TS.BS. Nguyễn Thúy Hường
Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể là căn cứ quan trọng để người làm giám định y khoa lượng giá mức độ tổn thương cơ thể do bệnh tật, thương tật hay bệnh nghề nghiệp làm căn cứ cho thực hiện chính sách xã hội hay đến bù. Hầu hết các quốc gia đều xây dựng Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới dạng này hay dạng khác, bằng tên này hay tên khác. Tùy thuộc các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa mà các Bảng tỷ lệ được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia. Các bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể của Việt Nam (có thời kỳ được gọi là Tiêu chuẩn giám định tỷ lệ mất khả năng lao động) đều chịu ảnh hưởng lớn từ các Bảng tỷ lệ tương đương của Pháp (Barem hay của Nga hay của Mỹ có điều chỉnh lại cho phù hợp điều kiện Việt Nam do Việt Nam chưa có điều kiện để thực hiện các nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho việc xây dựng các tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Trong quá trình hội nhập việc nghiên cứu tổng quan để định hướng quan điểm trong xây dựng Bảng tỷ lệ tổn thương là rất cần thiết để bảo đảm Bảng tỷ lệ vừa đáp ứng được điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới.
Nội dung bài viết này nhằm cung cấp thêm thông tin mới liên quan đến xây dựng Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể thông qua mô tả quan điểm tiếp cận và nội dung một số Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể được áp dụng phổ biến trên thế giới.
1. Quan điểm tiếp cận trong xây dựng tiêu chuẩn
Giám định y khoa xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới để làm cơ sở cho việc chi trả đền bù. Tiêu chuẩn giám định là căn cứ quan trọng để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể bảo đảm tính thống nhất trong đánh giá tỷ lệ tổn thương được các quốc gia điều chỉnh, bổ sung thường xuyên.
Trên thế giới, việc phân loại đánh giá tổn thương cơ thể do bệnh tật hay thương tật thay đổi theo thời gian song song với tiến bộ xã hội, thay đổi quan điểm tiếp cận về người khuyết tật (khái niệm khuyết tật ở đây xin được hiểu bao gồm cả khiếm khuyết - impairment, giảm khả năng - disability và tàn tật - handicap), và quyền con người, đặc biệt quyền của người khuyết tật.
Quan điểm tiếp cận về người khuyết tật chuyển từ quan niệm mang mầu sắc thần thánh ma quỷ (khuyết tật là do thánh thần phạt, do quỷ ám…) đến quan niệm đơn thuần y học với sự nhấn mạnh về tổn thương giải phẫu mất chức năng của cá nhân sang quan điểm từ góc độ môi trường đến cách tiếp cận hướng tới quyền của người khuyết tật, nhấn mạnh việc xoá bỏ rào cản về môi trường và xã hội để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người khuyết tật trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Quan điểm nhân quyền nhìn nhận khuyết tật là kết quả của sự phân biệt đối xử, và như vậy, đòi hỏi xã hội phải chuyển “khuyết tật” từ nhóm thiểu số có “nhu cầu đặc biệt” sang đa số trong các chính sách và hoạt động phát triển. Do đó, khuyết tật trở thành một vấn đề chung và việc xoá bỏ những rào cản trong nhận thức và trong môi trường, tạo điều kiện để người khuyết tật hoà nhập và tham gia vào các hoạt động chung là trách nhiệm của tất cả các ban, ngành và các chương trình của quốc gia nói riêng, thế giới nói chung.
Tuy nhiên, quan điểm về người khuyết tật bị ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố xã hội (văn hoá, đạo đức, tôn giáo…), kinh tế, y học…Chính những yếu tố này đã góp phần tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia trong phân loại đánh giá tổn thương cơ thể. Ví dụ, tổn thương mất răng ở các nước mà trồng răng nhân tạo “implant” chưa được phổ cập thì tổn thương này cũng được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Tuy nhiên ở các nước phổ cập công nghệ trồng răng nhân tạo thì tổn thương mất răng không được xác định tỷ lệ.
Tuỳ điều kiện của mỗi nước mà việc xây dựng các chỉ số được thực hiện khác nhau. Xây dựng các chỉ số đánh giá tỷ lệ tổn thương cơ thể tại Mỹ được thực hiện rất công phu mang tính khoa học cao. Tại Mỹ, xây dựng chỉ số tỷ lệ tổn thương cơ thể chỉ được tiến hành sau khi có các nghiên cứu cơ bản (thường là các nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của người bị khuyết tật) được hoàn thành với sự tham gia của các nhà khoa học y học, xã hội học. Một số nước khác áp dụng toàn bộ bảng tỷ lệ của Mỹ, Pháp hoặc áp dụng có chọn lọc, điều chỉnh, sửa đổi (Singgapore, Canada, Australia...).
Tại Việt Nam, việc xây dựng tiêu chuẩn được thực hiện từ năm 1948 trên cơ sở vận dụng có chọn lọc, sửa đổi bổ sung các tiêu chuẩn nước ngoài như Nga, Pháp và Mỹ do không đủ điều kiện và nhân lực để triển khai nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho việc xác định các tỷ lệ tổn thương.
Nguyên tắc phân loại đánh giá tỷ lệ tổn thương cơ thể cơ bản dựa trên một trong ba cơ sở như sau:
- Đánh giá dựa trên khả năng thực hiện các hoạt động sống hàng ngày (activities of daily living);
- Đánh giá dựa trên tổn thương giải phẫu.
- Đánh giá dựa trên tổn thương giải phẫu - chức năng.
- Đánh giá dựa trên cơ sở suy giảm nhóm chức năng - giải phẫu.
- Đánh giá dựa trên giải phẫu, chức năng, thực hiện các hoạt động sống hàng ngày.