Giá trị dinh dưỡng của rau diếp cá

Rau diếp cá còn được gọi là bạc hà cá, lá cá, cây cầu vồng, cây tắc kè hoa, lá tim, ngư tinh thảo hoặc đuôi thằn lằn Trung Quốc, được sử dụng phổ biến trong ẩm thực châu Á và y học cổ truyền. Diếp cá là loại cây thân thảo sống lâu năm, thuộc họ lá giấp Saururaceae, tên khoa học houttuynia cordata và được đặt theo tên của Martinus Houttuyn. Rau diếp cá thuộc thực vật có hoa có nguồn gốc từ Đông Nam Á, mọc nhiều ở nơi ẩm ướt và râm mát.

Cây mọc thẳng đứng, cao khoảng 0.6m - 1m, lan rộng đến 1m, phần gần thân rủ xuống và tạo ra rễ phụ. Lá mọc so le, hình trái tim, đầu hơi nhọn, dài 4cm - 9cm và rộng 3cm - 8cm. Hoa có màu vàng nhạt, mọc trên một gai nhọn ở đầu cành dài 2cm - 3cm với 4 - 6 cánh hoa lớn màu trắng, nở vào mùa hè. Diếp cá được xem là loại cây xâm lấn vì có khả năng tái sinh thân rễ từ bất kỳ đoạn nào của lá. Khi bị nghiền nát, rau diếp cả tỏa ra mùi giống như mùi cá.

Rau diếp cá chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cung cấp năng lượng và hỗ trợ các chức năng của cơ thể. Các chất dinh dưỡng chính bao gồm:

  • Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy làn da khỏe mạnh và chống lại các gốc tự do gây lão hóa.
  • Beta-carotene: Tiền chất của vitamin A, giúp bảo vệ thị lực và duy trì làn da mịn màng.
  • Flavonoid: Giàu chất chống oxy hóa, hợp chất này có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
  • Canxi và kali: Hỗ trợ sức khỏe xương, răng và tim mạch.
  • Hàm lượng nước: Với hàm lượng nước cao, rau diếp cá giúp làm mát cơ thể và cung cấp lượng nước cần thiết.

Nhờ những chất dinh dưỡng này, rau diếp cá không chỉ là một loại gia vị mà còn đem lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Theo Trung tâm An toàn thực phẩm và Cục Thực phẩm và Sức khỏe Trung Quốc, giá trị dinh dưỡng có trong 100 gram rau diếp cá là:

  • Lượng calo: 32 kcal.
  • Carbohydrate: 1.42 gram.
  • Chất đạm: 2.72 gram.
  • Lipid: Tổng chất béo (1.86 gram), không có chất béo bão hòa, không có chất béo chuyển hóa, cholesterol (0 gram).

Ở nước ta, rau diếp cá dễ trồng, giá thành rẻ, thường dùng để ăn sống cùng với các loại rau thơm khác. Theo y học cổ truyền, diếp cá có vị cay, hơi lạnh, hơi có độc, quy vào phế kinh, có tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thũng, dùng chữa phế ung, trĩ, vết lở loét, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt sưng đỏ, sỏi thận, viêm âm đạo và viêm tai giữa.

Ngày nay, rau diếp cá còn được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực làm đẹp như kem dưỡng da, kem trị mụn, toner, mặt nạ hoặc trà thảo mộc, bột dùng uống.

Rau diếp cá thuộc họ thân thảo sống lâu năm, mọc nhiều ở nơi ẩm ướt và thoáng mát, sử dụng phổ biến trong ẩm thực châu Á và y học cổ truyền.

Rau diếp cá trị mất ngủ như thế nào?

Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy rau diếp cá có những tác động tích cực đến giấc ngủ.

  • Tác dụng an thần tự nhiên: Hợp chất flavonoid trong rau diếp cá có tác dụng làm dịu hệ thần kinh trung ương, giảm căng thẳng và lo âu, tạo điều kiện để cơ thể thư giãn và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
  • Khả năng chống oxy hóa và chống viêm: Rau diếp cá giàu các chất chống oxy hóa như flavonoid (quercetin, quercitrin, isoquercitrin, afzelin, hyperin và rutin), vitamin, axit chlorogenic, giúp trung hòa các gốc tự do gây hại và giảm viêm trong cơ thể, góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Thanh lọc cơ thể: Theo y học cổ truyền, diếp cá tính hơi lạnh, có tác dụng tán nhiệt giúp thanh lọc cơ thể và loại bỏ các độc tố tích tụ, giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, táo bón và tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ ngon. Trong các nghiên cứu hiện đại, hợp chất alkaloid và flavonoid có tác dụng hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch.
  • Điều hòa huyết áp: Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa và khoáng chất như kali, magie, canxi và axit lauric trong rau diếp cá giúp ổn định huyết áp, giảm áp lực lên hệ thần kinh và tim mạch, duy trì giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Hướng dẫn cách dùng rau diếp cá trị mất ngủ ngay tại nhà

Rau diếp cá trị mất ngủ như thế nào? Cùng ECO Pharma tham khảo 3 cách dùng rau diếp cá chữa mất ngủ đơn giản ngay tại nhà dưới đây:

1. Trà rau diếp cá

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại trà rau diếp cá túi lọc được bày bán, tuy nhiên nếu muốn đảm bảo về mặt chất lượng, thưởng thức hương vị đậm đà và tươi mới của trà diếp cá, bạn có thể tự làm tại nhà theo cách đơn giản sau:

Chuẩn bị nguyên liệu: 1 kg rau diếp cá tươi.

Cách thực hiện:

Bước 1: Rửa sạch rau diếp cá với nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Sau đó, vớt ra để ráo nước hoàn toàn.

Bước 2: Sấy khô rau diếp cá ở nhiệt độ 80°C trong khoảng 30 phút để giữ nguyên màu xanh tươi của rau. Hoặc phơi rau diếp cá dưới ánh nắng mặt trời và thường xuyên trở mặt để rau khô đều, không bị cháy và chuyển sang màu vàng úa.

Bước 3: Sau khi rau diếp cá đã khô, cho vào hũ thủy tinh kín, bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát để sử dụng được trong thời gian dài.

Bước 4: Cho khoảng một nắm rau diếp cá khô vào cốc, rót nước sôi, hãm trong vòng 3 phút - 5 phút và thưởng thức.

Trà rau diếp cá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và tốt cho sức khỏe.

2. Uống nước rau diếp cá tươi

Nước rau diếp cá nguyên chất có mùi tanh nồng, hơi đắng. Nếu khó uống bạn có thể kết hợp với nước dừa tươi hoặc đường sữa để vị nhẹ nhàng, dễ uống hơn.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 300 gram rau diếp cá.
  • 1 trái dừa tươi.
  • 1 trái tắc.
  • Một ít muối.

Cách thực hiện:

Bước 1: Rau diếp cá mua về rửa sạch, loại bỏ phần rễ, thân cây và các lá dập, úng. Đem ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, rửa lại 2 lần - 3 lần với nước sạch, để ráo. Dừa tươi bổ đôi lấy phần nước và phần cơm dừa. Tắc rửa sạch và cắt đôi.

Bước 2: Xay nhuyễn rau diếp cá và nước của một trái dừa. Tiếp đến, dùng rây để loại bỏ phần cặn.

Bước 3: Vắt một quả tắc vào nước diếp cá, cho thêm đường, sữa (nếu thích) và khuấy đều. Nếu muốn uống lạnh, có thể cho đá viên vào ly và thưởng thức.

Nước diếp cá dừa tươi là thức uống thơm ngon, hỗ trợ cải thiện tình trạng khó ngủ và điều trị một số bệnh lý khác - Ảnh Internet

3. Sử dụng rau diếp cá trong các món ăn

Diếp cá là loại rau thơm ăn kèm cùng một số loại rau ăn sống khác như kinh giới, xà lách, húng lủi, tía tô và hành lá. Sử dụng rau diếp cá trong các món ăn như gỏi cuốn, nộm, gỏi và bánh xèo vừa kích thích vị giác vừa bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một số món ăn chế biến từ rau diếp cá thơm ngon, hấp dẫn và kích thích vị giác như:

  • Rau diếp cá trộn bò.
  • Gỏi dưa leo rau diếp cá.
  • Cháo gà diếp cá.
  • Canh rau diếp cá nấu với sườn non, thịt bằm.

Gỏi thịt bò rau diếp cá vừa thơm ngon, lạ miệng vừa tốt cho sức khỏe - Ảnh: Internet

Liều lượng sử dụng rau diếp cá hàng ngày

Để tận dụng tối đa lợi ích của loại thảo dược tự nhiên này, bạn cần phải sử dụng với liều lượng hợp lý. Theo Đông y, mỗi ngày chỉ nên dùng 10 gram - 12 gram lá diếp cá khô dùng để pha trà hoặc 20 gram - 24 gram diếp cá tươi để ăn sống hoặc ép lấy nước.

