Mùa thi: những rối loạn tâm lý, tâm thần ở học sinh

Mùa thi: những rối loạn tâm lý, tâm thần ở học sinh

Học hành và vui chơi hợp lý giúp các em có sức khỏe tốt trong học tập, thi cử

Theo số liệu của Bệnh viện (BV) Sức khỏe tâm thần TP.HCM, năm nào vào mùa thi trung bình mỗi tháng BV lại tiếp nhận 5-10 học sinh có những biểu hiện rối loạn tâm lý, tâm thần (RLTLTT), trong đó đa số các em ở độ tuổi vị thành niên (10-15 tuổi).Xung quanh căn bệnh này, bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp – trưởng khoa khám bệnh trẻ em BV Sức khỏe tâm thần TP – cho biết:

– Khởi đầu, các em thường than mất ngủ, khó ngủ. Các em dễ bị kích thích, căng thẳng, cáu gắt, bực bội, dễ gây gổ, gây hấn với những người xung quanh (bạn bè, anh em trong nhà…), ngang bướng, ít nghe lời cha mẹ, thầy cô. Kèm theo đó là các em có biểu hiện học tập giảm sút, khó tập trung, học tập mất nhiều thời gian hơn nhưng lại mau quên, khó nhớ, khó thuộc bài. Ở thể nặng hơn, các em có biểu hiện không muốn đi học, khóc lóc đòi nghỉ học, sợ sệt khi nhắc đến chuyện học tập. Các em luôn có cảm giác là mình bất lực, bất tài, không làm được gì và luôn bị ám ảnh mình không có khả năng học, không làm được gì. Nặng nề hơn, trong các em thường xuất hiện những ý nghĩ chết chóc, tự tử. Có trường hợp đang trong thời gian thi cử có biểu hiện loạn thần như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, quậy phá…

* BS hãy cho một lời khuyên về chuyện học hành của các em?

– Để giúp con cái học tập đạt kết quả tốt, tránh bị RLTLTT vì sức ép học tập quá nhiều và nặng nề, cha mẹ phải đánh giá đúng năng lực của con cái, động viên khuyến khích trẻ học, nhưng không nên tạo áp lực cho trẻ về mặt thành tích, không bắt trẻ học vì sự sĩ diện của cha mẹ. Vào mùa thi vẫn phải cho trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi bình thường. Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên quan niệm sai lầm rằng “bắt con học quá sẽ bị tâm thần” mà buông lỏng chuyện học tập của con cái. Đặc biệt, cha mẹ, thầy cô cần hiểu rằng mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt và mỗi người có sức chịu đựng khác nhau: có em bị la rầy, bị mắng hoài không sao, nhưng có em chỉ nói nặng một câu cũng có thể khiến các em muốn tìm đến cái chết.

* Các em có biểu hiện sa sút trong học tập, RLTLTT thì cha mẹ phải làm thế nào, thưa bác sĩ?

– Trước những sa sút của trẻ trong học tập, cha mẹ và thầy cô phải đặt câu hỏi vì sao con mình, học trò mình lại như vậy, hơn là qui hết tội lỗi cho các em. Phải hỏi han các em, lắng nghe các em nói, động viên các em học tập. Không nên nôn nóng để buộc trẻ phải đạt được ngay những điều mà người lớn mong muốn, vì sẽ làm các em bị căng thẳng và dồn ép thêm mà thôi. Với những biện pháp như vậy mà vẫn không thể cải thiện được tình trạng sức khỏe, tâm lý các em thì nên đưa đến bác sĩ tâm thần, hoặc các chuyên viên tâm lý để được can thiệp sớm. * Xin BS cho biết nếu đã bị RLTLTT thì bệnh có thể điều trị được không? – Điều quan trọng là phải ngăn chặn từ đầu, không nên để xảy ra rồi mới điều trị. Nếu đã xảy ra, bệnh phải được phát hiện sớm, điều trị sớm và cha mẹ phải hợp tác với BS chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý thì vẫn có khả năng phục hồi.

* Xin cảm ơn BS. LÊ THANH HÀ

Ăn uống thế nào để học tập tốt trong mùa thi?

* Ăn đủ bữa: không được bỏ bữa dù bận rộn, căng thẳng, nhất là bữa ăn sáng, bữa ăn nạp năng lượng cho cả một buổi học tập dài nhất, hiệu quả nhất trong ngày. Thanh thiếu niên gầy yếu hoặc ăn được ít cần ăn thêm 1-3 bữa phụ mỗi ngày, giữa các bữa ăn chính hoặc buổi tối. Ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng, ăn uống còn giúp người học thi thư giãn, bớt căng thẳng hơn.

* Ăn đa dạng: nhiều loại thực phẩm (trên 20 loại mỗi ngày) để nhận đủ chất. Đặc biệt chú ý: – Thiếu iôt dẫn đến trí tuệ kém sáng tạo, giảm thương số thông minh trung bình 10-20 điểm, do vậy cần ăn muối iôt thay muối thường. Iôt còn có nhiều trong các loại cá biển và hải sản. – Thiếu chất sắt dẫn đến tình trạng thiếu máu, người mau mệt mỏi và học kém tập trung, dễ buồn ngủ. Chất sắt có nhiều trong thức ăn động vật như huyết, gan, thịt, cá… hoặc trong rau xanh như rau dền, rau muống, rau bồ ngót và các loại đậu đỗ. Các loại trái cây tươi, rau sống giàu vitamin C giúp hấp thụ tốt chất sắt. – Selen và kẽm cũng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh. Các chất vi lượng này có nhiều ở thức ăn động vật, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ… – Ngoài ra một ly sữa ấm buổi tối vừa có tác dụng dịu thần kinh vừa cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng quí như chất đạm chất lượng cao, canxi và vitamin B2…

BS Nguyễn Thị Kim Hưng (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )