Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân và hướng xử trí một số biến chứng của chảy máu dưới nhện

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân và hướng xử trí một số biến chứng của chảy máu dưới nhện

ThS. BS. Võ Hồng Khôi*, GS.TS. Lê Văn Thính*

PGS. TS. Nguyễn Chương*

*Khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai.

TÓM TẮT

Chảy máu dưới nhện có nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt là chảy máu tái phát và co thắt mạch – là những nguyên nhân chính có thể dẫn đến tử vong và tàn tật. Ngày nay nguyên nhân hàng đầu của tử vong đột ngột có liên quan tới chảy máu dưới nhện. Mục tiêu nghiên cứu: 1. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân của chảy máu dưới nhện. 2. Biến chứng và hướng xử trí một số biến chứng của chảy máu dưới nhện.

          Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang 96 bệnh nhân chảy máu dưới nhện nằm điều trị nội trú tại đơn vị Đột quỵ não Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1/2009 đến tháng 10/2010. Kết quả và kết luận: Nhóm nghiên cứu gồm có 38 bệnh nhân nữ và 58 bệnh nhân nam, tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 46,13, nhóm tuổi từ 45-54 chiếm tỷ lệ cao nhất (46,9%).

Những triệu chứng lâm sàng nổi bật gồm: nhức đầu (100%), dấu hiệu màng não (95,8%), nôn và buồn nôn (59,4%), rối loạn ý thức (55,2%). Nguyên nhân hàng đầu của chảy máu dưới nhện  là do vỡ túi phình động mạch não (79,2%), tiếp theo là dị dạng thông động tĩnh mạch não (8,3%). Các biến chứng gồm: chảy máu tái phát là biến chứng nguy hiểm nhất (16,7%), co thắt mạch máu não thứ phát chiếm tỷ lệ cao nhất (37,5%), tràn dịch não cấp và bán cấp (12,5%), hạ Natri máu (13,5%), cơn động kinh (6,25%).

I. Đặt vấn đề

Chảy máu dưới nhện không do chấn thương là máu chảy vào khoang dưới nhện và hoà lẫn với dịch não – tuỷ bao gồm chảy máu dưới nhện tiên phát và thứ phát. Chảy máu dưới nhện tiên phát là máu chảy trực tiếp vào khoang dưới nhện còn chảy máu dưới nhện thứ phát là máu từ trong nhu mô não tràn vào khoang dưới nhện.

Chảy máu dưới nhện có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề, không những ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt lao động của bản thân người bệnh mà còn là gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho gia đình và xã hội trong việc điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh. Việc phát hiện sớm các biến chứng xử trí kịp thời phần nào hạn chế tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế cho bệnh nhân.

Siêu âm Doppler xuyên sọ đã được ứng dụng từ những năm 1980. Phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi để đánh giá sự thay đổi về huyết động học sau chảy máu dưới nhện, là một phương pháp không gây nguy hại và có thể tiến hành nhiều lần, hàng ngày tại giường bệnh để theo dõi biến chứng co thắt mạch não và diễn biến sau điều trị. Phương pháp này có độ đặc hiệu cao, khoảng 85 đến 90% đặc biệt đối với động mạch não giữa [6]. Đến năm 2001, Doppler xuyên sọ được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán co thắt mạch thứ phát sau chảy máu dưới nhện trong cấp cứu [2].

Chụp mạch não mã hoá xoá nền là phương pháp chuẩn để chẩn đoán co thắt mạch tuy nhiên phương pháp này là một can thiệp gây chảy máu và nguy hại, có thể gây tai biến cho bệnh nhân đặc biệt trong giai đoạn cấp của chảy máu dưới nhện (có thể gây 1,8% có triệu chứng thần kinh khu trú thoáng qua và 0,07% thiếu máu não cục bộ) và chi phí cao. Chụp cắt lớp vi tính 64 dãy là phương pháp an toàn và có độ chính xác cao. Theo Yoon D.Y và cs chụp cắt lớp vi tính 64 dãy mạch não so với Chụp mạch não mã hoá xoá nền thì phương pháp này có độ nhạy là 98,1%, độ đặc hiệu 98% và giá trị dự báo dương tính, âm tính tương ứng là 90,7% và 99,5%[6].

