Người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ: Các yếu tố liên quan đến gánh nặng chăm sóc

Người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ: Các yếu tố liên quan đến gánh nặng chăm sóc

Phạm Thị Ngọc1, Mai Thị Thanh Thủy2, Nguyễn Thành Chung3, Phạm Thị Thanh Phượng1
Khoa Điều dưỡng – Hộ sinh, Trường Đại học Y Hà Nội1
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội2
Tổ bộ môn Điều dưỡng – Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội3

Mục tiêu: Xác định các yếu tố liên quan đến gánh nặng chăm sóc của những người chăm sóc cho bệnh nhân sau giai đoạn cấp tính của đột quỵ, bao gồm sự phụ thuộc chức năng của bệnh nhân, mức độ trầm cảm và lo âu của người chăm sóc, cũng như đặc điểm nhân khẩu học và mô tả mối quan hệ giữa các yếu tố này

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả được thực hiện trên 114 người chăm sóc cho những người sống sót sau đột quỵ ở miền Bắc Việt Nam. Dữ liệu được thu thập bằng cách sử dụng bộ câu hỏi về đặc điểm nhân khẩu học của người tham gia, gánh nặng của người chăm sóc (Zarit Burden Interview), mức độ phụ thuộc của bệnh nhân (Barthel Index), mức độ trầm cảm và lo âu của người chăm sóc (Hospital Anxiety and Depression Scale).

Kết quả: Gánh nặng của người chăm sóc cho những người sống sót sau đột quỵ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Gánh nặng của người chăm sóc có mối tương quan có ý nghĩa thống kê với mức độ trầm cảm và lo âu, mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh và một số các yếu tố đặc điểm nhân khẩu học của người chăm sóc bao gồm tuổi, số giờ chăm sóc trong một ngày, mối quan hệ với người bệnh và sự tự nhận thức về tình trạng sức khỏe của bản thân. Mức độ lo âu, trầm cảm của người chăm sóc và mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh dự đoán có ý nghĩa thống kê đối với gánh nặng chăm sóc, trong đó mức độ phụ thuộc chức năng là yếu tố dự đoán mạnh nhất đối với gánh nặng người chăm sóc.

Kết luận: Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tâm thần của người chăm sóc để đưa ra các sàng lọc về sức khỏe tâm thần, cung cấp tư vấn tâm lý phù hợp, và đào tạo chăm sóc, giáo dục sức khỏe cho những người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ trong giai đoạn sớm nhằm giảm mức độ lo âu và trầm cảm của người chăm sóc, giúp làm giảm gánh nặng chăm sóc góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh đột quỵ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc.

TỪ KHÓA: Gánh nặng chăm sóc, phụ thuộc chức năng, trầm cảm và lo âu

Chương I: Đặt vấn đề

       Trong những năm gần đây, sự phát triển của y học hiện đại đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do đột quỵ, tuy nhiên, bệnh mạch máu não vẫn là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới. Trên thế giới, tỷ lệ đột quỵ thay đổi đáng kể, tỷ lệ đột quỵ thấp nhất ở Đông Nam Á là ở Malaysia (67/100000 người mỗi năm), ở Singapore là 180/100000 người-năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ là 250/100.000 người/năm [1], là một trong những quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao trên toàn thế giới, và đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong, cướp đi sinh mạng của 112.600 nghìn người trong một năm, chiếm 21,7% tổngsố người chết năm 2012 [2].

       Người bệnh đột quỵ và gia đình của họ có thể gặp nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm các vấn đề về thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế. Hai phần ba số người sống sót sau đột quỵ ở Tây Ban Nha cần một người chăm sóc để hỗ trợ họ trong các hoạt động hàng ngày và hàng tuần [3]. Tai biến mạch máu não đã và đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các hệ thống y tế, do nó tạo ra gánh nặng đáng kể cho người bệnh, gia đình và người chăm sóc của họ.

       Việc chăm sóc thường do các thành viên trong gia đình thực hiện bao gồm chăm sóc sức khỏe (dùng thuốc, điều trị, theo dõi), chăm sóc cá nhân (hỗ trợ các hoạt động hàng ngày), phối hợp với các dịch vụ xã hội và đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho những người sống sót sau đột quỵ được phục hồi. Vì vậy, người chăm sóc gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và hỗ trợ các hoạt động sống hàng ngày cho người bệnh sau đột quỵ [4]

     Mục đích chính của phục hồi chức năng là hỗ trợ những người sống sót sau đột quỵ đối phó với các vấn đề về thể chất, tâm lý, xã hội, nghề nghiệp và giáo dục, và sự hỗ trợ này phụ thuộc rất nhiều vào những người chăm sóc. Đã có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào người bệnh đột quỵ, tuy nhiên các chủ đề về người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ vẫn chưa được quan tâm. Với sự gia tăng số lượng người bệnh đột quỵ tại Việt Nam trong những năm gần đây cùng với sự thiếu hụt của các nghiên cứu về chủ đề này, do đó nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu xác định các yếu tố liên quan đến gánh nặng của người chăm sóc cho người bệnh sau đột quỵ ở Việt Nam, và tìm ra các yếu tố dự đoán đối với gánh nặng chăm sóc của những người chăm sóc.

