Vai trò Mecobalamine trong điều trị tổn thương thần kinh ngoại biên

Vai trò Mecobalamine trong điều trị tổn thương thần kinh ngoại biên

 

  TS.BS. Tăng Hà Nam Anh

    Bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

 

 TỔNG QUAN

Vitamine là những thành phần thiết yếu cho cơ thể mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Nhóm vitamine B gồm nhiều chất đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hoá của cơ thể. Vitamine B1 hay Thiamine có vai trò trong quá trình chuyển hoá carbohydrate, mỡ, acid amine, đường, rượu. Hợp chất này có vai trò trong chức năng của tế bào thần kinh trung ương và ngoại biên cũng như chức năng cơ tim. Thiếu vitamine B1 gây ra bệnh BeriBeri bao gồm các triệu chứng của thần kinh ngoại biên, suy cơ tim. Thiếu Vitamine B1 trong thức ăn gây hội chứng Wernicke-Korsakoff. Riboflavin hay vitamine B2 cũng đóng vai trò trong chuyển hoá carbohydrate và protein đồng thời giúp bảo toàn toàn vẹn màng tế bào. Niacin là một vitamine B3 tham gia trong quá trình chuyển hoá tế bào và carbohydrate, nó cũng tham gia trong phản ứng giảm oxi hoá. Thiếu Niacine sẽ gây ra bệnh Pellagra bao gồm viêm da, viêm lưỡi, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hoá. Nhóm vitamine B6 là nhóm gồm nhiều hợp chất tham gia nhiều mặt trong sự chuyển hoá nitrogen, sinh tổng hợp acid nucleic. Việc thiếu nhóm vitamine B6 sẽ gây ra các cơn động kinh, thiếu máu, bệnh lí thần kinh,viêm da tiết bã. Acid folic hay vitamine B9 làm trưởng thành tế bào hồng cầu thông qua việc tổng hợp purine, pyrimidines, đồng thời nó cũng tham gia trong sự phát triển Methionine của hệ thần kinh bào thai. Việc thiếu acid folic là nguyên nhân gây ra các bệnh thiếu máu hồng cầu to, khiếm khuyết ống thần kinh bào thai và lú lẫn tinh thần. Mặt dù nhóm vitamime B ít hay nhiều đều tham gia vào quá trình sinh tổng hợp, chuyển hoá các chất quan trọng trong sự hình thành tế bào nhưng chỉ có nhóm vitamine B12 là tham gia vào việc sửa chữa, tái tạo thần kinh ngoại biên.

 

Vitamine B12 là nhóm gồm 4 chất [8] có chung một cấu trúc trung tâm là nhân cobalt nối với 4 vòng pyrrole tạo thành hệ thống vòng corrin, khi CN nối vào nhân Cobalt sẽ tạo thành chất cyanocobalamine (CN-B12). Khi nhóm OH gắn vào nhân Cobalt ta sẽ có hợp chất tên là hydroxyocobalamine ( OH-B12), khi nhóm deoxyadenosyl gắn kết vào nhân Cobalt chúng ta sẽ có coenzyme dimethylbenzimidazole cobamide coenzyme ( DBCC), cuối cùng khi gắn nhóm CH3 vào nhân Cobalt chúng ta sẽ có hợp chất methylcobalamine.

Vitamine B12 có những chức năng chuyển hoá trong cơ thể. Nó đóng vai trò như coenzyme chuyển đổi ribonucleotide thành deoxyribonucleotides, một bước quan trọng trong việc nhân lên của gene. Như vậy hai chức năng chính của Vitamine B12 là  1. Tạo sự tăng trưởng, 2. Hình thành tế bào máu và tạo nên sự trưởng thành tế bào máu. Một ảnh hưởng quan trọng của thiếu B12 trên hệ thần kinh là làm mất myeline  của các sợi thần kinh lớn của tuỷ sống nhất là cột sau và thỉnh thoảng ở cột bên.

Bảng 1. Các phản ứng sinh hoá liên quan đến coenzyme B12

Screenshot 2015-11-23 10.55.38

 

Trong các phản ứng trên, nhóm methylcobalamin tham gia vào quá trình hình thành methionine và tetrahydrofolate. Điều này sẽ giải thích một số cơ chế của các bệnh liên quan đến thiếu methylcobalamin như thiếu máu ác tính và đặc biệt liên quan đến bệnh lý thần kinh ngoại biên.

