Chứng đau đầu của dân văn phòng
Chứng đau đầu của dân văn phòng
Một số liệu thống kê gần đây trong các tạp chí thần kinh học của Mỹ cho thấy, cứ khoảng 15-20 phụ nữ tuổi dưới 45 tuổi thì có một người mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 5-6,7%. Tỷ lệ phụ nữ bị đau nửa đầu gấp 3 lần nam giới. Riêng ở Việt Nam chưa có một số liệu thống kê chính thức. Mặc dù vậy, qua thực hành lâm sàng thì đây cũng là bệnh thường gặp trong bệnh lý thần kinh ở các nước châu Á cũng như ở Việt Nam.
Chị Nguyễn Thanh Tâm, nhân viên văn phòng trên phố Tam Trinh, Hà Nội cũng nằm trong số những phụ nữ mắc chứng đau đầu thường xuyên. Chị bị đau đầu mỗi khi ngồi máy tính liên tục, khi thức khuya, và thậm chí sáng ngủ dậy cũng đau đầu. Chứng đau đầu ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu suất công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày của chị Tâm.
Theo PGS Nguyễn Chương, triệu chứng mà dân văn phòng hay mắc phải là chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi. Những triệu chứng trên có thể do những nguyên nhân như rối loạn tiền đình, thiếu máu não hay mắc chứng bệnh mạch thần kinh – Migrant.
Dân văn phòng hay bị đau đầu, chóng mặt do chịu áp lực công việc, thay đổi môi trường sống, làm việc. Khi có những triệu chứng trên, nếu người đó có thể ‘chống đỡ’ và thoát khỏi những khó chịu này thì đó là CHỨNG chứ không phải bệnh.
Nhưng có người vẫn đau đầu dù đã uống thực phẩm chức năng hỗ trợ, nghỉ ngơi thì đó là BỆNH.
PGS Chương cho rằng, đau đầu là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh rất mơ hồ, trừu tượng. Là cả một tập chứng, không phải 1 nguyên nhân mà do nhiều nguyên nhân và do đau nhiều chỗ. Vì vậy, cần tìm hiểu rõ vị trí đau, cường độ, hướng lan và nhịp điệu đau để từ đó chẩn đoán bệnh.
Ví dụ đau đầu có thể bị đau ở những vị trí đau nửa đầu phải, đau vùng mặt, vùng chẩm. Đau đầu có thể đau mạnh hay nhẹ, đau cả mắt hoặc xuyên qua tai.
Hướng lan và nhịp điệu đau lúc nào nhiều nhất (sáng sớm, chiều,…). Đau sáng sớm là sợ nhất, vì có thể do có u chèn ép. Nếu đau đầu buổi tối thường liên quan nhiều đến bệnh tim mạch.
Đối với người hay bị đau đầu, nên gặp bác sỹ để kiểm tra nguyên nhân gây ra là do thực thể hay chức năng.
PGS Chương phân tích, những trường hợp đau đầu sau là do chức năng.
Ví dụ đau nửa đầu bên phải không can thiệp bằng thuốc, chỉ xoa bóp, đi chơi thì hết đau đầu đó là do chức năng. Ở phụ nữ 35 tuổi tự dưng hay cáu ghắt là do chức năng nội tiết ảnh hưởng.
Nguy hiểm nhất là đau đầu do thực thể. Ví dụ đau đầu do bị u não chèn ép hay viêm nhiễm dây dính làm chèn ép não.
Khi đó, bác sỹ thần kinh sẽ khám để phát hiện bệnh bằng phương pháp soi đáy mắt. Nếu có u hoặc viêm nhiễm dây dính chèn ép não sẽ phát hiện phù gai mắt. Người bị chèn ép sẽ có khả năng mờ 2 bên mắt. Người bệnh cảm thấy như có sương mù trước mắt. Sau đó, có thể chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để biết rõ thêm. Khi bị u chèn ép cần phải chữa tận gốc.
Khi bị u chèn ép nó sẽ ảnh hưởng tới chức năng của thần kinh, có thể gây liệt, bị rối loạn thực vật (mạch nhanh, huyết áp tụt…) đe dọa biến chứng tụt kẹt não.
Có rất nhiều giả định về nguyên nhân gây đau đầu, vì vậy phải được thăm khám và quyết định bởi bác sĩ thần kinh.
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu là do thoái hóa đốt sống cổ, viêm nhiễm đốt sống dẫn đến thiếu máu của não ở vùng động mạch sống nền (một nhóm động mạch chi phối vùng thân não và tiểu não). Nguyên nhân thoái hóa do tư thế lao động, ngồi máy tính nhiều, không vận động, cường độ, thời gian lao động liên tục.
Đốt sống cổ thoái hóa có những gai xương ở lỗ tiếp hợp, nơi có động mạch gai sống đi qua và dây thần kinh nên sẽ rối loạn cảm giác rễ và ảnh hưởng tới lưu thông dòng máu. Khi đó, thiếu máu sẽ khiến người bệnh chóng mặt, đau đầu kinh niên.
Với những trường hợp đau đầu do thoái hóa đốt sống cổ, PGS Chương tư vấn: Tuyệt đối không được vặn cổ, nắn. Vì nếu làm quá tay có thể làm ép tủy, gây liệt tay. Người bệnh chỉ cần xoa bóp nhẹ nhàng, uống thuốc để chậm quá trình thoái hóa, bổ sung vimintamin E, tập thể dục, tập yoga.
Với những chứng đau đầu bị gây ra bởi u chèn ép, bệnh tim mạch cần có biện pháp để điều trị tận gốc.