Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra các cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc tức vùng thượng vị. Mặc dù hầu hết các trường hợp đau dạ dày đều không nghiêm trọng và có thể tự khỏi, nhưng cũng có khoảng 5% trường hợp cần phải cấp cứu.

Đau dạ dày có thể do nhiều bệnh lý như loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) hoặc tác dụng phụ của thuốc giảm đau, viêm niêm mạc dạ dày cấp tính thường xuất hiện sau khi tiêu thụ rượu bia hoặc thức ăn cay nóng.

Các khối u ác tính ở thực quản hoặc dạ dày, chứng khó tiêu, thói quen ăn uống không lành mạnh, thức khuya, căng thẳng, hoạt động gắng sức hoặc nằm ngay sau khi vừa ăn xong cũng gây đau dạ dày.

Đau dạ dày ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và thường có thể chữa khỏi chỉ sau một vài tuần. Tuy nhiên, đau mãn tính kéo dài và nghiêm trọng hơn, có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc ung thư dạ dày.

Đau dạ dày có gây mất ngủ không?

Đau dạ dày có gây mất ngủ không? Triệu chứng đau dạ dày có xu hướng nặng hơn về đêm thường gây khó ngủ, mất ngủ. Đặc biệt nếu cơn đau kèm theo tình trạng trào ngược axit dạ dày và ho.

Các bệnh lý tiêu hóa sau có thể gây ra tình trạng đau dạ dày mất ngủ bao gồm:

1. Trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày (GERD - Gastroesophageal Reflux Disease) là một rối loạn đường tiêu hóa mạn tính, xảy ra khi dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân chính do cơ thắt tâm vị bị suy yếu, khiến dịch vị dễ dàng trào ngược lên trên.

Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng như ợ nóng, trào ngược, đau tức thượng vị, mòn men răng, ho mãn tính, viêm thanh quản hoặc hen suyễn.

Ước tính khoảng 79 người bị trào ngược dạ dày gặp các triệu chứng khó chịu về đêm, trong đó có đau dạ dày. Và khoảng 75% người bị ảnh hưởng đến giấc ngủ và gần 40% người gặp khó khăn trong các hoạt động và ngày hôm sau.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh tiêu hóa và Vận động, Mỹ trào ngược dạ dày thực quản vào ban đêm có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Ngược lại mất ngủ cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh GERD do axit dạ dày tiếp xúc với thực quản trong thời gian dài hơn và tăng cường nhận thức cảm giác.

Mặc dù trào ngược ít xảy ra hơn khi ngủ, nhưng các cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể như nuốt, tiết nước bọt và vận động thực quản, bị suy yếu, dẫn đến thời gian tiếp xúc với axit kéo dài hơn.

Đau dạ dày gây mất ngủ có thể do trào ngược dạ dày thực quản với các triệu chứng như ợ nóng, trào ngược, đau tức thượng vị.

2. Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày, tá tràng còn được gọi là loét đường tiêu hóa. Trong bệnh này, niêm mạc dạ dày bị tổn thương tạo thành các vết loét gây đau âm ỉ, đầy bụng, khó chịu. Nguyên nhân phổ biến là do nhiễm vi khuẩn HP và uống rượu bia và thói quen ăn uống thiếu khoa học khác.

Cơn đau do viêm loét dạ dày thường trở nên dữ dội hơn vào ban đêm, làm cho người bệnh không thể nào đi vào giấc ngủ hoặc không thể ngủ ngon giấc.

3. Hội chứng dạ dày kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable Bowel Syndrome) là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến khoảng 5 - 10% dân số dưới 50 tuổi. Các nhóm triệu chứng đặc trưng xuất hiện cùng nhau bao gồm đau bụng tái phát và thay đổi trong nhu động ruột làm cho người bệnh đau dạ dày không ngủ được.

Nghiên cứu nhỏ tại Mỹ cho thấy rối loạn giấc ngủ thường phổ biến hơn ở người mắc hội chứng ruột kích thích, nó còn liên quan đến cơn đau, sự khó chịu và chất lượng sống kém. Người bệnh có thể bị thay đổi thói quen ngủ, thời gian ngủ REM dài hơn, dẫn đến chất lượng ngủ kém. Triệu chứng bệnh trở nặng hơn và chất lượng sống liên quan đến sức khỏe thấp hơn ở những người có giấc ngủ kém.

