Chuyện kể về Bác Hồ đến thăm Bệnh viện Bạch Mai
Sau ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10 năm 1954) dù bận trăm công nghìn việc Bác Hồ vẫn dành sự quan tâm đến ngành y tế. Do đó hồi 17 giờ chiều ngày 15 tháng 12 năm 1954, Người đã thân hành đến thăm Bệnh viện Bạch Mai. Bác không vào Hội trường ngay mà trước hết xuống thăm Nhà bếp. Người hỏi tỉ mỉ số bệnh nhân trong Viện, số anh chị em cấp dưỡng, việc nấu cơm, việc củi nước. Người khuyên anh chị em cấp dưỡng ra sức tiết kiệm của công, nấu cơm ngon, canh ngọt cho bệnh nhân. Qua phòng bệnh nhân, Người khuyên tất cả mọi người phải giữ gìn sức khỏe, vệ sinh để mau khỏi bệnh. Bất cứ qua phòng làm việc nào, Người cũng ân cần hỏi han, dặn dò cán bộ và nhân viên. Có thể nói rằng cuộc đến thăm của Bác là bước ngoặt quyết định sự thay đổi cơ bản của bệnh viện trong quá trình phát triển sau này.
Một vinh dự nữa lại đến với Bệnh viện Bạch Mai là việc tới thăm Bệnh viện ngày 8 tháng 3 năm 1960. Lần này, Bác Hồ xuống ngay Khoa Tinh Thần Kinh. Giờ đây trên mảnh đất của “Khu Điên và Tù” thời xưa đã được xây dựng lên một khoa bệnh mới, khang trang, đẹp đẽ bao quanh một vườn hoa cây cối xanh tươi, có núi non bộ, có nơi dạo mát. Tại nơi đó các bệnh nhân tâm thần và thần kinh đều được chăm sóc điều trị theo những phương pháp hiện đại như liệu pháp choáng Insulin, dược lý tâm thần, liệu pháp lao động, liệu pháp thể dục kết hợp với y học dân tộc cổ truyền. Sau đó Bác tiếp tục tới thăm các Khoa, Phòng khác trong Bệnh viện. Bác tỏ ý vui mừng khi thấy mọi nơi đều gọn gàng sạch đẹp. Bệnh nhân được chăm sóc chu đáo và nhất là tinh thần thái độ của cán bộ công nhân viên chức đã vì nhân dân phục vụ tận tình.
Năm 1968 là thời kỳ có phong trào tách biệt hai ngành Thần Kinh học và Tâm thần học trên thế giới. Do đó, ngày 15 tháng 8 năm 1969 Khoa và Bộ môn Tinh Thần Kinh đã được chính thức phân chia thành hai chuyên ngành Thần Kinh học và Tâm Thần học riêng biệt tại Bệnh viện Bạch Mai cũng như tại Trường Đại học Y Hà Nội. Với bản thân, được đào tạo từ hai chuyên khoa ở Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà nội, chúng tôi còn nhớ mãi ngày Bác Hồ đến thăm Khoa Tinh Thần Kinh. Là một thầy thuốc chúng tôi không bao giờ quên lời dạy của Người từ năm 1946 là:
“Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt nỗi đau khổ” .
“Lương y phải như từ mẫu; phải dịu dàng khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn”.
Đó cũng là những điều chúng tôi tâm niệm hàng ngày khi phục vụ bệnh nhân và khi nhớ lại ngày Bác Hồ tới thăm Khoa Thần kinh năm xưa.
Lê Đức Hinh
Nguyên Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai
Nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam