Đâu là nguyên nhân trẻ sơ sinh khó ngủ? Cùng ECO Pharma tìm hiểu chi tiết hơn ở bài viết sau.

Chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh có sự khác biệt lớn so với người lớn. Trong khi người lớn ngủ liền mạch ít nhất 7 giờ mỗi đêm thì trẻ sơ sinh lại cần ngủ 18 tiếng mỗi ngày, chia thành nhiều giấc ngủ ngắn trong chu kỳ 24 giờ. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, tổng thời lượng giấc ngủ trung giảm còn khoảng 13 giờ/ ngày và thời gian mỗi giấc dài hơn.

Sự khác biệt này xuất phát từ chu kỳ giấc ngủ đặc trưng của trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học phân biệt hai giai đoạn ngủ của trẻ sơ sinh và bốn giai đoạn ngủ của trẻ trên ba tháng tuổi. Ở trẻ sơ sinh, giấc ngủ được chia thành hai giai đoạn chính là giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM - rapid eye movement) và giai đoạn không chuyển động mắt nhanh ( Non-REM – Non- rapid eye movement) với thời gian gần tương đương nhau:

  • Giai đoạn REM: Được gọi là giấc ngủ động, đặc trưng bởi các cử động nhỏ ở trẻ như mắt di chuyển, tay chân, ngón tay giật nhẹ, hơi thở nhanh hơn và miệng có thể cử động.
  • Giai đoạn NREM: Hay còn gọi là giấc ngủ yên tĩnh, trẻ thường nằm yên, ít cử động.

Khi trẻ sơ sinh đạt khoảng ba tháng tuổi, chu kỳ giấc ngủ của chúng có những thay đổi tiến gần hơn đến mô hình giấc ngủ của người trưởng thành. Người lớn trải qua bốn giai đoạn giấc ngủ riêng biệt, bao gồm ba giai đoạn NREM và một giai đoạn REM. Các giai đoạn này được phân biệt dựa trên hoạt động điện não đồ (EEG), cụ thể như sau:

  • Giai đoạn NREM 1: Đặc trưng bởi sóng alpha và hoạt động tần số hỗn hợp biên độ thấp. Đây là giai đoạn ngủ nông, dễ bị đánh thức.
  • Giai đoạn NREM 2: Xuất hiện trục chính giấc ngủ và phức hợp K trên EEG. Giai đoạn này sâu hơn NREM 1 nhưng vẫn tương đối dễ bị đánh thức.
  • Giai đoạn NREM 3: Sóng delta chiếm ưu thế trên EEG, biểu thị giai đoạn ngủ sâu nhất. Việc đánh thức một người trong giai đoạn này rất khó khăn.
  • Giai đoạn REM: EEG ghi nhận sóng alpha và beta, tương tự như trạng thái thức. Đây là giai đoạn mà giấc mơ thường xảy ra.

Mặc dù trẻ sơ sinh bắt đầu trải qua bốn giai đoạn giấc ngủ này từ khoảng ba tháng tuổi, nhưng phải đến gần 5 tuổi cấu trúc giấc ngủ hoàn thiện mới bắt đầu tương đồng như người trưởng thành. Trẻ sơ sinh thường trải qua giai đoạn REM ngắn ngay sau khi ngủ, trong khi người lớn thường không trải qua REM cho đến khoảng 90 phút sau khi bắt đầu giấc ngủ.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khó ngủ, trằn trọc

Đâu là nguyên nhân trẻ sơ sinh khó ngủ? Thực tế cho thấy giấc ngủ của trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Phần lớn các yếu tố này xuất phát từ môi trường và các hành vi liên quan.

Dưới đây là một số nguyên nhân làm bé sơ sinh khó ngủ:

Nguyên nhân sinh lý giấc ngủ

Nghiên cứu chỉ ra rằng ở người lớn giai đoạn ngủ sâu (non- REM) chiếm khoảng 75% còn lại là giai đoạn ngủ mơ (REM). Nhưng ở trẻ sơ sinh hai giai đoạn này có thời gian gần như tương đương nhau. Trong giai đoạn trẻ ngủ mơ (REM), các cơ quan hô hấp tăng cường hoạt động dẫn đến nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh. Lúc này, trẻ có thể bị đánh thức bởi các hoạt động bên ngoài ngay cả những tác động nhẹ.

Ngoài ra, tổng chu kỳ ngủ ở trẻ sơ sinh thường là 50 phút thay vì chu kỳ 90 phút của người lớn. Do đó, bé sơ sinh thường dễ tỉnh giấc và có giấc ngủ không được liền mạch.

