Suy giảm nhận thức và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân parkinson

Suy giảm nhận thức và một số yếu tố liên quan  trên bệnh nhân parkinson 

Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trần Văn Tuấn, Phạm Thị Kim Dung
Lê Thị Quyên, Món Thị Uyên Hồng,
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

TÓM TẮT
Mục tiêu: Mô tả một vài đặc điểm suy giảm nhận thức và một số yếu tố liên quan đến suy giảm nhận thức trên bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Lão Khoa Trung Ương năm 2016.
Phương pháp:Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành trên 106 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Parkinson tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương từ tháng 12/2015 đến tháng 07/2016.
Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ bệnh nhân Parkinson suy giảm nhận thức là 53,8%; trong đó, bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ là 23,6% và bệnh nhân sa sút trí tuệ là 30,2%. Suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Parkinson đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng thị giác – không gian (63,2%), tốc độ vận động thị giác (61,4%), hoạt động hàng ngày (52,6%), suy giảm trí nhớ: nhớ lại từ có trì hoãn (63,2%), nhớ lại từ ngay (61,4%) và nhớ lại hình trì hoãn (50,9%). Suy giảm trí nhớ và sự tập trung chú ý ở bệnh nhân Parkinson có liên quan đến trình độ học vấn và tình trạng trầm cảm (p<0,05). Trong khi đó, hoạt động hàng ngày và chức năng thùy trán lại có mối liên quan đến giai đoạn bệnh nặng theo phân độ Hoehn và Yahr và tình trạng trầm cảm của bênh nhân (p<0,05).
Từ khóa: Bệnh Parkinson, suy giảm nhận thức.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với những tiến bộ mà nhân loại đạt được trong lĩnh vực y học kết hợp với sự phát triển về kinh tế, xã hội đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao tuổi thọ của bệnh nhân Parkinson. Đồng thời, sự phát triển của y học thông qua những nghiên cứu đi sâu vào tìm hiểu, làm rõ thêm về nguyên nhân, cơ chế gây bệnh và các đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cũng giúp các nhà thực hành lâm sàng có cái nhìn toàn diện hơn, rõ ràng hơn về bệnh Parkinson. Đặc biệt, những nghiên cứu về suy giảm nhận thức trên bệnh nhân Parkinson và những yếu tố liên quan đến nhận thức ở bệnh nhân Parkinson có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị, giúp cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Cũng chính vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu: “Mô tả một vài đặc điểm suy giảm nhận thức và một số yếu tố liên quan đến suy giảm nhận thức trên bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016”.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
– Tiêu chuẩn lựa chọn: Các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Parkinson theo tiêu chuẩn của Ngân hàng não hội Parkinson Vương quốc Anh đang được khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016.
– Tiêu chuẩn loại trừ: Có bằng chứng lâm sàng và/hoặc bằng có hình ảnh học gợi ý đến các hội chứng Parkinson khác của viêm não, bệnh mạch máu não, bệnh tràn dịch não thất hay bệnh sa sút trí tuệ.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Cỡ mẫu thuận tiện: lấy tất cả các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn vào nghiên cứu. Tất cả bệnh nhân được hỏi và khám lâm sàng bởi bác sĩ Thần kinh và được làm trắc nghiệm thần kinh tâm lý tại phòng nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ – Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Số liệu được thu thập theo mẫu bệnh án thống nhất. Kết quả được xử lý thống kê theo phần mềm SPSS 16.0.
Chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ: Tiêu chuẩn chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ về trí nhớ theo Ronald Petersen và cộng sự và phân loại dưới nhóm suy giảm nhận thức nhẹ theo Winblad B và cộng sự [1].
Chẩn đoán sa sút trí tuệ: Theo tiêu chuẩn chẩn đoán sa sút trí tuệ của sách Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần lần thứ tư của Hoa Kỳ (DSM-IV/ Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 4th Edition) [1].

KẾT QUẢ

Screenshot (76)

Biểu đồ 1. Tỷ lệ suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Parkinson

Nhận xét: Trong 106 bệnh nhân Parkinson, có 57 bệnh nhân suy giảm nhận thức (53,8%). Trong đó, 25 bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ (23,6%) và 32 bệnh nhân sa sút trí tuệ (30,2%).

Tuổi

 

LV nhận thức

≤70 tuổi >70 tuổi P
Không rối loạn (%) Rối loạn (%) Không rối loạn (%) Rối loạn (%)
Nhớ từ Nhớ từ ngay 19 13 10 15 >0,05
Nhớ từ trì hoãn 13 19 8 17 >0,05
Nhận biết từ trì hoãn 28 4 22 3 >0,05
Nhớ hình Nhớ hình ngay 15 17 7 18 >0,05
Nhớ hình trì hoãn 18 14 10 15 >0,05
Nhận biết hình trì hoãn 28 4 18 7 >0,05
Đọc Xuôi 32 0 23 2 >0,05
Ngược 21 11 11 14 >0,05
TN Boston sửa đổi 29 3 18 7 >0,05
Kể tên con vật 26 6 21 4 >0,05
Vẽ đồng hồ 11 20 8 16 >0,05
Chức năng thùy trán 26 6 18 7 >0,05
Gạch bỏ số 14 18 8 17 >0,05
HĐHN 12 20 15 10 >0,05
HĐHN với dụng cụ 17 15 14 11 >0,05

 Nhận xét: Không có sự khác biệt về sự suy giảm các lĩnh vực nhận thức giữa hai nhóm bệnh nhân Parkinson trên 70 tuổi và từ 70 tuổi trở xuống.

Screenshot (77)

Biểu đồ 2. Đặc điểm suy giảm các lĩnh vực nhận thức ở bệnh nhân Parkinson

Nhận xét: Suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Parkinson đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng thị giác – không gian (63,2%), tốc độ vận động thị giác (61,4%), HĐHN (52,6%), HĐHN bằng dụng cụ, phương tiện (45,6%), suy giảm trí nhớ.

Bảng 2. Liên quan giữa TĐHV với một số lĩnh vực nhận thức ở BN Parkinson

Trình độ HV

 

LV nhận thức

Cấp 1;2 Cấp 3 trở lên P
Không rối loạn (%) Rối loạn (%) Không rối loạn (%) Rối loạn (%)
Nhớ từ Nhớ từ ngay 15 16 14 12 >0,05
Nhớ từ trì hoãn 12 19 9 17 >0,05
Nhận biết từ trì hoãn 27 4 23 3 >0,05
Nhớ hình Nhớ hình ngay 12 19 10 16 >0,05
Nhớ hình trì hoãn 12 19 16 10 >0,05
Nhận biết hình trì hoãn 25 6 21 5 >0,05
Đọc Xuôi 30 1 25 1 >0,05
Ngược 13 18 19 7 <0,05
TN Boston sửa đổi 24 7 23 3 >0,05
Kể tên con vật 24 7 23 3 >0,05
Vẽ đồng hồ 8 21 11 15 >0,05
Chức năng thùy trán 20 11 24 2 <0,05
Gạch bỏ số 10 21 12 14 >0,05
HĐHN 14 17 13 13 >0,05
HĐHN với dụng cụ 16 15 15 11 >0,05

Nhận xét: Tỷ lệ rối loạn khả năng đọc ngược dãy số và chức năng thùy trán cao hơn có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân Parkinsnon có trình độ học vấn thấp (cấp 1; 2) (p<0,05)

Bảng 3. Liên quan giữa giai đoạn bệnh theo Hoehn – Yahr với một số lĩnh vực nhận thức ở BN Parkinson

                    GĐ bệnh theo Hoehn-Yahr

 

LV nhận thức

Giai đoạn 1,2 Giai đoạn 3,4,5 P
Không rối loạn (%) Rối loạn (%) Không rối loạn (%) Rối loạn (%)
Nhớ từ Nhớ từ ngay 12 11 17 17 >0,05
Nhớ từ trì hoãn 9 14 12 22 >0,05
Nhận biết từ trì hoãn 21 2 29 5 >0,05
Nhớ hình Nhớ hình ngay 10 13 12 22 >0,05
Nhớ hình trì hoãn `14 9 14 20 >0,05
Nhận biết hình trì hoãn 19 4 27 7 >0,05
Đọc Xuôi 22 1 33 1 >0,05
Ngược 13 10 19 15 >0,05
TN Boston sửa đổi 19 4 28 6 >0,05
Kể tên con vật 18 5 29 5 >0,05
Vẽ đồng hồ 6 16 13 20 >0,05
Chức năng thùy trán 17 6 27 7 >0,05
Gạch bỏ số 11 12 11 23 >0,05
HĐHN 17 6 10 24 <0,05
HĐHN với dụng cụ 18 5 13 21 <0,05

Nhận xét: Tỷ lệ rối loạn chức năng HĐHN và HĐHN bằng dụng cụ cao hơn có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân Parkinson giai đoạn bệnh nặng (giai đoạn 3,4 và 5) theo Hoehn – Yahr. (p<0,05).

Bảng 4. Liên quan giữa trầm cảm với một số lĩnh vực nhận thức ở BN Parkinson

                                        Trầm cảm

 

LV nhận thức

Không P
Không rối loạn (%) Rối loạn (%) Không rối loạn (%) Rối loạn (%)
Nhớ từ Nhớ từ ngay 9 5 20 23 >0,05
Nhớ từ trì hoãn 7 7 14 29 >0,05
Nhận biết từ trì hoãn 12 2 38 5 >0,05
Nhớ hình Nhớ hình ngay 9 5 13 30 <0,05
Nhớ hình trì hoãn 8 6 20 23 >0,05
Nhận biết hình trì hoãn 12 23 34 9 >0,05
Đọc Xuôi 14 0 41 2 >0,05
Ngược 11 3 21 22 <0,05
TN Boston sửa đổi 13 1 34 9 >0,05
Kể tên con vật 11 3 36 7 >0,05
Vẽ đồng hồ 6 8 13 28 >0,05
Chức năng thùy trán 12 2 32 11 >0,05
Gạch bỏ số 9 5 13 30 <0,05
HĐHN 9 5 18 25 >0,05
HĐHN với dụng cụ 11 3 20 23 <0,05

 

Nhận xét: Tỷ lệ rối loạn chức năng hoạt động hằng ngày và hoạt động hàng ngày bằng dụng cụ cao hơn có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân Parkinson giai đoạn bệnh nặng (giai đoạn 3,4 và 5) theo Hoehn – Yahr. (p<0,05)

BÀN LUẬN
Trong 106 bệnh nhân nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy 57 bệnh nhân suy giảm nhận thức, chiếm 53,8%, với 25 (23,6%) bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ và 32 (30,2%) bệnh nhân sa sút trí tuệ. Qua phân tích 57 bệnh nhân suy giảm nhận thức, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực nhận thức bị ảnh hưởng nhiều ở bệnh nhân Parkinson là chức năng thùy trán thông qua trắc nghiệm đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ, chức năng thị giác không gian (trắc nghiệm vẽ đồng hồ), tốc độ vận động thị giác (trắc nghiệm gạch bỏ số) và trí nhớ suy giảm với tỷ lệ khác biệt giữa trí nhớ ngay, nhớ trì hoãn và khả năng nhận biết trì hoãn, cũng khác nhau giữa khả năng nhớ hình và nhớ từ (rối loạn khả năng nhớ hình ngay có tỷ lệ cao nhất là 35,8%).
Trí nhớ là lĩnh vực nhận thức bị rối loạn khá phổ biến ở bệnh nhân Parkinson và là một trong các dấu hiệu dự báo cho sự xuất hiện của sa sút trí tuệ trên bệnh nhân Parkinson [2]. Suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân Parkinson được chứng minh có liên quan đến sự thiếu hụt thụ thể D2 ở vỏ não thùy đảo, ở vỏ não vùng viền phía trước và các nếp cuộn não thuộc hồi hải mã [2]. Tùy vào vị trí thiếu hụt thụ thể D2 ở trên não mà các rối loạn của bệnh nhân Parkinson cũng sẽ khác nhau. Cụ thể, sự thiếu hụt thụ thể D2 ở vỏ não thùy đảo và vùng viền bên phải ít khi gây suy giảm trí nhớ nhưng nếu các thiếu hụt đó xuất hiện ở vỏ não thùy đảo và các nếp cuộn não thuộc hồi hải mã bên trái thì lại gây suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ gần và chức năng điều hành ở bệnh nhân Parkinson [2]. Tuy nhiên, về mối liên quan giữa suy giảm trí nhớ và sự thiếu hụt dopamin vẫn còn chưa được rõ ràng [2]. Bên cạnh đó, các thăm khám hình ảnh học gần đây (như chụp MRI, PET và SPECT) cho thấy suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Parkinson cũng liên quan đến những thay đổi của cả chất xám và chất trắng trên não [3]. Đặc biệt là mối liên quan giữa teo chất xám và sự suy giảm trí nhớ của bệnh nhân Parkinson [3]. Trong nghiên cứu này, suy giảm trí nhớ chiếm tỷ lệ khá cao và có sự khác nhau giữa các loại trí nhớ được đánh giá: nhớ lại từ có trì hoãn (63,2%), nhớ lại từ ngay (61,4%) và nhớ lại hình trì hoãn (50,9%). Chúng tôi thấy suy giảm trí nhớ hình ngay của bệnh nhân Parkinson cao hơn có ý nghĩa ở bệnh nhân nữ giới và bệnh nhân Parkinson có trầm cảm (p<0,05) và không thấy có mối liên quan giữa hầu hết các loại trí nhớ của bệnh nhân Parkinson với giới tính, tuổi, trình độ học vấn và mức độ nặng của bệnh theo phân độ Hoehn và Yahr.
Chức năng thực hiện nhiệm vụ bao gồm khả năng tổ chức, lên kế hoạch thực hiện hành vi, giải quyết vấn đề. Chức năng này chủ yếu được đảm nhận bởi hệ thống não trước đặc biệt là thùy trán, theo Koshimori Yuko và cộng sự, ở những bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ có sự tổn thương chất trắng ở thùy trán và vùng thái dương 2 bên, qua đó liên quan đến chức năng thực hiện nhiệm vụ và chức năng nhận thức chung [4]. Ngoài ra, suy giảm chức năng thùy trán ở bệnh nhân Parkinson còn liên quan đến tổn thương vỏ não vùng trước trán và sự thiếu hụt nồng độ Dopamin ngoại sinh cung cấp cho vùng này [5]. Sự thiếu hụt Dopamin ngoại sinh cho vùng này cũng là nguyên nhân gây suy giảm các chức năng nhận thức khác như sự chú ý, trí nhớ và chức năng thị giác không gian. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ suy giảm chức năng thùy trán ở bệnh nhân Parkinson có suy giảm nhận thức là 22,8% và cao hơn ở nhóm bệnh nhân có trình độ học vấn thấp (cấp 1; 2).
Chức năng thị giác – không gian ở bệnh nhân Parkinson có thể suy giảm ngay từ giai đoạn sớm của bệnh và cũng là một trong các dấu hiệu dự báo cho sự xuất hiện của sa sút trí tuệ với độ nhạy cao [6]. Sự suy giảm chức năng thị giác – không gian ở bệnh nhân Parkinson biểu hiện cả suy giảm chức năng thị giác – không gian tinh tế (khó khăn trong nhận thức không gian xung quanh) và khả năng nhận biết trực quan (khó khăn cho nhận dạng đối tượng dựa trên hình thức của chúng) [6]. Trong nghiên cứu này, rối loạn chức năng thị giác – không gian ở bệnh nhân Parkinson suy giảm nhận thức có tỷ lệ cao (suy giảm chức năng thị giác – không gian là 63,2%, tốc độ vận động thị giác là 61,4%) và không có sự khác biệt giữa các nhóm bệnh nhân Parkinson khác nhau về tuổi, trình độ học vấn, giai đoạn bệnh và tình trạng trầm cảm.
Suy giảm chú ý ở bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi biểu hiện chủ yếu ở rối loạn khả năng đọc ngược dãy số. Trong 57 bệnh nhân Parkinson suy giảm nhận thức, có 25 bệnh nhân rối loạn lĩnh vực này (43,9%) và chỉ có 2 bệnh nhân rối loạn đọc xuôi dãy số (3,5%). Rối loạn chú ý ở bệnh nhân Parkinson là hậu quả của sự rối loạn chức năng trong hệ Cholin và Noradrenalin làm suy yếu “từ dưới lên” từ đó gây ra rối loạn định hướng của sự chú ý [6]. Mặt khác, chính sự suy giảm trí nhớ đặc biệt là khả năng nhớ ngay, giảm khả năng ghi nhận các thông tin mới, sắp xếp và nhớ lại các thông tin cũng khiến bệnh nhân Parkinson gặp khó khăn khi đọc ngược một dãy số. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ rối loạn khả năng đọc ngược dãy số cao hơn có ý nghĩa ở bệnh nhân Parkinson có trình độ học vấn thấp (cấp 1; 2) và bệnh nhân có trầm cảm (p<0,05).
Về chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân Parkinson trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng trắc nghiệm nói lưu loát tên các con vật và trắc nghiệm gọi tên có sửa đổi của Boston để đánh giá. Kết quả cho thấy, trong 57 bệnh nhân Parkinson được chẩn đoán suy giảm nhận thức, có 10 bệnh nhân rối loạn trắc nghiệm gọi tên của Boston sửa đổi và cũng có 10 bệnh nhân rối loạn khả năng kể tên con vật (17,5%) và lĩnh vực này không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi, trình độ học vấn, mức độ nặng của bệnh Parkinson và tình trạng trầm cảm.
Trong 57 bệnh nhân Parkinson suy giảm nhận thức có 30 (52,6%) bệnh nhân suy giảm chức năng hoạt động hàng ngày và 26 (45,6%) bệnh nhân suy giảm chức năng hoạt động hàng ngày bằng dụng cụ, phương tiện. Suy giảm hoạt động hàng ngày là hậu quả của sự suy giảm: trí nhớ, chức năng thị giác – không gian và chức năng điều hành kết hợp với tình trạng rối loạn ngày càng nặng của các triệu chứng vận động như: cứng, run, giảm động mà đặc biệt là giảm khả năng giữ thăng bằng của người bệnh và có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ [7]. Tỷ lệ suy giảm hoạt động hàng ngày ở bệnh nhân Parkinson trong nghiên cứu này cao hơn có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân Parkinson thuộc giai đoạn 3,4 và 5 theo Hoehn-Yahr và những bệnh nhân trầm cảm (p<0,05).

KẾT LUẬN
Suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Parkinson chiếm một tỷ lệ khá cao, bao gồm suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ. Biểu hiện suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Parkinson là sự suy giảm hầu hết các lĩnh vực nhận thức và suy giảm với tỷ lệ khác nhau. Các lĩnh vực nhận thức bị suy giảm ở bệnh nhân Parkinson có mối liên quan khác nhau với các yếu tố như tuổi, trình độ học vấn, giai đoạn nặng của bệnh theo phân độ Hoehn – Yahr và tình trạng trầm cảm của bệnh nhân Parkinson.

SUMMARY
Impairment cognitive features and some related factors of parkinson’s disease patients
Objectives: To describe some cognitive impairment features and some related factors to cognitive impairment of Parkinson’s patients at the National Geriatric Hospital in 2016.
Methods: This is a cross-sectional descriptive study was conducted on 106 patients who had been diagnosed with Parkinson’s disease at the National Geriatric Hospital from 12/2015 to 07/2016.
Results: The rate of cognitive decline in Parkinson’s patients is 53,8% (mild cognitive impairment has 23,6% and dementia has 30,2%). Cognitive impairment in Parkinson’s disease is characterized by visual ospatial dysfunction (63,2%), visual omotor Speed (61,4%), activities of daily living (52,6%), and remembering information: delayed verbal memory (63,2%), immediate verbal memory (61,4%) and delayed visual memory (50,9%). The impairment of memory and attention in Parkinson’s patients are associated with educational attainment and depression (p <0.05). Besides, activities of daily living and executive function disorder of Parkinson’s patients are associated stage 3,4 and 5 following Hoehn – Yahr scale and depression (p <0.05).
Keywords: Parkinson’s disease, cognitive impairment.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Thắng (2010). Bệnh Alzheimer và các thể sa sút trí tuệ khác, Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ Chí Minh, 339.
2. Christopher Leigh, Duff-Canning Sarah et al (2015). Salience Network and Parahippocampal Dopamine Dysfunction in Memory-Impaired Parkinson Disease, Annals of neurology, 77(2), 269-280.
3. J. H. Lanskey, P. McColgan et al (2018). Can neuroimaging predict dementia in Parkinson’s disease?, Brain, 141(9), 2545-2560.
4. Koshimori Yuko, Segura Barbara et al (2015). Imaging changes associated with cognitive abnormalities in Parkinson’s disease, Brain structure & function, 220(4), 2249-2261.
5. S. J. Chung, H. S. Yoo et al (2018). Effect of striatal dopamine depletion on cognition in de novo Parkinson’s disease, Parkinsonism Relat Disord, 51, 43-48.
6. Gratwick James, Jahanshahi Marjan et al (2015). Parkinson’s disease dementia: a neural networks perspective, Brain, 138(6), 1454-1476.
7. Katrin Jekel, Marinella Damian et al (2015). Mild cognitive impairment and deficits in instrumental activities of daily living: a systematic review, Alzheimer’s Research & Therapy, 7(17).