Nghiên cứu nồng độ acid uric huyết tương ở bệnh nhân đột quị não điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên

Nghiên cứu nồng độ acid uric huyết tương ở bệnh nhân đột quị não điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên

 Trần Văn Tuấn*, Vương Thị Hồng Thúy**, Lê Thị Quyên*

Phạm Thị Kim Dung*, Đặng Hoàng Anh***, Món Thị Uyên Hồng*

* Trường ĐH Y dược Thái Nguyên

** Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên

*** Công đoàn Giáo dục Việt Nam

 

TÓM TẮT

Mục tiêu: Xác định nồng độ acid uric huyết tương và một số yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân đột quỵ não.

Đối tượng: gồm 90 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ĐQN điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Trung ươngThái Nguyên. Thời gian: từ  5/2015 đến tháng 4/2016. Địa điểm: bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

Phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu.

Kết quả: nồng độ Acid uric huyết tương trung bình ở thể chảy máu não là 379,59 ± 85,18 µmol/l và nhồi máu não là 410,79 ± 92,21µmol/l (p < 0,05). Nguy cơ cao của đột quỵ não là tăng huyết áp (78,9%), hút thuốc lá (70%), uống rượu (45,6%). Đột quỵ não xảy ra ở nam nhiều hơn nữ, nhóm tuổi 50-70 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Có mối liên quan giữa nồng độ acid uric huyết tương và giới (p < 0,05). Có sự khác biệt đáng kể nồng độ acid uric huyết tương với thói quen hút thuốc lá (p < 0,05). Nồng độ Acid uric trung bình ở bệnh nhân có tăng huyết áp cao hơn nhóm bệnh nhân không tăng huyết áp (p < 0,05).

Kết luận: tăng acid uric còn là một yếu tố dự đoán sớm, giúp cho tiên lượng, dự phòng đột quị não.

Từ khóa: Đột quỵ não, acid uric, các yếu tố nguy cơ.

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Đột quỵ não (ĐQN) là một bệnh nặng thường hay gặp ở người cao tuổi, có tỷ lệ tử vong cao, hoặc để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, đến sinh hoạt của người bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Với tuổi thọ của con người hiện nay càng nâng cao, vấn đề ĐQN đã trở nên mối quan tâm rất lớn của y học và y tế cộng đồng. Chi phí cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân ĐQN rất tốn kém song kết quả đạt được còn hạn chế. Do đó, vấn đề dự phòng các yếu tố nguy cơ của ĐQN vẫn là chính cho cộng đồng và cho từng cá thể, nhằm hạn chế tần suất xảy ra ĐQN. Việc ngăn ngừa thành công nguyên nhân của ĐQN hiện tại cùng với sự xác định các yếu tố nguy cơ có thể cải biến đã giúp xác định và đánh giá các cá thể có nguy cơ cao đối với ĐQN. Tăng acid uric huyết tương là một trong những rối loạn chuyển hóa, có liên quan chặt chẽ đến hàng loạt các bệnh mạn tính không lây nhiễm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gút…. Chủ đề này đã thu hút nhiều tác giả quan tâm nhưng các nghiên cứu mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn và trong bệnh viện là chủ yếu. Để hiểu rõ hơn các yếu tố nguy cơ của ĐQN ở người Việt Nam và xác định yếu tố nguy cơ nào là quan trọng nhất đối với mỗi thể lâm sàng của ĐQN, từ đó có hướng dự phòng thích hợp chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:“Nghiên cứu nồng độ acid uric huyết tương ở bệnh nhân đột quỵ não điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên” nhằm mục tiêu: Xác định nồng độ Acid uric huyết tương và một số yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân đột quỵ não.

 

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

     Gồm 90 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ĐQN điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

 Tiêu chuẩn lựa chọn

– Lâm sàng: Dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán ĐQN của Tổ chức Y tế Thế giới (1990) [10].

+ Khởi đầu đột ngột, cấp tính và nặng dần, có dấu hiệu thần kinh khu trú.

+ Các triệu chứng tồn tại > 24h, bệnh nhân tự nguyện tham gia nghiên cứu

– Cận lâm sàng: dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ  (MRI) sọ não xác định là ĐQN.

Tiêu chuẩn loại trừ

– Các triệu chứng lâm sàng phục hồi hoàn toàn trong vòng 24 giờ.

– Bệnh nhân ĐQN nhưng có bằng chứng nhiễm khuẩn cấp và mạn.

– Bệnh nhân bị bệnh gout.

– Sốt hoặc đang điều trị thuốc suy giảm miễn dịch, bệnh ung thư, các bệnh kèm theo khác.

– Các bệnh lý về não khác không phải ĐQN như: chấn thương sọ não, abces não, u não.

Thời gian và địa điểm

– Thời gian: từ tháng 5/2015 đến tháng 4/2016.

– Địa điểm: Khoa Thần kinh – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

  Phương pháp nghiên cứu

 Thiết kế nghiên cứu

phương pháp mô tả cắt ngang, tiến cứu

 Phương pháp chọn mẫu

– Phương pháp nghiên cứu là phương pháp mô tả cắt ngang bệnh nhân đang điều trị nội trú tại  khoa Thần kinh – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái nguyên.

– Tất cả các bệnh nhân được hỏi bệnh, khám bệnh và làm các xét nghiệm cận lâm sàng dưạ theo mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất.

Các chỉ tiêu nghiên cứu

Tuổi, giới, nghề nghiệp.

– Các chỉ tiêu về kết quả chụp CLVT và chụp cộng hưởng từ.

– Các chỉ tiêu về xét nghiệm huyết học và sinh hoá máu:

    + Số lượng hồng cầu, tỷ lệ huyết sắc tố, số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu.

   + Chỉ số sinh hoá máu: acid uric, glucose, urê, creatinin, các chỉ số lipid.

– Các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường…

Phương pháp xử lý số liệu

Bằng phương pháp thống kê y học ứng dụng phần mềm EPI INFO 6.0 và SPSS 16.0.

Đạo đức trong nghiên cứu

Nghiên cứu này chỉ nhằm mục đích bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân, không vì bất kỳ mục đích nào khác. Đối tượng nghiên cứu được thông báo về kết quả nghiên cứu cũng như được tư vấn về tình trạng bệnh tật, tiên lượng và điều trị nếu có vấn đề về sức khỏe.

 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi của đột quỵ não

bang-1

Nhận xét:Bệnh nhân ĐQN chủ yếu gặp ở nhóm tuổi từ 60 -79 (50%), nhóm  tuổi 40 -59 chiếm tỉ lệ thấp hơn (36,7%). Nhóm tuổi ít gặp là > 80 (13%). Trong đó nam gặp nhiều hơn nữ.

Bảng 2. Một số yếu tố nguy cơ của đột quỵ não

bang-1

Nhận xét:Yếu tố nguy cơ cao nhất của ĐQN là THA chiếm 78,9% trong đó CMN là 23,9%; NMN là 76,1%). Hút thuốc lá chiếm 70%. Một số yếu tố nguy cơ khác chiếm tỷ lệ thấp hơn.

 Bảng 3. Nồng độ Acid uric huyết tươngtrung bình của nhóm nghiên cứu

bang-1

Nhận xét: Nồng độ Acid uric huyết tương trung bình của thể CMN là 379,59 ± 85,18 µmol/l cao hơn thể NMN là 410,79 ± 92,21 µmol/l. sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

 Bảng 4. Liên quan giữa nồng độ Acid uric huyết tương và thói quen hút thuốc, uống rượu

bang-1

Nhận xét: Nồng độ Acid uric huyết tương của nhóm hút thuốc và nhóm không hút thuốc có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Nồng độ Acid uric huyết tương của nhóm uống rượu không có sự khác biệt với nhóm không uống rượu ở cả hai thể NMN và CMN (p > 0,05).

Bảng 5. Liên quan giữa nồng độ Acid uric huyết tương và tăng huyết áp, đái tháo đường

bang-1

Nhận xét: Nồng độ Acid uric huyết tương trung bình nhóm THA ở thể NMN và CMN có sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05. Nồng độ Acid uric huyết tương trung bình của nhóm ĐTĐ không có sự khác biệt ở cả hai thể NMN và CMN (p > 0,05).

 Bảng 6. Liên quan giữa nồng độ Acid uric huyết tương và rối loạn lipid máu

bang-1

Nhận xét: Nồng độ Acid uric huyết tương trung bình nhóm có rối loạn lipid cao hơn nhóm bệnh nhân không rối loạn lipid ở cả hai thể của ĐQN. Sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05.

BÀN LUẬN

Phân bố bệnh nhân theo tuổi và giới

Bảng 1 cho thấy tỉ lệ ĐQN cao nhất ở nhóm tuổi  60-79 là 50%; ở thể CMN là 24,4%, thể NMN là 75,6%. Kết quả nghiên cứu trên có sự tương đồng với các nghiên cứu khác như: Lê Chuyển tỉ lệ NMN chiếm ưu thế ở nhóm tuổi 51 đến 70 (48,8%), Bùi Văn Tân bệnh nhân NMN thấy tỉ lệ 40,4% ở nhóm tuổi từ 50 đến dưới 70 tuổi [2].

Ở cả hai nhóm của ĐQN tỉ lệ bệnh nhân giới nữ và nam không có sự chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên ở từng thể thì có sự khác biệt giữa giới nam và nữ, ở thể NMN thì tỉ lệ nam cao hơn hẳn nữ (55,6/44,5%). Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước [1], [3], [4].

Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não

         Theo bảng 2 cho thấy các yếu tố nguy cơ cao của đột qụy lần lượt là THA: 78,9%, hút thuốc lá là 70%, uống rượu: 45,6%, ĐQN tái phát là 38,9%; ĐTĐ:36,7%. Có thể nhận thấy nguy cơ chung cho cả hai thể ĐQN là THA tiếp đến là uống rượu và hút thuốc là yếu tố nguy cơ cao nhất. Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu khác cho thấy THA là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ĐQN. Như vậy theo kết quả nghiên cứu của các tác giả, chúng tôi thấy tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tác động mạnh nhất đối với ĐQN sau đó là các nguy cơ thấp hơn. Phải chăng, vì tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao và nó thường phối hợp với các yếu tố khác như rối loạn lipid, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì, lạm dụng rượu, hút thuốc lá [3]. Một số nghiên cứu thấy: khi bị tăng huyết áp làm thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch [3], [7]. Mặt khác tăng huyết áp làm nặng thêm các bất thường mạch máu não như thoái hoá mỡ kính và hoại tử fibrin, làm thành mạch dễ bị tổn thương và dễ gây nên mất sự tự điều hoà cung lượng máu não theo hiệu ứng Bayliss gây NMN [4] hoặc gây vỡ các vi phình mạch đó gây ra CMN [3].

Nồng độ Acid uric huyết tương ở bệnh nhân đột quỵ não

Acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purine ở người. Khi nồng độ acid uric huyết tương tăng đều có có liên quan với bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên và đột quỵ. Trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3) cho thấy nồng độ Aicd uric huyết tương trung bình của thể NMN là 410,79 ± 92,21 µmol/l, cao hơn thể CMN là 379,59 ± 85,18 µmol/l, sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu khác đều cho thấy nồng độ Aci uric huyết tương tăng cao ở bệnh nhân ĐQN liên quan đến mức độ nặng của di chứng và tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy Acid uric huyết tương cũng tăng ở bệnh nhân CMN. Tuy nhiên tăng các mảng xơ vữa trong cơ chế bệnh sinh của NMN rõ ràng hơn và số lượng bệnh nhân ĐQN thể NMN lớn hơn CMN, vì thế kết quả nghiên cứu có giá trị hơn ở NMN [7], [9].

Liên quan giữa nồng độ Acid uric huyết tươngvà một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đột quỵ não

Hút thuốc lá được chứng minh bằng cả thực nghiệm và lâm sàng là có tác hại lên thành mạch góp phần tạo nên xơ vữa động mạch, làm tăng nồng độ chất carbon monoxid (CO), là chất làm tổn thương lòng mạch tạo điều kiện cho hình thành nhanh mảng xơ vữa. Hút thuốc làm giảm chất HDL – cholesterol và làm tăng nồng độ LDL- cholesterol và tăng triglycerid gây tăng tình trạng vữa xơ động mạch. Nghiên cứu của chúng cho thấy rằng hút thuốc lá là nguy cơ cao hàng thứ 2 sau tăng huyết áp gây ĐQN. Bảng 4 nồng độ Acid uric huyết tương của nhóm NMN có hút thuốc là 435,67 ± 100,05 µmol/l, không hút thuốc là 388,05 ± 79,13 µmol/l khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05. Ở nhóm CMN có hút thuốc là 421,35 ± 73,10 µmol/l, không hút thuốc là 352,74 ± 83,70 µmol/l, khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Đinh Văn Thắng [7], nhưng khác với Bùi Thị Lan Vi[8]. Theo Shinton nguy cơ ĐQN ở người hút thuốc lá là 1,9 lần đối với nhồi máu não và 2,5 lần đối với chảy máu não ở nam giới [10].

Theo kết quả nghiên cứu ở bảng 4 thấy tỷ lệ nồng độ Aicd uric huyết tương ở nhóm có uống rượu và không uống rượu khác nhau, đặc biệt trong từng thể của ĐQN. Ở NMN cao hơn CMN, sự khác biệt không có ý nghĩa (p > 0,05). Theo nghiên cứu của Bùi Thị Lan Vi 15,4% bệnh nhân nhồi máu não có tiền sử nghiện rượu và 22,2% bệnh nhân chảy máu não có tiền sử nghiện rượu [8]. Hoàng Khánh thấy 3,98% bệnh nhân nhồi máu não có nghiện rượu và 7,16% bệnh nhân chảy máu não có nghiện rượu [6]. Đinh Văn Thắng là 16,44% bệnh nhân nhồi máu não có nghiện rượu và 38,73% bệnh nhân chảy máu não có nghiện rượu [7]. Nghiên cứu của các tác giả đều cho kết quả là ở bệnh nhân nghiện rượu tỷ lệ chảy máu não cao hơn nhồi máu não, tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi tỉ lệ bệnh nhân trong nhóm NMN nghiện rượu cao hơn nhóm CMN. Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt với các tác giả khác, sự khác biệt này có thể do từng vùng địa lý và do thói quen sinh hoạt, tập tục liên khác nhau liên quan giữa nồng độ acid uric huyết tương và thói quen uống rượu, bia trên bệnh nhân ĐQN.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ĐQN bao gồm cả NMN và CMN kết luận này đã được chứng minh bởi các nghiên cứu dịch tễ ĐQN ở cả trong nước và trên thế giới. Nghiên cứu của chúng tôi thấy THA là nguy cơ cao nhất chiếm 78,9%, ở thể CMN nồng độ Acid uric huyết tương của nhóm có THA là 390,47 ± 84,75 µmol/l và nhóm không THA là 348,03 ± 85,99 µmol/l, ở thể NMN nồng độ Acid uric huyết tương của nhóm có THA là 412,90 ± 88,25 µmol/l và nhóm không THA là 402,03 ± 110,70 µmol/l sự khác biệt không có ý nghĩa với p < 0,05. Như vậy theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi và kết quả nghiên cứu của các tác giả trên, chúng tôi thấy tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tác động mạnh nhất đối với ĐQN. Một số nghiên cứu thấy khi bị tăng huyết áp làm thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch [5]. Mặt khác tăng huyết áp làm nặng thêm các bất thường mạch máu não như thoái hoá mỡ kính và hoại tử fibrin, làm thành mạch dễ bị tổn thương và dễ gây nên mất sự tự điều hoà cung lượng máu não theo hiệu ứng Bayliss gây NMN hoặc gây vỡ các vi phình mạch đó gây ra CMN [3].

Nhiều nghiên cứu thấy rằng đái tháo đường là yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ não [3]. Thực tế cho thấy người bệnh bị đái tháo đường thường mang nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ não như béo phì, tăng huyết áp rối loạn lipid máu và kháng Insulin làm cho quá trình xơ vữa mạch diễn ra nhanh hơn. Nghiên cứu của Honolulu chỉ ra rằng khi đường máu tăng 11 mmol/l thì nguy cơ tương đối gây đột quỵ não tăng 1,4 đến 2 lần. Kết qủa  nghiên cứu của Framingham cho thấy đái tháo đường làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch từ hai đến ba lần [6]. Như vậy, qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi và các tác giả trên cho thấy, đái tháo đường cũng là yếu tố nguy cơ đối với ĐQN đặc biệt là thể NMN. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi chưa tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ acid uric huyết tương với ĐTĐ ở bệnh nhân ĐQN.

Để đánh giá rối loạn lipid máu ở bệnh nhân TBMN chúng tôi làm các xét nghiệm định lượng lipid máu thông qua các chỉ số Cholestrerol, triglycerid, Cholestrerol-HDL, Cholestrerol-LDL. Theo kết quả nghiên cứu chúng tôi thấy tỷ lệ bệnh nhân bị ĐQN có rối loạn lipid chiếm tỷ lệ cao. Nồng độ Acid uric trung bình của bệnh nhân NMN có rối loạn Cholesterol máu là 420,13 ± 89, 25 µmol/l và nhóm không rối loạn là398,55 ± 96,11µmol/l, ở bệnh nhân CMN: nhóm có rối loạn là 398,99 ± 81,29µmol/l nhóm không có rối loạn là 368,24 ± 91,76 µmol/l. Sự khác biệt giữa nhóm có rối loạn và không rối loạn lipid có ý nghĩa với p < 0,05.

Khi nghiên cứu tương quan giữa Acid uric với các thông số lipid máu Nguyễn Thị Thúy Hằng nhận thấy có mối tương quan thuận khá chặt chẽ giữanồng độ acid uric huyết tương và cholesterol. Tương quan giữa nồng độ acid uric huyết tương và LDL- C không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) [8]. Kết quả của chúng tôi phù hợp với số liệu của một số tác giả Vi Quốc Hoàng 29,7%[5]. Đinh Văn Thắng 26,48%[7]. Bonora E đã nghiên cứu 957 người đàn ông trẻ tuổi và đã chứng minh rằng có một tương quan tích cực giữa nồng độ acid uric huyết tương và nồng độ triglyceride huyết tương, cholesterol toàn phần và LDL cholesterol [9].

Cholesterol HDL được coi là yếu tố bảo vệ chống xơ vữa mạch, nếu HDL giảm sẽ tăng nguy cơ và quá trình xơ vữa mạch sẽ diễn ra nhanh hơn. Cholesterol LDL có chức năng vận chuyển cholesterol đến các tế bào của cơ thể, khi Cholesterol LDL máu tăng sẽ gây lắng đọng nhiều ở thành mạch làm ảnh hưởng đến sự lưu thông của tuần hoàn đồng thời gây nguy cơ xơ vữa mạch. điều này giải thích khi LDL tăng thì nguy cơ nhồi máu não cao hơn chảy máu não. Như vậy theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi và các tác giả trên chứng tỏ rối loạn lipid cũng là yếu tố nguy cơ ĐQN, đặc biệt là thể NMN.

 

KẾT LUẬN

– Nồng độ Acid uric huyết tương trung bình của nhóm nghiên cứu là: ở thể CMN là 379,59 ± 85,18 µmol/l và NMN là 410,79 ± 92,21 µmol/l. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

– Nguy cơ cao hay gặp nhất của ĐQN là tăng huyết áp chiếm 78,9%, nhóm nguy cơ cao thứ 2 là nhóm nghiên cứu có thói quen hút thuốc lá (70%) và uống rượu (45,6%).

–  ĐQN xảy ra ở nam nhiều hơn nữ và tập trung vào nhóm tuổi 50-70 tuổi.

– Có mối liên quan giữa nồng độ acid uric huyết tương và giới với p < 0,05.

– Không có sự khác biệt giữa nồng độ Acid uric huyết tương với các nhóm tuổi p > 0,05.

– Không thấy mối liên quan giữa nồng độ Acid uric với thói quen uống rượu bia.

– Có sự khác biệt đáng kể nồng độ acid uric huyết tương với thói quen hút thuốc lá (p < 0,05).

– Nồng độ Acid uric trung bình ở bệnh nhân có THA cao hơn nhóm không có THA (p <0,05).

 

SUMMARY

Objective: Determine the serum uric acid concentration and some risk factors in stroke patients Subjects: 90 inpatients were diagnosed stroke at the Thai Nguyen general Center Hospital.Time: from 5/2015 to 4/2016.

Methods: cross-sectional descriptive study, prospective.

Results: The medium serum uric acid concentration in thehaemorrhagepatients (85.18 ± 379.59 μmol/l) and infarction patients (410.79 ± 92.21 μmol/l) (p < 0.05). High risks of  stroke are hypertension (78.9%), smoking (70%), alcohol (45.6%). Stroke occurs in men than in women, the ages from 50 to 70 year account for the high rate. There was a relationship between serum uric acid levels and gender with p < 0.05. There were significant differences in serum uric acid levels with smoking habits (p < 0.05). The average concentration of uric acid in hypertensive patients werehigher than patients without hypertension (p < 0.05).

Conclusion: hyperuricemia was a predictable factor, help for prognosis and prevention stroke.

Keywords: stroke, uric acid, the risk factors.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trương Thị Chiêu, Đặng Quang Tâm (2012), “Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tai biến mạch máu não giai đoạn cấp tại bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ”, Tạp chí Y Học thực hành, (783), số 9/2011, tr. 7 – 10
  2. Lê Chuyển, Hoàng Khánh, Nguyễn Hải Thủy (2008), “Nghiên cứu sự biến đổi nồng độ CRP huyết thanh và bilan lipid ở bệnh nhân nhồi máu não”, Tạp chí Y Học thực hành. tr. 359 – 364
  3. Trần Thị Đoàn (2011), Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tiền đái tháo đường,  Luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Thúy Hằng (2009), “Nồng độ acid uric huyết thanh trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát”, Tạp chí y học thực hành, (903), số 1/2014, tr. 41 – 44. 
  5. Vi Quốc Hoàng (2001): “Nghiên cứu một  số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân tai biến mạch máu não tai bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên” Luận văn thạc sỹ Y học, Đại học Y Thái Nguyên.
  6. Hoàng Khánh (1994), “Tình hình tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Trung ương Huế 5 năm (1989-1993)”,  Trích trong góp phần nghiên cứu dịch tễ học tai biến mạch máu não, Đề tài cấp Bộ, tr. 48-56.
  7. Đinh Văn Thắng (2007).“Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân tai biến mạch máu não tại khoa Thần kinh Bệnh viện Thanh Nhàn”. Luận văn bác sĩ chuyên khoa cấp II, Đại học Y Hà Nội.
  8. Bùi Thị Lan Vi (2005),Khảo sát tần suất các yếu tố nguy cơ tai biến mạch não”, Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 9, số 1, tr 298-303.
  9. Bonora E, Targher G, Zenere MB, et al. Relationship of uric acid concentration to cardiovascular risk factors in young men, Role of obesity and central fat distribution, The Verona Young Men Atherosclerosis Risk Factors Study. Int J Obes Relat Metab Disord. 1996; 20(11):975–80.
  10. Shinton R, Beevers G (1989), Meta-analysis of relation between cigarette smoking and stroke, BMJ Volume 298: 789-794.