Mất ngủ là mắc bệnh gì?

Ước tính khoảng ⅔ người ở Mỹ gặp phải các triệu chứng mất ngủ. Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ thường gặp ở mọi lứa tuổi, biểu hiện bằng việc khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại được mặc dù có đủ thời gian và điều kiện ngủ thích hợp. Mất ngủ làm giảm chất lượng sống vì gây ra mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, từ đó làm giảm hiệu suất lao động, học tập.

Mất ngủ kéo dài dưới 3 tháng được gọi là mất ngủ cấp tính. Tình trạng này nếu không được điều trị, có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính (kéo dài trên 3 tháng với tần suất mất ngủ ít nhất 3 đêm/ tuần). Khoảng 10% - 15% dân số toàn cầu bị mất ngủ mãn tính phải đối diện với tình trạng suy giảm chất lượng sống, nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện và các bệnh lý đau mãn tính, tim mạch, tiểu đường.

Ù tai là mắc bệnh gì?

Không có bệnh ù tai mất ngủ, đây chỉ là một triệu chứng liên quan đến vấn đề sức khỏe như chấn thương tai, mất thính lực do tuổi tác. Người bị ù tai có thể cảm nhận âm thanh ảo ở một hoặc cả hai tai, hoặc đôi khi cảm nhận được từ trong đầu. Các âm thanh có thể là tiếng chuông, tiếng vo ve, tiếng gầm, tiếng huýt sáo, tiếng lách cách, tiếng rít với cường độ và âm vực từ nhỏ đến lớn, từ trầm đến cao.

Ù tai có thể xuất hiện bất chợt, thoáng qua hoặc kéo dài liên tục. Ở một số trường hợp được gọi là ù tai cảm giác, thường do các cử động của đầu, cổ, mắt hoặc do chạm vào một số bộ phận cơ thể gây ra hoặc tạm thời thay đổi chất lượng âm thanh ù tai.

Phần lớn các trường hợp ù tai là chủ quan, nghĩa là chỉ có người bệnh mới nghe thấy tiếng ồn trong tai. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp là ù tai khách quan (hay là ù tai kiểu mạch đập). Tình trạng này là người bệnh cảm nhận được âm thanh ù tai đồng bộ với nhịp tim. Đối với dạng ù tai này, bác sĩ có thể nghe được khi thăm khám và điều trị được.

Ước tính khoảng 10% - 25% người lớn tại Mỹ từng trải qua ù tai, phổ biến nhất trong độ tuổi 40 - 80 nhưng trẻ em cũng có thể gặp phải. Ở cả trẻ em và người lớn, ù tai có khả năng cải thiện hoặc thậm chí biến mất theo thời gian. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nghiêm trọng hơn theo thời gian. Ù tai kéo dài trên ba tháng được coi là ù tai mãn tính.

Ù tai không phải là một căn bệnh mà là một triệu chứng liên quan đến vấn đề sức khỏe như chấn thương tai, mất thính lực do tuổi tác.

Tại sao mất ngủ gây ù tai và ù tai gây mất ngủ?

Rối loạn giấc ngủ có liên quan chặt chẽ với chứng ù tai. Giấc ngủ bị gián đoạn là một yếu tố nguy cơ đã được xác định rõ ràng làm trầm trọng thêm sự đau khổ do chứng ù tai gây ra. Ngược lại, bản thân chứng ù tai khó chịu là một yếu tố nguy cơ gây ra chất lượng giấc ngủ kém, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Tại Mỹ, có khoảng 25% - 77% người bị ù tai gặp phải tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên thức giấc và giảm thời gian ngủ REM. Tiếng ù trong tai khiến bạn thức giấc thường xuyên vào ban đêm, gây khó khăn để ngủ lại. Ở chiều ngược lại, thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc cũng gây ra hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng ù tai. Thiếu ngủ gây ra mệt mỏi, suy giảm nhận thức, tăng kích thích của hệ thần kinh trung ương, khiến bạn cảm nhận tiếng ù rõ và khó chịu hơn.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng ù tai mất ngủ?

Thiếu ngủ gây ù tai, ù tai mất ngủ do các nguyên nhân sinh lý và bệnh lý khác nhau.

Chúng bao gồm:

Nguyên nhân sinh lý

Ngay cả khi không gặp các vấn đề về giấc ngủ, bạn vẫn có thể bị ù tai do một số nguyên nhân sinh lý như:

  • Sự co thắt của các cơ ở tai trong gây ù tai, giảm thính lực, cảm giác đầy tức trong tai.
  • Nhiễm trùng tai hoặc tắc nghẽn ống tai do tích tụ dịch tai, ráy tai, bụi bẩn hoặc dị vật làm thay đổi áp suất, gây ù tai.
  • Người làm việc ở môi trường ồn ào, tiếp xúc tiếng ồn lớn từ các thiết bị công nghiệp, tiếng cưa hay tiếng súng.
  • Quá trình lão hóa tự nhiên làm giảm số lượng sợi thần kinh hoạt động ở tai trong, ảnh hưởng đến thính giác.
  • Một số tình trạng sức khỏe như béo phì, tim mạch, huyết áp cao, tiền sử viêm khớp hoặc chấn thương đầu cũng là nguy cơ phát triển chứng ù tai.

Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý ở tai có thể là nguyên nhân gây ra ù tai và mất ngủ như:

  • Bệnh Meniere: Sự rối loạn tai trong do áp suất dịch bất thường gây ra ù tai. Các triệu chứng khác của bệnh này như chóng mặt, buồn nôn cũng góp phần gây ra mất ngủ.

  • Rối loạn chức năng ống Eustachian: Ống Eustachian nối tai giữa với phía sau cổ họng. Sự rối loạn chức năng của cấu trúc này có thể tạo cảm giác đầy trong tai và gây ù tai, chóng mặt. Các triệu chứng này gây ra sự khó chịu khiến bạn bị mất ngủ.

  • Mất thính lực: Ốc tai chứa các tế bào lông nhỏ và nhạy cảm, chúng sẽ rung động khi nhận được âm thanh. Những rung động này sẽ được não bộ hiểu (xử lý) và diễn giải cho chúng ta biết được đó là âm thanh gì (âm thanh mà chúng ta nghe được). Ở tình trạng mất thính lực, các tế bào lông bị tổn thương (bị cong hay gãy), chúng gửi tín hiệu điện “lung tung” đến não làm não bộ hiểu nhầm là âm thanh, gây ra cảm giác ù tai.

  • Chấn thương ở vùng đầu hoặc cổ: Tình trạng này có thể tác động đến dây thần kinh thính giác hoặc chức năng não liên quan đến thính giác, gây ù tai một bên.

  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị có thể làm trầm trọng tình trạng ù tai và gián tiếp ảnh hưởng đến giấc ngủ. Mức độ ù tai thường tăng lên khi dùng thuốc ở liều cao. Các loại thuốc này bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng sinh, thuốc trị ung thư, thuốc lợi tiểu, thuốc chống sốt rét và thuốc chống trầm cảm.

Mất ngủ ù tai có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc, phổ biến nhất là thuốc kháng sinh.

Mất ngủ ù tai có nguy hiểm không?

Nếu mất ngủ kèm ù tai trong ngắn hạn thường không nguy hiểm. Tình trạng này chỉ gây ra mệt mỏi, uể oải, suy giảm khả năng ghi nhớ, gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, cảm giác bồn chồn và lo lắng nhẹ. Các triệu chứng này thường được cải thiện khi giấc ngủ phục hồi.

Nhưng nếu mất ngủ ù tai kéo dài tiến triển thành mãn tính sẽ gây rối loạn trong chu kỳ ngủ - thức, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tái tạo của cơ thể. Tình trạng này sẽ làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ bệnh tim mạch như huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, béo phì, ngưng thở khi ngủ và các bệnh chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường type 2.

Điều đáng lo ngại nữa là, một số bệnh lý tiền đình, khối u não và các bệnh lý tâm thần kinh như suy giảm nhận thức, trầm cảm, lo âu cũng có triệu chứng ù tai. Đây là các bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là khối u não có tính chất đe dọa tính mạng. Vì vậy triệu chứng ù tai không nên bị xem nhẹ, bỏ qua thăm khám, làm lỡ mất cơ hội được điều trị sớm.

Các phương pháp chẩn đoán mất ngủ ù tai

Để chẩn đoán tình trạng mất ngủ ù tai, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tai mũi họng, thần kinh, tâm thần. Đây là các thăm khám quan trọng để đánh giá chính xác các yếu tố liên quan đến cả hai triệu chứng mất ngủ và ù tai.

Đối với chứng ù tai, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên mô tả của bệnh nhân về tiếng ồn không có trong môi trường xung quanh. Ví dụ như tiếng ồn có âm vực cao hay thấp, tiếng lách cách, vo ve, đập hay ù ù. Việc mô tả này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân tiềm ẩn.

Sau đó, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán thường được chỉ định. Chẳng hạn như đo thính lực (đánh giá chức năng nghe); xét nghiệm hình ảnh MRI hoặc CT (loại trừ các nguyên nhân cấu trúc); xét nghiệm máu (kiểm tra các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như bệnh tim, thiếu vitamin, vấn đề về tuyến giáp và thiếu máu); đo chức năng tiền đình. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các cử động như chuyển động mắt, nghiến hàm, cử động đầu, cổ, tay, chân để phát hiện các rối loạn khác.

Nếu nghi ngờ mất ngủ mãn tính hoặc các rối loạn giấc ngủ khác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện test đánh giá giấc ngủ (Polysomnography) để cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc và chất lượng giấc ngủ.

Các phương pháp điều trị chứng mất ngủ ù tai

Hướng điều trị chứng mất ngủ ù tai là điều trị kết hợp cả triệu chứng ù tai và mất ngủ.

1. Điều trị ù tai

Tuỳ vào nguyên nhân của ù tai, triệu chứng này sẽ được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Ví dụ ù tai do các bệnh lý về tâm thần, có thể điều trị bằng thuốc chống lo âu alprazolam (Xanax) và một số thuốc chống trầm cảm như clomipramine (Anafranil), desipramine (Norpramin) hoặc liệu pháp âm thanh (ví dụ như máy tạo tiếng ồn trắng) để giúp người bệnh thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn hoặc liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp người bệnh thay đổi nhận thức và học cách đối phó với chứng ù tai.

Ù tai do các rối loạn tai trong, ví dụ như tiền đình ngoại biên, điều trị bằng thuốc ức chế tiền đình (thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamin, thuốc benzodiazepin) và thuốc chống nôn, vật lý trị liệu (bài tập Epley, Gufoni, Semont, BBQ Roll, Yacovino, các bài tập thăng bằng, phối hợp tay mắt và tập luyện thị giác); Suy giảm thính lực, mất thính lực điều trị bằng thuốc, sử dụng máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai…

Nếu ù tai do huyết áp cao, điều trị bằng thuốc huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm (Metoprolol, Labetalol, Carvedilol, Bisoprolol, Nebivolol, Propranolol, Timolol, Atenolol).

2. Điều trị mất ngủ

Điều trị nguyên nhân gây ra mất ngủ và kết hợp điều trị triệu chứng mất ngủ bằng thuốc như eszopiclone, zolpidem; liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) kéo dài 6 - 8 tuần để cải thiện thói quen ngủ và giảm lo lắng; thực hiện thiền chánh niệm giúp thư giãn và cải thiện giấc ngủ thông qua việc tập trung vào hơi thở.

Nhìn chung, điều trị ù tai mất ngủ là một điều trị phức tạp, cần có phác đồ cá thể hóa. Vì vậy, người bệnh nên đến các bệnh viện đa khoa uy tín, hiện đại để được thăm khám, liên kết hội chẩn, điều trị hiệu quả cao. Ví dụ như Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có sự phối hợp giữa khoa Tai - Mũi - Họng, Thần kinh và các chuyên khoa liên quan trong chẩn đoán và điều trị các tình trạng phức tạp như chứng ù tai mất ngủ. Các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm Tâm Anh dưới sự trợ giúp của hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại hàng đầu mang đến chẩn đoán chính xác, điều trị cá thể hóa hiệu quả cao.

Các biện pháp phòng ngừa chứng mất ngủ ù tai

Phòng ngừa triệu chứng ù tai mất ngủ thường tập trung vào các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tai mũi họng, tim mạch, thần kinh - những yếu tố nguy cơ của các tình trạng gây ra triệu chứng ù tai mất ngủ.

Một số biện pháp phòng ngừa nên được thực hiện như:

  • Chăm sóc, bảo vệ tai: Giữ tai khô ráo, tránh tiếng ồn lớn, hạn chế sử dụng tai nghe, không lấy ráy tai bằng các dụng cụ cứng, không lấy ráy tai ngoài tiệm; tiêm vắc xin phòng ngừa cảm cúm và một số bệnh gây viêm tai, thủng màng nhĩ, suy giảm thính lực; không lạm dụng thuốc kháng sinh; bảo vệ mũi họng, tránh để nhiễm trùng lây lan lên tai.
  • Chăm sóc, bảo vệ thần kinh - não bộ: Hạn chế căng thẳng quá mức, không thức khuya, làm việc quá sức; nên bổ sung các tinh chất bảo vệ sức khỏe não bộ ginkgo biloba và blueberry từ sớm.
  • Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chung: Tránh rượu, bia, thuốc lá; duy trì tập thể dục hàng ngày, giữ cân nặng khỏe mạnh, ăn uống khoa học, đủ chất, sống lạc quan, ngủ đủ giấc; thăm khám sức khỏe định kỳ; chủ động tầm soát tim mạch, u não nếu có các yếu tố nguy cơ cao.

Khi dùng tai nghe, người bệnh nên nghe với âm lượng vừa phải, thư giãn, tránh bật quá lớn hoặc dùng tai nghe liên tục trong thời gian dài.

Câu hỏi liên quan đến triệu chứng mất ngủ ù tai

Ù tai mất ngủ không phải bệnh lý cụ thể, nó là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn vì vậy thường gây ra lo lắng cho mọi người.

Ví dụ như:

1. Người trẻ có bị mất ngủ kèm ù tai không?

Người trẻ tuổi (từ 20 - 44) có thể bị mất ngủ kèm theo ù tai. Nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cụ thể là chứng giấc ngủ kinh hoàng cao hơn ở nhóm người bị ù tai mãn tính trong độ tuổi 20 - 44 so với các nhóm tuổi 7 - 19 và nhóm trên 45 tuổi.

2. Có thuốc đặc trị ù tai không?

Không có thuốc đặc trị nào được phê duyệt là có thể loại bỏ hoàn toàn hoặc chữa khỏi ù tai. Các loại thuốc được bác sĩ chỉ định chỉ có tác dụng giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ù tai hoặc điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan như lo âu, trầm cảm hoặc mất ngủ thường đi kèm với ù tai.

3. Ù tai do stress có tự khỏi không?

Phần lớn trường hợp ù tai do căng thẳng và lo lắng có thể tự khỏi khi tình trạng căng thẳng giảm đi. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp thì ù tai có thể tiến triển thành mãn tính, không thể tự khỏi được.

Mất ngủ ù tai là có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vì vậy, khi có triệu chứng thì người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tránh việc dùng thuốc hoặc các biện pháp điều trị không đúng cách. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chủ động phòng ngừa bệnh bệnh ù tai mất ngủ bằng cách chăm sóc sức khỏe tai mũi họng, tim mạch, thần kinh, giữ thói quen sống lành mạnh, vệ sinh giấc ngủ tốt cải thiện giấc ngủ tự nhiên và hỗ trợ giảm bớt chứng ù tai.