Tìm hiểu về bệnh trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) là một rối loạn đường tiêu hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng trào ngược dịch vị. Nguyên nhân là do cơ thắt tâm vị (nắp dạ dày - thực quản) suy yếu (hở hoặc khả năng đóng mở kém) dẫn đến dịch vị trào khỏi dạ dày, ngược lên thực quản.

Trào ngược dạ dày thường có các triệu chứng điển hình như ợ nóng, trào ngược. Ngoài ra, bệnh cũng có thể biểu hiện là đau tức thượng vị, mòn men răng, ho mãn tính, viêm thanh quản hoặc hen suyễn.

Trào ngược dạ dày gây mất ngủ đúng không?

Trào ngược dạ dày được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ. Nhiều nghiên cứu ước tính rằng khoảng 79% người bệnh trào ngược dạ dày có triệu chứng về đêm, trong đó khoảng 75% bị ảnh hưởng đến giấc ngủ và gần 40% là khả năng hoạt động vào ngày hôm sau.

Ngược lại, mất ngủ cũng là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trào ngược axit dạ dày hoặc làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

Tại sao trào ngược dạ dày gây mất ngủ?

Trào ngược dạ dày gây mất ngủ theo nhiều cách khác nhau, nhưng phổ biến nhất là:

  • Gây rát cổ họng, ho vào ban đêm: Khi nằm ngủ, dạ dày, thực quản ở phương ngang vì vậy dịch vị dễ dàng thoát khỏi dạ dày và chảy lên thực quản. Dịch vị là axit nên sẽ gây ra nóng, rát cổ họng, vị chua hoặc đắng miệng dẫn đến ho hoặc cảm giác khô khát gây thức giấc.

  • Tức ở vùng thượng vị: Axit trào ngược cũng có thể gây kích thích thượng vị dẫn đến cảm giác tức ngực, khó thở. Bạn sẽ bị tỉnh giấc giữa đêm vì cảm giác khó chịu.

  • Ngưng thở khi ngủ: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ hai chiều giữa trào ngược dạ dày và chứng ngưng thở khi ngủ. Chúng có thể là yếu tố nguy cơ của nhau và làm cho các triệu chứng của nhau trở nên nghiêm trọng hơn. Mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ sẽ thường xuyên bị thức giấc trong đêm vì không thể thở. Nó cũng có thể gây ngủ ngáy dẫn đến khô miệng - họng, ho nên bị tỉnh giấc giữa đêm.

Trào ngược dạ dày gây khó thở mất ngủ.

1. Mất ngủ làm trầm trọng thêm trào ngược dạ dày

Ở chiều ngược lại, mất ngủ sẽ làm cho các triệu chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn theo nhưng cách sau:

  • Tăng nhạy cảm thực quản và tiếp xúc với axit: Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ làm tăng tiếp xúc của thực quản với axit và tăng nhạy cảm thực quản ở cả người khỏe mạnh và người bệnh trào ngược dạ dày. Điều này dẫn đến tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trào ngược.

  • Ảnh hưởng đến hormone cảm giác no và tăng phản ứng viêm: Mất ngủ làm tăng mức ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói) và giảm mức leptin (hormone tạo cảm giác no) dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này có thể góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng GERD. Ngoài ra, thiếu ngủ làm tăng mức cytokine tiền viêm như interleukin-1β (IL-1β), interleukin-6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α), góp phần vào phản ứng viêm và có thể làm tăng triệu chứng trào ngược dạ dày.

  • Bệnh đi kèm ngưng thở khi ngủ: Như đã nói ở phần trên, mất ngủ có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ có thể làm trầm trọng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản thông qua nhiều cơ chế sinh lý. Trong các giai đoạn ngưng thở, việc cố gắng hô hấp do bị tắc nghẽn sẽ tạo ra áp lực âm trong lồng ngực và tăng áp lực xuyên cơ hoành, từ đó thúc đẩy axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Bên cạnh đó, ngưng thở khi ngủ còn có thể gây giãn nở dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng tần suất các cơn giãn cơ thắt thực quản dưới thoáng qua - yếu tố chính dẫn đến trào ngược axit .

Các yếu tố thúc đẩy trào ngược dạ dày gây mất ngủ

Nhiều yếu tố khác nhau thúc đẩy trào ngược dạ dày gây ra mất ngủ. Thường thấy nhất là:

  • Tư thế ngủ: Như đã nói ở trên, khi nằm ngang, ống thực quản và dạ dày nằm trên phương nằm ngang nên axit dạ dày dễ dàng trào lên thực quản gây nóng rát, ho hoặc khó thở. Đặc biệt trong tư thế nằm nghiêng bên phải, co đầu gối và không kê gối cao.

  • Ăn khuya: Ăn tối sau 8 giờ hoặc thói quen ăn khuya cũng làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược dạ dày. Dạ dày phải liên tục co bóp và tiết dịch vị để tiêu hóa thức ăn trong buổi tối muộn, vì vậy khi ngủ, dễ trào ngược lên thực quản làm bạn tỉnh giấc.
  • Thần kinh căng thẳng: Hệ thống tiêu hóa được điều khiển và chi phối bởi hệ thống thần kinh ruột - não. Khi căng thẳng, hệ thống thần kinh sẽ làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày, dẫn đến hoạt động tiêu hóa bị chậm lại. Ngoài ra, căng thẳng cũng gây ra tình trạng căng cơ, ảnh hưởng đến các cơ xung quanh dạ dày. Sự căng cơ kéo dài làm tăng áp lực trong dạ dày và đẩy axit lên cao gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

  • Nguyên nhân khác: Ăn các thực phẩm cay, chua, nóng, uống nước có gas, mang thai hoặc mắc một số bệnh lý ở thực quản cũng dẫn đến trào ngược axit dạ dày gây mất ngủ.

Ăn thực phẩm cay nóng vào buổi tối cũng làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản.

Các biện pháp cải thiện trào ngược dạ dày gây mất ngủ

Mất ngủ do trào ngược dạ dày - thực quản thì cần tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng trào ngược. Sau đây là một số biện pháp hữu ích cho việc này.

1. Nằm nghiêng bên trái khi ngủ

Nằm nghiêng bên trái khi ngủ có thể giúp giảm thiểu tình trạng trào ngược axit và các triệu chứng trào ngược dạ dày vào ban đêm, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Một bài nghiên cứu năm 2023 đã chỉ ra rằng, nếu nằm nghiêng bên phải thì dạ dày sẽ nằm phía trên thực quản. Trong tư thế này, hoạt động tiêu hóa bị chậm lại, thực quản tiếp xúc với axit lâu hơn nên các triệu chứng trào ngược sẽ nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, nằm nghiêng bên trái sẽ giảm được 71% tình trạng này.

2. Mặc quần áo thoải mái

Quần áo bó sát, đặc biệt ở vùng bụng, thắt lưng và ngực sẽ gây áp lực lên dạ dày làm cho tình trạng trào ngược dạ dày nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn nên mặc đồ ngủ khi ngủ hoặc quần thoải mái.

3. Hạn chế các thực phẩm gây kích thích dạ dày vào bữa tối

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản nên cần hạn chế dùng vào bữa tối. Ví dụ như thực phẩm nhiều chất béo, cay, chua gây kích thích dạ dày hoặc caffeine, socola, bạc hà và rượu bia gây kích thích dạ dày và sự tỉnh táo.

Thay vào đó, bữa tối nên ăn protein nạc (như thịt gà, trứng, cá), chất xơ (như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch) và các sản phẩm sữa ít béo để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn.

4. Không nên ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ

Dạ dày cần thời gian để tiêu hóa thức ăn, ăn càng gần giờ đi ngủ thì dạ dày sẽ càng phải làm việc khuya hơn. Trong khi ngủ, dạ dày vẫn phải co bóp và tiết dịch vị để tiêu hóa thức ăn, điều này có thể dẫn đến trào ngược axit lên thực quản. Vì vậy, bữa tối nên hoàn thành ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ. Đặc biệt, bữa tối có các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò nên cách giấc ngủ ít nhất 4 giờ.

5. Đi bộ thư giãn nhẹ nhàng sau khi ăn tối

Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa tối ít nhất 30 phút giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn, giảm tình trạng tăng tiết axit gây trào ngược lên thực quản làm gián đoạn giấc ngủ. Đi bộ nhẹ nhàng cũng giúp thư giãn và tuần hoàn máu tốt hơn để dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.

6. Kê cao gối

Kê cao gối giúp đầu, cổ ở vị trí cao hơn bụng có thể ngăn axit trào ngược lên thực quản. Gối nên kê cao khoảng 8cm. Ngoài ra, nâng cao đầu giường cũng giảm được tình trạng này.

7. Thư giãn tinh thần

Tinh thần thoải mái và vui vẻ cũng giúp cải thiện tình trạng mất ngủ do trào ngược dạ dày. Một số biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng và lo âu mà bạn có thể áp dụng trước giờ đi ngủ như tập các động tác yoga nhẹ nhàng, thiền, nghe nhạc, đọc sách hoặc xông tinh dầu.

8. Bữa tối nhẹ nhàng

Ăn nhiều vào buổi tối và gần giờ đi ngủ làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược dạ dày do dạ dày phải căng giãn để chứa lượng thực ăn. Áp lực này dễ khiến cơ vòng thực quản dưới dễ bị mở ra và tạo điều kiện cho axit và thức ăn từ dạ dày trào ngược. Do đó, người bệnh nên ăn ít để giảm áp lực cho dạ dày, giảm cảm giác đầy bụng, khó tiêu và cải thiện tình trạng mất ngủ vì trào ngược dạ dày. Ngoài ra, nên chọn các món ăn dễ tiêu hóa như rau xanh, các loại hạt, hạn chế ăn thịt đỏ và đồ ăn nhiều dầu mỡ.

9. Uống nước

Uống nước theo từng ngụm nhỏ trong bữa ăn có thể kiểm soát triệu chứng trào ngược mà vẫn vừa đủ để ăn uống thoải mái hơn. Thêm vào đó, uống nước sau khi ăn có thể làm giảm nồng độ axit và triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Bạn có thể uống nước hoặc các loại trà tốt cho giấc ngủ sau bữa tối để giảm triệu chứng ợ nóng và ngủ ngon giấc.

Uống nước theo từng ngụm nhỏ trong bữa ăn có thể kiểm soát triệu chứng trào ngược gây mất ngủ.

10. Sử dụng thuốc

Xem xét sử dụng thuốc cũng là một lựa chọn để kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày gây mất ngủ. Các thuốc không kê đơn như antacid có thể giúp giảm triệu chứng tạm thời, nhưng hiệu quả thường hạn chế ở một số người. Một số loại thuốc khác có tác dụng làm giảm lượng axit được sản xuất trong dạ dày, tuy nhiên chúng có thể gây tác dụng phụ, vì vậy tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Các biện pháp giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn

Áp dụng những phương pháp kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày gây mất ngủ với các cách giúp dễ ngủ mang đến những tác động tích cực khi đến giấc ngủ.

Theo đó, bạn nên tạo ra một không gian ngủ lý tưởng - yên tĩnh, thoáng mát và có nệm êm ái để dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Việc sử dụng rèm chắn sáng cũng giúp giảm thiểu ánh sáng làm gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, duy trì lịch sinh hoạt cố định, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày (kể cả cuối tuần) sẽ giúp thiết lập nhịp sinh học tự nhiên cho cơ thể. Tránh ngủ trưa quá lâu vì có thể ảnh hưởng đến khả năng ngủ vào ban đêm.

Trước khi ngủ khoảng 1 - 2 tiếng, bạn nên hạn chế dùng thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh có thể ức chế hormone melatonin, khiến bạn khó ngủ; Thay vào đó, hãy thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, tắm nước ấm để giúp cơ thể thư giãn; Tránh tiêu thụ các chất kích thích như cà phê, thuốc lá hay rượu bia vì chúng có thể gây rối loạn giấc ngủ.

Chế độ dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất sẽ hỗ trợ duy trì sức khỏe tổng thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ; Tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước sát giờ ngủ để không bị đầy bụng hay phải thức dậy giữa đêm để đi vệ sinh. Việc luyện tập thể dục thường xuyên cũng có lợi cho giấc ngủ, đặc biệt là các bài tập nhẹ nhàng vào buổi tối như đi bộ hoặc yoga, giúp cơ thể thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Ngoài ra, các liệu pháp thư giãn như massage, châm cứu hoặc ngâm chân trước khi ngủ có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông máu, từ đó hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn. Việc sử dụng tinh dầu tự nhiên như oải hương, bạc hà hay cúc La Mã cũng có thể mang lại cảm giác dễ chịu và giúp làm dịu thần kinh. Cuối cùng, bạn có thể cân nhắc bổ sung các tinh chất hỗ trợ giấc ngủ như Blueberry và Ginkgo Biloba. Trong đó, Blueberry chứa các chất chống oxy hóa mạnh như anthocyanin và pterostilbene có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, còn Ginkgo Biloba giúp tăng lưu thông máu lên não, hỗ trợ trí nhớ và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Ngoài các biện pháp cải thiện triệu chứng trào ngược axit dạ dày, bạn nên áp dụng cả các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ, chẳng hạn như ngâm chân nước ấm.

Trào ngược dạ dày gây mất ngủ xảy ra do axit và thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây nóng rát, ho và các vấn đề về hô hấp. Việc này làm gián đoạn giấc ngủ, tỉnh giấc nhiều lần dẫn đến không ngủ đủ thời gian. Điều chỉnh tư thế ngủ đúng, kê gối cao khi ngủ, thay đổi thói quen ăn uống, ăn ít vào buổi tối hoặc thư giãn tinh thần có thể giúp cải thiện triệu chứng trào ngược và ngủ ngon giấc hơn.