Mở đầu về Động kinh học
Mở đầu về Động kinh học
PGS.TS. Nguyễn Chương
Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam
KHÁI NIỆM: ĐỘNG KINH ?
Định nghĩa cơ bản
Những năm 60, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh – người chủ nhiệm sáng lập Bộ môn Tinh Thần kinh, Đại học Y Dược Hà Nội và Khoa Tinh Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã nêu Động kinh phát triển từ thuở ấu thơ 1.
Động kinh là những cơn ngắn, định hình, khuynh hướng chu kỳ tái phát, chứng tỏ một kích từ vỏ não hoặc đi qua vỏ não mà điển hình nhất là những cơn kích thích vận động – cơn co giật. Động kinh là một hội chứng – bệnh phổ biến của chuyên khoa thần kinh, tâm thần vừa có diễn biến cấp cứu, vừa có biểu hiện thường xuyên…, về phương diện y tế, y học và về phương diện xã hội…
Chẩn đoán
Xác định cơn động kinh, dựa vào tính chất cơn (định nghĩa): Đột ngột, nhanh, định hình, tái phát, rối loạn ý thức…, thời gian cơn. Phân biệt với hiện tượng không phải cơn: co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ…, do hạ đường huyết… (đói lả..)…, loạn thần kinh chức năng.
Xác dịnh qua hình ảnh điện não đồ lâm sàng: Hình ảnh điện não đồ ở động kinh có biểu hiện rối loạn cơ bản các sóng ở não – rối loạn có giá trị bệnh lý: phức hợp nhọn – sóng, nhọn đơn độc hay nhiều: (nhọn – sóng là biểu tượng của hội động kinh quốc tế).
Có thể dựa trên các sóng điện não để nhận ra cơn lớn, cơn nhỏ, cơn tâm thần vận động.
Đánh giá các loại cơn động kinh – nhất là các loại cơn động kinh cục bộ, động kinh toàn bộ (cơn lớn, cơn nhỏ..), động kinh theo lứa tuổi (động kinh trẻ em, động kinh ở người cao tuổi động kinh theo tiến triển: trạng thái động kinh, động kinh liên tục…Từ đó, tìm ra nguyên nhân của động kinh: động kinh triệu chứng và bệnh động kinh (có thể tạm thời do chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể…).
Tất cả các trường hợp được chẩn đoán là động kinh đều phải được điều trị kịp thời, ngăn ngừa những diễn biến cấp cứu
Điều trị trạng thái động kinh và động kinh liên tục là bằng mọi giá phải cắt cơn, trợ tim mạch và chống phù não, đồng thời sớm tìm ra nguyên nhân.
Điều trị chứng động kinh chủ yếu là điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể: áp xe não, u não, viêm não…
Điều trị bệnh động kinh bao gồm thuốc, chế độ lao động, sinh hoạt… Chú ý tới nguyên tác sử dụng thuốc kháng động kinh (thường xuyên liên tục, tránh thay đổi thuốc một cách đột ngột.., phối hợp thuốc. Phải theo đúng quy chế thuốc độc và các phối hợp thuốc. Theo dõi dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc. Cần tránh những sinh hoạt có khuynh hướng gây cơn…, mặt khác phải chú ý tới nghề nghiệp của người bệnh.
PHÂN LOẠI ĐỘNG KINH
Có nhiều cách phân loại: Phân loại theo cơ thể lâm sàng: cục bộ, toàn thể. Phân loại theo diện vận động – động kinh Bravais – Jackson (hành trình Jackson) theo nguyên nhân: nguyên phát (có thể trên nền sốt-giật ở trẻ nhỏ tuổi..) thứ phát (áp xe não, u não, viêm não).
Bảng phân loại 1981 (ILAE)
Động kinh cục bộ
A. Động kinh cục bộ đơn giản
– Vận động.
– Giác quan.
– Thần kinh.
– Tâm thần.
B. Động kinh cục bộ phức tạp
– Động kinh cục bộ nguyên phát: Toàn thân.
– Động kinh cục bộ phức hợp.
– Động kinh cục bộ đơn giản – phức hợp – Động kinh toàn thân.
Động kinh toàn thân
– Vắng ý thức…
– Động kinh giật cơ.
– Động kinh giật rung.
– Động kinh co cứng.
– Động kinh co cứng – giật rung.
– Động kinh không co cứng.
Liên đoàn Quốc tế Chống động kinh ILAE (International League AntiEpilepsy)
Liên đoàn đã được thành lập từ năm 1909 với 3 mục tiêu gắn bó các nhà nghiên cứu, thực hành động kinh trên toàn thế giới – tổ chức, giảng dạy và đào tạo chuyên khoa động kinh, chăm sóc người bệnh động kinh.., theo dõi diễn biến, chẩn đoán và điều trị các loại thuốc mới với các công ty thuốc.
Ngoài bộ phận lãnh đạo của Liên đoàn, có các lãnh đạo theo khu vực vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam thì liên hệ trực tiếp với bộ phận liên đoàn ở Châu Á và Châu Đại Dương đến nay vẫn còn một số có liên hệ với chúng tôi như Chong Tin Tan, Shih Hui Lim. Phụ trách khu vực châu Á và châu Đại Dương hiện nay là Byuong-In-Lee.
Có 10 tiểu ban giúp Lãnh đạo toàn ILAE, đặc biệt Tiểu ban Phân loại, Từ ngữ là Zubari, Tiểu ban Chẩn đoán I Bluemkee, Tiểu ban Đào tạo J. Caruirosa, Tiểu ban điều trị Thurman, Tiểu ban Tinh Thần kinh K. Kaneroto. Hiện nay toàn Liên đoàn có ở 100 nước, vùng lãnh thổ.
LIÊN ĐOÀN VIỆT NAM CHỐNG BỆNH ĐỘNG KINH (VNLAE)
Sau khi đi dự Hội nghị Động kinh của ILAE năm 1996, lãnh đạo Hội Thần kinh học Việt Nam đã được GS. Masakuno Keuno đại diện của ILAE giúp đỡ tiến hành thành lập Liên đoàn Việt Nam chống bệnh động kinh với PGS.TS. Nguyễn Chương, GS.TS. Lê Đức Hinh, GS.TS. Lê Văn Thính, GS.TS. Hoàng Khánh, TS. Nguyễn Anh Tài.
Từ đó Liên đoàn Việt Nam chống bệnh động kinh – theo 3 mục tiêu của ILAE, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo nhất là truyền đạt kiến thức về bệnh động kinh trong cộng đồng.
Đặc biệt có kết hợp đưa qua truyền hình Kiên Giang (có bản video) để có thể trao đổi trực tiếp với người bệnh cùng những người quan tâm.
Hình ảnh Đoàn Việt Nam tại Hội nghị ILAE ở Chiang mai, Thái Lan
VÀI NÉT VỀ ĐỘNG KINH HỌC Ở VIỆT NAM
Động kinh học là khoa học nghiên cứu về chứng bệnh động kinh. Động kinh học được phát triển nghiên cứu từ hàng thế kỷ nay ở các nước Tây Âu, và ở Hoa Kỳ. Các nước Tây Âu – Hà Lan, Anh, Đức, Thụy Điển, Séc, Ba Lan…đã phát triển nhiều trung tâm, Viện Động kinh học.
Từ năm 1964 nghiên cứu chứng bệnh động kinh được đẩy mạnh
Động kinh là một chứng bệnh phổ biến của Chuyên khoa Tinh Thần kinh, là chứng bệnh vừa có biểu hiện cấp cứu, vừa có biểu hiện thường xuyên, về phương diện y tế, y học về phương diện xã hội.
Đặc biệt, đánh giá theo dõi các biểu hiện cấp cứu: Trạng thái động kinh và động kinh liên tục. Từ đó có phác đồ điều trị cấp cứu trạng thái động kinh và động kinh liên tục.
Năm 1968, Khoa Bộ môn Tinh Thần kinh được nhận viện trợ của Thụy Điển 2 máy ghi điện não ANVA. Nhân dịp này Đại học Y khoa Hà Nội cho thành lập tại Bộ môn, Tổ điện não và Thần kinh sinh lý lâm sàng… Tài liệu giảng dạy – nhất là cho Chuyên khoa Thần kinh được bổ sung: Chẩn đoán Động kinh, xác định qua điện não đồ lâm sàng…(các loại sóng) để nhận ra cơn lớn, cơn nhỏ, cơn nhỏ tâm thần vận động….
Theo xu hướng trên toàn thế giới, ngày 13.8.1969, Bộ Y tế có quyết định chia tách Thần kinh và Tâm thần
Tại Bệnh viện Bạch Mai, có sự tách Khoa Thần kinh và Khoa Tâm thần, còn ở Đại học Y khoa Hà Nội có sự tách Tổ Tâm thần khỏi Bộ môn Tinh Thần kinh. Vụ Điều trị – cho Động kinh là căn bệnh xã hội nên giao cho Khoa Tâm thần quản lý. Thực chất chỉ là nơi định kỳ cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh động kinh.
Phát triển các chuyên đề nghiên cứu của Động kinh học
Sau sự kiện 1969, BS. Nguyễn Quốc Ánh đã xây dựng và phát triển Khoa – Bộ môn Thần kinh, các Tổ chuyên đề: 10 chuyên đề quan trọng nhất là Động kinh (vai trò của khứu não, của cấu tạo lưới trong nghiên cứu động kinh, động kinh gian não với các cơn rối loạn thực vật, cơn đau dây V và động kinh., các đặc điểm giải phẫu – lâm sàng của động kinh. “Động kinh Kojevnhikov, động kinh Bravais Jackson, động kinh soi gương”, động kinh và rối loạn kinh nguyệt, động kinh và lứa tuổi, (động kinh trẻ em, động kinh ở người cao tuổi), chuyên đề Thần kinh điều khiển học (các vòng tác ngược) Tinh Thần kinh dược lý (các loại thuốc kháng động kinh, động kinh kháng thuốc): Thần kinh tâm lý lâm sàng (các test đánh giá về động kinh), vấn đề tâm lý – xã hội của động kinh. Đồng thời có nhiều Luận văn Chuyên khoa 2, Luận án Tiến sĩ đi sâu nghiên cứu những vấn đề thực tế của Động kinh học ở Việt Nam.