Một số tác dụng phụ của rau diếp cá

Mặc dù rau diếp cá đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai cách có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

  • Ảnh hưởng đến chức năng thận: Rau diếp cá có tính hàn, lợi tiểu, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây áp lực lên thận.
  • Hoa mắt, chóng mặt: Ăn hoặc uống quá nhiều rau diếp cá có thể khiến quá trình đào thải nước và các chất điện giải diễn ra nhanh, gây mất nước, hạ huyết áp và dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
  • Tiêu chảy, lạnh bụng: Đối với những người có thể trạng hàn, mắc chứng tay chân lạnh, sử dụng rau diếp cá quá nhiều có thể làm tăng tình trạng lạnh bụng, tiêu chảy.
  • Giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng: Rau diếp cá hỗ trợ nhiều vấn đề về sức khỏe, nhưng nếu chỉ ăn mỗi loại rau này mà bỏ qua các loại thực phẩm khác sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, hợp chất natri houttuyfonate trong rau diếp cá cũng có thể gây dị ứng với các triệu chứng ngứa, phát ban và phù nề. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến sốc phản vệ, đe dọa tính mạng.

Đã có báo cáo về các vấn đề hô hấp ở một số người khi tiếp xúc với hợp chất hóa học natri houttuyfonate. Triệu chứng bao gồm ho, thở khò khè và khó thở. Người mắc các vấn đề về hô hấp từ trước như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có nguy cơ gặp phải các triệu chứng trên cao hơn.

Tác dụng khác của rau diếp cá đối với sức khỏe

Rau diếp cá chứa các thành phần hóa học như aldehyd, axit caprinic, laurinaldehyd, benzamid, axit decanoic, lipid, vitamin K, β-sitosterol, alkaloid và một số tinh dầu có lợi khác đem đến các tác dụng tốt cho sức khỏe.

1. Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rau diếp cá có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Các hoạt chất chống oxy hóa trong rau diếp cá giúp giảm đường huyết, tăng cường khả năng sử dụng insulin của cơ thể, cải thiện tình trạng kháng insulin và điều chỉnh việc giải phóng glucose.

Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Genes đã quan sát thấy tác dụng chống tiểu đường của chiết xuất rau diếp cá kết hợp với metformin (một loại thuốc điều trị tiểu đường theo toa) trong ống nghiệm và trên động vật sống. Nghiên cứu cho thấy sự kết hợp này hiệu quả hơn khi sử dụng metformin đơn lẻ trong việc cải thiện chuyển hóa glucose và độ nhạy insulin.

2. Hỗ trợ cải thiện các bệnh hô hấp

Nhờ đặc tính kháng virus và chống viêm, rau diếp cá thường được sử dụng trong Đông y để điều trị bệnh viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bảo vệ phổi. Bên cạnh đó, loại rau này còn hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn và ho khan, giảm viêm, long đờm, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ chống vi khuẩn và giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.

Uống hoặc ăn rau diếp cá hỗ trợ cải thiện các bệnh về đường hô hấp.

3. Hỗ trợ kiểm soát cân nặng

Rau diếp cá có hàm lượng calo thấp và nhiều chất xơ, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo hiệu quả và tốt cho hệ tiêu hóa. Chất xơ trong diếp cá giúp tạo cảm giác no lâu, kiềm chế cơn thèm ăn và hỗ trợ giảm cân tự nhiên, kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì.

4. Tốt cho da

Các nghiên cứu cho thấy rau diếp cá là một chất giải độc rất tốt, thúc đẩy làn da khỏe mạnh và chữa lành mụn trứng cá, bệnh chàm và bệnh vẩy nến. Rau diếp cá chứa nhiều vitamin C, vitamin E, một số khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp làm sạch da, giảm viêm, ngăn ngừa mụn và làm chậm quá trình lão hóa da.

Ngoài ra, rau diếp cá còn có tác dụng làm dịu da mẩn đỏ, giảm kích ứng, kiểm soát lượng dầu trên da và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Nhiều người nghiền diếp cá thành bột trộn với mật ong, sữa tươi, trà xanh, bột cám gạo để làm mặt nạ chăm sóc da.

5. Tốt cho hệ tim mạch

Rau diếp cá chứa hàm lượng kali cao, giúp duy trì huyết áp ổn định và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch. Kali giúp giảm áp lực lên mạch máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp và đột quỵ. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa trong rau diếp cá còn giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol “xấu”, hỗ trợ tăng mức cholesterol “tốt” cho cơ thể và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

6. Tốt cho hệ tiêu hóa

Diếp cá có tính mát và chứa lượng lớn chất xơ, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa, giảm nhẹ các triệu chứng như khó tiêu, đầy hơi và táo bón. Các hợp chất trong rau diếp cá có thể tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và giảm viêm trong đường ruột, tăng cường hàng rào ruột và hỗ trợ ruột hấp thụ chất dinh dưỡng.

