Nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai
Mất ngủ là một triệu chứng phổ biến trong thai kỳ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cả mẹ và bé. Tình trạng này có thể xảy ra ở giai đoạn đầu và cuối hoặc thậm chí trong suốt cả thai kỳ.
Các nguyên nhân mất ngủ khi mang thai bao gồm:
Vấn đề về hô hấp : Sự gia tăng của hormone estrogen và progesterone làm cho nhịp thở trở nên chậm và sâu hơn, gây cảm giác khó thở. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà bầu.
Đi tiểu nhiều lần: Thay đổi nội tiết tố khiến dây chằng, bao gồm dây chằng của niệu đạo trở nên mềm và lỏng hơn, làm giảm khả năng nhịn tiểu của bà bầu. Vào cuối thai kỳ, tử cung lớn dần và thai nhi phát triển gây áp lực lên bàng quang, khiến bà bầu buồn tiểu thường xuyên. Đồng thời, lượng máu tăng gấp đôi và thận phải hoạt động liên tục để xử lý chất thải, làm bàng quang nhanh đầy, dẫn đến nhu cầu đi tiểu nhiều lần hơn.
Ốm nghén: Những thay đổi như đường huyết thấp, biến động huyết áp gây ra các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, chán ăn, nôn mửa, ợ nóng hoặc cảm giác mắc nghẹn ở cổ họng. Các triệu chứng này gây khó chịu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của bà bầu.
Đau nhức và sưng tấy: Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, bà bầu sẽ gặp phải những cơn đau chân, khớp thường do tăng cân, thay đổi cơ thể, tình trạng tích nước gây nên. Những cơn đau này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng giấc ngủ.
Tăng nhịp tim: Khi mang thai, lượng máu cơ thể tăng gần 50% khiến tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ máu cho cả mẹ và thai nhi. Một số yếu tố phổ biến có thể khiến tim đập nhanh, bao gồm thiếu máu, lo âu, mất nước, thừa cân, thay đổi nội tiết tố, hạ đường huyết và hạ huyết áp. Ngoài ra, các vấn đề hiếm gặp như rung tâm nhĩ, viêm cơ tim do nhiễm virus, hoặc vấn đề về tuyến giáp cũng có thể làm tim đập nhanh, gây ra tình trạng mất ngủ khi mang thai.
Ợ hơi và táo bón: Trào ngược dạ dày thực quản thường gặp trong thai kỳ và nặng hơn vào tam cá nguyệt thứ ba. Sự thay đổi hormone làm chậm quá trình tiêu hóa, và hormone progesterone khiến cơ vòng thực quản dưới giãn quá mức gây ra triệu chứng trào ngược dạ dày. Bên cạnh đó, sự phát triển của thai nhi cũng tạo nên áp lực lên dạ dày, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Đây là nguyên nhân gây khó ngủ ở bà bầu.
Lo lắng và căng thẳng: Những lo lắng, suy nghĩ về kế hoạch trong thai kỳ cũng như kế hoạch nuôi dưỡng và chăm sóc bé, các vấn đề xã hội như công việc, gia đình, tài chính,... có thể làm tăng mức cortisol - hormone gây căng thẳng khiến bà bầu bị mất ngủ.
Tình trạng nghén, nôn ói cũng là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến giấc ngủ trong thai kỳ.
Các mẹo giảm mất ngủ cho bà bầu theo từng giai đoạn
Để giúp bà bầu ngủ ngon giấc hơn, một số mẹo trị mất ngủ cho bà bầu theo từng giai đoạn thai kỳ sau đây có thể áp dụng.
Cách trị mất ngủ cho bà bầu 3 tháng đầu
Ba tháng đầu thai kỳ thường gây mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày, đặc biệt với phụ nữ trẻ hoặc bị thiếu sắt trước khi mang thai. Khoảng 37,5% phụ nữ mang thai tuần 6 - tuần 7 gặp phải tình trạng mất ngủ do nồng độ hormone progesterone tăng lên. Các triệu chứng như ốm nghén, tiểu nhiều, đau lưng, đau ngực, và lo lắng cũng làm giấc ngủ bị gián đoạn.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ ở giai đoạn này, bà bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tư thế ngủ khoa học: Trong ba tháng đầu tiên, mẹ bầu nên ngủ nghiêng bên trái với tư thế cong chân. Tư thế này giúp cải thiện lưu thông máu đến tử cung và thai nhi.
- Sử dụng gối hỗ trợ: Bà bầu có thể sử dụng thêm gối để kê vào lưng hoặc bụng được thiết kế riêng cho bà bầu để giảm các cơn đau nhức ở chân, bụng và lưng.
- Tạo môi trường ngủ lý tưởng: Giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh, lựa chọn những trang phục rộng rãi, để cơ thể luôn thoải mái và dễ chịu.
- Vận động nhẹ nhàng: Thực hiện tập thể dụng nhẹ nhàng và đều đặn sẽ giúp giảm căng thẳng các cơ và cải thiện lưu thông máu. Bên cạnh đó, việc vận động còn giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.
Cách trị mất ngủ cho bà bầu 3 tháng giữa
Trong tam cá nguyệt thứ hai, giấc ngủ thường được cải thiện nhờ giảm tần suất buồn nôn và đi tiểu, cùng với mức năng lượng và cân nặng tăng lên. Tuy nhiên, các cơn gò tử cung, đau dạ dày, ợ chua và cử động của thai nhi hoặc ngáy có thể làm gián đoạn giấc ngủ của thai phụ. Một số bà bầu còn đối mặt với hội chứng chân không yên hoặc thức giấc do khó chịu.
Một số cách trị mất ngủ cho bà bầu ở giai đoạn này bao gồm:
- Tránh uống nhiều nước vào buổi tối: Giảm lượng nước tiêu thụ 2 giờ - 3 giờ trước khi đi ngủ để giảm tần suất đi tiểu đêm, giúp giấc ngủ sâu hơn.
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no trước khi ngủ. Để giảm thiểu triệu chứng ợ nóng và trào ngược, bà bầu nên hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất kích thích như caffeine và nicotine.
- Tắm bằng nước ấm nhẹ nhàng (không nóng) giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện tuần hoàn máu.
- Sử dụng gối chuyên dụng cho bà bầu để nâng đỡ lưng, bụng và đầu, giảm áp lực lên các khớp và cơ. Có thể dùng gối cuộn đặt giữa hai đầu gối hoặc dưới bụng để tạo cảm giác thoải mái.
Bà bầu có thể dùng gối ngủ hỗ trợ để ngủ ngon giấc hơn trong thai kỳ.
Cách trị mất ngủ cho bà bầu 3 tháng cuối
Trong tam cá nguyệt thứ ba có khoảng 80% bà bầu bị mất ngủ do thay đổi cơ thể, nội tiết tố và tâm lý. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm đau ngực, ợ chua, sưng tấy, cử động thai nhi và khó tìm tư thế ngủ thoải mái do bụng phát triển to và tăng cân. Ngoài ra, 30% bà bầu mất ngủ do gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ và hội chứng ngủ không yên (RLS).
Một số mẹo giúp bà bầu dễ ngủ hơn trong 3 tháng cuối thai kỳ:
- Điều chỉnh chế độ ăn: Hạn chế uống quá nhiều nước trong bữa ăn để giảm áp lực lên dạ dày. Tránh tiêu thụ các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất kích thích có thể gây ợ chua và khó tiêu.
- Nằm nghiêng: Hay ngủ nghiêng về bên trái nhiều nhất có thể, kê gối giữa hai đầu gối và dưới bụng để giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới và cải thiện lưu thông máu đến tử cung và thai nhi.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ. Bởi vì trong tam cá nguyệt thứ ba, khi thai nhi phát triển lớn hơn sẽ gây sức nặng lên bàng quang và làm tăng tần suất đi tiểu vào ban đêm.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Tham gia các lớp học tiền sản hoặc trao đổi với bác sĩ, nữ hộ sinh để được tư vấn và hỗ trợ về tâm lý, giúp giảm lo âu và chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở.