Triệu chứng đau dạ dày dễ xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh ăn uống gần giờ đi ngủ, đặc biệt trong chứng trào ngược dạ dày thực quản. Việc nằm xuống ngay sau khi ăn bữa tối, áp lực từ dạ dày tăng lên sẽ đẩy axit và thức ăn trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng đau, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.

Các triệu chứng càng trầm trọng hơn nếu ăn các loại thức ăn giàu carbohydrate, calo, chất béo, cay nóng vì khó tiêu. Hệ tiêu hóa thường hoạt động kém hơn vào buổi tối dễ dẫn đến đau dạ dày gây mất ngủ.

Mối liên quan giữa đau dạ dày và mất ngủ

Các bệnh lý về dạ dày và mất ngủ có mối quan hệ hai chiều mật thiết. Triệu chứng đau dạ dày gây mất ngủ và ngược lại, mất ngủ gây đau dạ dày hoặc làm cho các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Ngoài do các triệu chứng dạ dày gây mất ngủ như đã đề cập ở nội dung trên, các nhà nghiên cứu còn cho thấy, ở hội chứng kích thích ruột, nhiều yếu tố hoại tử khối u alpha (TNFα) có thể ức chế đồng hồ sinh học làm rối loạn lịch trình giấc ngủ.

Ở chiều ngược lại, thiếu ngủ làm tăng độ nhạy cảm của thực quản với axit và kéo dài thời gian tiếp xúc của thực quản với axit, dẫn đến tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trào ngược. Mất ngủ cũng ảnh hưởng đến hormone và phản ứng viêm, làm tăng cảm giác thèm ăn cũng như gây ra các phản ứng viêm, góp phần vào việc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược. Ngoài ra, mất ngủ có thể làm tăng mức độ viêm trong cơ thể, viêm có thể gây ra đau bụng, tiêu chảy và táo bón làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở người mắc hội chứng ruột kích thích.

Biện pháp điều trị đau dạ dày mất ngủ

Bị đau dạ dày không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ mãn tính. Mắc hai tình trạng cùng lúc sẽ làm cho sức khỏe ngày càng xấu đi.

Vì vậy, đau dạ dày mất ngủ cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.

Điều trị y tế tập trung vào việc cải thiện triệu chứng ở các bệnh lý gây ra cơn đau dạ dày vào ban đêm bao gồm trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày tá tràng. Thuốc là phương pháp điều trị chính cho các bệnh lý này.

Đối với tình trạng viêm loét dạ dày, cần được điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton 1 (PPI - Proton Pump Inhibitors,) để giảm tiết axit và làm lành ổ loét như Omeprazole, Pantoprazole, Lanzoprazole, Rabeprazole và Esomeprazole. Trường hợp loét dạ dày tá tràng do Helicobacter pylori, cần dùng kháng sinh phối hợp với PPI.

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản có thể dùng thuốc PPI và thuốc kháng histamine H2 để giảm sản xuất axit, trong khi thuốc kháng axit giúp trung hòa axit tạm thời. Hội chứng ruột kích thích thường được điều trị bằng thuốc chống co thắt, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều hòa nhu động ruột, tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể.

Thuốc là phương pháp điều trị đầu tay cho các bệnh lý về dạ dày.

Trong khi đó, Đông y lại điều trị các bệnh lý dạ dày bằng các bài thuốc cổ truyền có nguồn gốc thảo dược dựa trên lý luận của thuyết âm dương ngũ hành. Đông Y nhận định chứng đau dạ dày (vị thống, vị quản thống) không đơn thuần là biểu hiện của bệnh lý tại dạ dày. Nó còn là sự mất cân bằng trong toàn bộ cơ thể do rối loạn chức năng của các tạng phủ, đặc biệt là tỳ và vị. Nguyên nhân có thể do các yếu tố nội tại như tình chí uất ức, lao động quá sức đến các yếu tố ngoại lai như ăn uống thất thường, nhiễm hàn tà, hoặc ứ huyết.

Đau dạ dày cũng có thể do sự mất cân bằng can khí phạm vị xuất phát từ căng thẳng, tỳ vị hư hàn xuất phát từ chức năng tiêu hóa suy yếu, vị âm hư xuất phát từ nhiệt tà hoặc bệnh lâu ngày và huyết ứ xuất phát từ chấn thương hoặc khí trệ.

