Diện chẩn chữa mất ngủ có hiệu quả hay không? Có an toàn không?

Diện chẩn chữa mất ngủ mặc dù chưa phổ biến nhưng vẫn được nhiều người quan tâm. Liệu diện chẩn chữa mất ngủ có hiệu quả? Người ta thực hiện cách này như thế nào? Cùng ECO Pharma tìm hiểu ngay sau đây.

Diện chẩn chữa mất ngủ có an toàn và hiệu quả hay không? – Ảnh: Hội quán diện chẩn Bùi Quốc Châu

Diện chẩn là gì?

Diện chẩn có tên gọi đầy đủ là phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp. Đây là phương pháp phòng và chữa trị bệnh mới trong y học cổ truyền Việt Nam do GS. TSKH Bùi Quốc Châu sáng lập vào đầu năm 1980. Khác với phương pháp châm cứu tác động vào hệ kinh lạc, diện chẩn sử dụng kỹ thuật tác động lên các huyệt đạo (sinh huyệt), một số vùng tương ứng với bộ phận bị bệnh trên khuôn mặt và toàn thân (đồ hình phản chiếu) để chẩn đoán, điều trị các chứng bệnh.

Diện chẩn dựa trên nguyên lý “khuôn mặt phản ánh toàn thân”, xem khuôn mặt là bản đồ thu nhỏ của cơ thể con người. Trên khuôn mặt, mỗi điểm đều có mối liên hệ mật thiết với một bộ phận và cơ quan bên trong cơ thể. Khi cơ thể có vấn đề, trên khuôn mặt sẽ xuất hiện những dấu hiệu bất thường và diện chẩn dựa vào những dấu hiệu này để chẩn đoán bệnh. Nói cách khác, “Diện” là xem biểu hiện trên gương mặt còn “Chẩn” là chẩn đoán bệnh mà cơ thể đang mắc phải.

Ngoài ra, diện chẩn còn dựa trên thuyết Đồng ứng để mở rộng việc chẩn đoán và điều trị ra toàn thân, đặc biệt là trên bàn tay, cánh tay, bàn chân và cổ tay. Việc tác động vào các huyệt đạo trên những bộ phận này hỗ trợ điều trị các vấn đề về sức khỏe một cách toàn diện và không gây ra tác dụng phụ về sau.

Diện chẩn là phương pháp chẩn đoán bệnh dựa vào các dấu hiệu trên mặt và toàn thân – Ảnh: Internet

Diện chẩn chữa mất ngủ có tốt không?

Đối với phương pháp diện chẩn, các chuyên gia sẽ sử dụng các kỹ thuật xoa, bóp, ấn, bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo trên khuôn mặt để điều trị và phòng ngừa bệnh. Trong đó, chữa mất ngủ bằng diện chẩn nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người bởi khả năng cải thiện tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc một cách an toàn và hiệu quả.

Theo quan điểm Y học cổ truyền, diện chẩn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi áp dụng vào việc điều trị mất ngủ. Các động tác tác động của diện chẩn lên huyệt đạo có khả năng kích thích dây thần kinh, điều hòa nhịp tim, cải thiện tiêu hóa, từ đó giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Đặc biệt, diện chẩn còn được cho là có khả năng làm tăng nồng độ melatonin – hormone hỗ trợ giấc ngủ và giảm thiểu căng thẳng. Nhờ vậy, diện chẩn có thể giúp bạn ngủ nhanh hơn, kéo dài thời gian ngủ lâu hơn, giảm tình trạng thức giấc giữa đêm và thức dậy sớm vào buổi sáng. Ngoài ra, diện chẩn còn giúp phòng ngừa, điều trị bệnh rối loạn lo âu, giảm đau nhức và cải thiện tiêu hóa.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi áp dụng phương pháp diện chẩn chữa mất ngủ, bạn nên thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của chuyên gia diện chẩn. Bởi chữa mất ngủ bằng diện chẩn hiện nay vẫn chưa được khoa học chứng minh đem lại hiệu quả an toàn nên việc tự ý thực hiện các động tác diện chẩn không đúng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Diện chẩn chữa bệnh mất ngủ mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe – Ảnh: Internet

Phác đồ chữa mất ngủ bằng diện chẩn như thế nào?

Mặc dù phương pháp chữa mất ngủ bằng diện chẩn được khá nhiều người nhắc đến nhưng thực chất có rất ít người hiểu rõ phác đồ chữa mất ngủ bằng diện chẩn như thế nào? Sau đây là 5 bước chung trong phác đồ:

Tác động lên mặt

Theo diện chẩn, khuôn mặt là nơi tập trung nhiều huyệt đạo quan trọng liên quan đến sức khỏe tinh thần và giấc ngủ. Do đó, việc tác động lên các huyệt đạo sẽ giúp hỗ trợ lưu thông máu, điều hòa hệ thần kinh, giảm stress, giúp mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện tình trạng mất ngủ.

Cách thực hiện như sau:

  • Sử dụng cây lăn cầu gai hoặc cây lăn đơn di chuyển nhẹ nhàng khắp mặt theo chiều từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong.
  • Đối với vùng thái dương, bạn hãy dùng tay thuận cầm cây lăn và di chuyển từ trái sang phải tại thái dương bên phải. Sau đó đổi tay thực hiện tương tự cho bên còn lại. Động tác này giúp giảm đau đầu, cải thiện thị lực và an thần.
  • Tiếp tục di chuyển cây lăn qua vùng cằm và quai hàm theo hướng từ dưới lên trên, giúp giảm nếp nhăn và làm đẹp da. Thực hiện động tác lăn này trong 5 – 7 phút.
  • Sau khi lăn mặt, tiếp tục di chuyển cây lăn nhẹ nhàng dọc hai bên cổ vai gáy từ 3 – 4 phút mỗi bên để tăng cường hiệu quả thư giãn và an thần.

Lưu ý: Bạn nên thực hiện phác đồ diện chẩn tác động lên mặt bằng cây lăn này vào ban ngày. Vì nếu lăn vào tuổi tối sẽ làm cho lượng máu lưu thông lên não tăng, đầu óc tỉnh táo hơn và gây khó ngủ.

Xoa ấm lòng bàn chân

Khi lòng bàn chân lạnh sẽ khiến cho khí huyết lưu thông kém, dẫn đến tình trạng khó ngủ và ngủ không sâu giấc. Chính vì thế việc làm ấm và xoa bóp lòng bàn chân nhẹ nhàng vào mỗi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp thư giãn cơ thể, tăng cường lưu thông khí huyết và hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả.

Cách thực hiện như sau:

  • Dùng dầu gió hoặc cao gừng nóng thoa đều vào lòng bàn chân.
  • Thực hiện xoa bóp làm nóng hai lòng bàn chân liên tục từ 150 – 200 lần hoặc xoa cho đến khi cảm thấy lòng bàn chân ấm lên là được.
  • Sau khi xoa ấm lòng bàn chân, bạn hãy nằm trên giường thư giãn đầu óc và dần chìm vào giấc ngủ sâu.

Phác đồ diện chẩn chữa mất ngủ bằng cách xoa ấm lòng bàn chân – Ảnh: Internet

Gõ vào huyệt an thần

Huyệt an thần (huyệt 26) nằm ở vị trí chính giữa đường nối hai đầu lông mày và cách đường chân tóc khoảng 2.5 cm. Đây là vị trí đặc biệt, hội tụ nhiều dây thần kinh quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong việc điều hòa hệ thần kinh, an thần, giảm căng thẳng và lo âu. Khi gõ vào huyệt này, cơ thể sẽ được thư giãn tối đa, giảm stress, nhờ đó bạn sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu và ngon hơn.

Cách thực hiện như sau:

  • Trước hết bạn cần phải nằm trên giường và xác định chính xác vị trí của huyệt an thần.
  • Gõ nhẹ nhàng 200 cái lên huyệt an thần bằng ngón tay giữa của bàn tay trái.

Lưu ý:

  • Trong quá trình dùng ngón tay giữa gõ lên huyệt an thần bạn nên dùng tay trái thực hiện vì điều này có thể giúp phản ứng nhịp đập của tim, hỗ trợ an thần và thư giãn tốt hơn.
  • Huyệt an thần là vị trí rất nhạy cảm, do đó khi gõ vào huyệt bạn hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến não bộ và các dây thần kinh trung ương.

Cào đầu vào ban ngày

Dùng các ngón tay cào nhẹ nhàng lên vùng cổ, đầu là cách massage thư giãn đơn giản và hiệu quả giúp lưu thông máu, giảm căng thẳng và thư giãn não bộ. Cách này hỗ trợ kích thích hệ thống thần kinh, tăng cảm giác buồn ngủ vào ban đêm và tránh thức giấc vào giữa đêm.

Cách thực hiện như sau:

  • Mở rộng khoảng cách giữa 10 đầu ngón tay và đặt lên đầu sao cho bề mặt da đầu và các ngón tay vuông góc với nhau.
  • Thực hiện đẩy nhẹ 10 đầu ngón tay từ trước ra sau và từ sau ra trước, sau đó đổi chiều từ dưới lên trên và từ trên đi xuống.
  • Mỗi động tác cào đầu thực hiện khoảng 15 – 20 lần.

Lưu ý:

  • Nên thực hiện cào đầu một cách nhẹ nhàng, không nên dùng quá nhiều lực.
  • Cách này bạn có thực hiện vào bất kỳ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, một số người cảm thấy cào đầu vào buổi tối sẽ làm cho đầu óc tỉnh táo và khó ngủ hơn.

Bấm hoặc dán cao bộ huyệt ổn định thần kinh

Bộ huyệt ổn định thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng mất ngủ, bao gồm 2 bộ huyệt:

  • Bộ huyệt 124, 34, 0: Giúp an thần, giảm căng thẳng, hỗ trợ giấc ngủ ngon.
  • Bộ huyệt 1, 26, 37, 50, 103, 106, 267, 300: Kích thích sản sinh melatonin, điều hòa hệ thần kinh, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp dễ ngủ và ngủ sâu hơn.

Bạn có thể tác động vào huyệt đạo này bằng cách bấm huyệt hoặc sử dụng cao dán salonpas để làm ấm các huyệt, giúp thư giãn thần kinh và giảm căng thẳng. Đồng thời, hỗ trợ điều hòa khí huyết, an thần, ngăn ngừa rối loạn lo âu ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Cách thực hiện:

Bấm/day huyệt:

  • Dùng ngón tay cái hoặc cây dò diện chẩn day lần lượt bấm và ấn lên từng huyệt trong 30 giây.
  • Thực hiện 1 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Dán cao:

  • Dán cao salonpas lên các huyệt đạo trong bộ huyệt ổn định thần kinh. Bạn nên thực hiện dán cao trước khi đi ngủ.

Lưu ý:

  • Không sử dụng cao dán cho người có tiền sử hoặc đang bị huyết áp cao.
  • Có thể tác động vào một trong hai bộ huyệt của bộ huyệt ổn định thần kinh.

Diện chẩn trị mất ngủ bằng cách bấm cao bộ huyệt ổn định thần kinh – Ảnh: Internet

Xem thêm: 9 cách bấm huyệt chữa mất ngủ an toàn và hiệu quả

Lưu ý khi điều trị mất ngủ bằng diện chẩn

Khi sử dụng phác đồ diện chẩn chữa mất ngủ, bạn cần phải lưu ý một số điều sau đây:

  • Phác đồ này không phù hợp với những ai bị mất ngủ kinh niên, mất ngủ do bệnh lý hoặc một số vấn đề nghiêm trọng khác.
  • Thực hiện diện chuẩn mất ngủ dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, người có kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn cao. Bạn không nên tự ý áp dụng phương pháp tại nhà để tránh xảy ra những phát sinh không đáng có.
  • Trường hợp nếu bạn đang sử dụng thuốc ngủ thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kết hợp phương pháp diện chẩn trị mất ngủ với việc xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên để có hiệu quả tốt nhất.
  • Thăm khám thường xuyên để được bác sĩ y học cổ truyền kiểm tra, xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất ngủ, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Biện pháp cải thiện giấc ngủ khác

Ngoài áp dụng phác đồ chữa mất ngủ bằng diện chẩn, bạn có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện mất ngủ khác như:

  • Đầu tư vào nệm và bộ ga trải giường tốt hơn: Nệm và ga trải giường êm ái sẽ giúp tạo ra cảm giác thoải mái, nâng đỡ cơ thể khi đi ngủ. Chọn nệm có độ đàn hồi phù hợp với sở thích và tư thế ngủ của bạn, sử dụng ga trải giường thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để có giấc ngủ ngon hơn.
  • Chặn ánh sáng: Việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng có thể làm rối loạn giấc ngủ và nhịp sinh học cơ thể. Bạn nên trang bị mặt nạ ngủ che mắt hoặc rèm che để chặn ánh sáng, không cho ánh sáng mạnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
  • Giảm thiểu tiếng ồn: Tiếng ồn cũng là một yếu tố gây gián đoạn giấc ngủ. Do đó, bạn hãy sử dụng nút tai, tai nghe hoặc máy tạo tiếng ồn trắng để giảm thiểu tiếng ồn xung quanh, giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
  • Đặt báo thức vào cùng một thời điểm mỗi ngày: Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày sẽ giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, từ đó giúp bạn dễ ngủ và thức dậy tỉnh táo hơn vào sáng hôm sau.
  • Ngủ trưa khoảng 20 phút: Nếu bạn ngủ trưa quá lâu hoặc quá muộn trong ngày thì sẽ dễ làm đảo lộn lịch trình ngủ và khiến bạn khó ngủ hơn vào buổi tối. Thời gian ngủ trưa tốt nhất là khoảng 20 phút.
  • Thư giãn trong 30 phút trước khi đi ngủ: Trước khi đi ngủ, bạn hãy dành thời gian để thư giãn bằng cách: đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng, tắm nước ấm, thiền chánh niệm hoặc tập yoga. Những hoạt động này sẽ hỗ trợ giải tỏa căng thẳng, thư giãn cơ thể giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ.
  • Không sử dụng thiết bị điện tử trong vòng một giờ trước khi đi ngủ: Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sẽ ngăn chặn quá trình sản xuất melatonin tự nhiên, làm cho bạn khó ngủ hơn. Vì thế, hãy tắt điện thoại, máy tính bảng và tivi trước khi đi ngủ khoảng một giờ.
  • Tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia khuyên không nên tập thể dục cường độ cao quá gần giờ đi ngủ vì có thể khiến bạn khó ngủ hơn.

Cải thiện triệu chứng mất ngủ bằng cách tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày.

Một số câu hỏi lên quan

Dưới đây là một số câu hỏi thắc mắc của nhiều người khi áp dụng phương pháp diện chẩn chữa mất ngủ:

Diện chẩn có an toàn không?

Diện chẩn là phương pháp chữa bệnh không xâm lấn, sử dụng các kỹ thuật tác động lên huyệt đạo trên khuôn mặt để điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Do đó, diện chẩn được đánh giá là an toàn cho mọi lứa tuổi và không gây ra nguy hiểm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi áp dụng diện chẩn trị mất ngủ, bạn cần phải:

  • Tìm hiểu kỹ về phương pháp diện chẩn, chỉ thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, thầy thuốc và người có kinh nghiệm.
  • Thực hiện các động tác đơn giản, dễ thực hiện trước và dần tăng độ khó theo sự hướng dẫn của chuyên gia.
  • Nếu cảm thấy bất kỳ khó chịu hoặc đau đớn nào trong quá trình thực hiện diện chẩn mất ngủ thì bạn hãy ngừng lại và tham khảo ý kiến của chuyên gia.
  • Diện chẩn chữa mất ngủ có thể không hiệu quả với những người bị mất ngủ kinh niên, mất ngủ sút cân do bệnh lý hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Diện chẩn có thể chữa khỏi mất ngủ hoàn toàn không?

Theo các tài liệu về diện chẩn, phương pháp y học cổ truyền này có thể hỗ trợ cải thiện và giảm triệu chứng mất ngủ ở nhiều người. Tuy nhiên, diện chẩn có thể không đảm bảo chữa khỏi hoàn toàn đối với những trường hợp mất ngủ kinh niên, mất ngủ do bệnh lý hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, kỹ thuật thực hiện diện chẩn và chế độ sinh hoạt mà hiệu quả chữa mất ngủ có thể sẽ khác nhau.

Diện chẩn có thể thay thế cho các phương pháp điều trị mất ngủ khác không?

Đối với trường hợp mất ngủ ở cấp độ nhẹ, do căng thẳng, stress thì diện chẩn có thể là phương pháp điều trị hỗ trợ mất ngủ mang lại hiệu quả cao. Còn nếu những ai gặp phải tình trạng mất ngủ nghiêm trọng, kéo dài do bệnh lý hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác, thì diện chẩn chỉ đóng vai trò hỗ trợ điều trị. Do đó, bạn cần kết hợp với các phương pháp điều trị y khoa như: sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, liệu pháp tâm lý,… để đạt hiệu quả tối ưu.

Diện chẩn chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị mất ngủ đối với những tình trạng mất ngủ mãn tính.

Diện chẩn có hiệu quả với tất cả mọi người không?

Chữa mất ngủ bằng diện chẩn có thể đem lại hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, mức độ nghiêm trọng của việc mất ngủ, kỹ thuật thực hiện diện chẩn và chế độ sinh hoạt,… Do vậy, không thể khẳng định diện chẩn có hiệu quả với tất cả mọi người. Thế nhưng, đây là phương pháp an toàn và mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nên nếu bạn đang mất ngủ, hãy thử áp dụng diện chẩn theo hướng dẫn của chuyên gia hoặc bác sĩ y học cổ truyền.

Diện chẩn có tốn kém không?

Tùy thuộc vào kinh nghiệm của chuyên gia, cơ sở vật chất hỗ trợ trong việc điều trị, kỹ thuật thực hiện và số lần điều trị mà chi phí diện chẩn trị mất ngủ sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, diện chẩn là phương pháp điều trị mất ngủ hiệu quả, an toàn và ít tốn kém.

Diện chẩn chữa mất ngủ được cho là an toàn, hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện phương pháp này đúng kỹ thuật theo sự hướng dẫn của chuyên gia diện chẩn để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trong quá trình áp dụng phác đồ diện chẩn chữa mất ngủ bạn cũng nên thay đổi lối sống, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để có thể thoát khỏi triệu chứng mất ngủ.

Nguồn tham khảo:

  • The 20 Ultimate Tips for How to Sleep Better. (2023, December 8). Sleep Foundation. Retrieved July 8, 2024, from https://www.sleepfoundation.org/sleep-hygiene/healthy-sleep-tips
  • Diện chẩn chữa mất ngủ: Phương pháp hiệu quả nên áp dụng. (2024, May 28). Nhà thuốc Đỗ Minh Đường. Retrieved July 8, 2024, from https://nhathuocdominhduong.com/dien-chan-chua-mat-ngu-16788.html
  • Diện Chẩn là gì? | Diện Chẩn – Diện Chẩn Bùi Quốc Châu. (2023, October 24). Diện Chẩn Bùi Quốc châu. Retrieved July 8, 2024, from https://dienchan.com/dien-chan-la-gi