4 cách dùng cây xấu hổ chữa mất ngủ dễ dàng áp dụng
Cây xấu hổ là vị thuốc an thần, chữa mất ngủ phổ biến trong Đông y. Ngày nay y học hiện đại cũng dùng loại cây này để hỗ trợ điều trị mất ngủ và suy nhược thần kinh. Cùng tìm hiểu về cách sử dụng cây xấu hổ chữa mất ngủ được nhiều người áp dụng phổ biến ngay sau đây.
Tìm hiểu về cây xấu hổ
Cây xấu hổ hay cây mắc cỡ, cây trinh nữ, cây thẹn, hàm tu thảo, tên khoa học là Mimosa pudica L, thuộc họ đậu (Fabaceae). Cây xấu hổ thân thảo, mọc dại nhiều ở bờ bụi, kênh rạch, ven đường và đất hoang. Lúc nhỏ cây thẳng đứng, hướng lên trên nhưng khi trưởng thành mọc bò sát đất.
Thân cây xấu hổ nhỏ, cao khoảng 70cm – 100cm, chia thành nhiều nhánh, có nhiều gai. Lá hình lông chim mọc so le gồm 5 phiến chét thuôn dài, mỗi phiến gồm 15 cặp – 20 cặp lá dài 50cm, khi chạm vào sẽ tự động khép lại. Hoa mọc từ nách lá, hình cầu, rộng khoảng 0.5cm – 1cm, màu hồng nhạt hoặc tím và tạo thành chùm nhỏ, có nhiều lông, thường nở vào mùa hè (tháng 7 – tháng 9). Quả hình ngôi sao, rộng khoảng 3mm, dài 2cm được bao phủ bởi một lớp lông cứng. Hạt màu xanh hình trái xoan, rộng 1.5mm và dài 2mm.
Có hai loại xấu hổ là xấu hổ tím và xấu hổ trắng. Cây xấu hổ trắng không có giá trị dược liệu cao nên ít được sử dụng trong chữa bệnh. Hầu hết tất cả bộ phận của cây xấu hổ tím đều có dược tính nên đều có thể dùng chữa bệnh. Lá và cành cây thường được thu hái vào mùa khô dùng dạng khô hoặc tươi. Rễ được thu hái quanh năm, rửa sạch dùng khô.
Cây xấu hổ thân thảo, thuộc họ đậu và có tên khoa học là Mimosa pudica L.
Cây xấu hổ chữa mất ngủ như thế nào?
Theo Y học cổ truyền, lá và cành cây xấu hổ vị ngọt, tính lạnh, hơi đắng, có tác dụng an thần, thanh can hỏa, giải độc, dưỡng tâm, tiêu tích. Còn rễ cây xấu hổ hơi đắng, vị chát, tính ấm và chứa độc tố có tác dụng hóa đàm, thông kinh, hòa vị, tiêu tích. Cây xấu hổ thường được sử dụng để điều trị suy nhược thần kinh, an thần và chữa mất ngủ, trằn trọc.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cây xấu hổ chứa các thành phần hóa học bao gồm một loại axit amin tự nhiên là alkaloid. Chất này được dùng trong y học để gây tê, giảm đau. Các hợp chất khác như minosin, crocetin, flavonoid, tanin, phenolic, axit amin, axit hữu cơ và các loại alcol của cây xấu hổ đã được chứng minh có thể cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu, trầm cảm, giải tỏa stress.
Cây xấu hổ ảnh hưởng đến các thụ thể thần kinh trung ương quan trọng như dopamine, serotonin, hỗ trợ điều chỉnh tâm trạng, an thần, trấn kinh và tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, loại cây này còn bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương, điều trị bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson hay Alzheimer, giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt, thành phần selen và adrenalin của lá có thể hỗ trợ vận chuyển máu tới tim.
Ưu điểm và nhược điểm
Các bài thuốc dùng cây xấu hổ trị mất ngủ đã được lưu truyền hàng trăm năm qua. Nếu dùng dưới dạng thô (theo y học cổ truyền), chữa mất ngủ bằng loại cây này có những ưu, nhược điểm như sau:
Ưu điểm
- An toàn, ít tác dụng phụ: Cây xấu hổ là một loại thảo dược tự nhiên, khi sử dụng đúng cách thường ít gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, táo bón hay buồn ngủ vào ban ngày.
- Dễ kiếm, dễ sử dụng, chi phí thấp: Thảo dược này mọc hoang khắp nước ta nên rất dễ tìm. Bạn dễ dàng thu hái trong tự nhiên hoặc mua tại các cửa hàng thuốc cổ truyền với chi phí thấp. Các bài thuốc từ cây xấu hổ dễ sử dụng, chủ yếu dùng dưới dạng nước sắc, pha trà, có thể kết hợp với các loại thảo dược khác.
- Hiệu quả trong điều trị mất ngủ nhẹ đến trung bình: Trong hàng nghìn năm, các bài thuốc trị mất ngủ từ cây xấu hổ trong Đông y đã cho thấy hiệu quả. Ngày nay, một số nghiên cứu cũng cho thấy loại cây này có hiệu quả trong việc điều trị mất ngủ ở những người bị mất ngủ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Bài thuốc này giúp giảm căng thẳng, lo âu, từ đó giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
Nhược điểm
- Hiệu quả có thể chậm hơn so với các phương pháp điều trị khác: Các bài thuốc chữa mất ngủ từ cây xấu hổ theo truyền thống thường có hiệu quả chậm. Cần phải kiên trì thực hiện một vài tuần đến một vài tháng mới thấy được hiệu quả.
- Không phù hợp để điều trị mất ngủ nặng: Đối với những người bị mất ngủ nặng xuất phát từ nguyên nhân do bệnh lý hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, điều trị bằng cây xấu hổ thường ít hiệu quả. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Cần sử dụng kiên trì để đạt hiệu quả tốt nhất: Để đạt được hiệu quả điều trị tốt, cần dùng theo kê đơn của thầy thuốc, uống đúng thang, đúng các thời điểm trong ngày đặn; tuân thủ các dặn dò của thầy thuốc về cách dùng thuốc, ăn uống, sinh hoạt.
Hướng dẫn cách sử dụng cây xấu hổ chữa mất ngủ ngay tại nhà
Sau đây là các bài thuốc chữa mất ngủ từ cây xấu hổ theo Y học cổ truyền đơn giản ngay tại nhà.
1. Dùng nước cây xấu hổ chữa mất ngủ
Bạn sắc khoảng 30 gram – 50 gram lá cây xấu hổ tươi, rửa sạch với 500ml nước lọc. Đun sôi trên lửa nhỏ 30 phút, sau đó chắt lấy nước uống trước khi đi ngủ khoảng 30 phút.
Nước cây xấu hổ nên uống trong ngày, dùng khi còn ấm, không nên để qua đêm. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần hỏi ý kiến của thầy thuốc để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Cách nấu nước cây xấu hổ chữa mất ngủ – Ảnh: Internet
Ngoài nấu nước uống, các bài thuốc cổ truyền còn kết hợp cây xấu hổ với một số vị khác. Dưới đây là 3 bài thuốc cổ truyền chữa mất ngủ từ cây xấu hổ.
2. Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh, trằn trọc và mất ngủ
Chuẩn bị 15 gram cành, lá cây xấu hổ, 15 gram nụ áo hoa tím, 30 gram chua me đất hoa vàng, 10 gram lạc tiên, 10 gram mạch môn, 10 gram thảo quyết minh.
Rửa sạch các nguyên liệu, để ráo nước, sao vàng. Đem tất cả nguyên liệu trên sắc với 500ml nước lọc đến khi còn một nửa. Uống thuốc khi còn nóng, mỗi ngày duy trì 1 ly – 2 ly trong 7 ngày.
3. Bài thuốc chữa mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc
Chuẩn bị 15 gram rễ cây xấu hổ, 15 gram cúc tần, 30 gram chua me đất.
Rửa sạch các nguyên liệu. Rễ cây mắc cỡ đem sao vàng rồi sắc với 500ml nước lọc. Sau 15 phút cho cúc tần, chua me đất vào đun thêm khoảng 5 phút – 10 phút để chắt lấy nước uống. Mỗi ngày uống một ly trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, liên tục 7 ngày – 10 ngày.
4. Bài thuốc chữa mất ngủ, an thần
Chuẩn bị 10 gram – 20 gram lá và thân cây xấu hổ phơi khô, 2 gram cây lạc tiên.
Rửa sạch các nguyên liệu, để ráo nước. Cây xấu hổ cắt khúc, sao vàng sau đó đun sôi với 500ml nước lọc. Sau 15 phút – 20 phút cho cây lạc tiên vào đun thêm khoảng 5 phút – 10 phút để chắt lấy nước uống. Uống trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, liên tục 7 ngày, mỗi ngày 1 ly, không uống nước để qua đêm.
Những lưu ý khi dùng cây xấu hổ chữa mất ngủ
Mặc dù các bài thuốc chữa mất ngủ bằng cây xấu hổ lành tính nhưng nếu dùng không đúng cách sẽ không đạt được hiệu quả điều trị hoặc không an toàn. Bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
- Cây xấu hổ có độc tính nhẹ, không nên dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú.
- Tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Dụng cụ sắc thuốc nên dùng chất liệu gốm, sứ, đất nung, không nên dùng kim loại vì có thể tạo ra độc tính hoặc làm biến đổi hoạt chất của thảo dược.
- Nên dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc, dùng đúng bài, đúng thang, đúng liều lượng; không tự ý kết hợp với các vị thuốc khác hoặc kết hợp với thuốc tây vì nguy cơ tương tác thuốc.
- Bảo quản thảo dược nơi khô ráo, tránh nơi ẩm ướt.
- Không dùng thảo dược bị nhiễm nấm mốc.
- Tuân thủ các dặn dò của thầy thuốc trong khi sử dụng, chẳng hạn như ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi như thế nào.
- Không nên dùng thảo dược này kéo dài quá 3 tháng, có thể gây hại cho gan, thận.
- Sau 2 tháng dùng thảo dược này, nếu mất ngủ không cải thiện, nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu xảy ra các triệu chứng buồn nôn, dị ứng, tiêu chảy trong khi chữa mất ngủ bằng cây xấu hổ, cần ngưng ngay và đến bệnh viện thăm khám.
- Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục hàng ngày trong khi chữa mất ngủ.
- Người bị mất ngủ có bệnh nền tiểu đường, tim mạch, gan, thận, ung thư không nên dùng các bài thuốc từ cây xấu hổ.
- Nên hỏi ý kiến của bác sĩ khi muốn dùng thực phẩm chức năng trong khi chữa mất ngủ bằng cây xấu hổ.
Không dùng cây xấu hổ chữa mất ngủ cho phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý mãn tính.
Tác dụng khác của cây xấu hổ đối với sức khỏe
Trong Y học cổ truyền, cây xấu hổ còn thường được sử dụng để hỗ trợ các bệnh lý về viêm phế quản, viêm gan, đau dạ dày, viêm kết mạc cấp tính, phong thấp, sỏi đường tiết niệu, huyết áp cao. Mỗi bộ phận của cây xấu hổ đều mang đến những tác dụng riêng đối với cơ thể. Cụ thể:
- Rễ cây dùng để làm giảm đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, kinh nguyệt không đều.
- Lá và cành dùng chữa suy nhược thần kinh.
- Thân cây giã nát dùng để đắp ngoài da chữa vết thương, viêm da mủ.
- Hạt dùng để gây nôn khi cần thiết và chữa hen suyễn.
Các nghiên cứu hiện đại chỉ ra nhiều hoạt chất của cây xấu hổ có tiềm năng trong y học như:
- Chống nọc độc rắn: Nghiên cứu vào năm 2001 tại Đại học Ấn Độ đã chỉ ra rằng, hoạt chất minosa của rễ khô của cây xấu hổ có khả năng ức chế hoạt động của enzym độc hại (hyaluronidase và protease) trong nọc rắn, giúp giảm thiểu tác hại của nọc độc đối với cơ thể.
- Giảm lo âu và trầm cảm: Chiết xuất cây xấu hổ chứa nhiều axetat đã được chứng minh có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng lo âu, trầm cảm, hồi hộp, giải tỏa căng thẳng, tim đập nhanh và căng thẳng thần kinh.
- Chống co giật: Một số nghiên cứu cho thấy, dịch chiết từ lá cây xấu hổ có khả năng ngăn chặn các cơn co giật gây ra bởi chất độc như pentylenetetrazol và strychnin.
- Điều hòa kinh nguyệt: Các hợp chất có trong cây xấu hổ có khả năng tăng cường hoạt động của các hormone, cân bằng nội tiết tố nữ, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn kinh nguyệt. Hơn nữa, cây xấu hổ còn giúp phòng ngừa và điều trị một số bệnh phụ khoa như ung thư cổ tử cung, viêm nội mạc, u xơ.
- Hạ đường huyết: Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy, cây xấu hổ có thể giúp giảm đường huyết và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
- Giảm đau khớp: Cây xấu hổ có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, đau lưng và tê bì chân tay bằng cách ngâm trong nước sắc rễ phơi khô hoặc xông hơi.
Cây xấu hổ ngoài chữa mất ngủ còn giúp giảm lo âu, trầm cảm, điều hòa kinh nguyệt và chữa lành vết thương.
Các biện pháp cải thiện mất ngủ khác
Ngoài chữa mất ngủ bằng cây xấu hổ, các biện pháp sau đây cũng có thể giúp cải thiện bệnh:
- Tập thể dục: Tập luyện thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể giải phóng endorphin, tạo cảm giác tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, nhờ đó giúp cải thiện tình trạng mất ngủ và nâng cao sức khỏe tổng thể. Lưu ý không nên tập quá sát giờ đi ngủ, nên tập trước giờ đi ngủ ít nhất khoảng từ 5 tiếng – 6 tiếng.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Bổ sung các loại thực phẩm như hạnh nhân, bơ, chuối, cá hồi, trứng, sữa chua giúp cơ thể sản xuất hormone melatonin, thư giãn thần kinh, dễ đi vào giấc ngủ và mang lại giấc ngủ ngon hơn. Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ và đường; ăn uống gần giờ đi ngủ.
- Thay đổi thói quen xấu trước khi đi ngủ: Hạn chế tiếp xúc với màn hình điện tử trước khi đi ngủ ít nhất từ một đến hai giờ vì ánh sáng xanh có thể ức chế sản sinh melanin, khiến bạn trằn trọc, ngủ không ngon giấc.
- Thiết lập đồng hồ sinh học: Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày giúp não và cơ thể quen với lịch trình ngủ – thức, dễ chìm vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
- Thư giãn tâm trí: Các liệu pháp thiền định hoặc nghe nhạc nhẹ, đọc sách giúp thư giãn tâm trí, giảm căng thẳng, dễ đi vào giấc ngủ.
- Hạn chế cafein, rượu và nicotine: Không sử dụng đồ uống có cafein, rượu và nicotine vào buổi tối vì làm tăng nhịp tim, huyết áp, kích thích thần kinh, tiêu hóa gây khó ngủ.
- Tạo không gian ngủ tối, yên tĩnh: Phòng ngủ mát mẻ, tối, yên tĩnh, nhiệt độ lý tưởng khoảng 25 độ C – 27 độ C. giường ngủ và gối êm ái, sạch sẽ giúp thư giãn và có giấc ngủ sâu hơn.
- Dùng tinh dầu: Bất kỳ loại tinh dầu thảo dược nào đều có lợi cho thần kinh. Tinh dầu chanh sả, bưởi, oải hương, bạc hà, quế, cam hỗ trợ giấc ngủ rất tốt, đặc biệt hữu ích cho những người hay bị nghẹt mũi.
Bổ sung các thực phẩm giàu magie, protein, tryptophan, vitamin B6 và omega-3 giúp hỗ trợ ngủ ngon hơn.
Câu hỏi liên quan
Sau đây là một số câu hỏi thường gặp về việc dùng cây xấu hổ trị mất ngủ trong y học dân tộc được nhiều người quan tâm:
Liều lượng sử dụng cây xấu hổ là bao nhiêu?
Liều lượng khuyến cáo sử dụng cây xấu hổ mỗi ngày là không được vượt quá 120 gram. Lá và cành cây xấu hổ có thể dùng tươi hay phơi khô sắc nước uống đều được. Đối với vết thương hở, để cầm máu và giảm đau thì bạn hãy giã nát cây xấu hổ tươi sau đó đắp vào vết thương. Còn khi dùng cây xấu hổ để sắc uống, liều lượng khuyến nghị hàng ngày chỉ nên từ 6 gram – 12 gram
Dùng cây xấu hổ chữa mất ngủ có tác dụng phụ gì không?
Cây xấu hổ độc tính nhẹ, có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, dị ứng da, rụng tóc. Thảo dược này có thể gây tương tác với thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc thuốc tiểu đường. Độc tính của cây xấu hổ cũng có thể gây hại cho thai kỳ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Các bài thuốc cổ truyền cây xấu hổ chữa mất ngủ phù hợp với tình trạng mất ngủ đơn thuần, tức là mất ngủ không phải do mắc các bệnh lý mãn tính (tiểu đường, tim mạch, huyết áp, ung thư, bệnh gan, thận). Dùng cây xấu hổ chữa mất ngủ không nên kéo dài quá 2 tháng vì không tốt cho gan, thận. Nếu mất ngủ mãn tính hoặc đã chữa bằng cây xấu hổ hơn một tháng nhưng các triệu chứng không cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị y tế.