Đau nửa đầu trong thực hành lâm sàng

Đau nửa đầu trong thực hành lâm sàng

Lê Đức Hinh

Hội Thần kinh học Việt Nam

 

Tóm tắt

Bài viết này đề cập đến bệnh đau nửa đầu là loại bệnh thần kinh phổ biến nhất trên toàn cầu. Nói chung chủ yếu nêu lên cách phân loại trong lâm sàng, nhắc tới các chẩn đoán và xử trí giúp cho các thầy thuốc đa khoa xác định được bệnh và có hướng xử trí phù hợp trong thực hành.

Trong cuộc sống gần như mọi người đều đã có lần được trải nghiệm cơn đau nhức đầu. Cũng có người chỉ bị đau một đôi lần thoáng qua trong nhiều năm nhưng cũng có những người gần như thường xuyên bị cơn đau hành hạ. Đã có nhiều tài liệu y văn đề cập đến chứng bệnh này cũng như giới thiệu các phương thức chữa trị. Tuy nhiên có những chi tiết cần được quan tâm hơn nữa trong thực hành lâm sàng, vì vậy Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (World Federation of Neurology/WFN) nhắc nhở chuyên khoa Thần kinh học chú trọng tới vấn đề này nhân ngày Thế giới về Não 22 tháng 7 (World Brain Day). Trong bài viết này, chúng tôi xin nhấn mạnh tới chứng đau nửa đầu (migraine).

  1. Đau nửa đầu trong phân loại nhức đầu

Hội Nhức đầu Quốc tế (International Headache Society/ HIS) đã hai lần cho ra đời bản Phân loại Nhức đầu. Phân loại lần thứ Nhất được công bố năm 1988 gồm 13 nhóm và Phân loại lần thứ Hai được công bố năm 2004 gồm 14 nhóm. 14 nhóm đó là:

Phần I: Nhức đầu tiên phát (Primary headaches)

–        Đau nửa đầu (migraine).

–        Nhức đầu kiểu căng thẳng (tension-type headache).

–        Nhức đầu từng chặp (cluster headache) và các đau đầu thực vật – tam thoa khác (other trigeminal autonomic cephalalgias).

–        Các nhức đầu tiên phát khác (other primary cephalalgias).

Phần II: Nhức đầu thứ phát (Secondary headaches)

–        Nhức đầu do chấn thương đầu và/ hoặc gáy.

–        Nhức đầu do rối loạn mạch máu sọ hoặc cổ.

–        Nhức đầu do rối loạn trong sọ không phải mạch máu.

–        Nhức đầu do sử dụng hoặc cai một chất liệu.

–        Nhức đầu do nhiễm khuẩn.

–        Nhức đầu do rối loạn hằng định môi trường bên trong.

–        Nhức đầu hoặc đau mặt do rối loạn sọ, gáy, mắt, tai, mũi, xoang, răng, miệng hoặc cấu trúc sọ hay mặt khác.

–        Nhức đầu do rối loạn tâm thần.

Phần III: Đau thần kinh sọ, đau mặt trung ương tiên phát và các nhức đầu khác (Cranial neuralgias, primary central facial pain and other headaches)

–        Đau thần kinh sọ và các đau mặt do nguyên nhân trung ương.

–        Nhức đầu, đau thần kinh sọ, đau mặt trung ương hoặc tiên phát khác.

Trong mỗi nhóm trên lại chia ra nhiều nhóm nhỏ và như vậy có tới 247 chứng nhức đầu khác nhau. Tiêu chuẩn của từng chứng nhức đầu đã được Hội Nhức đầu Quốc tế quy định cụ thể, từ các dấu thoáng báo (aura), tính chất của cơn lâm sàng, thời gian kéo dài của từng cơn, số lần xảy ra cơn… đến các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng qua thăm khám thực thể.

  1. Đau nửa đầu (migraine)

Đau nửa đầu là loại bệnh não phổ biến nhất trên toàn cầu với mức độ mắc khoảng 1 trong 7 người. Với tỷ lệ 10-12% trong quần thể nhân dân, đau nửa đầu chiếm 20% các trường hợp nhức đầu. Có từ 2/3 đến 3/4 các trường hợp là bệnh nhân nữ. Bệnh có thể khởi phát sớm: 25% lúc 9-10 tuổi, 55% lúc 20 tuổi và 90% trước 40 tuổi. Tỷ lệ mắc toàn bộ ở nam là 4 đến 7%, ở nữ là 13-18%. Tỷ lệ mắc tối đa thường ở lứa tuổi 30-40 tuổi; đặc biệt khoảng 45 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân nữ gấp 4 lần bệnh nhân nam và sau 60 tuổi, tỷ lệ nữ gấp 2,5 lần nam.

Người ta nhận thấy 50% trường hợp có tiền sử gia đình. Ngoài ra còn có những yếu tố thúc đẩy với từng cá nhân.

2.1.         Phân loại

Trong Phân loại Nhức đầu Quốc tế lần thứ hai (2004), đau nửa đầu gồm các nhóm sau:

–        Đau nửa đầu không có dấu thoáng báo (aura).

–        Đau nửa đầu có dấu thoáng báo:

+ Dấu thoáng báo điển hình với nhức đầu đau nửa đầu.

+ Dấu thoáng báo điển hình với nhức đầu không đau nửa đầu.

+ Dấu thoáng báo điển hình không có nhức đầu.

+ Đau nửa đầu liệt nửa người gia đình.

+ Đau nửa đầu liệt nửa người tản phát.

+ Đau nửa đầu kiểu động mạch nền sọ…

–        Hội chứng chu kỳ ở trẻ em thường xảy ra trước đau nửa đầu:

+ Nôn chu kỳ.

+ Đau nửa đầu thể bụng.

+ Chóng mặt kịch phát lành tính ở trẻ em.

–        Đau nửa đầu võng mạc.

–        Biến chứng đau nửa đầu:

+ Đau nửa đầu mạn tính.

+ Trạng thái đau nửa đầu.

+ Dấu thoáng báo kéo dài không có nhồi máu não.

+ Nhồi máu não đau nửa đầu.

+ Cơn động kinh do đau nửa đầu kịch hoạt.

–        Nhiều khả năng là đau nửa đầu:

+ Nhiều khả năng là đau nửa đầu không có dấu thoáng báo.

+ Nhiều khả năng là đau nửa đầu có dấu thoáng báo.

+ Nhiều khả năng là đau nửa đầu mạn tính.

2.2.         Dấu thoáng báo (aura)

Dấu thoáng báo là phức hợp triệu chứng xảy ra ngay trước khởi phát hoặc vào lúc khởi phát cơn đau nửa đầu. Dấu thoáng báo điển hình gồm các triệu chứng thị giác (ánh sáng hoặc điểm nhấp nhánh và/ hoặc mất thị giác và/ hoặc dị cảm (kim châm, tê bì) và/ hoặc ngôn ngữ (nói khó, khó phát âm). Các triệu chứng nói trên thường xuất hiện tăng dần theo thời gian không quá 1 giờ rồi thoái biến hoàn toàn.

Phần lớn bệnh nhân chỉ có cơn đau đầu mà không có dấu thoáng báo. Cần phân biệt các tiền triệu hoặc tiền chứng với các dấu hiệu báo động (mệt nhọc, đau gáy, nhìn mờ, da xanh tái) xuất hiện một đến hai ngày trước khi xảy ra đau nửa đầu.

2.3.         Đau nửa đầu có dấu thoáng báo (15% các trường hợp)

Bệnh còn có tên là đau nửa đầu liệt vận nhãn. Chẩn đoán dựa vào:

–        Rối loạn tái diễn với các cơn có triệu chứng thần kinh khu trú xảy ra và thoái biến trong vòng 5-20 phút, kéo dài ít nhất 60 phút.

–        Ít nhất có 2 cơn.

2.4.         Đau nửa đầu không có dấu thoáng báo (80% các trường hợp)

Chẩn đoán dựa vào:

–        Nhức đầu tái phát thành cơn kéo dài 4-72 giờ.

–        Có ít nhất 5 cơn.

–        Đặc điểm: Đau một bên có tính chất mạch đập, cường độ đau vừa hoặc nặng, tăng lên khi hoạt động.

–        Trong cơn đau: Lợm giọng và/ hoặc nôn. Ghê sợ ánh sáng, tiếng động.

  1. Tiếp cận bệnh nhân

Đối với mọi bệnh nhân, qua hỏi bệnh người thầy thuốc phải chú trọng khai thác bệnh sử và hoàn cảnh gây bệnh. Cần chú ý:

–        Vị trí đau, thời điểm đau, nhịp độ tiến triển, tính chất đau, các hiện tượng báo hiệu, đồng diễn phối hợp.

–        Cần thăm khám toàn diện và hệ thống về nội khoa, thần kinh và tâm thần. Chú ý kiểm tra các chuyên khoa Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt…

Ngoài các xét nghiệm thường quy về huyết học, sinh hóa, vi sinh y học, X-quang chuẩn, đối với chuyên khoa thần kinh còn cần ghi điện não và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học hiện đại.

Trong thực hành cần liên hệ tới các bệnh lý:

–        Nhức đầu cấp tính thường gặp trong nhiễm khuẩn chung, bệnh màng não, bệnh não-màng não.

–        Nhức đầu mạn tính khá phổ biến liên quan đến bệnh lý cục bộ (Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt, Mắt, xương sống cổ), bệnh Nội khoa (Tim-mạch, thận, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, nhiễm độc), bệnh thần kinh trong hộp sọ (u, viêm, lao, giang mai, HIV), bệnh tâm thần (loạn thần, bệnh tâm căn).

Trong lâm sàng thần kinh cần chú ý tới:

–        Khởi phát cấp tính: Có thể do các bệnh mạch máu não, viêm não hoặc viêm màng não, bệnh mắt (glocom, viêm mống mắt cấp).

–        Khởi phát bán cấp tính: Có thể do viêm động mạch thái dương, khối u trong sọ, đau thần kinh tam thoa, đau thần kinh thiệt-hầu, đau sau zona, tăng huyết áp.

–        Nhức đầu mạn tính: Cần phân biệt đau nửa đầu với nhức đầu kiểu căng thẳng, nhức đầu thành chặp, bệnh đốt sống cổ, viêm xoang.

  1. Xử trí nhức đầu, đau nửa đầu

Điều trị nói chung có thể theo mô hình 3 bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới bao gồm:

–        Bậc 1: Thuốc giảm đau ngoại vi.

–        Bậc 2: Thuốc giảm đau trung ương.

–        Bậc 3: Thuốc giảm đau trung ương mạnh.

Ngoài phương pháp dược lý còn có thể ứng dụng các kỹ thuật của phương pháp vật lý bao gồm cả châm cứu theo y học cổ truyền. Việc kết hợp phục hồi chức năng và liệu pháp tâm lý được khuyến cáo với mọi trường hợp.

 

Summary

Migraine in clinical practice

Le Duc Hinh

The Vietnamese Association of Neurology

Migraine is the most frequent neurological disorders worldwide. This article deals with the clinical classfication, the diagnosis and the management of migraine helping the general practitioners in their daily work.

 

Tài liệu tham khảo

  1. WFN News (2019). World Brain Day.
  2. Wall P.D, Melzack R (1999). Textbook of Pain (4th) Churchill Livingstone.
  3. Charles Warlow (ed) (2016). The Lancet Handbook of Treatment on Neurology Elsevier.
  4. Lê Đức Hinh (2019). Thần kinh học trong thực hành đa khoa . Nhà Xuất bản Y học.