Gặp vấn đề về sức khỏe

Bất kỳ tổn thương thực thể nào cũng có khả năng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Một số tình trạng sức khỏe có thể làm cho trẻ sơ sinh khó vào giấc ngủ như:

  • Viêm đường hô hấp: Viêm mũi xoang, viêm phổi, phế quản rất thường gặp ở trẻ sơ sinh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Các tình trạng này gây nghẹt mũi, khó thở, ho, mệt mỏi làm cho trẻ quấy khóc và không thể ngủ ngon giấc.
  • Béo phì: Thừa cân, béo phì ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến phì đại đường thở, gây khó khăn cho việc hô hấp. Trẻ phải thở bằng miệng dẫn đến khô miệng họng, ho hắng bị thức giấc giữa chừng.
    Không dung nạp lactose: Thường gặp hơn ở trẻ bú sữa ngoài. Không dung nạp lactose làm cho trẻ bị đau bụng, quấy khóc và không ngủ ngon giấc.
  • Các tình trạng sức khỏe khác: Trẻ sinh nhẹ cân, bị còi xương, viêm tai giữa, trào ngược dạ dày thực quản, táo bón, hoặc mắc các rối loạn thần kinh cũng thường ngủ kém.


Trẻ sơ sinh khó vào giấc ngủ có thể do một số bệnh lý như cảm lạnh, đầy hơi, táo bón.

Thiếu chất dinh dưỡng

Thiếu hụt dinh dưỡng vitamin D và sắt có thể tác động đến giấc ngủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sự thiếu hụt hai nhóm chất này còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần ở trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu sâu hơn về bệnh thiếu máu do thiếu sắt (IDA - Iron-deficiency anemia) cho thấy, trẻ mắc bệnh có sự bất thường trục quay giấc ngủ (sleep spindles), đặc trưng bởi giảm mật độ, tăng khoảng cách, giảm tần số. Trục quay giấc ngủ là một dạng sóng điện não quan trọng trong giai đoạn ngủ NREM, có vai trò trong củng cố trí nhớ và điều hòa chức năng vận động.

Các nghiên cứu khác xem xét mối liên hệ giữa dinh dưỡng và giấc ngủ ở trẻ sơ sinh. Ngoài vitamin D và sắt, tryptophan và axit béo omega - 3 được cho là có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn ở trẻ sơ sinh.

Do môi trường xung quanh

Các yếu tố môi trường như tiếng ồn, ánh sáng hoặc nhiệt độ có thể gây tác động đến giấc ngủ ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, ánh sáng có tác động mạnh đến quá trình tiết melatonin ở trẻ em do đặc điểm sinh lý nhạy cảm hơn so với người lớn. Ánh sáng buổi tối (ánh sáng trắng hoặc xanh tiêu chuẩn) ức chế chế sản xuất melatonin ở trẻ mạnh gấp đôi so với người lớn, gây khó ngủ chỉ sau một giờ tiếp xúc.

Do tã bị ướt hay giường và quần áo không sạch sẽ

Tã ướt, môi trường ngủ không sạch sẽ gây khó chịu, kích ứng da có thể là một nguyên nhân khiến bé sơ sinh trằn trọc khó ngủ.

Một số nguyên nhân khác

Trẻ sơ sinh khó vào giấc ngủ còn liên quan đến một số thói quen thường ngày khác như:

  • Trẻ sơ sinh thường dễ thức giấc đòi bú mẹ ngay cả khi vừa bú mẹ vài giờ trước. Điều này gây gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm của bé.
  • Ru bé ngủ trên võng, nôi điện hoặc bồng bế có thể tạo ra sự phụ thuộc, khiến bé khó ngủ khi thiếu vắng.
  • Chơi đùa, trò chuyện hoặc kích thích trẻ quá nhiều trước khi ngủ khiến bé khó thư giãn để đi vào giấc ngủ tốt hơn.
  • Nếu mẹ thường xuyên khó ngủ, trầm cảm hoặc có thói quen sinh hoạt không khoa học trong giai đoạn mang thai, trẻ sinh ra có thể bị ảnh hưởng, khó ngủ.

Bé sơ sinh khó ngủ có thể do đã quen phụ thuộc vào nôi ngủ, cũi điện hoặc cách mẹ ru ngủ. Khi thiếu vắng những điều thân thuộc bé sẽ khó vào giấc.

Hậu quả khi trẻ sơ sinh khó ngủ, trằn trọc

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, trẻ sơ sinh (0 tháng tuổi – 3 tháng tuổi) cần ngủ khoảng 14 giờ –18 giờ; trẻ sơ sinh (4 tháng – 11 tháng tuổi) cần ngủ 12 giờ – 15 giờ để phát triển toàn diện.

Ngược lại, khi trẻ không ngủ đủ sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, cũng như sự tăng trưởng, phát triển.

Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

Giấc ngủ rất quan trọng trong quá trình phát triển thể chất ở trẻ sơ sinh, thông qua việc sản xuất hormone tăng trưởng (GH) somatotropin. Khoảng 80% somatotropin được giải phóng trong giai đoạn ngủ (REM) - một loại hormone có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng chiều cao và cân nặng ở trẻ sơ sinh. Do đó, thiếu ngủ làm giảm hormone này, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển thể chất.

Thiếu ngủ ở trẻ sơ sinh làm giảm khả năng sản xuất tế bào miễn dịch và kháng thể. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như cảm cúm, viêm họng hoặc nhiễm trùng tai.

Ngoài ra, thiếu ngủ kéo dài có thể khiến trẻ mắc một số bệnh lý như tiểu đường, béo phì, rối loạn tim mạch trong tương lai. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em ngủ ít hơn 12 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị thừa cân cao hơn ở lứa tuổi mẫu giáo.

Trẻ sơ sinh mất ngủ làm giảm khả năng sản xuất tế bào miễn dịch và kháng thể, trẻ dễ mắc các bệnh lý cảm cúm, sốt, viêm họng,...

Ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ

Trong những năm đầu đời, não trẻ sơ sinh thường phát triển vượt bậc, tăng gấp đôi kích thước. Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc thường có chỉ số phát triển cao hơn và tính khí ổn định. Ngược lại, thiếu ngủ có thể cản trở khả năng học hỏi, ghi nhớ và nhận thức. Trẻ thiếu ngủ có nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc.

Ảnh hưởng đến hành vi

Thiếu ngủ ở trẻ sơ sinh gây mệt mỏi, cáu kỉnh, trẻ khóc nhiều và khó dỗ dành. Điều này gây khó khăn trong việc thiết lập thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, trẻ thiếu ngủ thường phụ thuộc nhiều vào việc ru ngủ hoặc bú mẹ để ngủ, gây khó khăn trong việc học cách tự ngủ.

Ảnh hưởng đến gia đình

Trẻ khó ngủ khiến cha mẹ thiếu thời gian nghỉ ngơi, mệt mỏi, căng thẳng. Đặc biệt, mẹ thường có nguy cơ cao gặp phải trầm cảm sau sinh. Ngủ không đủ có thể làm giảm hiệu suất làm việc, xáo trộn sinh hoạt hàng ngày và gây căng thẳng trong các mối quan hệ gia đình.

Trẻ sơ sinh khó ngủ phải làm sao?

Trẻ sơ sinh khó ngủ phải làm sao? Nhiều bố mẹ trẻ thường không biết cách xử lý khi gặp phải tình huống này. Một số biện pháp sau có thể giúp cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh mất ngủ mà bố mẹ có thể áp dụng.

Tạo thói quen ngủ đều đặn

Tạo thói quen ngủ đều đặn cho trẻ sơ sinh bằng cách thiết lập thời gian biểu cố định, tạo thói quen trước khi ngủ (tắm, massage), và môi trường ngủ lý tưởng (tối, yên tĩnh, thoáng mát). Kiên nhẫn và nhất quán để giúp trẻ có giấc ngủ ngon.

Điều chỉnh môi trường ngủ

Bố mẹ nên điều chỉnh môi trường ngủ cho bé bằng cách tạo không gian yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ. Quấn tã, sử dụng nhộng ngủ (nếu bé chưa biết lật) giúp bé cảm giác được sự an toàn và bảo vệ. Hoặc sử dụng tiếng ồn trắng hoặc nhạc nhẹ nhàng giúp bé dễ vào giấc hơn.

Trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và tiếng ồn sinh hoạt bình thường để phân biệt ban ngày và ban đêm.

Phụ huynh nên chuẩn bị giấc ngủ cho con

Cho trẻ bú vừa đủ trước khi ngủ, hạn chế bú đêm khi không cần thiết. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo thoải mái, thay tã thấm hút tốt. Tạo thói quen ngủ đúng giờ bằng các tín hiệu như tắm nước ấm. Khi trẻ ngủ, duy trì nhiệt độ phòng thích hợp, không gian yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ và hạn chế tiếng ồn, thiết bị điện tử.

Mặc dù tỷ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh (SUDI - Sudden infant death syndrome) đã giảm nhưng đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đột ngột ở trẻ từ 4 tuần đến 12 tháng tuổi. Do đó, để giảm thiểu rủi ro cho bé, bố mẹ cần chủ động phòng ngừa bằng một số cách sau.

  • Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ.
  • Đảm bảo đầu và mặt trẻ không bị che phủ.
  • Tránh khói thuốc lá trong môi trường của trẻ.
  • Tạo môi trường ngủ an toàn.
  • Cho trẻ ngủ trong nôi an toàn, đặt trong phòng bố mẹ.

Mẹo quấn khăn giúp bé sơ sinh ngủ ngon hơn

Quấn khăn là một mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc hơn, giảm quấy khóc. Lý do là những ngày mới chào đời bé vẫn còn quen với cảm giác được bao bọc trong bụng mẹ. Khi để bé ngủ trong trạng thái không được bao bọc trẻ sẽ có cảm giác không an toàn và thường xuyên bị giật mình, tỉnh giấc.


Nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng quấn khăn kết hợp kết hợp với âm thanh và chuyển động có hiệu quả trong việc xoa dịu trẻ đang khóc, đặc biệt hữu ích cho trẻ sinh non. Ngoài ra, quấn khăn còn có thể giúp trẻ phát triển thần kinh và trương lực cơ ở trẻ sinh non, đồng thời giảm đau và sự khó chịu.

Ba mẹ có thể áp dụng mẹo quấn khăn nếu trẻ sơ sinh khó ngủ. Sau đây là hướng dẫn cách thực hiện:

Nguyên tắc quấn khăn là cần đảm bảo an toàn:

  • Quấn khăn cho trẻ đúng cách, tránh quấn quá chặt giúp bé có đủ không gian thở và cử động. Quấn khăn chặt ở ngực dễ dẫn đến xẹp phổi và tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi.
  • Theo khuyến cáo của Viện loạn sản khớp hông Quốc tế, khi quấn khăn cho trẻ sơ sinh, cần đặt trẻ ở tư thế hai chân hơi dạng, đầu gối dập (giống tư thế con ếch). Đây là tư thế quen thuộc của trẻ khi còn trong bụng mẹ. Nếu quấn trẻ với chân ép thẳng nguy cơ bị loạn sản hông và trật khớp háng sẽ tăng cao do khớp bị lỏng lẻo và sụn khớp bị tổn thương.
  • Chỉ thực hiện quấn khăn cho trẻ khi ngủ và dừng lại khi trẻ được khoảng 2 tháng tuổi.
  • Giữ tư thế cuộn tròn tự nhiên: Trẻ nên được giữ ở tư thế gập người tự nhiên, vai cuộn tròn, tay đưa về giữa, hông và gối gập về bụng. Tư thế này hỗ trợ sự phát triển thần kinh và cơ xương bình thường, thúc đẩy sự phát triển về nhận thức và xã hội tốt hơn, đặc biệt ở những trẻ sinh non.
  • Thoải mái: Đảm bảo sự thoải mái của trẻ trong tấm khăn quấn.

Hướng dẫn cách quấn khăn giúp cải thiện tình trạng bé sơ sinh trằn trọc khó ngủ:

  • Bước 1: Sử dụng khăn mỏng, mềm có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trải khăn trên bề mặt phẳng như bàn hoặc giường, gấp một góc khăn lại.
  • Bước 2: Đặt trẻ nằm ngửa trên khăn trải, đầu nằm trên nếp gấp, vai ở dưới nếp gấp khăn. Để hai tay trẻ gập về giữa ngực.
  • Bước 3: Thực hiện choàng góc trái khăn qua người và luồn mép khăn vào dưới thân phải trẻ. Mép trên của khăn nên ở ngang ngực trẻ, tránh che phủ mặt. Có thể để hai bàn tay trẻ ra ngoài để bé có thể tự trấn an bằng cách đưa tay lên miệng.
  • Bước 4: Choàng góc phải khăn qua vai, bụng và thân trái trẻ, luồn góc này vào dưới mông để cố định. Không cần kéo căng khăn, giữ nó thẳng và đủ thoải mái cho trẻ.
  • Bước 5: Gấp phần khăn còn lại dưới mông bé, nới lỏng phần mông và đùi để hai chân bé cử động thoải mái trong tư thế hơi dạng và gập gối. Không nên quấn quá chặt, đảm bảo có thể nhét 2 - 3 ngón tay giữa ngực trẻ và khăn.

Quấn khăn có thể giúp cải thiện tình trạng bé sơ sinh trằn trọc khó ngủ nhưng cần thực hiện đúng cách, đảm bảo an toàn cho bé.

Trẻ sơ sinh khó ngủ là một vấn đề thường gặp, bố mẹ không nên quá lo lắng khi bé đôi khi gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có biểu hiện khó ngủ kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường khác, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để biết được nguyên nhân và có biện pháp cải thiện giấc ngủ an toàn cho con.