Đông y điều trị đau dạ dày thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với các dấu hiệu khác như mạch tượng, lưỡi tượng để xác định thể bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Bao gồm điều trị bằng các bài thuốc cổ truyền sử dụng các loại dược liệu như sài hồ sơ can thang, hương sa lục quân tử thang, ô mai, cam thảo, nghệ, mật ong; điều trị bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt để điều hòa khí huyết, giảm đau, cải thiện chức năng tỳ vị; Và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để tạo sự cân bằng cho cơ thể.

Phòng ngừa đau dạ dày mất ngủ ra sao?

Có một số biện pháp giúp ích cho việc phòng ngừa mất ngủ ở những người hay bị đau dạ dày. Chẳng hạn như:

  1. Tư thế ngủ

Tư thế ngủ có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Dựa trên cấu trúc giải phẫu hệ tiêu hóa, Học viện Tiêu hóa Mỹ (ACG) khuyến cáo người bệnh nên ngủ nghiêng bên trái giúp giảm thiểu nguy cơ trào ngược. Nằm nghiêng bên phải dạ dày sẽ cao hơn thực quản, axit dễ bị trào ngược hơn. Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, nằm nghiêng bên trái có thể giúp hạn chế việc trào ngược axit dạ dày lên đến 71%.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử ngủ ở tư thế nằm ngửa với đầu kê cao. Cách này có thể giúp tạo độ dốc, ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực quản trong khi ngủ.

  1. Chế độ ăn uống lành mạnh

Người bị đau dạ dày cần hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm và đồ uống vào bữa tối như đồ ăn giàu chất béo, cay, chua, caffeine, socola, bạc hà và rượu bia. Thay vào đó nên tập trung vào nguồn protein nạc như thịt gà, trứng, cá, chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch và các sản phẩm sữa ít béo để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng đau hiệu quả hơn.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần ăn uống đủ bữa, tránh bỏ bữa hoặc ăn quá muộn vào buổi tối. Nên hoàn thành bữa tối ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ. Đặc biệt, bữa tối có các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò nên cách giấc ngủ ít nhất 4 giờ. Nên ăn chậm, nhai kỹ và không nên ăn quá no vì vào buổi tối hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn.

Người mắc các bệnh dạ dày nên ăn rau xanh, protein nạc như thịt gà, trứng, cá, chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch để dễ tiêu hóa ít bị đau dạ dày dẫn đến mất ngủ.

  1. Uống đủ nước

Cơ thể cần nước để tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm và đồ uống. Khi cơ thể bị mất nước, quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn và kém hiệu quả, làm tăng nguy cơ đau dạ dày. Uống đủ nước cũng giúp giảm triệu chứng ợ nóng do trào ngược dạ dày. Ngoài ra, nước cũng làm loãng dịch vị dạ dày để giảm nồng độ axit gây nóng rát và đau.

  1. Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn

Người bệnh nên tránh nằm xuống ngay sau bữa ăn hoặc đi ngủ ít nhất vài giờ sau bữa ăn để giúp ngăn ngừa chứng khó tiêu tiến triển thành ợ nóng. Khi cơ thể ở tư thế nằm ngang, axit trong dạ dày có xu hướng trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát khó chịu.

  1. Thư giãn tinh thần

Căng thẳng áp lực và thức khuya là những yếu tố gây hại cho dạ dày, làm rối loạn tiêu hóa, tăng tiết axit và tổn thương niêm mạc. Do đó, bạn nên thư giãn tâm trí, tinh thần bằng các bài tập yoga nhẹ nhàng, thiền, nghe nhạc, đọc sách hoặc xông tinh dầu có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đồng thời, ngủ đủ giấc, hạn chế các chất kích thích cũng giúp bảo vệ dạ dày và cải thiện tình trạng mất ngủ.

Căng thẳng, stress cũng có thể làm trậm trọng thêm tình trạng đau dạ dày, người bệnh có thể thư giãn tinh thần bằng các bài tập thiền định.

Đau dạ dày mất ngủ là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Nếu đau dạ dày không ngủ được kéo dài không cải thiện bạn nên thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Mất ngủ kéo dài quá ba tháng sẽ chuyển thành mất ngủ mãn tính khó điều trị, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.