Mục tiêu nghiên cứu:

  1. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân của chảy máu dưới nhện.
  2.  Biến chứng và hướng xử trí một số biến chứng của chảy máu dưới nhện.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

  1. Đối tượng nghiên cứu

 Đối tượng nghiên cứu gồm 96 bệnh nhân điều trị nội trú từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 10 năm 2010, tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán xác định là chảy máu dưới nhện không do chấn thương dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.

  1. Phương pháp nghiên cứu

 Nghiên cứu tiến cứu, cắt ngang mô tả.

III. Kết quả nghiên cứu.

1. Đặc điểm về tuổi và giới.

so 11 -5

Biểu đồ 1. Phân bố bệnh nhân theo giới tính.

Nhận xét: Trong nhóm nghiên cứu nam chiếm 60,4%, nữ chiếm 39,6%.

Biểu đồ 2. Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi.

Nhận xét: Tuổi trung bình là 46,13. Tuổi thấp nhất 21 tuổi, tuổi cao nhất 75 tuổi.

2. Hoàn cảnh bị bệnh

Bảng 1. Hoàn cảnh bị bệnh.

Hoàn cảnh Số trường hợp Tỷ lệ %
Sau gắng sức 20 20,8
Đang nghỉ ngơi 39 40,6
Sau uống bia, rượu 12 12,5
Lạnh đột ngột 11 11,5
Đang ngủ 14 14,6
Tổng n = 96 100

Nhận xét:Chảy máu dưới nhện không thường xuyên kèm theo hoạt động gắng sức. Bệnh xuất hiện lúc đang nghỉ ngơi 40,6%, sau gắng sức 20,8%, đang ngủ 14,6%.

3. Triệu chứng chính thời kỳ toàn phát.

Bảng 2:Các triệu chứng chính thời kỳ toàn phát.

Triệu chứng Số trường hợp Tỷ lệ %
Nhức đầu 96 100,0
Gáy cứng 92 95,8
Dấu hiệu Kernig 82 85,4
Rối loạn ý thức 53 55,2
Liệt nửa người Trái 11 19,8
Phải 8
Nôn và buồn nôn 57 59,4
Liệt dây III một bên 8 8,3
Sốt 64 66,7

Nhận xét:Triệu chứng lâm sàng nổi bật trong giai đoạn toàn phát của CMDN: nhức đầu 100%, dấu hiệu gáy cứng 95,8%, nôn và buồn nôn 59,4%, rối loạn ý thức 55,2%, sốt 66,7%.

4. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não

   so 11-6

Biểu đồ 5: Phân bố kết quả chụp cắt lớp theo phân loại của Fisher.

Nhận xét: Tỷ lệ được chụp cắt lớp vi tính sọ não là 100%. Kết quả cho thấy độ III gặp nhiều nhất 36,5%, thấp nhất là độ I chiếm 16,7%.

5. Biến chứng thường gặp của chảy máu dưới nhện

Bảng 3:Các biến chứng thường gặp.

                  Thời gianBiến chứng Trước 3 ngày 3-5     ngày 6-8     ngày Sau 8 ngày Tổng số Tỷ lệ %
Chảy máu tái phát 8 2 4 2 16 16,7
Co thắt mạch não 0 8 26 2 36 37,5
Tràn dịch não 1 2 3 6 12 12,5
Hạ natri máu 4 5 2 2 13 13,5
Động kinh 1 1 2 2 6 6,25

Nhận xét:Biến chứng chảy máu não tái phát 16,7% chủ yếu trong vòng 24 giờ đầu. Biến chứng co thắt mạch não 37,5% xuất hiện nhiều nhất từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 8. Hạ natri máu 13,5%, tràn dịch não 12,5%, cơn động kinh 6,25%.

6. Nguyên nhân.

Bảng 4. Các nguyên nhân gây chảy máu dưới nhện.

Nguyên nhân Trường hợp (n) Tỷ lệ %
Phình mạch 76 79,2
Thông động tĩnh mạch não 8 8,3
U não 3 3,1
Rối loạn đông máu 2 2,1
Không rõ nguyên nhân 7 7,3
Tổng 96 100%

Nhận xét: Tất cả bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính 64 dãy mạch não phình mạch chiếm tỷ lệ cao nhất 79,2%, sau đấy là thông động-tĩnh mạch não chiếm 8,3%.

IV. Bàn luận

1. Đặc điểm về tuổi và giới

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân nam nhiều hơn chiếm 60,4%. Tỷ lệ này phù hợp với các nghiên cứu lâm sàng ở Việt Nam: Nghiên cứu của Lê Văn Thính bệnh nhân nam chiếm 63,5% [1]. Tuy nhiên, theo các tác giả nghiên cứu về dịch tễ học của chảy máu dưới nhện trên thế giới thì tỷ lệ nữ cao hơn nam (nữ chiếm khoảng 60%). Nghiên cứu “The Across Group” Ôxtrâylia và Niu Dilân từ năm 1995-1998 trên 2,8 triệu dân cho thấy 62% bệnh nhân là nữ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chưa phù hợp với các nghiên cứu về dịch tễ học nước ngoài vì: thứ nhất là cỡ mẫu nghiên cứu chúng tôi chưa đủ lớn, thứ hai là chúng tôi chỉ lấy bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Chảy máu dưới nhện có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất là 45-54 tuổi (chiếm 46,9%), tuổi trung bình là 46,13, tuổi thấp nhất là 21 tuổi, tuổi cao nhất là 75 tuổi. Tuổi trung bình của chảy máu dưới nhện từ 40 đến 60 tuổi [5]. Như vậy, khác với quan điểm trước đây là chảy máu dưới nhện gặp chủ yếu ở người trẻ tuổi.

2. Hoàn cảnh bị bệnh                

Khởi phát bệnh hầu hết đột ngột, bệnh xảy ra bất kỳ lúc nào, khi đang làm việc bình thường, lúc nghỉ ngơi, kể cả lúc đang ngủ. Một số trường hợp xảy ra khi bệnh nhân gắng sức, căng thẳng tâm lý, sau uống rượu bia hoặc sau một chấn thương sọ-não rất nhẹ mà nguyên nhân chính là do vỡ dị dạng mạch máu não. Phần lớn khởi phát bệnh lúc nghỉ ngơi 40,6%, xuất hiện sau gắng sức 20,8%, xuất hiện lúc đang ngủ là 14.6%.

3. Triệu chứng giai đoạn toàn phát

Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân chảy máu dưới nhện có nhiều triệu chứng nhưng triệu chứng nổi bật và thường gặp nhất là nhức đầu. Nhức đầu thường xảy ra đột ngột, dữ dội, lúc đầu có thể chỉ khu trú sau đó lan nhanh ra khắp đầu, bệnh nhân không chịu nổi, đau nhiều làm cho bệnh nhân kích thích vật vã. Đau đầu nhiều dùng thuốc giảm đau thông thường ít hiệu quả. Trong nghiên cứu chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Văn Thính [1]. Nhức đầu chiếm 100%. Dấu hiệu màng não: gồm gáy cứng chiếm tỷ lệ 95,8% và Kernig 85,4%. Nôn và buồn nôn chiếm 59,4%, rối loạn ý thức 55,2%, liệt nửa người 19,8% và liệt dây III một bên 8,3%. Tăng thân nhiệt chiếm 66,7%, phần lớn sốt xuất hiện từ ngày thứ ba sau đột qụy và sốt không kéo dài quá hai tuần. Sốt là triệu chứng âm tính quan trọng ở giai đoạn khởi phát giúp thầy thuốc phân biệt với viêm màng não trên lâm sàng.

4. Các biến chứng thường gặp của chảy máu dưới nhện

Chảy máu dưới nhện có nhiều biến chứng, mỗi một biến chứng lại có cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng và xử trí khác nhau.

– Chảy máu tái phát là biến chứng nguy hiểm nhất chiếm 16,7%, biến chứng này xảy ra chủ yếu trong vòng 24 giờ đầu của bệnh và cuối tuần lễ thứ nhất đầu tuần lễ thứ hai của bệnh. Những trường hợp này diễn biến lâm sàng đang ổn định hoặc thuyên giảm đột ngột nhức đầu dữ dội (100%), ngoài ra có thể nôn, co giật, xuất hiện thêm các tổn thương thần kinh khu trú và thường kích thích vật vã rồi hôn mê sâu.

Theo nghiên cứu của các tác giả,  tỷ lệ chảy máu tái phát khoảng 7% và tỷ lệ này có thể lên tới 30% trong vòng hai tuần đầu nếu phình mạch không được can thiệp sớm [4]. Theo Stephan A. Mayer và cs chảy máu tái phát cao nhất trong vòng 24 giờ đầu, sau 2 tuần có thể là 20% và 30% trong tháng đầu nếu phình mạch không được can thiệp sớm [5]. Để dự phòng chảy máu tái phát tốt nhất là can thiệp nội mạch gây tắc túi phình bằng vòng xoắn kim loại (coil) hoặc phẫu thuật kẹp túi phình càng sớm càng tốt. Trong trường hợp có biến chứng co thắt mạch não nặng chúng ta cần điều trị chống co thắt mạch tích cực và chọn thời điểm can thiệp túi phình cho thích hợp, tuy nhiên can thiệp túi phình phòng chảy máu tái phát vẫn được ưu tiên hàng đầu. Những bệnh nhân chảy máu tái phát thường diễn biến rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, nhiều tác giả đã đưa ra ý kiến phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não cấp cứu ngay khi có biến chứng chảy máu tái phát. Tuy nhiên, tỷ lệ chảy máu tái phát còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu dưới nhện, nếu do vỡ phình mạch thì tỷ lệ tái phát cao. Chúng ta kiểm soát huyết áp tốt, dùng thuốc an thần giảm đau tốt, nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, hạn chế các kích thích, tránh táo bón sẽ giảm biến chứng chảy máu tái phát.

– Co thắt mạch não thứ phát sau chảy máu dưới nhện là biến chứng hay gặp, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 21 và đỉnh cao là ngày thứ 6 đến ngày thứ 8 sau đột quị [4], [5]. Biến chứng này thường để lại di chứng nặng cho bệnh nhân, trường hợp nặng có thể tử vong do đó việc phát hiện sớm, xử trí trước khi tổn thương không hồi phục là rất cần thiết. Chúng tôi dự phòng sớm và điều trị biến chứng co thắt mạch bằng thuốc chống co thắt mạch Nimodipine (Nimotop) liều 60mg cho mỗi 4 giờ cho đến hết ngày thứ 21 của bệnh. Ngoài ra phối hợp với pha loãng máu, tăng thể tích, tăng huyết áp (Trip H). Tuy nhiên biện pháp điều trị này chỉ áp dụng sau khi phình mạch não đã được can thiệp. Biểu hiện co thắt mạch não trên lâm sàng là tình trạng của bệnh đang ổn định hoặc thuyên giảm lại trở nên nặng hơn với trạng thái ý thức xấu đi, xuất hiện các triệu chứng thần kinh khu trú như liệt nửa người, liệt dây VII trung ương cùng bên liệt nửa người, thất ngôn… Chúng tôi chẩn đoán xác định co thắt mạch não và theo dõi điều trị bằng Siêu âm Doppler xuyên sọ hàng ngày và Chụp cắt lớp vi tính 64 dãy mạch não một lần cho mỗi bệnh nhân. Trong nghiên cứu của chúng tôi, biến chứng co thắt mạch não thứ phát sau chảy máu dưới nhện là 37,5%. Tỷ lệ này phù hợp với  nghiên cứu của Lê Văn Thính, tỷ lệ co thắt mạch não thứ phát là 47% [1]. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, chuyên môn của người làm siêu âm Doppler xuyên sọ, lượng máu ở khoang dưới nhện (độ Fisher), thời gian vào viện của bệnh nhân, phác đồ điều trị, nguyên nhân gây chảy máu dưới nhện [3]. Thời gian xuất hiện biến chứng co thắt mạch não thứ phát ở ngày thứ 6 đến ngày thứ 8 của bệnh là nhiều nhất 26/36 trường hợp co thắt mạch (chiếm tỷ lệ 72,2%), không có trường hợp nào xảy ra trước ngày thứ 3 của bệnh. Kết quả này phù hợp với các tác giả sau: Theo Stephan A. Mayer và cs cũng như George và cs co thắt mạch não thứ phát xuất hiện từ ngày thứ 3 sau chảy máu dưới nhện và đỉnh cao là ngày thứ 6 đến ngày thứ 8 rồi giảm dần từ ngày thứ 12 trở đi cho đến hết ngày thứ 21 của bệnh [4] [5].

– Tràn dịch não là biến chứng nặng của chảy máu dưới nhện. Tràn dịch não cấp tính có thể do máu tràn vào bể lớn làm bít tắc lỗ Luschka, Magendie, gây hội chứng tăng áp lực trong sọ cấp tính dễ dẫn tới lọt cực não rồi tử vong. Trường hợp này cần phẫu thuật dẫn lưu dịch não-tuỷ cấp cứu. Tràn dịch não cấp khoảng 15% đến 20% bệnh nhân chảy máu dưới nhện [5]. Tràn dịch não bán cấp do máu chảy vào khoang dưới nhện gây viêm dính làm mất chức năng tiêu thấm dịch não-tuỷ của các hạt Pacchioni, làm cho áp lực trong sọ tăng cao. Biến chứng này hay xảy ra trong tuần thứ hai sau đột quị và có thể muộn hơn, chiếm khoảng 20% bệnh nhân chảy máu dưới nhện. Trong nghiên cứu của chúng tôi 12/96 trường hợp (chiếm 12,5%) có biến chứng tràn dịch não trong thời gian nằm viện. Tỷ lệ này thấp hơn so với các tác giả nước ngoài do biến chứng này có thể xuất hiện muộn, trong khi đó chúng tôi chỉ tính trong thời gian nằm viện (một tháng). Sau khi chẩn đoán tràn dịch não, chúng tôi chuyển bệnh nhân tới Khoa Phẫu thuật Thần kinh để phẫu thuật dẫn lưu não thất.

– Hạ natri máu là biến chứng có thể gặp sau chảy máu dưới nhện do bài tiết quá mức hocmon chống bài niệu. Trong nghiên cứu, chúng tôi gặp 13/96 bệnh nhân (13,5%). Phù hợp với Stephan A. Mayer và cs hạ natri máu chiếm khoảng từ 5% đến 30% bệnh nhân chảy máu dưới nhện [5]. Xử trí biến chứng bằng hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể, chế độ ăn tăng muối, nếu không cải thiện thì truyền dung dịch mặn ưu trương.

– Cơn động kinh có 6 trường hợp (chiếm 6,25%), biểu hiện trên lâm sàng là cơn động kinh toàn thể cơn lớn, xử trí thuốc kháng động kinh đường tĩnh mạch (seduxen hoặc Midazolam).

– Ngoài các biến chứng trên còn có các biến chứng về tim-mạch sau chảy máu dưới nhện như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, tăng mức độ suy tim do phản ứng tăng Catecholamin nhưng ít gặp. Các biến chứng chung cho bệnh nhân tai biến mạch máu não tuy không nặng nhưng thường gặp hơn như nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, huyết khối tĩnh mạch sâu, loét, suy kiệt.

5. Cận lâm sàng và nguyên nhân

Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy mức độ chảy máu dưới nhện trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính não theo phân loại của Fisher (1980) như sau: mức độ I (16,7%), mức độ II (27%), mức độ III (36,5%), mức độ IV (19,8%). Mức độ I là không nhìn thấy tỷ trọng máu trên  hình ảnh cắt lớp vi tính não (bình thường) chiếm tỷ lệ thấp nhất 16,7%. Những bệnh nhân này tiến hành chọc dò dịch não-tuỷ có máu để không đông cả ba ống nghiệm. Điều đó phù hợp với nghiên cứu của Lê Văn Thính thấy 15% ở mức độ I [1]. Tính đặc hiệu của chụp cắt lớp vi tính sọ-não ở bệnh nhân chảy máu dưới nhện giai đoạn cấp khá cao (60-100%) do đó ngày nay tại các trung tâm và bệnh viện lớn có máy chụp cắt lớp thì xét nghiệm lựa chọn đầu tiên là chụp cắt lớp vi tính sọ-não để chẩn đoán chảy máu dưới nhện. Khi hình ảnh cắt lớp bình thường mới tiến hành chọc dò dịch não-tuỷ nhằm hạn chế lọt cực não và tránh được kích thích đau có thể gây chảy máu tái phát. Chụp cắt lớp vi tính sọ-não ngoài việc giúp chẩn đoán xác định chảy máu dưới nhện còn có thể hướng tới vị trí chảy máu dưới nhện, có chảy máu trong tổ chức não, giãn não thất, tràn dịch não, phù não, nhồi máu não do co thắt mạch thứ phát.

Nguyên nhân:Tất cả các bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính 64 dãy mạch não-não, chụp cộng hưởng từ não phổ u nếu cần và các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy phình động mạch não chiếm tỷ lệ cao nhất 79,2% và các túi phình động mạch chủ yếu thuộc đa giác Willis. Kết quả này phù hợp với các tác giả như: Lê Văn Thính [1], Stephan A. Mayer [5] là 80% chảy máu dưới nhện là do vỡ phình động mạch não. Nghiên cứu chúng tôi cho thấy các nguyên nhân tiếp theo là thông động-tĩnh mạch não chiếm 8,3%, chảy máu dưới nhện do u não là 3,1%, không tìm thấy nguyên nhân là 7,3%. Trong nghiên cứu có 2 trường hợp (2,1%) chảy máu dưới nhện do giảm tiểu cầu tự miễn.

V. Kết luận

Chảy máu dưới nhện là tình trạng cấp cứu trong Thần kinh và Nội khoa, cần được chẩn đoán sớm, chính xác, xử trí đúng và kịp thời. Qua nghiên cứu của chúng tôi thấy tuổi trung bình của chảy máu dưới nhện là 46,13, nhóm tuổi từ 45-54 chiếm tỷ lệ cao nhất (46,9%). Những triệu chứng lâm sàng nổi bật là: nhức đầu 100%, gáy cứng 95,8%, dấu hiệu Kernig 85,4%, nôn và buồn nôn 59,4%, rối loạn ý thức 55,2%.

Cận lâm sàng và nguyên nhân: Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy mức độ chảy máu dưới nhện trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính não theo phân loại của Fisher; mức độ I (16,7%), mức độ II (27%), mức độ III (36,5%), mức độ IV (19,8%). Mức độ I là không nhìn thấy tỷ trọng máu trên hình ảnh cắt lớp vi tính não (bình thường) chiếm tỷ lệ thấp nhất 16,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy phình động mạch não chiếm tỷ lệ cao nhất 79,2% vị trí các túi phình động mạch chủ yếu thuộc đa giác Willis. Nguyên nhân tiếp theo là thông động-tĩnh mạch não chiếm 8,3%, chảy máu dưới nhện do u não là 3,1%, không tìm thấy nguyên nhân là 7,3%. Trong nghiên cứu có 2 trường hợp (2,1%) chảy máu dưới nhện do giảm tiểu cầu tự miễn.

Chảy máu dưới nhện có nhiều biến chứng đặc biệt là các biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân nếu không được xử trí kịp thời trước khi tổn thương không hồi phục. Hạn chế tối đa các yếu tố thuận lợi gây biến chứng chảy máu tái phát. Tiến hành can thiệp sớm túi phình động mạch não đã vỡ như phẫu thuật kẹp túi phình hoặc can thiệp nội mạch bằng vòng xoắn kim loại (coil) để phòng chảy máu tái phát nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong. Đối với biến chứng co thắt mạch, bệnh nhân cần được điều trị và dự phòng sớm cho đến hết ngày thứ 21 của bệnh. Biến chứng chảy máu tái phát 16,7%, co thắt mạch máu não thứ phát 37,5%, tràn dịch não cấp và bán cấp là 12,5%, hạ Natri máu 13,5% và cơn động kinh 6,25%.

A Study on clinical characteristics, subclinical characteristics, causes and complication management of subarachnoid hemorrhage.

Subarachnoid hemorrhage has a lot of dangerous complications especially re-bleeding and vasospasm which are the major causes of death and disability. Mortality is often related to the acute effects of subarachnoid hemorrhage.

Objectives:

1. Study clinical characteristics, subclinical characteristics, causes of subarachnoid hemorrhage.

2. Complications and complication management of subarachniod hemorrhage.

Subjectives and Methods: Cross sectional prospective study on 96 patients who suffered from subarachnoid hemorrhage admitted to the Stroke Unit, Neurology Department, Bach Mai Hospital from January 2009 to October 2010.

Results and Conclusions: There were 38 females and 58 males with average age of 46.13, age ranged from 45 to 54 accounted for the highest proportion (46.9%).

Typical clinical features were: headache (100%), meningeal syndrome (95,8%), nausea and/or vomiting (59.4%), depression of consciousness (55.2%). Sabarachnoid hemorrhage due to the rupture of intracranial saccular aneurysm is 79.2%, Arteriovenous malformation (8,3%)…

Complications were: re-bleeding is the most dangerous complications (16.7%), cerebral spasm cause cerebral ischemia and infarction is the highest proportion  (37.5%), acute and subacute hydrocephalus (12.5%), hyponatremia (13.5%) and seizures (6.25%).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Văn Thính (2002). Chảy máu dưới nhện chẩn đoán và điều trị. Công trình nghiên cứu khoa học Bệnh viện Bạch Mai, tập 2, 300-309.
  2. Anonymous (2001). Transcranial Doppler, Diagnosis of vasopasm. Neurosoft NEWS, Edition 1. Neurosoft, Inc.
  3. Janjua N, Mayer S.A. (2003). Cerebral vasospasm after subarachnoid hemorrhage. Current Opinion in Critical Care, 9, 2, 113-119.
  4. Kaptain  G.J, Lanzino G, Kassell N.F.  (2000). Subarachnoid haemorrhage: epidemiology, risk factors, and treatment options. Drugs and Aging, 17, 3, 183-199.
  5. Mayer S.A, Bernardini G.L, Solomon R.A. (2010). Subarachnoid Hemorrhage. Merritt’s Neurology, 12th Edition, Chapter 47.
  6. Yoon D.Y, Cho C.S, Kim K.H. (2006), “Multidetector-row CT angiography of cerebral vasospasm after aneurysmal subarachnoid hemorrhage: Comparison of Volme – Rendered Images and digital subtraction angiography”, Yoon, AJNR 27, Feb 2006, www.ajnr.org.