ Thần kinh học. Nhà xuất bản Y học 2010.