7. Tăng cường hệ miễn dịch

Với hàm lượng vitamin C dồi dào, diếp cá giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng khác. Vitamin C đóng vai trò như một lá chắn, ngăn ngừa sự xâm nhập của các mầm bệnh, kích thích sản sinh các tế bào miễn dịch và thúc đẩy quá trình hồi phục sau khi ốm.

Một nghiên cứu in vitro và in vivo năm 2021 được công bố trên Tạp chí Khoa học Food đã chứng minh khả năng kích thích hệ miễn dịch của rau diếp cá. Nghiên cứu cho thấy một sản phẩm lên men từ diếp cá có thể tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch và sản xuất kháng thể. Ngoài ra, diếp cá có thể giảm phản ứng dị ứng và giảm giải phóng histamin. Nghiên cứu trên động vật năm 2005 đã sử dụng chiết xuất diếp cá cho chuột, giúp ức chế hoạt động của tế bào mast, giải phóng histamin và phản ứng phản vệ.

Các loại rau chữa mất ngủ khác

Thực chất không có loại rau nào có thể chữa mất ngủ, tuy nhiên một số loại rau có tác dụng kích thích cơ thể tăng cường sản xuất hormone melatonin, hỗ trợ giấc ngủ ngon và sâu hơn. Sau đây là danh sách các loại rau chữa mất ngủ phổ biến, tốt cho sức khỏe mà bạn có thể tham khảo:

  • Rau cải bó xôi: Chứa hàm lượng magie dồi dào và một số khoáng chất thiết yếu có tác dụng thư giãn cơ bắp, dây thần kinh, tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ sâu.
  • Rau xà lách: Rau xà lách chứa lactucarium - hợp chất có tác dụng an thần nhẹ, giảm căng thẳng và lo âu, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Rau dền: Rau dền chứa nhiều dưỡng chất như kali, magie, chất xơ, vitamin A, vitamin C, axit folic có lợi cho sức khỏe tổng thể, giảm căng thẳng và dễ đi vào giấc ngủ
  • Rau má: Có tác dụng làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng và lo âu, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ và các tình trạng rối loạn giấc ngủ khác.
  • Rau tía tô: Rau tía tô có tính ấm, giúp làm ấm cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu, giảm tình trạng đau đầu, căng thẳng, cải thiện tâm trạng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
  • Rau diếp xoăn: Diếp xoăn chứa nhiều vitamin C, vitamin K, canxi, magie giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm, giải nhiệt, mát gan, giải tỏa áp lực lên thần kinh và gây buồn ngủ tốt.
  • Rau lạc tiên: Hỗ trợ điều trị mất ngủ, chứng lo âu, tăng nồng độ axit gamma - aminobutyric (GABA) - hoạt chất hóa học giúp điều chỉnh tâm trạng, chống lại các chất dẫn truyền thần kinh gây kích thích, làm dịu thần kinh, tạo cảm giác buồn ngủ.
  • Rau tần ô (cải cúc): Chứa hơn 20 loại axit amin, vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp ổn định tâm trạng, giảm căng thẳng và giảm thiểu tình trạng thức giấc giữa đêm.
  • Rau kinh giới: Rau kinh giới tính ấm, vị cay, có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau, kích thích tiêu hóa, giảm cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, hoạt chất flavonoid trong rau kinh giới còn có tác dụng kháng viêm, an thần và cải thiện tình trạng đau nửa đầu, có giấc ngủ sâu và ngon hơn.
  • Hoa thiên lý: Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoa thiên lý có chứa vitamin C, B1, B2, chất xơ, phốt pho, sắt và kẽm. Trong y học cổ truyền, thiên lý vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần và giảm căng thẳng, hỗ trợ khắc phục tình trạng mất ngủ.

Bổ sung các loại rau tốt cho chất lượng giấc ngủ vào bữa ăn như rau cải bó xôi.

Dùng rau diếp cá trị mất ngủ chi phí rẻ và dễ thực hiện tại nhà. Nhưng bạn cần hiểu rằng không có loại rau nào có thể chữa mất ngủ như thuốc. Nếu mất ngủ kéo dài quá 2 tuần không cải thiện, bạn nên đi thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị với bác sĩ. Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, sinh hoạt điều độ và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cần được duy trì ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh.