Trong vòng tay bạn bè ASEAN

Trong vòng tay bạn bè ASEAN

GsTs  LÊ ĐỨC HINH

Nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam

Toàn thế giới đang chia vui với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippin hồi tháng 4 năm nay đánh dấu 50 năm xây dựng và phát triển của ASEAN. Đông Nam Á là một trong các khu vực đa dạng nhất trên thế giới với dân số 640 triệu người bao gồm 240 triệu người Hồi giáo, 120 triệu người theo Ấn độ giáo, Lão giáo, Nho giáo v.v. Quốc gia đông dân nhất là Inđônêxia còn Brunây chỉ có 450.000người. Thu nhập bình quân đầu người của Xingapo là 52.960 đôla Mỹ mỗi năm (khoảng 1,2 tỷ đồng VN), cao gấp 25 lần so với Lào (khoảng 2.353 đôla Mỹ).

Trong khuôn khổ của ASEAN, Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (ASEAN Neurological Association/ASNA) đã ra đời vào ngày 16 tháng 11 năm 1994 tại Fort Ilocandia, Laoag, Philippin với mục đích:

–      Xúc tiến mối quan hệ giữa các Hội Thần kinh học trong các nước Đông Nam Á.

–      Trao đổi thông tin về cách tổ chức các cơ sở phục vụ bệnh nhân thần kinh của các nước Đông Nam Á.

–      Nghiên cứu và báo cáo về các vấn đề chung của thần kinh học trong các nước thành viên.

–      Giúp đỡ nhau xâu dựng và đề ra các chính sách nhằm đạt mức cao nhất có thể được trong chăm sóc bệnh thần kinh cho nhân dân các nước Đông Nam Á.

–      Liên hệ với tư cách là một tổ chức riêng biệt với các cơ sở và cơ quan y tế ở từng nước trong khu vực Đông Nam Á.

Lúc đầu có sáu nước có đại diện ký vào văn bản Điều lệ của Hiệp hội gồm: Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Xingapo, Brunây và Thái Lan. Hiệp hội đã quyết định tổ chức các Hội nghị thường kỳ hai năm một lần.

1

Tiếp theo Hội thảo về Tai biến mạch não năm 1996, Việt Nam đã được mời cử đại diện tham gia Ban Tư vấn Tai biến mạch não cấp tính châu Á (Asian Acute Stroke Advisory Panel/AASAP) sau này đổi tên là Ban Tư vấn Tai biến mạch não châu Á (Asian Stroke Advisory Panel/ASAP); hiện nay Việt Nam được có hai đại diện. Sau đó vào ngày 27 tháng 7 năm 1997, nhân dịp Hội nghị thường kỳ lần thứ hai của Hiệp hội, đại diện các Chi hội Thần kinh học Việt Nam ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tới tham dự lễ kết nạp Hội Thần kinh học Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bẩy của Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á, tổ chức tại Xingapo. Trong hội nghị này, chúng ta đã có một số báo cáo như Tai biến mạch não tại miền Nam Việt Nam, Viêm não Nhật Bản tại miền Bắc Việt Nam v.v. Từ đó đến nay, liên tục trong các cuộc Hội thảo chuyên đề cũng như Hội nghị thường kỳ hai năm của Hiệp hội, chúng ta đều tham gia đầy đủ với sự đóng góp báo cáo khoa học của các đồng nghiệp chuyên khoa Thần kinh học trong cả nước. Mặt khác, chúng ta đã mời một số chuyên gia của Hiệp hội tới thăm một số cơ sở điều trị, giảng dạy tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai.

Trong lĩnh vực chuyên khoa sâu, ngày 25 tháng 1 năm 2002 tại Bệnh viện Bạch Mai chúng ta đã tổ chức một Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Tai biến mạch não. Cùng với các đại diện của Hiệp hội còn có sự tham gia của các đại biểu Nhật Bản, Hàn Quốc, Canađa, Hồng Kông, Đài Loan,… Ngày 28 tháng 4 năm 1999 cũng tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai một sinh hoạt khoa học hưởng ứng chiến dịch toàn cầu chống động kinh “Thoát khỏi tối tăm” (Out of  the shadows) được thế giới phát động từ năm 1997. Ngày 25 và 26 tháng 4 năm 2000 tại Hà Nội, Hội nghị Quốc tế về Động kinh lần thứ Nhất được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hội Quốc tế chống Động kinh  (ILAE), Hiệp hội Thần kinh học Đông Nam Á và Hội Thần kinh học Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, một lớp tập huấn Động kinh học được triển khai vào hai ngày 30 tháng 6 và 1 tháng 7 năm 2004 với sự tham gia của Liên hội Quốc tế chống Động kinh, Hiệp hội Thần kinh học Đông Nam Á và Hội Thần kinh học Tp. Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng đã cử đại diện tham dự theo lời mời tới các Hội nghị quốc tế về bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, thần kinh trẻ em, vữa xơ động mạch, tai biến mạch não… tại Nhật Bản, Phần Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia, v.v. Một vinh dự lớn là Hội Thần kinh học Việt Nam được đăng cai tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào hai ngày 19 và 20 tháng 11 năm 2004 Hội nghị Quốc tế lần thứ Hai về bệnh xơ cứng rải rác tại châu Á và khu vực Trung Đông.

Tiếp nối với việc được kết nạp vào Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á, Hội Thần kinh học Việt Nam đã có vinh dự được gia nhập vào Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (World Federation of  Neurology/WFN và Hội Thần kinh học khu vực châu Á và châu Đại Dương (Association of Asian and Oceanian Neurology/AOAN) năm 2005. Ngoài ra chúng ta vẫn thường xuyên có liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội Thần kinh học Đông Nam Á qua các cuộc hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước.

1997 – 2017: đã hai mươi năm trôi qua từ khi Hội Thần kinh học Việt Nam tham gia Hiệp hội Thần kinh học Đông Nam Á. 2017 cũng là năm đánh dấu sự thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á sau năm mươi năm. Hai con số 20 và 50 đều mang một thông điệp có ý nghĩa nhân văn vô cùng quan trọng. Nếu tuổi hai mươi là tuổi thanh xuân tràn đầy sinh lực thì tuổi năm mươi là tuổi “tri thiên mệnh” theo triết học phương đông. Do đó chúng ta vô cùng hy vọng trong vòng tay lớn của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp hội Thần kinh học Đông Nam Á (ASNA) sẽ lập nên nhiều kỳ tích mới trong sự nghiệp phát triển chuyên ngành Thần kinh học.

Nhân dịp chào mừng ASEAN 50 năm tuổi, chúng ta nhiệt liệt chúc cho ASEAN tiếp tục phát triển bền vững và chúc cho ASNA luôn xứng đáng là đại diện cho chuyên khoa Thần kinh học của các nước Đông Nam Á.