60 Năm thành lập Chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam

60 Năm thành lập Chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam

 

PGS.TS. Nguyễn Chương

Hội Thần kinh học Việt Nam

      

Hoà bình lập lại, nhiều trí thức ở Pháp về cùng tham gia xây dựng đất nước trong đó có bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh.

       Ngày 2 tháng 12 năm 1956, Bộ Y tế có quyết định thành lập Bộ môn Tinh Thần kinh, Đại học Y Dược khoa và Khoa TinhThần kinh, Bệnh viện Bạch Mai; bác sĩ  Nguyễn Quốc Ánh được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn và Chủ nhiệm Khoa.

    Trải qua những năm tháng xây dựng và phát triển, Khoa – Bộ môn Thần kinh đã và đang làm tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị:

     Một là, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và đào tạo Đại học, sau và trên đại học.

     Hai là, gắn liền với thực tiễn xã hội, cán bộ Khoa – Bộ môn Thần kinh có kế hoạch và luân phiên cán bộ đi tuyến trước; hoặc đưa sinh viên đi thực tế công nông trường xí nghiệp để từ đó biết thực tiễn của ngành. Từ đó, cán bộ giảng dạy bổ sung “thực tế” vào bài giảng; cán bộ điều trị hiểu “thực tế” để có kế hoạch với địa phương liên quan. Qua công tác này, cán bộ Khoa-Bộ môn đã tham gia đi giảng ở tuyến trước, tổ chức sinh hoạt khoa học ở nhiều bệnh viện tỉnh trong cả nước.

      Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ.

      Bốn là, tăng cường công tác xuất bản, phổ biến kiến thức.

      Năm là, giữ quan hệ tốt với các Khoa và Bộ môn.

      Sáu là, duy trì quan hệ tốt với tổ chức thần kinh ở nước ngoài.

      Bảy là, tham gia củng cố và phát triển Hội Thần kinh học Việt Nam.

 

I.  NHỮNG ĐÓNG GÓP CHỦ YẾU

1. Giảng dạy

    –  Buổi  ban đầu, tài liệu về thần kinh hầu như không có, ngay cả sách bằng tiếng nước ngoài cũng chỉ có 1-2 quyển. Bác sĩ Ánh đã tranh thủ thời gian tập hợp viết – chuyển sang tiếng Việt, các bài,  tập giảng về Thần kinh ngay khi thành lập Bộ môn.

    –  Có tập bài giảng về Thần kinh cho các đối tượng trong đại học và sau đại học.

    –  Phần cơ bản của Thần kinh là Giải phẫu chức năng não tủy đã là đề mục quan trọng trong Thực hành Thần kinh ở Việt Nam.

    –  Đặc biệt trong giảng dạy cho Sau đại học, bác sĩ lại có những nét khá tế nhị để đánh giá “học viên sau đại học”: Đi thăm buồng bệnh, sau khi nghe học viên trình bày lâm sàng, bác sĩ Ánh thường hỏi về sự đáp ứng của phản xạ da bụng ở người bệnh hay là người bệnh thuận tay bên nào? Hoặc xem “học viên đã đọc tài liệu chưa, bác sĩ Ánh chỉ cần phát biểu về một khía cạnh nào đó có liên quan tới người bệnh. Hoặc thông qua các buổi trình bày chuyên đề.

2.  Nghiên cứu khoa học

    – Là người đầu tiên đóng góp về đánh giá “Biến chứng thần kinh ở U độc vòm họng”, bác sĩ Ánh đã động viên cán bộ khoa – bộ môn tham gia đầy đủ (có báo cáo khoa học) tại hội nghị khoa học (lần thứ III) toàn trường năm 1962.

    – Bác sĩ Ánh đã say mê trong tiến trình nghiên cứu “Subtilis với nhiễm khuẩn thần kinh”, “phong  bế sau châm” và góp phần “tìm ra thuốc Hỗn hợp thần kinh”. Đặc biệt, bác sĩ Ánh đã cùng với Dược sĩ Dư trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai thời đó nghiên cứu và triển khai rộng rãi thuốc Hỗn hợp thần kinh.

3.  Tổ chức các đợt tổng quan nhiều tài liệu theo từng chuyên đề

    + Thần kinh học tinh vi: Noron và dẫn truyền thần kinh, Trí nhớ, Ngôn ngữ.

    +  Về thần kinh trẻ em: Sự phát triển về tâm thần – vận động, Khám thần kinh ở trẻ mới đẻ.

    + Tinh thần kinh dược lý

    + Động kinh: Vai trò của khứu não, của cấu tạo lưới trong nghiên cứu động kinh.

    + Viêm não: Thử đánh giá tác dụng Atropin (kết hợp với bộ môn Dược lý).

    + Thần kinh điều khiển học, qua các vòng tác ngược, đặc biệt ở tiểu não, ở hạ khâu não.

    + Sinh hoá não

    + “Phiếu đục lỗ” trong công tác thống kê, nghiên cứu hồ sơ bệnh án.

    + Thần kinh tâm lý học.