CHƯƠNG II: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Địa điểm nghiên cứu

     Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

2.2 Thời gian nghiên cứu

     Từ tháng 08/2019 đến tháng 09/2019

2.3 Đối tượng nghiên cứu

– Tiêu chuẩn lựa chọn:

     + Người bệnh và người chăm sóc trên 18 tuổi

     + Người bệnh bị đột quỵ và sau giai đoạn cấp tính của đột quỵ đang trong quá trình phục hồi chức năng, đã hoạt động độc lập trong cuộc sống hàng ngày trước khi đột quỵ

     + Người chăm sóc được xác định là người chăm sóc chính và không được trả lương khi chăm sóc cho người bệnh

     + Người bệnh và người chăm sóc hiểu rõ mục tiêu nghiên cứu và sẵn sàng tham gia nghiên cứu.

– Tiêu chuẩn loại trừ:

       + Người bệnh đã từng bị đột quỵ hoặc được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm lý trong quá khứ

       + Người bệnh và người chăm bị ung thư hoặc suy nội tạng nghiêm trọng được gọi là suy giảm các hoạt động sống hàng ngày

       + Người bệnh và người chăm không sẵn sàng tham gia nghiên cứu

2.4 Phương pháp nghiên cứu

– Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang

– Cỡ mẫu: Cỡ mẫu được tính toán dựa trên phần mềm G-power với kết quả cho ra cỡ mẫu là 114

– Phương pháp chọn mẫu: Thuận tiện

2.5 Bộ công cụ thu thập số liệu

       – Các biến nhân khẩu học: Tuổi, giới, trình độ học vấn, mối quan hệ với người bệnh, thời gian chăm sóc người bệnh trong ngày, tự nhận thức về tình trạng sức khỏe của bản thân.

– Bộ câu hỏi đánh giá gánh nặng của người chăm sóc: Zarit Burden Interview (ZBI)

– Bộ câu hỏi đánh giá mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh: Barthel Index (BI)

– Bộ câu hỏi đánh giá tình trạng lo âu, trầm cảm của người chăm sóc: Hospital Anxiety and Depresssion Scale (HADS)

2.6 Quá trình thu thập số liệu

     Tất cả những người tham gia đáp ứng tiêu chí lựa chọn được lựa chọn vào nghiên cứu. Nghiên cứu viên sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp bao gồm giới thiệu bản thân với những người tham gia, giải thích mục đích và lợi ích của nghiên cứu, quyền của người tham gia và yêu cầu người tham gia vào nghiên cứu. Sau khi nhận được sự cho phép của họ để tham gia vào nghiên cứu, người tham gia được yêu cầu ký vào các mẫu đơn đồng ý. Quá trình phỏng vấn diễn ra trong một căn phòng được chuẩn bị sẵn để đảm bảo tính ẩn danh cho những người tham gia. Sau khi tất cả thông tin đã được thu thập, nghiên cứu viên sẽ mã hóa dữ liệu và nhập nó vào máy tính để chuẩn bị cho quy trình phân tích dữ liệu.

2.7 Phân tích số liệu

       Số liệu được phân tích sử dụng phần mềm SPSS 20.0.

2.8 Đạo đức nghiên cứu

– Đề cương nghiên cứu được thông qua Hội đồng đạo đức của Trường Đại học Y tế Công cộng theo số 019-377/DD-YTCC ngày 01 tháng 07 năm 2019.

– Mọi thông tin liên quan đến người tham gia đều được giữ kín và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ

3.1 Đặc điểm nhân khẩu học

Bảng 1: Đặc điểm nhân khẩu học (N = 114)

z2914944059816_2a3df6e164d7e859d51ffe007caf4dfb

3.2 Tình trạng phụ thuộc chức năng của người bệnh, gánh nặng chăm sóc và mức độ trầm cảm lo âu của người chăm sóc Nhận xét: Độ tuổi trung bình của những người chăm sóc là 43,12 ± 12,44, trong đó đa số người chăm sóc là nữ giới với 69,3%. Về mối quan hệ với người bệnh, đa số người chăm sóc (50,88%) là con gái hoặc con trai của người bệnh. Khoảng một nửa số người chăm sóc (48,25%) đã tốt nghiệp tiểu học hoặc trung học cơ sở. Số giờ trung bình mà người chăm sóc dành để chăm sóc người bệnh là 10,59 ± 7,28 giờ. Đa số người chăm sóc cho biết tình trạng sức khỏe ở mức trung bình với 60,53%.

Bảng 2: Tình trạng phụ thuộc chức năng của người bệnh, gánh nặng chăm sóc và mức độ trầm cảm lo âu của người chăm sóc

2

Nhận xét: Điểm trung bình mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh là 45,92 ± 29,34), trong đó tỷ lệ người bệnh phụ thuộc mức độ trung bình chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,09%, và tỷ lệ người bệnh phụ thuộc mức độ nhẹ chiếm tỷ lệ thấp nhất với 0,09%.

        Điểm trung bình về gánh nặng của người chăm sóc là 25,59 ± 12,45). Đa số người tham gia có gánh nặng từ nhẹ đến trung bình (54,39%), và không có người tham gia nào có gánh nặng mức độ nghiêm trọng.

Điểm trung bình của các triệu chứng lo âu và các triệu chứng trầm cảm lần lượt là 6,81 ± 4,04 và 10,47 ± 4,54. Hầu hết người tham gia không có triệu chứng lo âu với 82,46% và có triệu chứng lo âu với 17,54%. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia có triệu chứng trầm cảm (52,63%) cao hơn người không có triệu chứng trầm cảm (47,37%).

3.3 Tương quan giữa gánh nặng chăm sóc, triệu chứng trầm cảm và lo âu, và các yếu tố nhân khẩu học

Bảng 3: Tương quan giữa gánh nặng chăm sóc, triệu chứng trầm cảm và lo âu, và các yếu tố nhân khẩu học (N = 114)

Gánh nặng chăm sóc Lo âu Trầm cảm
Đặc điểm nhân khẩu học r p r p r p
Tuổi 0,198* 0,034 0,067 0,480 0,341** 0,000
Giờ chăm sóc trong ngày  0,189* 0,044 0,235* 0,012 0,144 0,126
Trình độ học vấn -0,168 0,74 0,131 0,164 -0,309** 0,001
Tình trạng sức khỏe -0,237* 0,011 -0,131 0,166 -0,399** 0,000

  Nhận xét: Có mối tương quan thuận giữa tuổi và gánh nặng chăm sóc, và triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe lại có tương quan nghịch với gánh nặng chăm sóc, và triệu chứng trầm cảm. Số giờ chăm sóc trong ngày có tương quan thuận với gánh nặng chăm sóc và triệu chứng lo âu. Trình độ học vấn có tương quan nghịch với triệu chứng trầm cảm.

3.4 Sự khác biệt về gánh nặng chăm sóc và các yếu tố nhân khẩu học

Bảng 4: Sự khác biệt về nhân khẩu học và gánh nặng chăm sóc (N = 114)

4     

 Nhận xét: Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về gánh nặng chăm sóc giữa 3 nhóm trong mối quan hệ với người bệnh. Post-hocScheffe test được sử dụng để tìm ra sự khác biệt giữa 3 nhóm này, nhóm vợ/chồng (1) có điểm số cao hơn nhóm con trai/con gái (2) và nhóm người chăm sóc khác (3).

         Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê được tìm thấy giữa các nhóm trong tình trạng sức khỏe và gánh nặng chăm sóc với. Post-hoc LSD test được sử dụng để tìm ra sự khác biệt giữa các nhóm cho thấy nhóm có sức khỏe kém(4) có điểm gánh nặng chăm sóc cao hơn nhóm có sức khỏe tốt (2), nhóm có sức khỏe trung bình (3) cũng có điểm gánh nặng chăm sóc cao hơn nhóm có sức khỏe tốt (2).

4.5 Tương quan giữa phụ thuộc chức năng của người bệnh, gánh nặng chăm sóc, triệu chứng lo âu, trầm cảm của người chăm sóc

Bảng 5: Tương quan giữa phụ thuộc chức năng của người bệnh, gánh nặng chăm sóc, triệu chứng lo âu, trầm cảm của người chăm sóc (N = 114)

    Phụ thuộc chức năng Gánh nặng chăm sóc Triệu chứng lo âu Triệu chứng trầm cảm
Phụ thuộc chức năng r 1      
Gánh nặng chăm sóc r -.472** 1    
Triệu chứng lo âu r -.326** 481** 1  
Triệu chứng trầm cảm r -.384** .463** .375** 1

Nhận xét: Mức độ phụ thuộc chức năng có tương quan nghịch với gánh nặng chăm sóc, triệu chứng lo âu và trầm cảm. Có mối tương quan thuận giữa gánh nặng chăm sóc và triệu chứng lo âu, trầm cảm của người chăm sóc. Lo âu và trầm cảm có mối tương quan thuận với nhau

4.6 Các yếu tố dự đoán gánh nặng chăm sóc

Bảng 6: Dự đoán gánh nặng chăm sóc từ các biến nhân khẩu học, trầm cảm lo âu, và mức độ phụ thuộc chức năng (N = 114)

6

Note: * p < 0.05, ** p < 0.001

       Nhận xét: Khi các yếu tố nhân khẩu học bao gồm tuổi, thời gian chăm có trong ngày, mối quan hệ với người bệnh và tình trạng sức khỏe được nhập vào model 1, chỉ có mối quan hệ với người bệnh dự đoán có ý nghĩa thống kê với gánh nặng chăm sóc F (4,109) = 3.574, p = 0.009, adjusted . Khi triệu chứng lo âu và trầm cảm được đưa vào model 2, cả 2 biến này đều dự đoán có ý nghĩa thống kê gánh nặng chăm sóc , F (2,107) = 9.022, p < 0.001, và mối quan hệ với người bệnh không còn dự đoán có ý nghĩa thống kê với gánh nặng chăm sóc. Ở model 3, khi phụ thuộc chức năng được thêm vào thì cả phụ thuộc chức năng, triệu chứng lo âu và trầm cảm đều dự đoán có ý nghĩa thống kê gánh nặng chăm sóc  F (1,106) = 10.034, p = <0.001. Cả phụ thuộc chức năng, triệu chứng lo âu và trầm cảm đều dự đoán có ý nghĩa thống kê gánh nặng chăm sóc, F (7,106) = 10.034, p < 0.001, adjusted . Trong đó, phụ thuộc chức năng cho thấy giá tri tuyệt đối của Beta cao nhất do đó phụ thuộc chức năng có giá trị dự đoán lớn nhất đối với gánh nặng chăm sóc

CHƯƠNG IV: BÀN LUẬN

4.1 Đặc điểm nhân khẩu học

Độ tuổi trung bình của người chăm sóc là 43,12 tuổi và 4/5 số người chăm sóc là nữ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với kết quả của các nghiên cứu trước đây [5] [6] [7] [8]. Điều này có thể được giải thích bởi cấu trúc xã hội ở nhiều nước châu Á, nơi mà văn hóa và xã hội kỳ vọng về vai trò chăm sóc đòi hỏi phụ nữ phải có trách nhiệm với các thành viên bị ốm trong gia đình.

Mối quan hệ của người chăm sóc với người bệnh và trình độ học vấn của người chăm sóc có tương đồng với kết quả trong các nghiên cứu trước đây. Phần lớn những người chăm sóc trong nghiên cứu này là con cái trưởng thành của người bệnh đột quỵ và tất cả những người tham gia đều biết chữ. Điều này phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam cho rằng gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cha mẹ và những người lớn tuổi được các thành viên trong gia đình như con gái, con trai và vợ hoặc chồng coi trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phù hợp với nền văn hóa ở các nước phương Đông [9]. Những kết quả này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Tsai ở miền Bắc Đài Loan với hơn một nửa số người chăm sóc là con gái hoặc con trai của người bệnh, và hầu hết những người tham gia đều biết chữ [6]. Nghiên cứu được thực hiên bởi Pham năm 2017 cũng cho thấy 59,2% người tham gia là con gái hoặc con trai của người bệnh.

Số giờ chăm sóc/ngày trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự như kết quả của một nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam. Trong nghiên cứu của chúng tôi, những người chăm sóc đã dành trung bình 10,59 giờ mỗi ngày để chăm sóc người bệnh. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu được thực hiện bởi Pham và các đồng nghiệp vào năm 2017 cho thấy những người chăm sóc dành khoảng 8,11 giờ mỗi ngày để chăm sóc cho người bệnh [4]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Pham, thời gian dùng để chăm sóc người bệnh trong ngày dao động từ 4 đến 16 giờ, hoàn toàn khác với nghiên cứu của chúng tôi (từ 2 đến 24 giờ). Sự khác biệt này có thể được giải thích bởi các địa điểm chăm sóc khác nhau.

Về yếu tố tự nhận thức tình trạng sức khỏe, hầu hết những người chăm sóc trong nghiên cứu này cho biết rằng họ có sức khỏe tốt và chỉ một số ít người tham gia cho biết sức khỏe kém. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng tình trạng sức khỏe tự nhận thức có tác động đáng kể đến gánh nặng chăm sóc của người chăm sóc.

4.2 Tình trạng phụ thuộc chức năng của người bệnh, gánh nặng chăm sóc và triệu chứng trầm cảm lo âu của người chăm sóc

Điểm trung bình về sự phụ thuộc chức năng của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức độ phụ thuộc cao vào người chăm sóc. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây: một nghiên cứu được thực hiện ở Jamaica cho thấy điểm phụ thuộc trung bình của những người sống sót sau đột quỵ là 56,77 ± 29,95, cho thấy mức độ phụ thuộc nghiêm trọng [10]. Kết quả này cũng được tìm thấy trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Ngo và các đồng nghiệp vào năm 2019, cho thấy mức độ phụ thuộc từ trung bình đến nghiêm trọng [5]. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Juan và các đồng nghiệp ở Tây Ban Nha vào năm 2017 cho thấy mức độ phụ thuộc của hầu hết người bệnh ở thời điểm 3 tháng sau đột quỵ là nhẹ. Sự khác biệt có thể được giải thích bởi thực tế là các người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi được tuyển dụng ngay sau giai đoạn cấp tính của đột quỵ, và vì vậy họ cần một khoảng thời gian để phục hồi. Do đó, mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Juan nơi mà người bệnh đã trải qua 3 tháng phục hồi chức năng.

Trong nghiên cứu này, gánh nặng chăm sóc ở mức độ nhẹ đến trung bình, kết quả này tương tự như kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Đài Loan cũng chỉ ra rằng những người chăm sóc người bệnh đột quỵ phải chịu gánh nặng chăm sóc ở mức độ nhẹ [11]. Một nghiên cứu khác ở Ấn Độ cho thấy gánh nặng của người chăm sóc từ nhẹ đến trung bình [12]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy kết quả cho thấy gánh nặng của người chăm sóc cao hơn so với những nghiên cứu này: nghiên cứu của Pham và các đồng nghiệp vào năm 2017 cho thấy những người chăm sóc của người lớn tuổi bị đột quỵ phải chịu gánh nặng chăm sóc từ mức độ trung bình đến nặng [4] hoặc trong nghiên cứu của Tosun và cộng sự năm 2017, điểm số gánh nặng của người chăm sóc cũng cao hơn so với nghiên cứu của chúng tôi (47,42 ± 11,91) [13]. Sự khác biệt này có thể được giải thích bởi một số lý do bao gồm sự khác biệt về văn hóa và thời gian chăm sóc của những người chăm sóc cho những người sống sót sau đột quỵ.

         Liên quan đến các triệu chứng trầm cảm và lo âu ở những người chăm sóc, nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ người chăm sóc có các triệu chứng trầm cảm cao hơn tỷ lệ người chăm sóc có các triệu chứng lo lắng. Một nghiên cứu trước đây về những người chăm sóc người bệnh đột quỵ tại Trung Quốc cho thấy sau hai tháng chăm sóc, điểm trầm cảm cao hơn điểm lo lắng [14]. Một nghiên cứu tổng quan có hệ thống để đánh giá mức độ phổ biến toàn cầu của các triệu chứng lo âu và trầm cảm trong số những người chăm sóc những người sống sót sau đột quỵ cũng cho thấy rằng tỷ lệ triệu chứng trầm cảm cao hơn so với tỷ lệ triệu chứng lo âu [15].

4.3 Tác động của các yếu tố nhân khẩu học lên gánh nặng chăm sóc

Trong nghiên cứu này, tuổi của người chăm sóc có mối tương quan thuận nhưng yếu với gánh nặng của người chăm sóc, điều này có nghĩa là tuổi của người chăm sóc càng lớn thì gánh nặng càng lớn. Một nghiên cứu được thực hiện ở Đông Nam Nigeria cho thấy gánh nặng của người chăm sóc có tương quan thuận với tuổi của họ [16]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác đã đưa ra các kết quả trái ngược về mối quan hệ giữa gánh nặng của người chăm sóc và tuổi tác [8]. Điều này có thể là do sự khác biệt trong cấu trúc gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn các nghiên cứu khác không tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa tuổi của người chăm sóc và gánh nặng của người chăm sóc [17].

Về thời gian/ngày chăm sóc người bệnh đột quỵ, kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan thuận giữa số giờ chăm sóc trong ngày và gánh nặng của người chăm sóc, nói cách khác, người chăm sóc dành càng nhiều giờ chăm sóc người bệnh thì gánh nặng càng lớn. Phát hiện này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Pham năm 2017 với số giờ chăm sóc hàng ngày có tương quan thuận với mức độ gánh nặng. Nghiên cứu của Gbiri vào năm 2015 cũng cho kết quả tương đồng với kết quả nghiên cứu của chúng tôi [17]. Nhìn chung, người chăm sóc càng dành nhiều thời gian chăm sóc người bệnh thì họ càng có ít thời gian riêng tư cho bản thân, do đó làm giảm thời gian của họ cho công việc được trả lương, giao tiếp xã hội và giải trí.

Tình trạng sức khỏe có tương quan nghịch với gánh nặng của người chăm sóc. Kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu của Ostwald cho thấy sức khỏe kém tương ứng với gánh nặng nhận thức lớn hơn. Những người chăm sóc trong nghiên cứu này cho rằng nhiệm vụ chăm sóc người bệnh dẫn đến các vấn đề sức khỏe của họ cho chính họ [18]. Phát hiện này tương tự với các nghiên cứu được thực hiện bởi Pham (2017) và Jeong và cộng sự (2015) [4] [19].

4.4 Tương quan giữa gánh nặng chăm sóc, triệu chứng trầm cảm lo âu của người chăm sóc và mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh

Trong nghiên cứu này, gánh nặng của người chăm sóc có tương quan nghịch với mức độ phụ thuộc chức năng, điều này có nghĩa là mức độ phụ thuộc chức năng làm tăng gánh nặng của người chăm sóc. Những người sống sót sau đột quỵ này chỉ có thể thực hiện một phần các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của họ và những người chăm sóc cần thiết để hỗ trợ cho người bệnh. Những nhiệm vụ này tạo thành gánh nặng cho người chăm sóc. Nghiên cứu trước đây được thực hiện bởi Pham (2017) cũng đồng ý rằng mức độ phụ thuộc gia tăng tương ứng với việc gia tăng gánh nặng [4]

Các triệu chứng lo âu và trầm cảm có tương quan thuận đáng kể với gánh nặng của người chăm sóc. Các nghiên cứu trước đây được thực hiện ở các quốc gia khác ủng hộ phát hiện này: một nghiên cứu được thực hiện tại Brazil về những người chăm sóc thành viên gia đình bị rối loạn tâm thần có liên quan đến gánh nặng của người chăm sóc [20]. Ngoài ra, hai nghiên cứu về người chăm sóc những người sống sót sau đột quỵ cũng cho thấy gánh nặng của những người chăm sóc có tương quan thuận với mức độ lo âu và trầm cảm của họ [21]. Đa số người chăm sóc không phải là chuyên gia và kiến ​​thức liên quan đến bệnh, sự hạn chế này có thể đòi hỏi nhiều thời gian và năng lượng hơn trong việc chăm sóc người bệnh. Hơn nữa, việc chăm sóc người bệnh bị đột quỵ trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ, kết quả là sự sa sút về sức khỏe tâm thần người chăm sóc. Điều này cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nên đánh giá toàn diện gánh nặng của những người chăm sóc những người sống sót sau đột quỵ trong giai đoạn đầu để đưa ra hỗ trợ phù hợp.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, mức độ lo lắng và trầm cảm của những người chăm sóc có liên quan đến mức độ phụ thuộc chức năng của những người sống sót sau đột quỵ. Kết quả này tương tự với kết quả của các nghiên cứu khác cho thấy mối tương quan nghịch đáng kể giữa điểm phụ thuộc chức năng và điểm lo âu và trầm cảm [22] [14]. Do đó, điều quan trọng là phải cung cấp đánh giá toàn diện cho những người chăm sóc có nguy cơ lo âu và trầm cảm cao trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, điều này sẽ hữu ích cho cả sức khỏe tâm thần của người chăm sóc và việc phục hồi chức năng của người bệnh đột quỵ.

           Trong nghiên cứu này, mức độ lo lắng có tương quan thuận với mức độ trầm cảm. Phân tích mối tương quan cho thấy rằng những người chăm sóc càng lo âu thì càng trầm cảm nhiều.

4.5 Mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh, và trầm cảm lo âu dự đoán gánh nặng chăm sóc

Phát hiện đáng chú ý nhất của nghiên cứu này đã được tìm thấy sau khi thêm biến phụ thuộc chức năng vào model 3 của mô hình hồi quy, mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh cho thấy là yếu tố dự đoán quan trọng nhất về gánh nặng của người chăm sóc. Mặc dù kết quả này không phù hợp với nghiên cứu của Choi-Kwon khi chỉ ra yếu tố dự đoán quan trọng nhất cho gánh nặng tổng thể của người chăm sóc là sự lo âu của người chăm sóc sau đó mới là mức độ phụ thuộc chức năng của người bệnh [21]. Sự khác biệt này có thể là do trong nghiên cứu của chúng tôi, người bệnh đến điều trị là người bệnh nội trú, mới trải qua giai đoạn cấp tính của đột quỵ do đó mức độ lệ thuộc cao; so sánh với người bệnh ngoại trú trong nghiên cứu đó, đã trải qua giai đoạn cấp tính sau một khoảng thời gian nên có mức độ phụ thuộc thấp. Do đó, mức độ phụ thuộc chức năng trong nghiên cứu của chúng tôi được chứng minh là yếu tố dự đoán quan trọng nhất đối với gánh nặng của người chăm sóc.

CHƯƠNG V: KẾT LUẬN

          Nghiên cứu cho thấy rằng gánh nặng của người chăm sóc bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc vào chức năng của người bệnh, mức độ trầm cảm và lo lắng của người chăm sóc cũng như các đặc điểm nhân khẩu học (tuổi tác, giờ chăm sóc mỗi ngày, mối quan hệ với người bệnh và tình trạng sức khỏe tự nhận thức). Trong đó, sự phụ thuộc vào chức năng của người bệnh là yếu tố dự đoán mạnh nhất về gánh nặng của người chăm sóc, người bệnh phụ thuộc vào người chăm sóc càng cao thì những người chăm sóc có gánh nặng càng cao.

         Việc khám phá các yếu tố dự đoán gánh nặng chăm sóc trong số những người chăm sóc người sống sót sau đột quỵ ở Việt Nam là rất quan trọng, do đó các nhà cung cấp dịch vụ y tế nên quan tâm hơn đến người chăm sóc trong việc cung cấp tư vấn tâm lý, đào tạo chăm sóc và giáo dục sức khỏe. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng nên cân nhắc đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc và can thiệp hiệu quả cho từng cá nhân trong giai đoạn đầu nhằm giảm gánh nặng cho người chăm sóc, cải thiện chất lượng chăm sóc người sống sót sau đột quỵ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người chăm sóc.

ABSTRACT:

CAREGIVER OF STROKE SURVIVORS: FACTORS ASSOCIATED WITH CAREGIVER BURDEN

 

Objectives: To identify factors related to caregiver burden among caregivers of stroke survivors in Vietnam, including the functional dependence of patient, caregiver depression and anxiety, their perceived social support, as well as demographic characteristics, and to describe the relationships among them.

Methodology: A descriptive study was performed, with a convenience sample of caregivers (n = 114) of stroke survivors in Northern Vietnam. Data was collected using a questionnaire on participant’s characteristics, The Zarit Burden Interview, The Barthel Index, The Hospital Anxiety and Depression.

Results: The burden of caregivers of stroke survivors was at a mild to moderate level with a mean score of 25.59 (SD = 12.45). The caregiver burden had a positive correlation with anxiety symptoms and depression symptoms, caregiver’s age, and caring hours per day, whereas it was negatively correlated to functional dependence, relationship to the patient, and self-perceived health status. However, caregiver burden was not a statistically significant correlation to perceived social support. A combination of anxiety symptoms, depression symptoms, and functional dependence predicted 41.2% of the variance in caregiver burden. Functional dependence was the strongest predictor of caregiver burden with the highest absolute value of the standardized regression coefficient.

Conclusions: It is crucial for health care professionals to pay more attention to caregiver’s mental health to provide mental health screening, appropriate psychological counseling, care training and health education in early stages with aiming of reducing the severity of anxiety and depression of caregivers, decreasing their burden, improving the quality of care for stroke patients, and enhancing the quality of life for caregivers.

Keywords:Caregiver burden, functional dependence, depression and anxiety symptoms, perceived social support

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Justin C. N., Anchalee C., Sirintara P., Luu D. V., Cindy S., Jeyaledchumy M., Lee, W. (2018). Current state of acute stroke care in Southeast Asian countries. Intervention Neuroradiology, 1591019918811804. doi:10.1177/1591019918811804.
  2. Roth, L. (2017). Leading Causes of Death in Vietnam.
  3. Juan, O. M., Isaac, A. R., Cristina, V. P., Almudena, G. D., & Álvaro. H. V. (2013). Economic valuation of informal care in cerebrovascular accident survivors in Spain. BMC Health Services Research, 13, 508.
  4. Pham, T. H., Jullamate, P., & Piphatvanitcha, N. (2017). Factors Related to Caregiver Burden among Family Caregivers of Older Adults with Stroke in Hai Duong, Vietnam. The Southern College Neywork Journal of Nursing and Public Health, 4(3)
  5. Ngo, X. L., Pinyopasakul, W., Pongthavornkamol, K., & Panitrat, R. (2019). Factors predicting the health status of caregivers of stroke survivors: A cross-sectional study. Nursing & Health Sciences. doi: 10.1111/nhs.12591
  6. Tsai, P.-C., Yip, P.-K., Tai, J. J., & Lou, M.-F. (2015). Needs of family caregivers of stroke patients: a longitudinal study of caregivers’ perspectives. Patient preference and adherence, 9, 449-457. doi:10.2147/PPA.S77713
  7. Karahan, A. Y., Kucuksen, S., Yilmaz, H., Salli, A., Gungor, T., & Sahin, M. (2014). Effects of rehabilitation services on anxiety, depression, care-giving burden and perceived social support of stroke caregivers. Acta Medica (Hradec Kralove), 57(2), 68-72. doi:10.14712/18059694.2014.42
  8. Bhattacharjee, M., Vairale, J., Gawali, K., & Dalal, P. M. (2012). Factors affecting burden on caregivers of stroke survivors: Population-based study in Mumbai (India). Annals of Indian Academy of Neurology, 15(2), 113-119. doi:10.4103/0972-2327.94994
  9. Truong, Q. T., (2014). The quality of life and caregiving burden among caregivers of people with dimentia in Hanoi, Bac Ninh and Hai Phong, Vietnam. QUT ePrints.
  10. Roopchand-Martin, S., & Creary-Yan, S. (2014). Level of Caregiver Burden in Jamaican Stroke Caregivers and Relationship between Selected Sociodemographic Variables. The West Indian medical journal, 63(6), 605-609. doi:10.7727/wimj.2013.060
  11. Yeh, P. M., & Chang, Y. (2015). Use of Zarit Burden Interview in analysis of family caregivers’ perception among Taiwanese caring with hospitalized relatives. International Journal of Nursing Practice, 21(5), 622-634. doi:10.1111/ijn.12333
  12. Kaur, S., & Kumar, R. (2015). Burden and Coping Strategies in Caregivers of Stroke Survivors. Journal of Neurology and Neuroscience, 1, 1-5.
  13. Tosun, Z, K., Temel, M., Mahallesi, N. K., Caddesi, K., Suleymanpasa, Tekirdag, & Turkey. (2017). Burden of Caregiving for Stroke Patients and The Role of Social Support Among Family Members: An Assessment Through Home Visits. International Journal of Caring Sciences, 10(3), 1696.
  14. Hu, P., Yang, Q., Kong, L., Hu, L., & Zeng, L. (2018). Relationship between the anxiety/depression and care burden of the major caregiver of stroke patients. Medicine, 97(40), e12638-e12638. doi:10.1097/MD.0000000000012638
  15. Loh, A. Z., Tan, J. S., Zhang, M. W., & Ho, R. C. (2017). The Global Prevalence of Anxiety and Depressive Symptoms Among Caregivers of Stroke Survivors. J Am Med Dir Assoc, 18(2), 111-116. doi:10.1016/j.jamda.2016.08.014
  16. Akosile, CO., Banjo, TO., Okoye, EC., Ibikunle, PO., & Odole, AC. (2018). Informal caregiving burden and perceived social support in an acute stroke care facility. Health and Quality of Life Outcomes. doi:10.1186/s12955-018-0885-z
  17. Gbiri, C. A., Olawale, O. A., & Isaac, S. O. (2015). Stroke management: Informal caregivers’ burdens and strians of caring for stroke survivors. Annals of Physical and Rehabilitation Medicine, 58(2), 98-103. doi:10.1016/j.rehab.2014.09.017
  18. Ostwald, S. K., Bernal, M. P., Cron, S. G., & Godwin, K. M. (2009). Stress experienced by stroke survivors and spousal caregivers during the first year after discharge from inpatient rehabilitation. Topics in stroke rehabilitation, 16(2), 93-104. doi:10.1310/tsr1602-93
  19. Jeong, Y. G., Jeong, Y. J., Kim, W. C., & Kim, J. S. (2015). The mediating effect of caregiver burden on the caregivers’ quality of life. Journal of Physical Therapy Science, 27(5), 1543-1547. doi:10.1589/jpts.27.1543
  20. Souza, A. L. R., Guimarães, R. A., de Araújo Vilela, D., de Assis, R. M., de Almeida Cavalcante Oliveira, L. M., Souza, M. R., . . . Barbosa, M. A. (2017). Factors associated with the burden of family caregivers of patients with mental disorders: a cross-sectional study. BMC Psychiatry, 17(1), 353-353. doi:10.1186/s12888-017-1501-1
  21. Choi-Kwon, S., Kim, H. S., Kwon, S. U., & Kim, J. S. (2005). Factors affecting the burden on caregivers of stroke survivors in South Korea. Archives of Physical Medicine Rehabilitation, 86(5), 1043-1048. doi:10.1016/j.apmr.2004.09.013
  22. Em, S., Bozkurt, M., Caglayan, M., Ceylan Cevik, F., Kaya, C., Oktayoglu, P., & Nas, K. (2017). Psychological health of caregivers and association with functional status of stroke patients. Topics in Stroke Rehabilitation, 24(5), 323-329. doi:10.1080/10749357.2017.1280901