 

  1. CƠ CHẾ TÁC DỤNG [8]

Thiếu vitamine B12 dẫn đến thiếu cobalamine và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Sự giảm methyl hoá ở hệ thần kinh ngoại biên đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý thần kinh có liên quan đến B12. Thiếu cobalamine sẽ làm giảm tỉ lệ S-adenosylmethionine (SAM) với S-adenosylhomocysteine do giảm sự tạo thành methionine. Thiếu hụt SAM làm suy giảm phản ứng gắn methyl ở bao myelin. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy sự tăng các cytokine độc thần kinh như TNF và giảm các yếu tố hướng thần kinh EGF và cytokine hướng thần kinh IL-6 có thể đóng góp vào các bệnh lý thần kinh liên quan đến vitamine B12. Methycobal tham gia trong quá trình tổng hợp lecithine, một thành phần quan trọng của bao myelin do đó việc thiếu chất này sẽ làm tổn thương bao myelin của các sợi thần kinh ngoại biên cũng như các tác giả nghĩ rằng việc sử dụng methylcobal sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục của dây chần kinh ngoại biên.

Thiếu hụt vitamine B12 cũng liên quan đến bệnh lý thần kinh tiểu đường. Ở những bệnh nhân tiểu đường sự thiếu hụt vitamine này có thể là do chính căn bệnh tiểu đường hay do việc sử dụng các thuốc điều trị đường huyết như metformine.

Ở những bệnh nhân suy thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng là do sự thiếu hụt vitamine B12. Khả năng tẩy độc cyanide bị suy giảm ở những bệnh nhân này vì giảm sự thải trừ thiocyanide huyết thanh, và việc tăng tổng hợp cyanocobalamine cho thấy sự tăng lượng cyanide, điều này có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh lý thần kinh do ure. Mecobalamine được xem như là chất dùng trong quá trình giải độc cyanide qua chu trình tổng hợp cyanocobalamine.

CÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG TRÊN LÂM SÀNG

Vai trò của mecobalamin trong bệnh lý thần kinh tiểu đường.

Hiệu quả của mecobalamine ở bệnh nhân bệnh lý thần kinh tiểu đường đã được khảo sát ở vài nghiên cứu.

Trong một nghiên cứu [2] với các bệnh nhân có bệnh lý thần kinh tiểu đường được tiêm mecobalamine vào tuỷ sống không đều đặn mỗi tháng 1 lần trong 2-3 tháng. sau điều trị dù không có cải thiện có ý nghĩa thống kê ở tốc độ dẫn truyền thần kinh mác, các triệu chứng như tê bì, rát bỏng, nặng chân đã cải thiện đáng kể. một nghiên cứu với 50 bệnh nhân phân bố ngẫu nhiên mù đôi thì các triệu chứng thực thể và thần kinh tự chủ đã cải thiện đáng kể trên nhóm dùng mecobalamine dù cho trên sinh lý thần kinh không thay đổi. một nghiên cứu khác với 108 bệnh nhân chia hai nhóm điều trị dùng mecobalamine và nhóm vitamine B12. sau 12 tuần điều trị nhóm dùng mecobalamine đã có cải thiện đáng kể triệu chứng thần kinh. Những nghiên cứu này cho thấy mecobalamine có hiệu quả trong bệnh lý thần kinh ngoại biên đặc biệt trong việc cải thiện triệu chứng.

Hiệu quả của mecobalamin hội chứng ống cổ tay

Trong một nghiên cứu mở, 135 bệnh nhân [4] già bị liệt nửa người sau đột quị được chia làm hai nhóm có dùng và không dùng mecobalamine với liều 1500mcg trong 2 năm. Sau 2 năm điều trị, tác giả Sayo nhận thấy số bệnh nhân đạt tiêu chuẩn hội chứng ống cổ tay giảm từ 20 xuống còn 7 trong nhóm điều trị và tăng từ 21 lên 35 ở nhóm không điều trị.

Mecobalamin giúp phát triển sợi thần kinh ngoại biên

Một nghiên cứu của Watanabe 1994 [6] trong tạp chí khoa học thần kinh cho thấy liều cao của mecobalamine giúp kích thích sự phát triển của thần kinh. Những nghiên cứu gần đây của Okada cho thấy methylcobalamine tăng hoạt động Erk1/2 và Akt thông qua chu trình gắn methyl và kích thích sự phát triển của thần kinh ở thần kinh đùi bị tổn thương ở chuột.

Năm 1999 Wailakul [5] đã đăng trên tạp chí nghiên cứu thuốc lâm sàng ( Clin Drug Invest) một nghiên cứu với 179 bệnh nhân bị tổn thương đám rối cánh tay do bị giật đứt. tất cả bệnh nhân được thần kinh hoá bằng cách dùng thần kinh kinh bì bắp chân nối giữa thần kinh tuỷ sống phụ với thần kinh cơ bì. sau mổ các bệnh nhân được chia hai nhóm có dùng methylcobalamin và được eho dõi 2 năm. Kết quả chẩn đoán diện cơ cho thấy sự tái phân bố thần kinh vào nhóm cơ gấp khuỷu rất nhanh ở nhóm có dùng methylcobalamin. Sức cơ tốt hơn rất nhiều ở nhóm có dùng thuốc và các tác giả đã kết luận Methylcobalamin có thể dẩy mạnh việc gấp khuỷu chủ động ở những bệnh nhân được thần kinh hoá thần kinh tuỷ sống phụ.

Hiệu quả của methylcobal trong bệnh lý cột sống cổ.

Một nghiên cứu trên 62 bệnh nhân [1]có bệnh lý cột sống cổ có triệu chứng tê, đau hạn chế vận động chi trên đã được sử dụng Mecobalamin 500 mcg 4 lần/1 tuần. Triệu chứng đau trên thang điểm VAS từ 0 – 3. Sau 4 tuần đánh giá các triệu chứng cải thiện có ý nghĩa thống kê, trung bình trên 76% nhóm bệnh nhân được nghiên cứu.

Một nghiên cứu khác của tác giả Yamamoto [7] nghiên cứu trên tác dụng giảm đau của Methycobal chích trong các bệnh lý của cột sống thắt lưng bao gồm trượt đốt sống, đau lưng, đau xơ cơ, đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm. Trên nhóm bệnh nhân trượt đốt sống 94% bệnh nhân có cải thiện từ nhẹ đến đáng kể, trên nhóm bệnh nhân đau thần kinh tọa, 90% bệnh nhân có cải thiện từ nhẹ đến đáng kể. Tổng cộng trên 349 bệnh nhân của tất cả các nhóm, chỉ có 9,2% không thay đổi.

 KẾT LUẬN

Những nghiên cứu lâm sàng và trên động vật cho thấy methylcobalamine có vai trò trong sự sửa chữa các tổn thương sợi thần kinh, cải thiện triệu chứng của các bệnh lý thần kinh  ngoại biên trên các bệnh lý tiểu đường, suy thận.

Mecobalamine đã được chỉ định dùng rộng rãi trong các bệnh lý thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như bệnh lý chèn ép thần kinh ngoại biên ví dụ trượt đốt sống, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, chèn ép thần kinh trong các ống hẹp như ống cổ tay, cổ chân. Trong các bệnh lý nội khoa như bệnh thần kinh tiểu đường, bệnh thần kinh tăng ure máu, do rượu, đau thần kinh (đau thần kinh sinh ba), sau zona.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hanai. K, Inoue.Y (1980). Medical treatment, 13. (4). 29
  2. Ide H, Fujiya S, Asanuma Y, et al ( 1987). Clinical usefulness of intrathecal injection of methylcobalamine in patient with diabetic neuropathy. Clin Ther 9: 183-92.
  3. Okada K, Tanaka H, Temporin K, Okamoto M, Kuroda Y, Moritomo H, Murase T, Yoshikawa H ( 2010). methylcobalamine increases Erk1/2and Akt activities through the methylation cycle and promotes nerve regeneration in a rat sciatic nerve injury model. Experimental neurology 222: 191-203.
  4. Sayo Y et al (2005). Amelioration by mecobalamin of subclinical carpal tunnel sundrome involving unaffected limbs in stroke patients. J Neurol Sci, Apr 15;231(1-2): 13-8.
  5. Waikakul S, Hirunyachote P ( 1999). Effects of Methylcobalamin in Neurotisation fater Brachial Plexus Injury, A Controlled Study. Clin Drug Invest Mar; 17(3): 179-184.
  6. Watanabe T, Kaji R, Oka N, Bara W, Kimura J ( 1994). Ultra-high dose methylcobalamine promotes nerve regeneration in experimental acrylamide neuropathy. J Neuro Sci Apr; 122(2): 140-3.
  7. Yamamoto .R (1984). Prog. Med. 4 (3):769
  8. Zhang Y-F, Ning G ( 2008). Mecobalamine. Expert Opin. Investig. Drug 17(6): 953-964.