4.  Xây dựng tổ chức chuyên khoa

    – Đào tạo và xây dựng được màng lưới Chuyên khoa Thần kinh (có cán bộ chuyên khoa Thần kinh về công tác) từ trung ương tới những tỉnh thành quan trọng, đặc biệt ở Quân y (có giáo sư tiến sĩ Hồ Hữu Lương), ở Thành phố Hồ Chí Minh (có giáo sư tiến sĩ Lê Văn Thành).

    –  Giúp đỡ cán bộ chuyên khoa “ Hiểu – Nắm – Tinh thông kiến thức cơ bản về Thần kinh học.

    –  Xây dựng các nền móng cơ bản ở Khoa – Bộ môn Thần kinh Hà Nội: Thần kinh Nhi, Tổ diện não và Thần kinh sinh lý lâm sàng, những đơn vị cơ bản cho tiến trình thành lập Viện Thần kinh học Việt Nam.

   –  Giúp đỡ cho các cán bộ kế cận “Tầm nhìn” qua một số nghiên cứu bệnh thần kinh.

Từ những nét cơ bản về phương hướng phát triển Thần kinh trình bày tại Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Môi trường) năm 1966 của bác sĩ Ánh, PGS.TS. Nguyễn Chương đã hoàn thiện thành bài tổng quan đăng ở báo Y học, Tạp chí Y học thực hành năm 1986.

 

II.  PHÁT TRIỂN SỰ ĐÓNG GÓP

         Các cán bộ kế cận của Khoa – Bộ mônThần kinh đã phát huy những thành quả của người sáng lập chuyên ngành đã làm tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị đầu ngành Thần kinh học, đặc biệt những hoạt động sau:

1.  Tổ chức đào tạo Sau đại học và Trên đại học được tốt

    –  Phát triển các hình thức đào tạo mới: Cao học, nghiên cứu sinh.

       Hiện đã có gần một trăm thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2 về Thần kinh và 34 tiến sĩ về Thần kinh học.

       Đào tạo ở nước ngoài dưới hình thức Thực tập sinh, Nghiên cứu sinh ở Đức, Tiệp, Hungari, Hà Lan, Pháp, Israel, Hoa Kỳ.

2. Nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh qua các sinh hoạt khoa học ở địa phương 

Giới thiệu chẩn đoán và xử trí một số bệnh thần kinh, hội chẩn, đi giúp tuyến trước. Thành lập các đơn vị mới: trung tâm nghiên cứu động kinh, trung tâm Đột quỵ.

3. Triển khai các chương trình đề tài nghiên cứu của cấp Bộ

5 đề tài về Tai biến mạch máu não, động kinh, Parkinson, Viêm não, cấp tỉnh (ở Thái nguyên, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chi Minh, Cần Thơ, Rạch Giá.

 

4. Phát triển và mở rộng quan hệ quốc tế

     – Với các nước ASEAN: Thường xuyên có đề tài báo cáo tại các hội nghị về thần kinh của ASNA hai năm một lần về Tai biến mạch máu não, Động kinh…

     – Tranh thủ mời các nhà Thần kinh học của Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Israel sang tổ chức các buổi hội thảo về Tai biến mạch máu não, động kinh, sa sút trí tuệ cho nhiều tỉnh, thành nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,  Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cần Thơ.

     – Tranh thủ dự Hội nghị Khoa học thần kinh ở Pháp, Israel, Áo, Italia, Trung Quốc, Nhật, Úc, Hoa Kỳ,…

5.  Đẩy mạnh công tác xuất bản và công tác thông tin phát thanh Truyền hình

    – Đã xuất bản được 7 tài liệu giáo khoa, 18 sách chuyên đề; 2 băng đĩa video, VCD.

    – Tổ chức được nhiều buổi nói chuyện, giao lưu qua đài phát thanh và truyền hình ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Cần Thơ, Rạch Giá.

   – Tạp chí Thần kinh học Việt Nam đã đươc phép xuất bản từ năm 2013 đến nay đã có 10 số. Đặc biệt Tạp chí Thần kinh học Việt Nam đã có mã số ISSN –  ISSN 2354-0931

    – Đã có trang mạng của Hội: “hoithankinhhocvietnam.com.vn”

6.   Nòng cốt cho việc phát triển Hội Thần kinh học Việt Nam, Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, Hội Thần kinh học khu vực Thành phố Hồ Chí Minh

 

         Giờ đây, từ cái nôi Khoa – Bộ môn Tinh Thần kinh, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tổ chức hình thành một đội ngũ đông đảo các bác sĩ chuyên khoa cấp 1 nội trú bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa cấp 2, các thạc sĩ, tiến sĩ, các phó giáo sư, giáo sư – các nhà Thần kinh học. Tất cả đã và đang đẩy mạnh các mặt hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam.

           1                                                                                                                        

    BS. Nguyễn Quốc Ánh – Người Chủ nhiệm sáng lập Bộ môn Tinh Thần kinh,

   (nay là Bộ môn Thần kinh), Đại học Y Dược khoa Hà Nội (nay là Đại học Y khoa

    Hà Nội), và Khoa Tinh Thần kinh Bệnh viện Bach Mai.