Bệnh mạch máu não
Nhân Ngày Não Thế giới 22 – 7 – 2017
Bệnh mạch máu não
GS.TS. Lê Đức Hinh
Hội Thần kinh học Việt Nam
Ai cũng biết não là cơ quan vô cùng quan trọng, chi phối điều hành mọi hoạt động của cơ thể con người cũng như các sinh vật cấp cao. Từ khi còn là bào thai trong lòng mẹ đến khi ra đời và trưởng thành, não nói riêng, hệ thần kinh nói chung, luôn tuân theo những quy luật sinh học trong môi trường thiên nhiên và xã hội. Trong phạm vi hẹp của từng cá thể con người, hoạt động của não liên quan mật thiết đến sức khỏe nói chung.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, “ sức khỏe là tình trạng hoàn toàn thoải mái của cơ thể, tâm trí và xã hội của một con người chứ không phải chỉ là không có bệnh tật”. Người xưa cũng đã nói : “Một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh”. Như vậy cần chú ý một cách toàn diện đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh với trọng tâm là dự phòng bệnh tật.
Theo số liệu thống kê hiện nay hàng năm trên thế giới có từ 16 đến 17 triệu người mắc tai biến mạch não và có tới 6 triệu trường hợp bị tử vong. Như vậy bệnh mạch máu não là nguyên nhân phổ biến gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu. Sau khi được cứu chữa qua giai đoạn cấp tính, khoảng 1/4 số bệnh nhân còn di chứng như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy yếu trí tuệ và 1/3 mắc trầm cảm. Biểu hiện lâm sàng của tai biến mạch não là cơn đột quỵ não phần lớn do nhồi máu não (75 – 80% các trường hợp), còn lại là do chảy máu não (10 – 15% các trường hợp) và chảy máu dưới nhện (5%). Nói chung cứ 2 giây đồng hồ lại xảy ra 1 trường hợp đột quỵ não trên thế giới và như vậy có thể nói “đột quỵ não là bệnh dịch của thế kỷ XXI”, theo lời Giáo sư RAAD SHAKIR, Chủ tịch Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (World Federation of / Neurology).
Bệnh mạch máu não liên quan với các cơ chế cơ chế bệnh sinh khác nhau. Bệnh của động mạch lớn là nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu não ở các nước phát triển. Bệnh lý chính là huyết khối trên nền vữa xơ mạch máu , tuy nhiên cũng có thể gặp các bệnh khác như bóc tách động mạch, viêm mạch và bệnh moyamoya. Bệnh của động mạch nhỏ thường gây nhồi máu não dưới vỏ não được gọi là nhồi máu ổ khuyết. Các động mạch xuyên gắn với thương tổn này thường có biến đổi cấu trúc dạng thoái hóa mỡ – kính. Một số nguyên nhân ít gặp hơn là viêm động mạch, rối loạn đông máu, bệnh động mạch não tự thế trội kết hợp nhồi máu dưới vỏ và bệnh não chất trắng (CADASIL). Ngoài ra còn phải kể đến đột quỵ não căn nguyên ấn hoặc nhồi máu não không rõ nguyên nhân.
Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh mạch máu não là tăng huyết áp,rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu, có bệnh tim, đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không hoạt động thể lực, tỷ lệ vòng bụng lớn, yếu tố tâm lý – xã hội. Ngoài ra còn phải chú ý đến vấn đề ô nhiễm không khí và tuổi đời cao. Cần nhấn mạnh chỉ riêng tăng huyết áp đã là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với đột quỵ não, có thể chiếm tới 50% các trường hợp và đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ chảy máu não.
Nhằm đối phó với bệnh lý này, trước hết cần kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu như liệt mặt, liệt tay hoặc chân, hoặc liệt nhẹ nửa người, nói khó khăn, líu ríu, chóng mặt hoặc nhức đầu dữ dội xuất hiện một cách đột ngột ở một người trước vẫn bình thường . Như vậy cần kịp thời nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến một cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu.
Tại các bệnh viện chuyên khoa về bệnh mạch máu – thần kinh, phương pháp tiêu huyết khối đường tĩnh mạch đã được ứng dụng từ 15 năm nay trên thế giới. Việc ứng dụng kỹ thuật điều trị này sử dụng chất sinh plasmin mô tái tổ hợp (recombinant tissue plasminogen activator / rt – PA) làm tiêu huyết khối trong lâm sàng đã thúc đẩy xây dựng các Đơn vị /Đội / Trung tâm Đột quỵ não (Stroke Unit, Stroke Team, Stroke Center)/Trung tâm bệnh mạch máu – thần kinh (Center for Neuro – Vascular Diseases). Trong trường hợp khi phương pháp này không hiệu quả vì cục máu tắc quá lớn sẽ tiến hành xử lý bằng kỹ thuật nội mạch ( endovascular) sử dụng một ống thông để hút cục máu tụ ra một cách an toàn. Ở nước ta, phương pháp điều trị này đã và đang được ứng dụng tại một số Đơn vị/ Khoa/Trung tâm đột quỵ não trong dân y và quân y.
Tuy nhiên đột quỵ não nói riêng, bệnh mạch máu não nói chung cần được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện truyền thông trong cộng đồng. Đây cũng là nhiệm vụ của chuyên khoa Thần kinh học. Do đó, ngay từ khi Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng vào cuối năm 1956 đến nay, với sự có mặt của các thầy thuốc chuyên khoa và các Khoa Thần kinh trong cả nước, ngoài việc chăm sóc cứu chữa bệnh nhân mắc tai biến mạch não, việc phổ biến kiến thức về đột quỵ não đã và đang được thực hiện rộng rãi. Những vấn đề nêu trên cho thấy trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay ở nước ta, vấn đề bệnh mạch máu não cần được hết sức quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Trong việc phổ biến kiến thức bảo vệ sức khỏe nói chung, cần nhấn mạnh tới công tác dự phòng bệnh tật. Trong phòng bệnh mạch máu não , chúng ta cần nhắc nhở mọi người chú trọng điều trị nghiêm túc tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim (rung nhĩ) cũng như tăng cường hoạt động thể lực, bỏ thuốc lá và ngừa béo phì. Mặt khác cần định kỳ tới kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa.
Về phần mình, Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (World Federation of Neurology), phối hợp với Tổ chức Đột quỵ não Thế giới (World Stroke Organization), đã quyết định phát động ngày 22 tháng 7 năm 2017 là Ngày Não Thế giới (World Brain Day) chủ đề Đột quỵ não với khẩu hiệu mục tiêu “Đột quỵ não là bệnh xâm phạm não – Hãy phòng ngừa đột quỵ não – Hãy điều trị đột quỵ não”. Đó cũng là vấn đề mọi người chúng ta cần hết sức quan tâm.
GS.TS. Lê Đức Hinh
Đại diện Hội Thần kinh học Việt Nam
tại Liên đoàn Thần kinh học Thế giới
Nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam