Các yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện trên bệnh nhân xuất huyết não tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre
BS.CKII. Nguyễn Đình Chiểu
Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đột quỵ luôn là vấn đề thời sự của y học bởi đây là bệnh phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề, thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ở Việt Nam, trong khoảng thời gian gần đây tình hình đột quỵ đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng khả quan, đặc biệt từ khi các đơn vị và trung tâm đột quỵ lần lượt ra đời. Những tiến bộ trong điều trị nội khoa và hình ảnh học can thiệp ngoại khoa trong thời gian gần đây đã làm thay đổi tiên lượng ở những bệnh nhân nhồi máu não và xuất huyết khoang dưới nhện [6]. Tuy nhiên, xuất huyết não tự phát mặc dù chỉ chiếm 10-20% tất cả các trường hợp đột quỵ nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn cao: 37,6% – 52% trong tháng đầu [12],phần lớn trong số đó tử vong trong hai ngày đầu; gây tàn phế nặng nề và là loại đột quỵ được đề cập đến nhiều nhất hiện nay[8].
Ở Bến Tre, năm 2011 có 260 bệnh nhân xuất huyết não nhập Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện là 58,46%.
Trước một đột quỵ xuất huyết não, vấn đề tiên lượng luôn luôn được đặt ra cho các thầy thuốc lâm sàng để có hướng xử lý đúng và tư vấn tốt cho gia đình bệnh nhân. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng: việc tiến hành khảo sát các yếu tố nguy cơ và mức độ nặng của xuất huyết não để từ đó tìm ra các yếu tố có giá trị tiên lượng tử vong ngay từ khi bệnh nhân mới nhập viện là việc làm hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành đề tài này với các mục tiêu sau:
– Xác định tỷ lệ các yếu tố nguy cơ và mức độ nặng theo thang điểm NIHSS của bệnh nhân xuất huyết não tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
– Xác định các yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện ở bệnh nhân xuất huyết não tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
II.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Tất cả bệnh nhân trên 18 tuổi được chẩn đoán xuất huyết não nhập Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong vòng 72 giờ sau khởi phát, từ tháng 6/2012 đến 6/2013.
Tiêu chuẩn chọn vào
Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ theo tiêu chuẩn chẩn đoán đột quỵ của Tổ chức Y tế Thế giới và có chụp CT Scanner đầu ít nhất 1 lần lúc vào viện cho thấy có xuất huyết não.
Tiêu chuẩn loại trừ
Loại trừ xuất huyết não do chấn thương đầu, xuất huyết não được phẫu thuật; xuất huyết não có kèm theo bệnh lý nội khoa nặng có thể thúc đẩy tử vong như: suy tim nặng, suy thận mạn, xơ gan mất bù, ung thư…
Những bệnh nhân không đủ điều kiện để làm một số cận lâm sàng cần thiết cho việc thu thập các nội dung cần thiết.
Bệnh nhân không hợp tác trong quá trình nghiên cứu.
2.Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Tiến cứu, mô tả cắt ngang.
Cỡ mẫu
Cỡ mẫu tối thiểu của nghiên cứu được tính theo công thức:
n =
Chúng tôi tính được cỡ mẫu tối thiểu cần cho nghiên cứu là n = 96. Trên thực tế chúng tôi thu thập được 132 bệnh nhân. Phương pháp chọn mẫu : chọn mẫu thuận tiện.
– Phương pháp thu thập số liệu: do bác sĩ chuyên khoa thần kinh trực tiếp phỏng vấn, thăm khám, thực hiện các test chẩn đoán và xem hình ảnh học.
– Công cụ thu thập số liệu: bộ câu hỏi và bảng ghi nhận kết quả.
Xử lý số liệu
Các số liệu thu thập được sẽ được mã hóa và được xử lý trên phần mềm thống kê STATA 8.0.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
- Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu gồm 132 bệnh nhân xuất huyết não (XHN), tỷ lệ bệnh nhân (BN) nam chiếm 55,3% (73 BN), nữ chiếm 44,7% (59 BN), với tuổi trung bình là 64,89 ±14,30, lớn nhất là 95 tuổi, nhỏ nhất là 20 tuổi; nhóm tuổi 60 – 79 tuổi chiếm 39,4%, nhóm ≥ 80 tuổi chiếm 18,9%.
2.Tỷ lệ các yếu tố nguy cơ và mức độ nặng theo thang điểm NIHSS của bệnh nhân xuất huyết não tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu
Các yếu tố nguy cơ của XH não.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp chiếm 81,8% (108 BN); trong đó 94 BN (87,04%) không điều trị tăng huyết áp hay điều trị không thường xuyên.Tiền sử đái tháo đường 8,3% (11 BN); tiền sử đột quị 11,4% (15 BN); tiền sử uống rượu và hút thuốc lá với tỷ lệ tương ứng 53,8% (71 BN) và 49,2% (65 BN); tiền sử có bệnh hoặc dùng thuốc gây rối loạn đông máu chiếm 4% (3 BN).
Mức độ nặng của bệnh nhân theo thang điểm NIHSS
Kết quả điều trị kết cục chúng tôi có 52 bệnh nhân tử vong trong lúc nằm viện chiếm tỷ lệ 39,4% và có 80 bệnh nhân sống ra viện chiếm tỷ lệ 60,6%.
Nhóm bệnh nhân tử vong (52 BN; 39,4%) có điểm NIHSS trung bình lúc vào viện là 33,25 ± 8,39 và có 86,54% bệnh nhân lúc vào viện có điểm NIHSS ≥ 21 điểm. Nhóm sống (80 BN; 60,6%) có điểm NIHSS trung bình lúc vào viện là 14,48 ± 10,12 , có 13,75% bệnh nhân lúc vào viện có điểm NIHSS ≥ 21 điểm và điểm NIHSS lúc ra viện từ 21-42 điểm chiếm 25%.
- Các yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện ở bệnh nhân xuất huyết não
Kết quả phân tích đơn biến
Kết quả phân tích đơn biến cho thấy không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa đặc điểm chung (nam, nữ, P = 0,656; tuổi ≥ 80, < 80 , p = 0,156), các yếu tố nguy cơ của xuất huyết não (tiền sử tăng HA, P = 0,243 ; tiền sử đái tháo đường, p = 0,668; tiền sử đột quị, p = 0,611) với nguy cơ tử vong bệnh viện ở bệnh nhân xuất huyết não.
Bảng 1. Phân tích đơn biến sự liên quan giữa các yếu tố lâm sàng với nguy cơ TVBV
Biến số | Nhóm tử vong | Nhóm sống | p |
Chóng mặt | 19 (57,58) | 14 (42,42) | 0,015 |
Nôn | 43 (58,11) | 31 (41,89) | <0,001 |
Tăng HA lúc vào viện (n, %) | 48 (42,11) | 66 (57,89) | 0,118 |
HATB ≥ 145 mmHg (n, %) | 14 (60,87) | 9 (39,13) | 0,024 |
Nhiệt độ ≥ 390C | 5 (55,56) | 4 (44,44) | 0,316 |
Nhịp tim <60, >100 lần/phút | 18 (48,65) | 19 (51,35) | 0,174 |
Nhịp thở <16, >20 lần/phút | 12 (63,16) | 7 (36,84) | 0,022 |
Glasgow < 8 điểm (n, %) | 41 (75,93) | 13 (24,07) | < 0,001 |
Yếu liệt chi (n, %) | 41 (38,68) | 65 (61,32) | 0,735 |
Yếu, liệt chi hai bên (n, %) | 10 (76,92) | 3 (23,08) | 0.005 |
Rối loạn ngôn ngữ | 44 (51,16) | 42 (48,84) | 0,001 |
Liệt thần kinh VII | 30 (38,46) | 48 (61,54) | 0,792 |
Babinski (+) 2 bên (n, %) | 9 (81,82) | 2 (18,18) | 0,017 |
Điểm NIHSS ≥ 21 (n, %) | 45 (86,54) | 11 (13,75) | < 0,001 |
Nhận xét: có 9 yếu tố lâm sàng có mối liên quan với nguy cơ tử vong bệnh viện (p < 0,05)
Bảng 2. Phân tích đơn biến sự liên quan giữa các yếu tố cận lâm sàng với nguy cơ
tử vong bệnh viện
Biến số | Nhóm tử vong | Nhóm sống | p |
XH nhu mô não tràn vào NT/ XHNT(n,%) | 36 (58,06) | 26 (41,94) | < 0,001 |
XH dưới lều (n, %) | 15 (68,18) | 7 (31,82) | 0,004 |
Thể tích ổ XH ≥ 30cm3(n, %) | 36 (66,67) | 18 (33,33) | < 0,001 |
Lệch đường giữa (n, %) | 19 (82,61) | 4 (17,39) | < 0,001 |
Xẹp não thất (n, %) | 22 (48,89) | 23 (51,11) | 0,11 |
Dãn não thất (n, %) | 14 (63,64) | 8 (36,36) | 0,014 |
Đường huyết ≥ 145mg/dL (n, %) | 36 (61,02) | 23 (38,98) | < 0,001 |
Bạch cầu/ máu ≥ 15.109/L (n, %) | 22 (57, 89) | 16 (42,11) | 0,007 |
Nhận xét: có 7 yếu tố cận lâm sàng có mối liên quan với nguy cơ tử vong bệnh viện (p < 0,05).
Các biến chứng tăng áp lực nội sọ (p < 0,001), nuốt khó (p < 0,001), rối loạn cơ vòng (p < 0,001) và xuất huyết tiêu hóa (p = 0,015) ở BN xuất huyết não có mối liên quan với nguy cơ tử vong bệnh viện.
Như vậy qua phân tích đơn biến có 20 yếu tố có liên quan với tử vong BV, trong các yếu tố đó thì chúng tôi thấy điểm NIHSS cắt ở 21 điểm có mối liên quan mạnh nhất với nguy cơ tử vong bệnh viện thể hiện qua phân tích sau:
Bảng 3. Kết quả phân tích đường cong ROC của NIHSS cắt ở 21 điểm
Biến số | Điểm cắt | Độ nhạy | Độ đặc hiệu | AUCKTC95% | p |
NIHSS | 21 | 0,85 | 0,85 | 0,9090,86-0,96 | < 0,001 |
Biểu đồ 1. Đường cong ROC của điểm số NIHSS cắt ở 21 điểm lúc vào viện.
Kết quả phân tích hồi quy đa biến
Từ kết quả phân tích mối liên quan đơn biến chúng tôi tìm được 20 yếu tố có mối liên quan với tử vong BV có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Sau khi đưa vào ở mô hình hồi quy đa biến logistic để tìm ra các yếu tố có giá trị tiên lượng độc lập với kết cục tử vong bệnh viện, chúng tôi có kết quả như sau:
Bảng 4. Kết quả phân tích hồi quy đa biến
Yếu tố liên quan tử vong BV | aOR | KTC95% | p | |
Thể tích ổ XHN | ≥ 30 cm3 | 1 | 0.02 – 0.75 | 0,024 |
< 30 cm3 | 0.12 | |||
Phân độ điểm Glasgow | < 8 điểm | 1 | 0,03 – 1,05 | 0,049 |
≥ 8 điểm | 0,18 | |||
Vị trí XH ở nhu mô não | Trên lều | 1 | 1,19-78,27 | 0,033 |
Dưới lều | 9,67 |
Nhận xét:3 yếu tố thật sự có giá trị tiên lượng độc lập tử vong bệnh viện là:Glasgow < 8 điểm, thể tích ổ xuất huyết ≥ 30cm3 và vị trí XHN ở dưới lều.
IV.BÀN LUẬN
1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Tuổi
Tuổi trung bình của các đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi là 64,89 ± 14,30 tuổi. Nhóm tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ là 58,3%, tuổi trên 80 chiếm 18,9%.
Theo Lê Duy Phong (2012), tuổi trung bình là 61,3 ± 12,9 [5]. Yun – zhen HU (2013) thì tuổi trung bình là 57,9 ± 15,2 tuổi và 44,4% > 60 tuổi [10].
Như vậy tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với tác giả Lê Duy Phong ở Bình Dương và nghiên cứu cũng cho thấy tuổi càng cao thì nguy cơ bị XHN càng nhiều. Đa số kết quả nghiên cứu đều cho thấy nhóm tuổi trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất ở bệnh nhân bị xuất huyết não [3], [10].
Giới
Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ, nam chiếm 55,3%; nữ 44,7%.Theo Châu Nam Huân (2011); nam chiếm tỷ lệ 52,3% [2]. Trong nghiên cứu của Yun – zhen HU (2013) [10] thì nam chiếm 67,3% gấp đôi nữ (32,7%).
Tuy tỷ lệ nam/nữ có sự khác nhau giữa các nghiên cứu, nhưng đều thống nhất một điểm chung là tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Điều này có thể do nam giới có nhiều yếu tố nguy cơ XHN hơn nữ.
Tỷ lệ các yếu tố nguy cơ và mức độ nặng theo thang điểm NIHSS
Trong nghiên cứu của chúng tôi,tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử tăng HA là 81,8%, trong đó tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp không điều trị, điều trị không liên tục chiếm 87%. Nghiên cứu của Mạc Văn Hòa (2009), tiền sử tăng huyết áp là 72,9%, không điều trị, điều trị không liên tục 86% [1]; Lê Duy Phong (2012) tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử tăng HA là 69,2% [5]; Ruiz-Sandoval JL (2005) là 69% [11]. Như vậy trong nghiên cứu của chúng tôi cũng như của Mạc Văn Hòa (2009) nhóm bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị tăng huyết áp không liên tục có tỷ lệ rất cao. Điều này có thể do ý thức về điều trị tăng HA của BN còn thấp và hoặc mạng lưới y tế cơ sở hoạt động chưa hiệu quả.
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 8,3% bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Raymond Tak Fai Cheung (2007) nghiên cứu tại Hồng Kông cho thấy có 22% bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường [15]; Smajlovic D (2008) nghiên cứu tại Bosnia-Herzegovina cho thấy tỷ lệ này là 14% [13]. Vậy tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường trong nghiên cứu của chúng tôi có thấp hơn so với các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài. Điều này có thể do tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trong dân số của nước ta thấp hơn, do đó đưa đến tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường bị XHN cũng thấp hơn.
Trong nghiên cứu chúng tôi có 11,4% bệnh nhân có tiền sử đột quỵ. Lê Duy Phong (2012) là 17% [5]; Takahashi O (2006) nghiên cứu tại Nhật cho thấy tỷ lệ này là 22,8% [14]. Như vậy tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử đột quỵ của chúng tôi thấp hơn các nghiên cứu khác.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm bệnh nhân sống chiếm 60,6% (80 BN) có điểm NIHSS trung bình lúc vào viện là 14,48 ± 10,12 và chỉ có 13,75% BN lúc vào viện có điểm NIHSS ≥ 21 điểm.Nhóm bệnh nhân tử vong chiếm 39,4% (52 BN) có điểm NIHSS trung bình lúc vào viện là 33,25 ± 8,39 và có 86,54% BN lúc vào viện có điểm NIHSS ≥ 21 điểm. Theo nghiên cứu của Lê Duy Phong (2012) tại Bình Dương thì trung bình điểm NIHSS lúc vào viện của nhóm bệnh nhân XHN là 19,3 ± 13,1 điểm; nhóm có điểm NIHSS ≥ 20 điểm lúc vào viện chiếm 44,1% [5]. Theo Nguyễn Thanh Tùng (2006) nghiên cứu tại bệnh viện Thủ Đức thì nhóm có điểm NIHSS từ 21-40 điểm lúc vào viện là 29,1% và lúc ra viện là 25,25% [4].Trong nhóm bệnh nhân sống của chúng tôi, tỷ lệ BN có điểm NIHSS lúc ra viện từ 21-42 điểm chiếm 25% tương tự của Nguyễn Thanh Tùng.
- Các yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện ở bệnh nhân xuất huyết não
Phân tích mối tương quan đơn biến giữa một biến phụ thuộc là tình trạng sống, tử vong của bệnh nhân khi xuất viện với các biến độc lập là các dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân, chúng tôi tìm được 20 yếu tố có liên quan với tử vong BV có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Các yếu đó là: chóng mặt, nôn lúc khởi phát bệnh; HATB ≥ 145mmHg, nhịp thở <16 hoặc >20 lần/phút, điểm Glasgow < 8 điểm, điểm NIHSS ≥ 21 điểm lúc vào viện; có yếu hoặc liệt chi 2 bên, có rối loạn ngôn ngữ; XH nhu mô tràn vào não thất hoặc XH não thất, XH ở dưới lều, thể tích ổ XH ≥ 30cm3, lệch đường giữa, dãn não thất; tăng áp lực nội sọ, nuốt khó, rối loạn cơ vòng, XH tiêu hóa. Trong đó điểm NIHSS cắt ở 21 điểm có giá trị tiên lượng tử vong bệnh viện ở bệnh nhân XHN với độ nhạy 85% và độ đặc hiệu 85%, với diện tích dưới đường cong ROC là 0,909, KTC 95% là 0,86 – 0,96. Nghiên cứu gần đây của Rohit Bhatia (2013) trên 214 bệnh nhân xuất huyết não ở Ấn độ cũng cho thấy rằng điểm NIHSS của bệnh nhân lúc vào viện thì có liên quan với tử vong bệnh viện [7].
Tuy nhiên, sau khi đưa vào mô hình đa biến hồi quy logistic phân tích thì chúng tôi chỉ tìm được 3 yếu tố có giá trị tiên lượng độc lập với hậu quả tử vong bệnh viện là thể tích ổ xuất huyết não ≥ 30cm3, Glasgow < 8 điểm và vị trí xuất huyết não ở dưới lều.
Về thể tích ổ xuất huyết não ≥ 30cm3
Có 54 bệnh nhân có thể tích ổ XH ≥ 30cm3 thì có 36 bệnh nhân tử vong vàqua kết quả có được từ mô hình hồi quy đa biến, biện luận dựa vào tỷ số độ chênh (OR) ta thấy rằng một bệnh nhân có thể tích ổ xuất huyết não ≥ 30cm3 thì nguy cơ tử vong bệnh viện cao gấp 8,3 lần (1/0,12) so với bệnh nhân có thể tích ổ xuất huyết não < 30cm3 với KTC95% = 0,02-0,75; p = 0,024.
Trong nghiên cứu của Châu Nam Huân, có 71 ca có thể tích ổ xuất huyết > 30ml thì tử vong hết 50 ca và khi phân tích đa biến cũng cho thấy thể tích ổ xuất huyết > 30ml là yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện của bệnh nhân XHN (p = 0,029) [2]. Nghiên cứu của Mạc Văn Hòa cũng cho thấy nhóm bệnh nhân có thể tích ổ XH > 30ml thì tử vong cao gấp 5,37 lần so với nhóm bệnh nhân có thể tích ổ XH < 30ml (p < 0,001) ở thời điểm 30 ngày sau XHN [1]. Nghiên cứu của Hemphill JC III cũng cho thấy lượng XH ≥ 30ml là một trong những yếu tố giúp tiên lượng tăng nguy cơ tử vong 30 ngày sau XHN (p = 0,047) [9]. Như vậy thể tích ổ xuất huyết não ≥ 30cm3 là một yếu tố có giá trị tiên lượng độc lập tử vong ở bệnh nhân XHN.
Về vị trí xuất huyết não ở dưới lều
Có 22 BN có vị trí ổ XHN ở dưới lều, tử vong 15 BN (68,18%) và sống 7 BN (31,82%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi phân tích đơn biến (p = 0,004) và khi đưa vào phân tích đa biến thì vẫn thấy bệnh nhân có ổ xuất huyết não ở vị trí dưới lều thì nguy cơ tử vong bệnh viện cao gấp 9,67 lần so với bệnh nhân có ổ xuất huyết ở trên lều với KTC95% = 1,97-78,27; p = 0,033.
Nghiên cứu của Mạc Văn Hòa cho thấy XHN dưới lều tử vong cao gấp 6,22 lần so với XHN ở trên lều với KTC95% = 1,86-8,67; p < 0,001 [1]. Hemphill JC III cũng cho thấy XHN não dưới lều là một trong những yếu tố có gía trị tiên lượng tử vong ở BN bị XHN ở thời điểm 30 ngày sau XHN [9].
Như vậy XHN dưới lều là một trong những yếu tố có giá trị tiên lượng độc lập tử vong ở bệnh nhân XHN.
Về điểm Glassgow < 8 điểm
Bệnh nhân XHN có điểm Glasgow < 8 điểm lúc nhập viện có tỷ lệ tử vong 75,93%; của Châu Nam Huân 87%, Hàn Tiểu Sảo 70,11%. Kết quả phân tích đa biến của chúng tôi cũng cho thấy BN có điểm Glasgow < 8 điểm lúc nhập viện thì nguy cơ tử vong cao hơn gấp 5,5 lần BN có Glasgow ≥ 8 điểm (1/0,18) với KTC95% = 0,03 – 1,05, p = 0,49. Nhiều công trình nghiên cứu trước đây cũng cho kết quả tương tự như chúng tôi; Broderick JP: điểm Glasgow < 8 điểm có giá trị tiên lượng tử vong 30 ngày ở bệnh nhân XHN.
Như vậy, tuy mốc thời gian theo dõi có khác nhau, nhưng nhiều nghiên cứu đều cho thấy Glasgow < 8 điểm lúc nhập viện là yếu tố có giá trị tiên lượng tử vong cao ở bệnh nhân XHN.
V.KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 132 bệnh nhân xuất huyết não điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Bến tre từ 6/2012 đến tháng 6/2013, chúng tôi rút ra được một số kết luận sau:
– Về các yếu tố nguy cơ của xuất huyết não, mức độ nặng theo thang điểm NIHSS Xuất huyết não gặp ở nam nhiều hơn nữ; có 58,3% bệnh nhân xuất huyết não lớn hơn 60 tuổi. Có 81,8% bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp trong đó: 87% bệnh nhân không điều trị hoặc là điều trị nhưng không thường xuyên. Tiền sử đái tháo đường 8,3% và tiền sử đột quỵ 11,4%.
Điểm NIHSS trung bình của nhóm bệnh nhân sống khi vào viện là 14,48 ± 10,12 và nhóm tử vong là 33,25 ± 8,39. Có 13,75% bệnh nhân của nhóm sống khi vào viện có điểm NIHSS ở mức độ nặng ( ≥ 21điểm), nhóm tử vong có 86,54% bệnh nhân lúc vào viện có điểm NIHSS ở mức độ nặng.
– Về các yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện
Qua phân tích đơn biến chúng tôi thấy có 20 yếu tố có liên quan với tử vong bệnh viện, nhưng sau khi đưa vào phân tích hồi quy đa biến thì chỉ có 3 yếu tố thật sự có ý nghĩa tiên lượng độc lập với kết cục tử vong bệnh viện là: điểm Glasgow < 8 điểm, thể tích ổ xuất huyết ≥ 30cm3 và vị trí ổ xuất huyết ở dưới lều.
IV. TÓM TẮT
CÁC YẾU TỐ TIÊN LƯỢNG TỬ VONG BỆNH VIỆN TRÊN BỆNH NHÂN
XUẤT HUYẾT NÃO TẠI BỆNH VIỆN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – BẾN TRE
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ các yếu tố nguy cơ, mức độ nặng theo thang điểm NIHSS và các yếu tố tiên lượng tử vong bệnh viện ở bệnh nhân xuất huyết não tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre.
Phương pháp:cắt ngang mô tả, tiến cứu; đối tượng là những bệnh nhân xuất huyết não nhập bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong 72 giờ đầu, từ 6/2012 đến 6/2013
Kết quả:tuổi trung bình 64,89 tuổi; nam: 55,3%. Tỷ lệ tử vong là 39,4%.Có 81,8% bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp; 8,3% tiền sử đái tháo đường và 11,4% tiền sử đột quỵ. Điểm NIHSS trung bình của nhóm bệnh nhân sống khi vào viện là 14,48 và nhóm tử vong là 33,25. Phân tích đơn biến tìm được 20 yếu tố có liên quan với tử vong bệnh viện. Phân tích hồi quy đa biến có 3 yếu tố có ý nghĩa tiên lượng độc lập với kết cục tử vong bệnh viện là: điểm Glasgow < 8 điểm (P = 0,049) , thể tích ổ xuất huyết ≥ 30cm3 (P = 0,024) và vị trí ổ xuất huyết ở dưới lều (P = 0,033)
Kết luận: 3 yếu tố có giá trị tiên lượng độc lập tử vong bệnh viện ở bệnh nhânxuất huyết não là: điểm Glasgow < 8 điểm, thể tích ổ xuất huyết ≥ 30cm3 và vị trí ổ xuất huyết não ở dưới lều.
Từ khóa:tiên lượng, xuất huyết não, tử vong bệnh viện.
ABSTRACT
THE PREDICTING FACTORS OF IN-HOSPITAL MORTALITY IN PATIENT WITH INTRACEREBRAL HEMORRHAGE (ICH) AT NGUYEN DINH CHIEU HOSPITAL IN BEN TRE PROVINCE, VIET NAM.
Objectives:
This study aims to identify the rate of risk factors, the severity of illness based on NIH Stroke Scale (NIHSS), and predicting factors of in-hospital mortality in patients with ICH at Nguyen Dinh Chieu hospital.
