5 cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh đơn giản nhưng hiệu quả

Dân gian cho rằng chữa mất ngủ bằng đậu xanh là phương pháp an toàn và hiệu quả. 5 cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh được người xưa thực hiện như thế nào? Cùng ECO Pharma tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây

Tác dụng của chữa mất ngủ bằng đậu xanh

Đậu xanh là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như magie, kali, sắt, kẽm, canxi, vitamin E, protein, omega 3, protein và một số chất chống oxy hóa khác như carotenoid, flavonoid. Chúng  có tác dụng đẩy lùi tác hại từ gốc tự do, cải thiện chức năng tế bào thần kinh não bộ. Theo nhiều báo cáo, tổ hợp các dưỡng chất này là các thành phần thiết yếu ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Theo y học hiện đại, đậu xanh đem đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch, ngừa táo bón, kiểm soát đường huyết. Bên cạnh đó, đậu xanh còn chứa tryptophan kích thích sản sinh serotonin hỗ trợ điều hòa tâm trạng, giảm suy nhược và chữa mất ngủ hiệu quả.

Đậu xanh được xem là thực phẩm “vàng” bổ sung cho người bị suy nhược, stress gây mất ngủ và sụt cân. Bằng cách sử dụng các món ăn và thức uống được chế biến từ đậu xanh như chè đậu xanh, cháo, ủ trà sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng giấc ngủ.

Hướng dẫn cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh

Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Hơn thế, mất ngủ còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tiểu đường, đột quỵ,… Có nhiều cách để chữa mất ngủ như dùng thuốc, thảo dược, liệu pháp trị liệu và áp dụng các món ăn, bài thuốc dân gian như chữa mất ngủ bằng đậu xanh.

Cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh chỉ kết hợp đậu xanh với các nguyên liệu quen thuộc trong đời sống. Sau đây là 5 cách đơn giản, phổ biến nhất.

1.   Chữa mất ngủ bằng sữa đậu xanh

Sữa đậu xanh không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn hỗ trợ cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Chỉ với một ly sữa ấm nóng vào buổi sáng hoặc buổi tối bạn đã có thể vào giấc ngủ ngon hơn.

Chuẩn bị nguyên liệu: 100gr đậu xanh nguyên vỏ, lá nếp (3 lá), sữa tươi không đường, đường tinh luyện.

Cách thực hiện bằng máy nấu sữa hạt:

  • Bước 1: Ngâm đậu xanh trong khoảng 4 – 8 tiếng, sau đó vo sạch.
  • Bước 2: Cho khoảng 300ml nước cùng 100gr đậu xanh đã ngâm vào máy nấu sữa hạt. Chọn chế độ nấu sữa còn ấm nóng.
  • Bước 3: Khi sữa đã được nấu xong, bạn có thể cho thêm đường và sữa tươi để tạo vị ngọt. Nên thưởng thức khi sữa còn ấm nóng.

Cách thực hiện thông thường:

  • Bước 1: Vo sạch đậu xanh và ngâm trong nước khoảng 30 phút.
  • Bước 2: Đun sôi đậu xanh cùng 500ml nước đến khi đậu chín mềm.
  • Bước 3: Cho đậu đã nguội bớt vào máy xay nhuyễn, sau đó cho vào nồi đun lại cùng phần lá nếp đã chuẩn bị.
  • Bước 4: Tiếp tục đun thêm 2 phút, sau đó cho sữa tươi cùng đường vào khuấy đều (tùy khẩu vị ngọt, béo của mối người), sau đó tắt bếp.

Thưởng thức sữa đậu xanh khi còn ấm nóng, bạn có thể để sữa nguội hẳn rồi bỏ tủ lạnh sử dụng trong ngày.

Sữa đậu xanh chữa mất ngủ.

2.   Chữa mất ngủ bằng trà đậu xanh

Trà đậu xanh từ lâu đã được biết đến là một loại thức uống thanh mát giúp giải độc, giải nhiệt, cải thiện mỡ máu và giúp thon gọn vóc dáng. Bên cạnh đó, thức uống này còn hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ.

Chuẩn bị nguyên liệu: 300gr đậu xanh nguyên vỏ, 2 lít nước.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Rửa sạch đậu xanh để ráo nước.
  • Bước 2: Rang đậu xanh trong chảo đến khi đậu hơi ngả vàng thì tắt bếp.
  • Bước 3: Cho hỗn hợp đậu vừa rang đun với 2 lít nước, đợi đến khi đậu nở hết thì tắt bếp.

Thưởng thức trà đậu xanh khi còn ấm, có thể dùng thêm muối hoặc đường tùy thuộc vào khẩu vị.

Chữa mất ngủ bằng nước uống từ đậu xanh.

3.   Chữa mất ngủ bằng đậu xanh và đường phèn

Kết hợp đậu xanh và đường phèn là bài thuốc Đông Y đơn giản và an toàn, có tác dụng thanh nhiệt, đẹp da, cải thiện triệu chứng mất ngủ hiệu quả.

Chuẩn bị nguyên liệu: 100gr đậu xanh nguyên vỏ, 50g đường phèn, 1 lít nước.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Ngâm 500gr đậu xanh với nước khoảng 1 tiếng. Sau đó, vò sạch bụi bẩn, dùng rây lọc lại.
  • Bước 2: Đun đậu xanh vừa được làm sạch cùng 1 lít nước. Khi nước sôi, hạ lửa nhỏ và đun thêm khoảng 1 tiếng.
  • Bước 3: Sau khi đậu chín, bỏ thêm đường phèn để tăng vị ngọt và thưởng thức.

Cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh và đường phèn.

4.   Chữa mất ngủ bằng đậu xanh nấu hạt sen

Hạt sen có chứa nhiều kiềm, glucozit có tác dụng an thần, giúp giấc ngủ ngon hơn. Chính vì vậy bài thuốc chữa mất ngủ bằng đậu xanh kết hợp cùng hạt sen sẽ mang lại tác dụng điều trị tốt.

Chuẩn bị nguyên liệu: 50gr đậu xanh tách vỏ, 50gr hạt sen, 10gr bột sắn, 500ml nước, đường.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Ngâm đậu xanh với nước ấm khoảng 30 phút cho mềm. Hạt sen mang tách vỏ lấy phần tâm sen.
  • Bước 2: Cho đậu xanh và hạt sen cùng 500ml vào nồi, đun đến khi hạt sen và đậu xanh chín mềm.
  • Bước 3: Cho 10gr bột sắn hòa tan và đường vào nồi, khuấy đều rồi tắt bếp. Thưởng thức chè khi còn nóng, bạn có thể dùng lạnh tùy ý thích.

Chữa mất ngủ bằng đậu xanh nấu hạt sen.

Link shutter: https://www.shutterstock.com/image-photo/bowl-chinese-sweet-mung-bean-soup-1144063784

5.   Chữa mất ngủ bằng đậu xanh hầm thịt

Đậu xanh hầm thịt là món ăn giàu dinh dưỡng, thích hợp dùng cho người mới ốm dậy, thiếu chất, đồng thời còn hỗ trợ cải thiện giấc ngủ ngon hơn.

Chuẩn bị nguyên liệu: 100gr thịt bằm (thịt heo hoặc thịt bò), 30gr đậu xanh, 50gr gạo tẻ, 30gr gạo nếp, hành lá, gia vị cơ bản.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Vo sạch gạo nếp và gạo tẻ rồi ngâm cùng nước khoảng 30 phút. Đậu xanh ngâm với nước trong 40 phút để đậu mềm.
  • Bước 2: Ướp thịt băm cùng với gia vị trong khoảng 15 – 20 phút.
  • Bước 3: Phi thơm hành tím, cho thịt băm đã ướp trước đó, xào sơ qua. Tiếp đến, cho hỗn hợp gạo và đậu xanh vào nồi đun đến khi hạt gạo nở mềm, nhừ. Sau đó, cho thịt băm vào, nêm gia vị vừa ăn và tắt bếp.

Thưởng thức ngay khi còn nóng, cho thêm hành lá tía tô để tăng hương vị của món ăn.

Cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh hầm thịt

Lưu ý khi trị mất ngủ bằng đậu xanh

Mặc dù cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh được xem là bài thuốc an toàn, hiệu quả nhưng bạn vẫn phải cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Người thể hàn (thường bị tiêu chảy, chân tay lạnh) không nên sử dụng đậu xanh.
  • Đối với người lớn chỉ nên sử dụng đậu xanh 2 – 3 lần/ tuần. Với trẻ em, người già nên hạn chế dùng đậu xanh
  • Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh không dùng đậu xanh vì có thể gây chướng bụng, đầy hơi, gây đau bụng kinh dữ dội.
  • Không lạm dụng đậu xanh, điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu.
  • Tránh tự ý kết hợp đậu xanh với các thảo dược hoặc bài thuốc Đông Y nào khác. Việc kết hợp không đúng cách có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.
  • Trường hợp người bệnh đang dùng thuốc điều trị không nên dùng đậu xanh.
  • Tuyệt đối không dùng đậu xanh khi đói vì sẽ gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Ngoài ra, kết hợp sử dụng đậu xanh chữa mất ngủ cùng chế độ nghỉ ngơi lành mạnh, tập luyện khoa học đều đặn như yoga, thiền,… sẽ giúp cải thiện tốt chứng mất ngủ.

Những lợi ích khác của đậu xanh với sức khỏe

Bên cạnh tác dụng chữa mất ngủ, đậu xanh còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, cụ thể như:

  • Đậu xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa axit phenolic, flavonoid, axit caffeic, axit cinnamic… có thể giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính, bệnh tim, ung thư. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa khác như vitexin và isovitexin còn giúp ngăn ngừa đột quỵ do sốc nhiệt.
  • Sử dụng đậu xanh thường xuyên giúp làm giảm nồng độ LDL-cholesterol, nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Đậu xanh cung cấp hàm lượng dinh dưỡng từ các khoáng chất như kali, magie và chất xơ,… giúp phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả.
  • Đậu xanh chứa nhiều chất xơ và protein hỗ trợ làm chậm giải phóng đường vào máu và cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa.
  • Hỗ trợ giảm cân hiệu quả bằng cách ức chế cơn đói, tăng hormone no, ngăn hấp thụ các chất béo “xấu”.
  • Trong đậu xanh có chứa folate, một chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.

Biện pháp chữa trị mất ngủ khác

Để cải thiện mất ngủ, thức giấc giữa đêm, bên cạnh cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh, người bệnh còn có thể áp dụng các biện pháp sau

  • Thiết lập đồng hồ sinh học cân bằng: Đi ngủ đúng giấc và thức dậy đúng giờ theo khung giờ.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên: Người tập thể dục 60 phút/ ngày và duy trì năm ngày/ tuần sẽ có giấc ngủ REM bình thường hơn những người không tập luyện. Theo nhiều báo cáo khác cho thấy, người mất ngủ khi tập thể dục 30 phút/ ngày sẽ có giấc ngủ lâu hơn một giờ so với người mất ngủ ít vận động.
  • Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên: Vùng dưới đồi tuyến chịu trách nhiệm điều chỉnh giấc ngủ và mức năng lượng khi tiếp xúc đủ ánh sáng mặt trời. Lúc này, vùng dưới đồi sẽ ra hiệu lệnh cho cơ thể bạn tăng hoặc giảm sản xuất hormone ngủ melatonin. Ban ngày, bạn sẽ cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng và tỉnh táo vì melatonin được sản xuất ít. Ngược lại khi về đêm, cơ thể sản sinh nhiều melatonin hơn nên bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.
  • Thư giãn tâm lý, tránh stress: Cơ thể kiệt sức vào ban ngày khi không ngủ đủ giấc, bạn sẽ có xu hướng căng thẳng, lo lắng và cáu kỉnh hơn. Theo thời gian, toàn bộ tình trạng căng thẳng này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ ban đêm. Đó là một lý do cho bước kiểm soát tâm lý căng thẳng vào ban ngày, điều này sẽ giúp bạn có được giấc ngủ sâu, tròn giấc vào ban đêm.
  • Bổ sung thực phẩm thích hợp: Sử dụng các thực phẩm như phô mai, quả hạnh, cá hồi, chuối vào buổi tối có thể giúp giấc ngủ sâu hơn. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chức caffeine như cà phê, thức ăn cay nóng, giàu chất béo. (3)
  • Không gian phòng ngủ: Hãy đảm bảo không gian phòng ngủ yên tĩnh, tối, có nhiệt độ thoải mái, mùi hương dễ chịu từ hoa oải hương, cây cam tùng, nhũ hương,…. Liệu pháp này sẽ giúp xua tan lo lắng, xoa dịu tinh thần giúp bạn dễ vào giấc ngủ hơn.
  • Tránh xa các thiết bị điện tử: Ánh sáng xanh từ các thiết bị như điện thoại, máy vi tính có thể khiến não của bạn hưng phấn thay vì thư giãn để chuẩn bị cho giấc ngủ.
  • Tắm nước ấm vào ban đêm thay vì buổi sáng: Hơi ấm từ vòi sen sẽ truyền “tín hiệu” đến hệ thần kinh của bạn rằng đã đến lúc phải thư giãn và chuẩn bị ngủ.

Nghỉ ngơi đúng cách là một yếu tố giúp cải thiện giấc ngủ hiệu quả.

Một số câu hỏi liên quan

1.   Sử dụng đậu xanh có thể gây ra những tác dụng phụ nào?

Mặc dù đậu xanh là một thực phẩm lành tính, an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên sử dụng không đúng cách hoặc ở một số người có cơ địa nhạy cảm thường gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Đậu xanh chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như carbohydrate và calo, vì thế nếu dung nạp quá nhiều sẽ dẫn đến tăng cân.
  • Đậu xanh giàu chất xơ vì vậy rất dễ gây đầy bụng ở người có hệ tiêu hóa kém.
  • Người đang dùng thuốc điều trị bệnh không nên sử dụng đậu xanh vì có thể xảy ra các tương tác, ảnh hưởng sức khỏe.
  • Hàm lượng lectin và phytate có trong đậu xanh có thể ức chế hấp thụ một số chất dinh dưỡng cho cơ thể như canxi, sắt, kẽm và magie.

2.   Liều lượng sử dụng đậu xanh như thế nào để trị mất ngủ hiệu quả?

Liều lượng khi dùng cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh sẽ khác nhau tùy thuộc vào thể trạng và cách dùng của người bệnh. Chính vì thế khi thực hiện biện pháp trị mất ngủ bằng đậu xanh, bạn cần hỏi ý kiến từ chuyên gia, thầy thuốc Đông Y để được tư vấn về liều lượng dùng phù hợp.

3.   Nên sử dụng đậu xanh vào thời điểm nào trong ngày để trị mất ngủ?

Đậu xanh có thể được dùng bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, nếu dùng đậu xanh chữa mất ngủ, buổi tối sẽ tốt hơn. Các món ăn từ đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, an thần, xoa dịu tâm trí giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

4.   Đậu xanh có thể trị được mất ngủ kinh niên hay không?

Đậu xanh cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào, có lợi cho sức khỏe. Nhưng cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh không phải là thuốc đặc trị vì vậy nó chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện. Mất ngủ kinh niên (trong Đông y) còn gọi là mất ngủ mãn tính (trong Y học hiện đại), kéo dài từ 3 tháng trở lên. Tình trạng này khó điều trị và thường có nguyên nhân từ các bệnh lý mãn tính. Nếu mất ngủ mãn tính, bạn nên đến bệnh viện thăm khám, tìm nguyên nhân để được điều trị phù hợp.

Dân gian có nhiều món ăn, bài thuốc chữa mất ngủ hay. Cách chữa mất ngủ bằng đậu xanh đã được lưu truyền qua nhiều đời. Cho dù chưa được nghiên cứu hiện đại kiểm chứng, nhưng không nên phủ nhận những kinh nghiệm của cha ông trong các bài thuốc cổ truyền.