Chóng mặt xoay là một triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Xuất phát từ sự rối loạn của hệ thống tiền đình cùng việc mất cân bằng giữa hệ thống truyền tải thông tin, ức chế và hoạt hoá hai bên, người bệnh thường có cảm giác mọi thứ chuyển động xung quanh mình.

Liệu pháp vật lý tiền đình (vestibular physical therapy - VPT) hay còn được biết đến là liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình (vestibular rehabilitation therapy – VRT) là một phương pháp điều trị hiệu quả cao, giúp kiểm soát các triệu chứng rối loạn thằng bằng và chóng mặt ở nhiều mức độ khác nhau. VPT là một chương trình với các bài tập cụ thể được thiết kế để giảm các triệu chứng trên, cải thiện khả năng duy trì tư thế và giảm thiểu nguy cơ ngã với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nguyên lý cốt lõi của VPT liên quan đến thúc đẩy khả năng bù trừ và chuyển đổi của hệ thống thần kinh trung ương, làm thay đổi mức độ đáp ứng của não bộ với sự điều chỉnh đầu vào từ hệ thống tiền đình [1].

Một chương trình VPT hoàn thiện thường bao gồm các nhóm liệu pháp chìa khoá. Bài tập ổn định tầm nhìn tác động vào phản xạ tiền đình mắt (VOR), giúp duy trì thị lực rõ ràng khi chuyển động đầu. Bài tập thích nghi đưa người bệnh trải nghiệm với các chuyển động có thể gây khởi phát triệu chứng chóng mặt, mục đích nhằm giúp giảm thiểu độ nhạy cảm với các chuyển động đó theo thời gian. Bài tập tư thế giúp tăng cường khả năng năng duy trì tư thế thông qua các hoạt động động và tĩnh. Với các bệnh đặc hiệu như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, nghiệm pháp tái định vị sỏi tại có hiệu quả cao trong cải thiện triệu chứng.

Trong thực hành lâm sàng, để tối ưu hiệu quả cần phải cá nhân hoá điều trị dựa trên triệu chứng và chẩn đoán cụ thể. Giáo dục người bệnh cũng đóng vai trò trụ cột trong thành công của liệu pháp, trong đó truyền tải cho người bệnh các kiến thức về bệnh và chiến lược tự quản lý bệnh.

Bài tập giúp ổn định tầm nhìn [2]

  • Quay đầu: quay đầu sang hai bên (trái sang phải ngược lại) trong lúc mắt nhìn thẳng vào một mục tiêu cố định. Thực hiện tương tự nhưng với động tác cúi – gập đầu (hình 1A).
  • Quay đầu – thân: quay đầu và thân cùng một lúc theo chiều ngang, mắt nhìn thẳng vào ngón cái trong khi tay di chuyển cùng với trục thân (hình 1B).

Hình 1: Bài tập giúp ổn định tầm nhìn.

  • Quay đầu khi đi lại: thực hiện tương tự động tác đầu tiên nhưng khi người bệnh đi lại trên một đường thẳng.

Bài tập giúp tăng cường cử động mắt

  • Cử động mắt đột ngột (saccade): giữ đầu thẳng, di chuyển mắt. Tưởng tượng có hai mục tiêu đặt trên một đường thẳng trước mắt, nhìn thẳng vào một một tiêu và nhanh chóng nhìn sang mục tiêu còn lại trong khi đầu không di chuyển. Lặp lại nhiều lần (bài tập Cawthorne-Cooksey).
  • Cử động mắt theo đuổi nhịp nhàng: giữ đầu thẳng, di chuyển mắt. Duỗi một tay trước mặt và giơ ngón cái thẳng, di chuyển tay sang hai bên trong khi mắt tập trung vào ngón cái. (bài tập Cawthorne-Cooksey chuyển đổi)

Hình 2. Bài tập giúp tăng cường cử động mắt

  • Cử động mắt đột ngột và phản xạ tiền đình – mắt: đặt hai mục tiêu song song trước mắt (ví dụ duỗi hai tay trước mặt với ngón cái giơ thẳng lên). Nhìn vào một mục tiêu, sau đó nhìn vào mục tiêu còn lại và di chuyển đầu chậm dần về mục tiêu đó. Lặp lại sang phía đối diện (hình 2A)
  • Cử động theo đuổi tưởng tượng: nhìn thẳng vào một mục tiêu, đảm bảo đầu thẳng với mục tiêu. Nhắm mắt, sau đó quay đầu chậm rãi ra xa dần mục tiêu trong khi tưởng tượng vẫn đang nhìn vào mục tiêu. Sau đó, mở mắt và kiểm tra xem có hay không mắt vẫn đang nhìn vào mục tiêu. Nếu không, điều chỉnh tầm nhìn vào mục tiêu. Lặp lại sang phía đối diện (hình 2B).

Bài tập giúp cải thiện ổn định tư thế

  • Đứng bằng một chân: giữ vững trong 15 giây. Sau đó đổi sang chân còn lại (bài tập Cawthorne-Cooksey)
  • Đứng chân trước chân sau (gót chân này chạm vào mũi chân kia) trong 15 giây, sau đó đổi vị trí hai chân.

Hình 3: Bài tập lắc lư trước sau

  • Lắc lư trước sau: đảm bảo môi trường xung quanh an toàn phòng trường hợp tránh bệnh nhân ngã. Bắt đầu bằng việc gập người và di chuyển trọng tâm cơ thể về phía sau, đặt trọng tâm vào gót chân (ngón chân không chạm đất). Sau đó di chuyển toàn thể cơ thể về phía trước với trọng tâm và ngón chân (gót chân không chạm đất). Lặp lại 10 lần (hình 3).

Bài tập làm giảm cảm giác chóng mặt xoay

Hình 4: Bài tập làm giảm cảm giác chóng mặt xoay

  • Đứng thẳng với một tay giơ cao quá đầu, hai mắt nhìn vào tay đó. Gập người và hạ tay theo một đường chéo đồng thời mắt vẫn tiếp tục nhìn vào tay cho đến khi tay chạm chân đối diện. Lặp lại 10 lần (hình 4).

Bài tập giúp cải thiện hoạt động sống hàng ngày

  • Đứng thẳng sau đó xoay sang trái và phải (xoay góc rộng hoặc hẹp)
  • Thay đổi từ tư thế ngồi sau tư thế đứng, sau đó chuyển sang tư thế ngồi (bài tập Cawthorne-Cooksey).

Vai trò của N Acetyl – DL -Leucin trong phục hồi chức năng tiền đình

Bên cạnh các bài tập phục hồi chức năng tiền đình, một số dược chất cho thấy vai trò của mình trong việc thúc đẩy bù trù sau tổn thương tiền đình một bên, góp phần không nhỏ trong cải thiện triệu chứng của người bệnh. Ngoài các nhóm thuốc cơ bản như benzodiazepine, kháng histamine thế hệ thứ nhất hay nhóm thuốc chống nôn, N-Acetyl-DL-Leucin nhiều năm nay cho thấy vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng tiền đình, đặc biệt sau các tổn thương một bên, với cơ chế hoạt động chủ yếu tập trung vào việc điều hòa các tế bào thần kinh trung ương, đặc biệt là nhân tiền đình trong (MVN) [3]. N-Acetyl-DL-Leucin giúp khôi phục điện thế màng của các tế bào thần kinh, đưa chúng trở lại trạng thái cân bằng nghỉ ngơi sau khi bị tăng hoặc mất phân cực, từ đó giảm sự mất cân xứng thường thấy trong hội chứng tiền đình. Đáng chú ý, N-Acetyl-DL-Leucin gần như không tác động lên các tế bào thần kinh đang ở trạng thái bình thường, đảm bảo hiệu quả điều trị nhắm trúng đích [4].

Ngoài ra, N-Acetyl-DL-Leucin còn hoạt động như một chất đồng vận một phần của hệ thống glutamatergic, một hệ thống dẫn truyền thần kinh đóng vai trò cơ bản trong điều hoà chức năng tiền đình, qua đó góp phần tăng cường khả năng hồi phục tư thế sau khi bị tổn thương tiền đình một bên [5]. Nghiên cứu cũng cho thấy N-Acetyl-DL-Leucin tác động lên một số vùng não cụ thể như tiền đình - tiểu não (kích hoạt) và nhân đồi thị sau bên (ức chế), những vùng này đều có vai trò quan trọng trong việc xử lý thông tin thăng bằng và cảm giác [6]. Nhờ những tác động đa chiều này, N-Acetyl DL-Leucine mang lại hy vọng lớn trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân mắc các rối loạn tiền đình.

Tài liệu tham khảo

[1] S. L. Whitney and P. J. Sparto, “Principles of vestibular physical therapy rehabilitation,” NeuroRehabilitation, vol. 29, no. 2, pp. 157–166, Oct. 2011, doi: 10.3233/nre-2011-0690.

[2] B. I. Han, H. S. Song, and J. S. Kim, “Vestibular Rehabilitation Therapy: Review of Indications, Mechanisms, and Key Exercises,” J. Clin. Neurol., vol. 7, no. 4, p. 184, 2011, doi: 10.3988/jcn.2011.7.4.184.

[3] Neuzil et al, “N Acetyl DL-Leucine Symptomatic Medications of Conditions Dizzy,” Bull Soc Pharm, 2002.

[4] Nicolas Vibert and Pierre-Paul Vidal, “In vitro effects of acetyl-DL-leucine (tanganilâ) on central vestibular neurons and vestibulo-ocular networks of the guinea-pig.,” Eur. J. Neurosci., vol. 13, pp. 735–748, 2001.

[5] Roger Kall and Michael Strupp, “Aminopyridines and Acetyl-DL-leucine: New Therapies in Cerebellar Disorders,” Curr. Neuropharmacol., vol. 2019, pp. 7–13, 2019.

[6] L. Günther et al., “N-Acetyl-L-Leucine Accelerates Vestibular Compensation after Unilateral Labyrinthectomy by Action in the Cerebellum and Thalamus,” PLOS ONE, vol. 10, no. 3, p. e0120891, Mar. 2015, doi: 10.1371/journal.pone.0120891.