Methods:
This study is a prospective and descriptive cross-sectional research conducted in patients with ICH who had been hospitalized within first 72 hours from June 2012 to June 2013.
Results:
The mean age of studied patients is 64,89 and the number of male is responsible for 55,3%. The dead rate is 39,4%. The study’s results shows that the percentage of patients with history of hypertension, of diabetes, and of stroke are respectively 81,8%, 8,3%, and 11,4%. The score of 14,48 is the average NIHSS of group of hospitalized alive patients; whereas the group of conclusively dead ones gets such a scale of 33,25. With the method of uninvariate analysis, the study explores that there are 20 risk factors related to in – hospital mortality. In multivariate regression analysis, there were 3 independent elements predicting in-hospital mortal outcome such as patient’s Glasgow Coma Scale (GCS) < 8 (P= 0,049), hematoma volume ≥ 30cm3 (P = 0,024), and hematoma position being infratentorial (P = 0,033).
Conclusion:
The study concludes that 3 independent predicting factors are responsible for hospital mortality in patients with ICH.
Keywords: predicting factors, intracerebral hemorrhage, in – hospital mortality.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mạc Văn Hòa (2009), Tiên lượng tử vong ở bệnh nhân xuất huyết não theo ICH, Luận văn thạc sĩ y học, Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh.
2. Châu Nam Huân (2011), Các yếu tố tiên lượng tử vong trên bệnh nhân tai biến mạch máu não tại Bệnh viện đa khoa Long an, Luận án chuyên khoa cấp II, Đại học y dược TP Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Thị Kim Liên (2003). Đánh giá một số yếu tố tiên lượng xuất huyết khoang dưới nhện, Luận án chuyên khoa cấp 2, Đại học y dược TP Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Thanh Tùng (2007), Tiên lượng xuất huyết não trên lều bằng các thang điểm đột quỵ tại Bệnh viện Thủ Đức, Luận án Chuyên Khoa cấp II, Đại học y dược TP. Hồ Chí Minh.
5. Lê Duy Phong (2012), Tiên lượng tử vong tai biến mạch máu não trong hai tuần đầu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Luận án chuyên khoa cấp II (pp. 50), Đại học y dược TP. Hồ Chí Minh.
6. Adams, H. P. (1996), “Guidelines for Thrombolytic Therapy for Acute Stroke: a Supplement to the Guidelines for the Management of Patients with Acute Ischemic Stroke. A statement for healthcare professionals from a Special Writing Group of the Stroke Council, American Heart Association”. Stroke, 27(9), 1711-1718.
7. Bhatia, R. (2013), “A prospective study of in-hospital mortality and discharge outcome in spontaneous intracerebral hemorrhage”. Neurol India, 61(3), 244-248.
8. Chuang, Y.-C. (2009), “Risk stratification for predicting 30-day mortality of intracerebral hemorrhage”. Int. Journal for Quality in Health Care, 21(6).
9. Hemphill (2001), “The ICH Score A simple, reliable grading scale for intracerebral hemorrhage”. Stroke(32), 891-897.
10. HU, Yun – Zhen (2013), “Epidemiological and clinical characteristics of 266 cases of intracerebral hemorrhage in Hangzhou, China “Journal of Zhejiang University-SCIENCE B (Biomedicine & Biotechnology) 14(6), 496-504.
11. JL Ruiz -Sandoval (2007), “Grading scale for prediction of outcome in primary intracerebral hemorrhage”, Stroke Research and Treatment, 38, 1641-1644.
12. Re, G. (2008), “Epidemiology of Ischemic and HemorrhagicStroke: Incidence, Prevalence, Mortality, and Risk Factors”. Neurol Clin 26, 871 – 895.
13. Smajlovic, D., Salihovic, D. (2008), “Analysis of risk factors, localization and 30day prognosis of intracerebral hemorrhage”. Bosn J Basic Med Sci, 8(2), 121-125.
14. Takahashi.O (2006), “Risk stratification for in-hospital mortality in spontaneous intracerebral haemorrhage: A Classification and Regression Tree Analysis”. Q J Med, 11(99 ), 743-750.
15. Zou, R. T. F. C. a. L.-Y. (2007), “Use of the Original, Modified, or New IntracerebralHemorrhage Score to Predict Mortality and Morbidity AfterIntracerebral Hemorrhage”. Stroke, 34, 1717-1722.