Tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Chương
Tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Chương
Giáo sư Nguyễn Chương, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, đã đi vào cõi Vĩnh hằng ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội. Sự vắng bóng vĩnh viễn của Giáo sư đã để lại biết bao nỗi niềm thương nhớ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong cả nước.
Hồi tưởng lại quá khứ, chúng ta biết Giáo sư Nguyễn Chương được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước cách mạng, người anh ruột của thân mẫu Giáo sư là cố Bác sĩ Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Vợ chồng người chị ruột của Giáo sư đều là Bác sĩ Y khoa đã tình nguyện xung phong vào công tác tại chiến trường miền Nam từ những năm đầu thập niên 60. Bản thân Giáo sư Nguyễn Chương lúc còn ở bậc trung học đã tích cực tham gia phong trào học sinh kháng chiến ngay trong lòng thành phố Hà Nội từ trước ngày Thủ đô được giải phóng.
Là sinh viên khóa chuyên khoa Thần kinh – Tinh thần học đầu tiên của Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội năm học 1960, Giáo sư được sự giảng dạy trực tiếp của cố Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, người thành lập chuyên ngành Thần kinh – Tinh thần học đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, Giáo sư Nguyễn Chương được phân công làm Cán bộ giảng dạy của Bộ môn và phụ trách Trưởng phòng điều trị Thần kinh TI của Khoa Tinh thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai.
Trong những năm chiến tranh, Giáo sư được đi công tác cùng với Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh tại một số địa phương ở miền Bắc và tiếp tục giảng dạy chuyên khoa tại cơ sở sơ tán của Bộ môn ở Bắc Thái và Bệnh viện Tâm thần Trung ương Thường Tín, Hà Đông. Đó cũng là thời gian vất vả gian khổ trong cả nước khi hai thầy trò đi xe đạp tới các địa điểm công tác nói trên. Đáng ghi nhớ là công tác đào tạo các khóa sinh viên chuyên khoa, các lớp sinh viên luân khoa và các lớp Y sĩ cao cấp bổ túc thành Bác sĩ vẫn được duy trì đều đặn tại Hà Nội và các cơ sở tại các tỉnh lớn ở miền Bắc, bước đầu hình thành một mạng lưới chuyên khoa Tinh – Thần kinh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó và với sự kết hợp quân dân y, Giáo sư đã góp phần tích cực của mình vào việc thành lập Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam vào năm 1962.
Năm 1960 là thời kỳ có phong trào tách biệt Thần kinh học và Tâm thần học trên thế giới. Do đó ngày 15 tháng 8 năm 1969, Khoa và Bộ môn Tinh – Thần kinh đã được phân chia thành hai chuyên ngành riêng tại Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội cũng như tại Bệnh viện Bạch Mai.
Từ năm 1969, Giáo sư được giao phụ trách Giáo vụ Bộ môn Thần kinh học và tiếp tục hỗ trợ Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đào tạo các khóa chuyên khoa ngay cả trong những khi Hà Nội thường xuyên bị oanh tạc. Đồng thời Khoa và Bộ môn Thần kinh cũng kết hợp với các cơ sở quân y như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y trong đào tạo, giảng dạy, phục vụ bệnh nhân và nghiên cứu khoa học. Như vậy một mạng lưới chuyên khoa Thần kinh học đã dần dần được phát triển giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sau ngày ký Hiệp định Paris năm 1973, với nhiệm vụ chiến lược mới vừa nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, vừa đẩy mạnh đào tạo chuyên khoa chuẩn bị chi viện cho miền Nam sau ngày giải phóng và tăng cường nghiên cứu các vấn đề mũi nhọn, Giáo sư Nguyễn Chương đề xuất mở nhiều lớp đào tạo Bác sĩ Nội trú và Bác sĩ sơ bộ chuyên khoa Thần kinh học. Ngoài ra còn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng liên tục kiến thức chuyên môn tại Khoa – Bộ môn cũng như đi xuống nhiều địa phương để hội chẩn điều trị bệnh nhân.
Từ năm 1983, sau khi được giao nhiệm vụ phụ trách Bộ môn Thần kinh học, Giáo sư thường xuyên hỗ trợ chuyên khoa cho Bệnh viện 198 – Bộ Công an và nhiều cơ sở y tế khác trong cả nước.
Cùng với hoạt động trong giảng dạy, đào tạo và điều trị, Giáo sư đã có vai trò tích cực khi tham gia thành lập Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam vào tháng 9 năm 1962 do cố Giáo sư Đặng Đình Huấn làm Chủ tịch. Sau khi Hội được tách thành hai Hội độc lập, Giáo sư được giao nhiệm vụ Tổng Thư ký của Hội Thần kinh học Việt Nam. Trên cương vị mới này Giáo sư đã thân hành đi tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước vận động và giúp đỡ xây dựng các Chi hội. Do đó nhiều Chi hội đã được thành lập và đi vào hoạt động như ở Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Tiền Giang. Ngoài ra Giáo sư cũng đã góp phần phát triển các Hội Động kinh, Đột quỵ, Điện sinh lý thần kinh, Hội chống đau.
Về mặt đối ngoại, Giáo sư là Thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Thần kinh Hoa Kỳ (AAN) và Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu Não (IBRO).
Từ năm 2015, Giáo sư được bầu là Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam và giữ nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Thần kinh học. Giáo sư luôn hết sức quan tâm đến việc phát triển và đào tạo chuyên khoa thông qua các buổi sinh hoạt khoa học, các bài báo đề cập đến cách thăm khám, phát hiện điều trị và nghiên cứu bệnh thần kinh.
Có thể nói dù ở cương vị nào, Giáo sư bao giờ cũng hết sức quan tâm đến chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam trong suốt cuộc đời. Do đó sự ra đi vĩnh viễn của Giáo sư là một mất mát không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và toàn thể hội viên Hội Thần kinh học Việt Nam. Tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Chương, chúng tôi trân trọng gửi lời chia buồn sâu sắc tới toàn thể gia đình của Giáo sư và tất cả các thành viên của Hội Thần kinh học Việt Nam.
GS.TS. Lê Đức Hinh
Nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam