Cùng tìm hiểu dấu hiệu, nguyên nhân và một số biện pháp cải thiện tình trạng bà bầu bị mất ngủ về đêm ngay sau đây.
Mất ngủ khi mang thai là gì?
Mang thai là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ phổ biến. Trong suốt thai kỳ, những thay đổi về thể chất có thể gây ra tình trạng thiếu ngủ, ảnh hưởng đến cảm xúc và hoạt động chức năng của cơ thể cả ngày dài. Mặc dù phụ nữ mang thai vẫn ngủ đủ giấc, nhưng chất lượng giấc ngủ có thể kém hơn so với trước đây.
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, duy trì giấc ngủ hoặc thường xuyên thức giấc giữa đêm, kéo theo tình trạng mệt mỏi và uể oải vào sáng hôm sau. Mất ngủ khi mang thai xảy ra do các yếu tố liên quan đến thai kỳ, đôi khi được gọi là rối loạn giấc ngủ thai kỳ.
Đối với nhiều người, một số vấn đề về giấc ngủ có thể xuất hiện lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng giấc ngủ kém chất lượng hoặc ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu và thường xuyên giật mình thức giấc nhiều lần vào ban đêm. Những người đã mắc chứng rối loạn giấc ngủ trước đó có thể thấy các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn trong thai kỳ.
Hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải chứng mất ngủ ở một thời điểm nào đó. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn theo quá trình phát triển của thai nhi. Khoảng 25% bà bầu bị mất ngủ vào giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên và đến cuối tam cá nguyệt thứ ba tỷ lệ này có thể tăng lên đến 80%.
Thiếu ngủ không bao giờ tốt cho sức khỏe. Do đó, tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại khi bà bầu cần nhiều thời gian ngủ hơn bình thường để nạp lại năng lượng.
Đối với người lớn trưởng thành khỏe mạnh, các chuyên gia khuyến nghị nên ngủ trung bình từ 7 giờ - 9 giờ mỗi đêm, bà bầu từ 8 giờ - 10 giờ mỗi đêm. Kiểm soát tình trạng mất ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe của bà bầu.
Dấu hiệu mẹ bầu bị mất ngủ về đêm
Mất ngủ là tình trạng dù rất muốn ngủ ngon và sâu giấc, nhưng các bà bầu vẫn không thể ngủ được. Phụ nữ mang thai có thể gặp khó khăn trong việc ngủ thiếp đi, thường xuyên thức giấc giữa đêm hoặc tỉnh dậy sớm hơn bình thường. Trong ngày, bà bầu có thể cảm thấy buồn ngủ và gặp phải các triệu chứng sau:
- Cảm giác cáu gắt, khó chịu.
- Phản ứng chậm.
- Sương mù não hoặc gặp khó khăn trong việc tư duy, ghi nhớ và tập trung.
- Mỏi mệt và buồn ngủ vào ban ngày
- Mắt có thể bị quầng thâm, mỏi và khô.
Mẹ bầu mất ngủ về đêm thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai kỳ.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ
Thay đổi nội tiết tố và sự thích nghi của cơ thể với quá trình phát triển của thai nhi gây ra nhiều cơn đau và cảm giác khó chịu cho bà bầu trong thai kỳ, bao gồm cả chứng mất ngủ. Sự gia tăng estrogen và progesterone thường là nguyên nhân gây mất ngủ trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Những hormone này ảnh hưởng đến cả nhịp thở và chu kỳ giấc ngủ.
Cân nặng của thai nhi đang phát triển thường là nguyên nhân gây mất ngủ vào cuối thai kỳ. Thai nhi gây áp lực lên các khớp xương, lưng và bàng quang của phụ nữ mang thai nên có thể phải mất rất nhiều thời gian để bà bầu cảm thấy cơ thể đủ thoải mái để ngủ. Ngoài ra, còn các yếu tố khiến mẹ bầu bị khó ngủ trong thai kỳ phổ biến khác như
- Bụng bầu và cơ thể đau nhức khiến việc tìm tư thế thoải mái trở nên khó khăn.
- Buồn nôn.
- Buồn tiểu
- Chuột rút hoặc cảm giác khó chịu ở chân.
- Đau lưng và đau dây chằng tròn.
- Co thắt tử cung hoặc thai nhi hoạt động mạnh.
- Khó thở, đau thắt ngực.
- Nhịp tim nhanh hơn.
- Ợ nóng, đầy hơi.
- Ngáy.
- Lo lắng về việc sinh con có thể làm tăng hormone căng thẳng cortisol, khiến việc ngủ trở nên khó khăn hơn. Bà bầu có thể nằm trên giường nhưng thức trắng đêm, tâm trí suy nghĩ bấn loạn thay vì nghỉ ngơi.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ là do thay đổi nội tiết tố, thai nhi phát triển, cơ thể đau nhức, buồn nôn, tiểu đêm,...
Các giai đoạn khi mang thai mẹ bầu bị khó ngủ
Thai kỳ thường kéo dài 40 tuần hoặc hơn 9 tháng một chút và được chia thành 3 giai đoạn (ba tam cá nguyệt). Ngủ đủ và sâu giấc giúp duy trì sức khỏe bà bầu và em bé trong suốt thai kỳ, cũng như trong quá trình sinh nở. Một số thay đổi về thể chất xảy ra ở các giai đoạn khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ của bà bầu, cụ thể:
1. 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt đầu tiên)
Ngủ đủ giấc trong tam cá nguyệt đầu tiên, kéo dài từ tuần thứ nhất đến tuần thứ 12 là điều cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Ngủ đủ giấc đóng vai trò rất quan trọng đối với tâm trạng, khả năng kiểm soát căng thẳng và bảo vệ sức khỏe tổng thể của bà bầu. Thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ trong tam cá nguyệt đầu tiên có liên quan đến việc tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng xấu.
Cảm thấy mệt mỏi trong tam cá nguyệt đầu tiên là điều bình thường. Những thay đổi về giấc ngủ trong tam cá nguyệt đầu tiên bao gồm:
1.1 Thay đổi hô hấp
Những thay đổi của cơ thể xảy ra trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng đến hô hấp vào ban đêm. Thể tích máu bắt đầu tăng lên trong tam cá nguyệt đầu tiên góp phần gây tích tụ chất lỏng ở cổ và sưng họng khi nằm xuống, dẫn đến các vấn đề về hô hấp như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).
Mặc dù OSA phổ biến hơn trong giai đoạn sau của thai kỳ, nhưng ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên vẫn có nguy cơ cao hơn. Ngáy cũng có thể xảy ra nhiều hơn trong thai kỳ.
Nếu bà bầu hoặc người ngủ cùng nhận thấy bạn bắt đầu ngáy, khịt mũi hoặc nấc trong khi ngủ ở đầu thai kỳ, hãy chia sẻ các triệu chứng này với bác sĩ. OSA làm tăng nguy cơ biến chứng cho bà bầu và thai nhi.
Ngoài ra, nghẹt mũi thường tăng lên trong thai kỳ. Gần ⅓ phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng nghẹt mũi trong thai kỳ, ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ và khiến bà bầu phải thở bằng miệng vào ban đêm.
1.2 Đi tiểu thường xuyên
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, cơ thể phụ nữ mang thai tăng cường sản xuất hormone gonadotropin màng đệm ở người (hCG). Nồng độ hCG cao làm tăng lưu lượng máu đến xương chậu để hỗ trợ thai kỳ, nhưng cũng có thể khiến bà bầu đi tiểu thường xuyên hơn.
Mặc dù uống nhiều chất lỏng trong tam cá nguyệt đầu tiên có lợi cho bà bầu và thai nhi đang phát triển, nhưng giảm lượng nước uống vài giờ trước khi đi ngủ có thể giúp các bà bầu giảm tần suất thức giấc vào ban đêm.
1.3 Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên (RSL) là một rối loạn giấc ngủ đặc trưng, khiến bà bầu có cảm giác như kiến bò vào chân, rất khó chịu và cứ muốn phải di chuyển chân liên tục, nhất là khi nằm nghỉ. Trong thai kỳ, khoảng 20% phụ nữ mắc RLS. Nguy cơ mắc RLS tăng cao hơn trong giai đoạn sau của thai kỳ, nhưng các triệu chứng có thể bắt đầu trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Hầu hết mọi người sẽ hết gặp phải các triệu chứng RLS sau khi sinh em bé. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc và hướng dẫn cách thay đổi lối sống để kiểm soát RLS trong thời kỳ mang thai.
1.4 Ợ nóng
Hormone progesterone sản sinh ra trong thai kỳ làm hệ tiêu hóa của bà bầu chậm lại và làm giãn cơ ngăn cách thực quản với dạ dày. Hơn nữa, thai nhi phát triển có thể gây áp lực lên dạ dày, đẩy thức ăn theo hướng sai. Cả hai yếu tố này đều có thể góp phần vào chứng ợ nóng.
Chứng ợ nóng thường bùng phát vào buổi tối, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Phụ nữ mang thai có thể ngủ ngon hơn nếu tránh các yếu tố làm tình trạng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Thức ăn chiên, cay hoặc nhiều dầu mỡ.
- Trái cây họ cam quýt và nước ép.
- Đồ uống có ga.
- Sôcôla.
- Bạc hà.
- Sản phẩm từ sữa.
- Cà chua.
1.5 Buồn nôn
Tam cá nguyệt đầu tiên thường là thời điểm các cơn buồn nôn và nôn mửa xuất hiện nhiều nhất, mặc dù một số người có thể bị triệu chứng này suốt thai kỳ.
Ốm nghén, buồn nôn liên quan đến thai kỳ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày hoặc đêm. Buồn nôn có thể khiến mọi người thức giấc vào ban đêm, dẫn đến buồn ngủ vào ngày hôm sau.
1.6 Mất ngủ
Khoảng ¼ phụ nữ mang thai gặp phải chứng mất ngủ trong tam cá nguyệt đầu tiên. Điều này thường là do các triệu chứng của thai kỳ như buồn nôn, đau lưng và cần đi vệ sinh thường xuyên.
Mẹ bầu bị khó ngủ vào giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ là do buồn nôn, thường xuyên đi tiểu đêm, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn,...
2. 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai)
Tam cá nguyệt thứ hai là từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Không ngủ đủ giấc trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu, thai nhi và quá trình sinh nở.
Nghiên cứu cho thấy thời gian ngủ ngắn trong thai kỳ có thể làm thời gian chuyển dạ kéo dài và tăng tỷ lệ sinh mổ. Giấc ngủ kém chất lượng cũng liên quan đến sinh non, tình trạng thai nhi sinh ra trước 37 tuần.
Thiếu ngủ cũng liên quan đến việc tăng huyết áp và tiểu đường trong thai kỳ. Các nghiên cứu khác cho thấy thiếu ngủ thời gian dài trong thai kỳ có thể góp phần gây ra mệt mỏi quá mức và trầm cảm ở người mẹ.
Trong suốt thai kỳ, cơ thể bà bầu trải qua nhiều thay đổi về thể chất và nội tiết tố để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Nếu thường xuyên gặp phải những thay đổi về giấc ngủ ảnh hưởng đến giờ thức của mình, phụ nữ mang thai hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm cách cải thiện giấc ngủ vào ban đêm.
Những thay đổi về giấc ngủ trong tam cá nguyệt thứ hai có thể khác nhau tùy mỗi người. Đối với nhiều người, chất lượng giấc ngủ của họ xấu đi và thời gian họ dành cho việc ngủ giảm đi trong tam cá nguyệt thứ hai. Một số thay đổi về giấc ngủ bà bầu bao gồm:
- Phát triển rối loạn giấc ngủ: Rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ tam cá nguyệt nào. Khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, khả năng phát triển chứng ngưng thở khi ngủ, mất ngủ và hội chứng chân không yên (RLS) tăng lên.
- Thức giấc giữa đêm: Thức giấc vào ban đêm là một vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Bà bầu cần đi tiểu vào ban đêm, buồn nôn, nôn mửa, đau cơ thể và các khó chịu khác đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
- Giấc mơ khó chịu: Những người mang thai báo cáo rằng họ thường xuyên gặp phải những giấc mơ khó chịu hơn những người không mang thai. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hành vi rối loạn giấc ngủ như mộng du và ác mộng có thể giảm dần khi thai kỳ tiến triển.
3. 3 tháng cuối thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba)
Tam cá nguyệt thứ ba và cuối cùng kéo dài từ tuần thứ 29 cho đến khi em bé chào đời. Thời lượng và chất lượng giấc ngủ thường giảm trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi đáng kể về giấc ngủ, 54% phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba báo cáo rằng họ ngủ không ngon và 64% báo cáo thời gian ngủ ngắn hơn.
Giống như các giai đoạn khác của thai kỳ, các bà bầu sẽ trải qua một số thay đổi đặc biệt về giấc ngủ trong tam cá nguyệt thứ ba.
- Giấc mơ kỳ lạ: Những giấc mơ sống động và ác mộng là hiện tượng bình thường trong thai kỳ. Những giấc mơ này thường tập trung vào các chủ đề liên quan đến thai kỳ như em bé hoặc sinh nở. Trong một nghiên cứu, ¼ phụ nữ mang thai cho biết họ gặp ác mộng ít nhất hai lần một tháng trong tam cá nguyệt thứ ba.
- Chất lượng giấc ngủ kém: Chất lượng giấc ngủ thường giảm trong tam cá nguyệt thứ ba. Giấc ngủ ngắn hơn và thức giấc nhiều lần vào ban đêm là những thay đổi được báo cáo trong tam cá nguyệt thứ ba. Những khó chịu liên quan đến thai kỳ như đau lưng dưới và chuột rút chân có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Ngáy to: Khoảng 14% - 45% phụ nữ mang thai sẽ bị ngáy to trong tam cá nguyệt thứ ba. Ngáy có thể dẫn đến giấc ngủ chập chờn và cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng liên quan đến thai kỳ như tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.
Ngoài ra, một số phụ nữ mang thai có thể khó ngủ và khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm trong tam cá nguyệt thứ ba. Lo lắng liên quan đến thai kỳ và chuyển động nhiều hơn của em bé có thể khiến việc đi ngủ của bà bầu khó khăn hơn.
Giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba bà bầu thường xuyên gặp phải ác mộng, ngáy to khiến cho giấc ngủ chập chờn.
Bà bầu bị mất ngủ về đêm có sao không?
Thường xuyên mất ngủ về đêm có thể làm tăng nguy cơ mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn sức khỏe tâm thần, tiền sản giật, chuyển dạ kéo dài, sinh mổ và tăng cảm giác đau khi chuyển dạ. Mất ngủ khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé và có thể dẫn đến tình trạng em bé nhẹ cân khi sinh ra.
Các vấn đề về giấc ngủ trong thai kỳ có thể đặc biệt nghiêm trọng nếu nguyên nhân do chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn - rối loạn giấc ngủ khiến người ngủ tạm thời ngừng thở nhiều lần trong đêm. Tình trạng này có thể trầm trọng hơn do hút thuốc, béo phì, tuổi tác hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh ngưng thở khi ngủ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những bà bầu bị mất ngủ mãn tính trong thời kỳ mang thai có nguy cơ cao gặp phải một số biến chứng như tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, sinh non, trầm cảm, thời gian chuyển dạ kéo dài và sinh mổ. Cải thiện giấc ngủ trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể giúp làm giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Chất lượng cuộc sống của bà bầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu thiếu ngủ. Một đánh giá của các nghiên cứu trên 7000 phụ nữ đã tìm thấy mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ trong thai kỳ và chất lượng cuộc sống trong suốt ba tháng thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, bà bầu không nên quá lo lắng về tình trạng thiếu ngủ, vì điều này có thể khiến tình trạng mất ngủ trở nên tồi tệ hơn.
Một số biện pháp cải thiện tình trạng mẹ bầu mất ngủ
Để cải thiện tình trạng mẹ bầu mất ngủ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như tránh ăn quá no hoặc uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, nên ăn trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng - 3 tiếng để dạ dày tiêu hóa hết thức ăn. Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin B giúp ngủ ngon hơn như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám, cá hồi, trứng, sữa, thịt bò, hàu, trai và hến, cây họ đậu, thịt gà và thịt gà tây, sữa chua, thịt lợn, hạt hướng dương.
Phụ nữ mang thai nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày không bị quá tải, tránh hiện tượng ợ nóng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, đồ uống kích thích như cà phê, trà, socola vì có thể gây tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ mang thai có thể tham khảo uống một số loại trà thảo mộc có tác dụng an thần, giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ như trà hoa oải hương, trà tim sen, trà gừng mật ong, trà bạc hà.
Duy trì thói quen nằm ngủ nghiêng bên trái, uốn cong đầu gối hoặc gác chân lên cao, giảm áp lực lên tĩnh mạch chân, hạn chế tình trạng phù nề, tăng lượng máu cung cấp cho tim, giảm hội chứng huyết áp thấp, tuần hoàn máu tới thai tốt hơn, giúp bà bầu ngủ ngon hơn. Xây dựng thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng khung giờ cũng là cách giúp làm giảm triệu chứng rối loạn giấc ngủ khi mang thai.
Mỗi ngày bà bầu cố gắng vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga nhẹ, tập thể dục nhịp điệu, đạp xe cố định giúp lưu thông khí huyết, giảm stress khi mang thai. Trước khi ngủ, phụ nữ mang thai có thể massage nhẹ nhàng, ngâm chân trong nước ấm để mạch máu lưu thông tốt, dễ ngủ; Sử dụng máy xông tinh dầu hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu hoa oải hương, hoa cúc, cam ngọt, vỏ quýt, vỏ bưởi, phong lữ, bạc hà để làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn.
Phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ muối và canxi vào bữa ăn hằng ngày, thiếu hụt hai chất này có thể dẫn đến chuột rút. Vào buổi trưa hoặc trong ngày, bà bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ giấc ngắn khoảng 30 phút - 60 phút để giảm triệu chứng mệt mỏi trong thai kỳ, cải thiện trí nhớ tốt hơn. Trước khi ngủ, bạn hãy đi vệ sinh trước để không phải thức giấc nhiều lần trong đêm; Tránh xem phim, đọc sách gây xúc động mạnh hoặc căng thẳng, lo lắng trước giờ ngủ.
Tập yoga, vận động nhẹ nhàng trong ngày, ngủ nghiêng bên trái, bổ sung thực phẩm giàu vitamin B là cách cải thiện tình trạng mất ngủ ở bà bầu hiệu quả.
Một số câu hỏi liên quan tình trạng mẹ bầu mất ngủ
Sau đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến tình trạng bà bầu bị mất ngủ về đêm được nhiều người quan tâm:
1. Mẹ bầu mất ngủ có phổ biến không?
Rối loạn giấc ngủ rất phổ biến ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ gần 80%. Nếu gặp phải chứng mất ngủ trong thai kỳ, điều quan trọng cần hiểu là tình trạng này không gây hại cho thai nhi.
Mặc dù bà bầu có thể cảm thấy lo lắng và kiệt sức, nhưng thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu thêm về chứng mất ngủ và trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài.
2. Mẹ bầu nên ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?
Khuyến cáo chung của các bác sĩ về thời lượng giấc ngủ cho phụ nữ mang thai là từ 8 giờ - 10 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, bất kỳ bà mẹ nào đã từng trải qua thai kỳ đều hiểu rằng việc đảm bảo ngủ đủ giấc là điều không dễ dàng. Nhiều yếu tố như thay đổi nội tiết tố, khó chịu về thể chất và tâm lý có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ.
Mặc dù vậy, bà bầu hãy cố gắng dành ít nhất 8 giờ nằm trên giường và cố gắng ngủ nhiều nhất có thể. Nếu bạn chỉ thấy mình ngủ được 7 giờ mỗi đêm, không nên quá lo lắng, vì điều này có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ trầm trọng hơn. Thay vì tập trung vào số giờ ngủ cụ thể, phụ nữ mang thai nên tìm cách tăng thời gian giấc ngủ dựa trên nhu cầu và tình trạng sức khỏe riêng của bản thân; Ưu tiên nghỉ ngơi hợp lý và lắng nghe cơ thể sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
3. Mất ngủ khi mang thai kéo dài bao lâu?
Mẹ bầu mất ngủ trong thai kỳ thường kéo dài đến khi sinh. Các thay đổi sinh lý như tăng nhịp tim, tăng nhu cầu đi tiểu đêm, khó tìm tư thế ngủ thoải mái, và những thay đổi nội tiết tố như tăng progesterone và relaxin có thể gây khó ngủ ở phụ nữ mang thai.
Sau sinh, hầu hết các triệu chứng này sẽ giảm dần. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ sơ sinh có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ kéo dài do nhu cầu cho con bú, thay tã và dỗ dành trẻ khóc đêm. Việc thiết lập thói quen ngủ cho trẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình hoặc người thân có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu ngủ ở phụ nữ.
4. Mất ngủ có gây hại khi mang thai không?
Mẹ bầu mất ngủ thường xuyên và kéo dài có thể gây ra các biến chứng như trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc chậm phát triển trong tử cung, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, thời gian chuyển dạ kéo dài và sinh mổ. Mất ngủ khi mang thai cũng có thể góp phần dẫn đến tình trạng lo âu, trầm cảm ở giai đoạn cuối thai kỳ và sau sinh (trầm cảm sau sinh).
Mẹ bầu mất ngủ khi mang thai là tình trạng phổ biến. Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cho bà bầu cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào ban ngày, khó tập trung vào công việc, thường xuyên căng thẳng và dễ cáu gắt.
Viêm xoang có gây mất ngủ không? Cách cải thiện ra sao?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
6 bài tập khí công chữa mất ngủ đơn giản dễ tập hiệu quả cao
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
5 cách dùng quả la hán chữa mất ngủ vô cùng hiệu quả
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
13 thuốc gây mất ngủ mà bạn cần phải biết để cẩn thận
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
8 thực phẩm gây mất ngủ mà bạn phải biết để tránh xa
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Uống capuchino có mất ngủ không? Nên làm gì để cải thiện?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Uống trà sâm dứa có mất ngủ không? Uống đúng cách ra sao?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Uống sâm có mất ngủ không? Nếu bị phải làm gì?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Uống thuốc trị HP bị mất ngủ có thật không?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
3 cách dùng hà thủ ô chữa mất ngủ mà bạn cần phải biết
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
6 bài tập thể dục chữa mất ngủ dễ tập nhưng hiệu quả cao
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Bột bí ngô trị mất ngủ có tốt không? Có hiệu quả không?
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
6 cách dùng hoa đậu biếc trị mất ngủ hiệu quả
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
3 cách dùng lá lốt chữa mất ngủ dễ thực hiện nhưng hiệu quả tốt
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA
Mẹ bầu mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? [Giải đáp chi tiết]
Doanh nghiệp tự giới thiệu
VNNA