- Thư giãn cơ thể: Sử dụng túi chườm ấm để giảm đau nhức cơ và khớp, đặc biệt ở vùng lưng dưới. Các bài tập thở và yoga cho bà bầu cũng giúp ngủ ngon và hỗ trợ cho quá trình sinh nở sắp tới.
Bà bầu có thể thực hiện các bài tập thở và yoga để cải thiện giấc ngủ ngon và và hỗ trợ cho quá trình sinh nở sắp tới
Hướng dẫn cách trị mất ngủ cho bà bầu an toàn
Cùng ECO Pharma tìm hiểu một số hướng dẫn giúp bà bầu cải thiện tình trạng mất ngủ an toàn và hiệu quả trong suốt thai kỳ.
Dùng thuốc trị mất ngủ cho bà bầu
Dùng thuốc trị mất ngủ cho bà bầu có tốt không? Các loại thuốc thường không an toàn để dùng trong thai kỳ. Nhưng nếu mất ngủ nghiêm trọng, có thể cân nhắc dùng thuốc nhưng cần được bác sĩ thăm khám và kê đơn. Bà bầu không tự ý dùng thuốc ngủ vì có thể gây hại cho thai nhi và sức khỏe bản thân.
Một số nhóm thuốc có thể được bác sĩ kê đơn trong thai kỳ khi không có biện pháp nào có thể giúp cải thiện mất ngủ là nhóm histamin. Chúng bao gồm Diphenhydramine và Doxylamine là một trong những loại thuốc không kê đơn được coi là an toàn để điều trị chứng mất ngủ khi mang thai. Tuy nhiên, chúng có thể gây tác dụng phụ và có thể hình thành thói quen.
Một số loại thuốc khác cần thận trọng dùng dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ gồm:
- Melatonin: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng không nên sử dụng melatonin cho phụ nữ có thai vì những ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng của mẹ và bé, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, và khả năng thiết lập giấc ngủ lành mạnh của trẻ sau khi sinh.
- Thuốc chống trầm cảm: Một nghiên cứu cho thấy một số thuốc chống trầm cảm giúp cải thiện giúp ngủ ở người mang thai. Tuy nhiên hầu hết chuyên gia vẫn khuyên không nên sử dụng vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc ngủ an thần: Bao gồm các thuốc benzodiazepin, barbiturat và chất chủ vận thụ thể benzodiazepine (BZRA), có tác dụng giảm lo âu và buồn ngủ, nhưng có nguy cơ bị phụ thuộc và lạm dụng nên ít được kê đơn để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Đặc biệt lưu ý, không nên dùng thuốc ngủ kê toa vào cuối thai kỳ vì chúng có thể gây ra các vấn đề hô hấp và trương lực cơ ở trẻ sơ sinh.
Bà bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong suốt thai kỳ.
Cách trị mất ngủ khi mang thai bằng thực phẩm
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và hỗ trợ cải thiện giấc ngủ cho bà bầu. Dưới đây là một số loại thực phẩm giúp ngủ ngon hơn trong thai kỳ:
- Thực phẩm giàu carbohydrate: Ăn một số thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, các loại ngũ cốc giàu chất xơ cung cấp carbohydrate giúp ổn định đường huyết, tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện giấc ngủ sâu.
- Thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ: Các loại quả mọng, táo, lê, cà rốt và rau chân vịt rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp bà bầu cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón và cảm thấy thư giãn hơn.
- Thực phẩm giàu protein ít béo: Các loại thịt nạc, gia cầm, sữa chua ít béo hoặc cá ngừ đóng hộp là nguồn protein chất lượng cao, giúp duy trì năng lượng và cải thiện sức khỏe toàn diện.
- Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, dầu hạt cải, các loại hạt chứa axit béo omega-3 (chất béo không bão hòa) có tác dụng chống viêm, tốt cho tim mạch, giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn.
Bên cạnh các loại thực phẩm nên ăn, bà bầu cần tránh các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm sống: Các loại hải sản sống như sushi, sashimi, thịt tái, trứng sống, gỏi cá tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella, Listeria và các loại ký sinh trùng.
- Thực phẩm chưa nấu chín kỹ: Ăn thịt, gia cầm, hải sản chưa được nấu chín ở nhiệt độ đủ cao dễ nhiễm khuẩn, ngộ độc đe dọa sức khỏe thai kỳ.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, thịt nguội (ví dụ thịt nguội không sấy khô, pate, hải sản và cá hun khói để lạnh) thường chứa nhiều muối, chất bảo quản và có thể nhiễm khuẩn Listeria.
- Sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng: Sữa tươi chưa tiệt trùng, phô mai mềm (như Brie, Camembert) có thể chứa vi khuẩn gây bệnh brucella, listeria.
- Trứng sống hoặc nấu chưa chín kỹ (dấm Caesar tự làm, trứng lòng đào) có thể gây nhiễm khuẩn Salmonella.
- Rau mầm sống (đặc biệt là mầm cỏ linh lăng): Dễ bị nhiễm khuẩn như E. coli, Salmonella.
Bà bầu nên thực hành ăn chín, uống sôi; ăn nhiều trái cây, rau xanh và đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng lành mạnh khác.
Thức uống trị mất ngủ cho bà bầu
Một số thức uống có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và mang lại cảm giác thư giãn cho bà bầu.
- Sữa ấm: Một số nghiên cứu cho thấy axit L-tryptophan (có trong sữa, thịt gà tây và trứng) có thể giúp dễ buồn ngủ hơn bằng cách tăng mức serotonin và melatonin trong não.
- Trà gừng: Một ly trà gừng ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp làm dịu cơn đau bụng và buồn nôn nhưng chỉ nên dùng vài lát gừng nhỏ.
Bên cạnh đó có bà bầu nên tránh sử dụng những loại thức uống sau:
- Rượu bia: Có thể dẫn đến sảy thai, nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu và tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Trà mùi tây và trà xô thơm: Có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Trà xanh: Chứa caffeine có thể làm cho tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn.
- Trà hoa cúc, trà ngải cứu: Có thể kích thích tử cung, làm tăng cao tỷ lệ sinh non và sảy thai.
Một số bài tập thể dục trị mất ngủ cho bà bầu
Theo hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), phụ nữ mang thai nên tập thể dục thường xuyên đều đặn mỗi ngày kể cả trước, trong và sau sinh em bé . Thời gian cho một buổi tập kéo dài từ 20 – 30 phút, đều đặn hầu hết các ngày trong tuần. Thể dục trong thai kỳ được khuyến nghị cho bất kỳ thai kỳ nào không kèm yếu tố nguy cơ cao, bao gồm cả những sản phụ thừa cân béo phì, ít hoạt động trước đó.
Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm căng thẳng. Dưới đây là một số bài tập trị mất ngủ cho bà bầu phổ biến:
Yoga cho bà bầu
Giúp duy trì độ dẻo dai của cột sống thắt lưng và khớp hông, hai vùng thường chịu áp lực lớn trong thai kỳ. Các động tác giãn cơ nhẹ nhàng giúp giảm căng cơ, tăng cường tuần hoàn máu, từ đó làm giảm đau nhức và cải thiện tư thế.
Đồng thời, yoga còn kích thích sản xuất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác thư thái, giúp bà bầu giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bài tập yoga Marjariasana (tư thế con mèo/tư thế con bò) được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba. Các động tác uốn cong và duỗi thẳng cột sống trong tư thế này giúp tăng cường độ linh hoạt của cột sống thoracolumbar, giảm áp lực lên các dây thần kinh và cải thiện tư thế.
Bên cạnh đó, việc co và thả lỏng cơ bụng trong quá trình thực hiện bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bụng dưới, hỗ trợ quá trình chuyển dạ và phục hồi sau sinh.
Cách thực hiện:
- Tư thế chuẩn bị: Quỳ gối xuống sàn, hai đầu gối rộng bằng hông. Sau đó đặt hai bàn tay xuống sàn ngay dưới vai, các ngón tay xòe rộng. Giữ lưng thẳng, đầu nhìn thẳng về phía trước.
- Hít vào, cong lưng: Hít một hơi thật sâu, từ từ cong lưng lên, cằm hướng vào ngực, mắt nhìn xuống rốn. Đồng thời, siết chặt cơ bụng và nâng mông lên.
- Thở ra, duỗi lưng: Thở ra từ từ, đồng thời duỗi thẳng cột sống từ xương cụt đến cổ. Hạ cằm về phía ngực, mắt nhìn về phía trước hoặc hơi chếch xuống. Bụng thư giãn, thả lỏng hoàn toàn.
- Lặp lại: Thực hiện động tác này 10 lần - 15 lần hoặc nhiều hơn tùy theo khả năng của bạn. Kết hợp với hơi thở sâu và đều để tăng cường hiệu quả và giúp cơ thể thư giãn.
Bài tập yoga Marjariasana được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
Bà bầu có thể tham gia các lớp yoga hoặc giãn cơ tại phòng tập, câu lạc bộ sức khỏe hoặc các lớp yoga được tổ chức ở các bệnh viện. Trung tâm Sản - Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có lớp học yoga dành cho bà bầu.
Các chuyên gia Tâm Anh sẽ hướng dẫn các động tác phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ nhằm làm giảm các triệu chứng đau mỏi, giúp ngủ ngon, tăng cường sự dẻo dai, mở xương chậu, điều khiển hơi thở, hỗ trợ cho quá trình sinh thường thuận lợi.
Kỹ thuật thư giãn cơ tiến bộ
Bà bầu nằm thư giãn trên giường, tập trung vào từng nhóm cơ một cách có hệ thống. Bắt đầu bằng việc căng tối đa các cơ ở tay và cẳng tay, sau đó thả lỏng hoàn toàn. Tiếp tục thực hiện tương tự với các nhóm cơ khác như cánh tay, mặt, hàm, vai, lưng, đùi và cuối cùng là bàn chân. Phương pháp này giúp giảm căng cơ, tạo cảm giác thư thái và hỗ trợ điều trị các rối loạn căng thẳng, mất ngủ.
Đi bộ
Đi bộ nhẹ là hoạt động tốt cho tim và phổi mà không làm đau đầu gối hay mắt cá chân. Bà bầu nên đi khoảng 15 phút vào những ngày đầu, mỗi ngày và 3 lần/tuần, sau đó tăng lên 20 - 30 phút, 4 lần - 5 lần/tuần.
Bơi lội
Cách hiệu quả giúp giảm các triệu chứng thường gặp trong thai kỳ như đau lưng, chuột rút, mệt mỏi. Sức nổi của nước giúp giảm áp lực lên cột sống, các động tác bơi lội nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, bơi lội còn hỗ trợ kiểm soát cân nặng, một yếu tố quan trọng trong thai kỳ.
Tư thế ngủ tốt cho bà bầu
Tư thế ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến lưu thông máu, chức năng hô hấp và sự phát triển của thai nhi. Một số tư thế ngủ tốt cho bà bầu được khuyến nghị bao gồm:
- Ngủ nghiêng bên trái: Giúp máu lưu thông tốt hơn, đảm bảo các cơ quan quan trọng và em bé nhận được chất dinh dưỡng và oxy. Tư thế này cũng làm giảm phù nề ở mắt cá chân và chân.
- Ngủ nghiêng bên phải: Tuy không được khuyến khích như nghiêng bên trái nhưng ngủ trong thời gian ngắn là an toàn.
Ngoài ra bà bầu không nên ngủ sấp và ngủ ngửa trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Việc ngủ ngửa khiến trọng lượng của tử cung gây áp lực lên động mạch chủ và tĩnh mạch chủ làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi.
Cách trị mất ngủ cho bà bầu khác
Bên cạnh việc thay đổi lối sống, một số liệu pháp hỗ trợ sau có thể giúp cải thiện chứng mất ngủ ở bà bầu:
- Massage: Massage thư giãn có thể giúp giảm căng thẳng cơ bắp và mệt mỏi. Tuy nhiên, hãy chọn nhà trị liệu có kinh nghiệm làm việc với phụ nữ mang thai để đảm bảo an toàn.
- Sử dụng gối chuyên dụng: Gối bà bầu được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ tư thế ngủ nghiêng bên trái giúp nâng đỡ vùng bụng, lưng và đầu, giảm áp lực lên các mạch máu lớn, đặc biệt là tĩnh mạch chủ dưới.
- Thư giãn bằng trí tưởng tượng: Hãy tưởng tượng bạn đang ở một nơi đẹp đẽ và yên tĩnh như cánh đồng hoa hoặc dưới bầu trời với những đám mây trôi. Việc tưởng tượng chuyển động sẽ thu hút tâm trí hơn và bạn sẽ không còn nghĩ về những lo lắng.
- Liệu pháp mùi hương: Theo một số nghiên cứu khi hít vào, các phân tử mùi hương trong tinh dầu sẽ di chuyển đến hạch hạnh nhân - phần não kiểm soát cảm xúc, giúp giảm bớt căng thẳng và lo âu. Liệu pháp mùi hương chỉ nên dùng dưới dạng máy xông tinh dầu, không nên hít trực tiếp, uống hoặc thoa lên da vì có thể gây hại. Tốt nhất bà bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Những lưu ý chữa mất ngủ khi mang thai
- Hầu hết thảo dược là lành tính nhưng không chắc an toàn để dùng trong thai kỳ. Vì vậy luôn hỏi ý kiến của bác sĩ nếu bà bầu muốn dùng bất cứ loại thảo dược nào để giúp ngủ ngon.
- Nhiều bài châm cứu, bấm huyệt truyền thống chữa mất ngủ nhưng không rõ tính an toàn cho thai kỳ. Vì vậy hãy thận trọng khi áp dụng.
- Đối với việc dùng thuốc ngủ, thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn nhìn chung đều được khuyến cáo là không nên hoặc cần hạn chế tối thiểu dùng trong thai kỳ. Vì vậy, luôn thận trọng đối với mọi loại thuốc. Luôn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc.
- Đối với việc luyện tập, tốt nhất nên có huấn luyện viên hướng dẫn, đặc biệt là yoga. Không nên tự tập yoga mà chưa có kinh nghiệm và không có huấn luyện viên vì có thể gây rủi ro cho thai kỳ.
Mất ngủ trong thai kỳ rất phổ biến, gây nhiều mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, với những cách trị mất ngủ cho bà bầu an toàn như điều chỉnh chế độ ăn, duy trì môi trường ngủ lý tưởng, áp dụng các phương pháp thư giãn, và vận động nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ thai kỳ. Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bản thân và em bé, các bà bầu cần khám thai định kỳ, gặp bác sĩ ngay nếu mất ngủ một tuần không cải thiện.
6 cách dùng hoa đậu biếc trị mất ngủ hiệu quả
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
3 cách dùng lá lốt chữa mất ngủ dễ thực hiện nhưng hiệu quả tốt
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Mẹ bầu mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? [Giải đáp chi tiết]
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Mẹ bầu mất ngủ khi mang thai: Dấu hiệu, nguyên nhân và cải thiện
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
5 cách sử dụng ngải cứu chữa mất ngủ vô cùng hiệu quả và đơn giản
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
3 cách dùng rau diếp trị mất ngủ mang lại hiệu quả cao nhất
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
3 cách dùng sữa trị mất ngủ chắc chắn ai cũng làm được
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Uống trà mất ngủ phải làm sao? Trong trà có chất gì gây mất ngủ?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Ánh sáng xanh gây mất ngủ như thế nào? Cải thiện được không?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Thiếu máu não gây mất ngủ như thế nào? Cách chữa ra sao?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Trẻ sơ sinh khó ngủ trằn trọc do đâu? Bố mẹ phải làm sao?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
11 món ăn chữa mất ngủ cho bà bầu hiệu quả và an toàn
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Mất ngủ ở người già: Triệu chứng, nguyên nhân và cách cải thiện
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Mất ngủ do stress: Nguyên nhân, tác hại và cách phòng ngừa
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA