Nghiên cứu đặc điểm đau ở bệnh nhân Parkinson

 Phan Việt Nga, Hoàng Thị Dung

TÓM TẮT

Nghiên cứu tiến cứu, cắt ngang trên 55 bệnh nhân được chẩn đoán xác định bị bệnh Parkinson. Nhận xét các đặc điểm của đau: tỷ lệ đau, mức độ đau, loại đau và các yếu tố liên quan của đau (thời gian mắc bệnh, mức độ bệnh, giai đoạn bệnh). Kết quả: Triệu chứng đau gặp ở 42 (76,4%) bệnh nhân Parkinson. Các bệnh nhân chủ yếu bị đau ở mức độ nhẹ và trung bình (76,2%). Trạng thái bồn chồn đứng ngồi không yên và hội chứng chân không nghỉ gặp 46,5%, đau đi kèm tăng trương lực cơ (44,2%), đau cơ xương khớp (32,6%). Với thời gian mắc bệnh trên 5 năm, bệnh ở giai đoạn IV, hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng đau. Mức độ rối loạn vận động nặng và mức độ trầm cảm nặng có tỷ lệ bệnh nhân bị đau cao nhất lần lượt là 94,1% và 87,5%.Kết luận: Bệnh nhân Parkinson xuất hiện triệu chứng đau chiếm tỷ lệ cao(76,4%), gặp chủ yếu là loại đau đi kèm tăng trương lực cơ(44,2%), trạng thái bồn chồn đứng ngồi không yên gặp ở 46,5%bệnh nhân và đau cơ xương khớp(32,6%). Tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng đau tăng dần theo thời gian mắc bệnh, mức độ bệnh, giai đoạn bệnh và mức độ trầm cảm ở bệnh nhân Parkinson.

Từ khóa: bệnh Parkinson, đau trong bệnhParkinson.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ  

Bệnh Parkinson là bệnh thườnggặp trong nhóm bệnh do thoái hóa mạn tính tiến triển của hệ ngoại tháp. Bệnh được biết đến với các nhóm triệu chứng về rối loạn vận động và ngoài rối loạn vận động.Tuy nhiên ngày nay nhiều tác giả nhận thấy rằng, đau là một triệu chứng quan trọng thường gặp gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, thậm chí còn ảnh hưởng nặng hơn cả triệu chứng vận động, nhưng ít được lưu ý ở bệnh nhân bị bệnh Parkinson. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu nhằm vào mục tiêu sau:

Nhận xét đặc điểm và các yếu tố liên quan của đau ở bệnh nhân Parkinson.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

        Gồm 55 bệnh nhân bị bệnh Parkinson được khám và điều trị tại khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 10/2013 đến 10/2014

2.Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng nghiên cứu

Các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Parkinson theo tiêu chuẩn của Hội Ngân hàng não và Parkinson Vương quốc Anh [1].

3. Phương pháp nghiên cứu

 Tiến cứu, mô tả, cắt ngang

–  Lựa chọn đối tượng theo tiêu chuẩn lựa chọn

  Đánh giá mức độ rối loạn vận động theo thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS – phần III)[2].

  Đánh giá giai đoạn bệnh theo Hoehn và Yahr gồm 5 giai đoạn [1].

–  Đánh giá mức độ đau theo thang điểm VAS.

–  Nhận xét các đặc điểm của đau: tỷ lệ đau, mức độ đau, phân loại đau [3] và các yếu tố liên quan của đau (thời gian mắc bệnh, mức độ bệnh, giai đoạn bệnh)

4. Xử lý số liệu

Bằng phần mềm SPSS 15.0.

 III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Bảng 1. Tỷ lệ bệnh nhân Parkinson có triệu chứng đau

Triệu chứng Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
Đau 42 76,4
Không đau 13 23,6
Tổng 55 100

Kết quả nghiên cứu có 76,4% bệnh nhân Parkinson xuất hiện triệu chứng đau.

Theo 1 nghiên cứu trên 176 bệnh nhân bị bệnh Parkinson, triệu chứng đau được ghi nhận ở 146 bệnh nhân (83%) [4]. Một nghiên cứu khác trên 95 bệnh nhân Parkinson thấy 45,3 % bệnh nhân có triệu chứng  đau [5]. Trung bình 50% bệnh nhân Parkinson có triệu chứng đau đi kèm (trích từ 3). Kết quả đánh giá đau có sự dao động lớn, có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, thời gian mang bệnh, giai đoạn, mức độ…Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh của đau ở bệnh nhân Parkinson còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Bảng 2. Mức độ đau theo thang điểm VAS ở bệnh nhân Parkinson(n = 43)

Mức độ đau Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
Nhẹ  16 38,1
Trung bình 16 38,1
Nặng 9 21.4
Rất nặng 1 2,4
Tổng 42 100

Đa số các bệnh nhân bị đau ở mức độ nhẹ và trung bình (76,2%), mức độ rất nặng chiếm tỷ lệ thấp nhất (2,4%).

Bảng 3. Phân loại đau ở bệnh nhân Parkinson (n = 43)

STT Loại đau Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
1 Đau cơ xương khớp 14 32,6
2 Đau rễ thần kinh 2 4,7
3 Đau đi kèm với tăng trương lực cơ 19 44,2
4 Bồn chồn không yên và HC chân không nghỉ 20 46,5

Đau trong bệnh Parkinson được chia làm 4-5 loại [3], trong nghiên cứu này đa số bệnh nhân có trạng thái bồn chồn đứng ngồi không yên (46,5%), đau đi kèm tăng trương lực cơ (44,2%) và đau cơ xương khớp (32,6%).

Từ năm 1877, Charcot  (trích từ 1) đã đề cập đến các cơn đau xuất hiện ở người Parkinson. Ở giai đoạn khởi đầu của bệnh, đau quanh khớp vai là triệu chứng thường gặp, giảm dần vận động vai mà không có tổn thương khớp. Đau dạng “chuột rút”, đau do co thắt cơ ở vùng cổ, cột sống, bắp chân, đau sâu trong bắp cơ khi ngủ hoặc khi tỉnh, đỡ khi đi lại tạo nên hội chứng “chân không nghỉ”.  Đau cột sống thắt lưng, dây thần kinh đùi, dây thần kinh hông to là một khó khăn để phân biệt đau do bệnh Parkinson hay do một bệnh lý khác phối hợp. Thường nghĩ đến căn nguyên Parkinson khi đau xảy ra từng đợt vào thời kỳ có giao động vận động, khó định khu, ưu thế gốc chi, nặng hơn khi có trầm cảm. Đau đi kèm tăng trương lực cơ thường gặp ở bệnh nhân có mức độ rối loạn vận động nặng và rất nặng, triệu chứng đau dao động song hành với các dao động về vận động [5].

Kết quả của Beiske AG  cộng sự [4] cho thấy, đau cơ xương khớp thấy ở 70% bệnh nhân, đau do tăng trương lực cơ  là 40% .

Bảng 4. Tỷ lệ bệnh nhân mắc các loại đau

Loại đau Có 1 loại đau Có 2 loại Có 3 loại Tổng
Số lượng (n) 30 10 2 42
Tỷ lệ (%) 71,4 23,8 4,8 100

Các bệnh nhân chủ yếu bị một loại đau (69,8%), tỷ lệ bệnh nhân bị đồng thời 3 loại đau chiếm 4.8%.Nghiên cứu của chúng tôi gần tương tự một nghiên cứu trên 176 bệnh nhân bị bệnh parkinson thấy 53% bệnh nhân chỉ có một loại đau, 24% báo cáo có hai và 5% bệnh nhân cùng tồn tại ba loại đau.Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng triệu chứng đau ở bệnh nhân Parkinson có thể liên quan đến các biểu hiện dao động vận động và cả các triệu chứng ngoài vận động kèm theo đau do các bệnh lý đồng diễn.

hinh 7 so 11

Hình 1. Mối liên quan giữa triệu chứng đau với thời gian mắc bệnh

  Tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng đau tăng dần theo thời gian mắc bệnh,

Với thời gian mắc bệnh trên 5 năm, hầu hết tất cả các bệnh nhân đều có triệu chứng đau. Thời gian mắc bệnh dưới 1năm có tỷ lệ đau thấp nhất (40%).

Đau ở giai đoạn sớm: than phiền về đau nhiều có thể tiên đoán việc chẩn đoán bệnh Parkinson nhiều tháng, nhiều năm trước khi có triệu chứng vận động. 1/3 số BN đau khớp xuất hiện triệu chứng đau ở cùng thời điểm chẩn đoán bệnh. Đau này thường khu trú ở vai, hông và điển hình phối hợp với cứng cơ, thường chẩn đoán nhầm là cứng khớp vai hoặc đau rễ cổ.

Các nghiên cứu về Parkinson đều nhận định rằng thời gian mắc bệnh càng dài (>5 năm), khả năng vận động cũng như phục vụ sinh hoạt cá nhân càng hạn chế. Do vậy, đau do căng cứng cơ và khó khăn trong vận động khớp càng lớn. Hầu hết những than phiền về đau trong bệnh Parkinson đều liên quan đến triệu chứng vận động [5]. Về phương diện sinh lý, những rối loạn trong hệ Dopaminergic là con đường dẫn tới những rối loạn chính của cả hai triệu chứng vận động và đau. Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến đau bao gồm tất cả các kích thích được bắt nguồn trực tiếp từ những bất thường về vận động. Từ lâm sàng và một số đặc điểm trong điều trị rất có ích cho việc phân biệt giữa đau liên quan đến triệu chứng vận động, là triệu chứng đau xuất hiện sớm và đau muộn xuất hiện trong quá trình điều trị.

  hinh 8 so 11

Hình 2. Mối liên quan giữa triệu chứng đau với mức độ bệnh

Tỷ lệ bệnh nhân bị đau tăng dần theo mức độ bệnh. Mức độ bệnh nặng và rất nặng có tỷ lệ bệnh nhân bị đau cao nhất (94,1%), ở mức độ nhẹ có tỷ lệ thấp nhất là 41,7%.

Nhiều bệnh nhân xuất hiện xu hướng biến đổi khi điều trị dopamin kéo dài dẫn tới tình trạng on/off (mở/ tắt). Bên cạnh sự biến đổi đặc trưng về vận động thì đau cùng với hệ thần kinh thực vật và các triệu chứng về nhận thức có thể  xếp vào nhóm triệu chứng biến đổi ngoài rối loạn vận động cùng với trạng thái on/off, tình trạng này xuất hiện ở 60% bệnh nhân [6].

Trong suốt giai đoạn “off”  của bệnh, khi nồng độ dopamin ở mức độ thấp thì sự kết hợp các kiểu đau khác nhau với triệu chứng vận động có thể được quan sát thấy. Triệu chứng xuất hiện đầu tiên và rõ nhất là tình trạng cứng cơ vào buổi sáng sớm khi nồng độ dopamin ở mức độ thấp đi kèm với hạn chế vận động (trích từ 5). Loạn trương lực cơ điển hình giống như là tình trạng bị chuột rút đột ngột khi uốn cong bàn chân, chồng cây chuối và đôi khi duỗi thẳng đầu gối. Rối loạn trương lực cơ nặng gây chứng chuột rút, đau dữ dội thường đi kèm với những bắt thường về vận động. Bệnh nhân có thể phải tỉnh dậy buổi sáng sớm vì  chứng co cứng này. Ngoài ra, những phần khác của cơ thể đặc biệt là những vùng ngoại vi  thấp hơn có thể bị đau dữ dội do cứng cơ trong suốt quá trình “off”.

Đau cũng có thể kết hợp với sự rối loạn hai phatrong suốt quá trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc thời gian tác dụng của Levodopa. Một số bệnh nhân phải chịu đựng cơn đau xuất hiện khi bắt đầu dùng một liều thuốc Levodopa cho đến khi nó bắt đầu có tác dụng và sau đó cơn đau sẽ biến mất khi thuốc đạt liều hiệu quả tác dụng tối đa.

 hinh 9 so 11

Hình 3. Mối liên quan tỷ lệ triệu chứng đau với giai đoạn bệnh

Tỷ lệ bệnh nhân bị đau tăng dần theo giai đoạn bệnh. Giai đoạn IV, hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng đau, ở giai đoạn I có tỷ lệ thấp nhất là 33,3%.

Trong giai đoạn muộn của bệnh Parkinson, cứng cơ tăng dần và hạn chế vận động có thể dẫn đến rối loạn tư thế là lý do dẫn đến triệu chứng đau ở hệ cột  sống như đau cột sống thắt lưng và cột sống cổ. Nếu bệnh nhân phải chịu đựng triệu chứng hoặc là của thoái hóa biến dạng hệ cơ xương khớp, hoặc là đau thụ cảm, hoặc đau thần kinh, mỗi  nguyên nhân chỉ gây ra tình trạng đau it (đau thứ yếu) đối với vấn đề sức khỏe. Khi kết hợp những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng đau dai dẳng mạn tính. Những biểu hiện đặc trưng là sự chèn ép tủy dẫn đến đau thắt lưng cùng hoặc đau mạn tính cổ vai cánh tay ở bệnh nhân Parkinson có thoái hóa cột sống cổ.

hinh 10 so 11

Hình 4. Đau liên quan với mức độ trầm cảm

Tỷ lệ đau tăng dần theo mức độ trầm cảm ở bệnh nhân Parkinson. Mức độ trầm cảm nặng có tỷ lệ bị đau cao nhất (87,5%).

Tiếp cận bệnh nhân một cách toàn diện, cần chú ý sự hiển diện của mối tương quan giữa đau-trầm cảm -bệnh Parkinson. Trầm cảm là một trong những bệnh tương đối phổ biến trong đó triệu chứng đau là nổi bật. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng có tác dụng giảm đau thực sự ở những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm nổi trội.

VI. KẾT LUẬN

Có 76,4% bệnh nhân Parkinson xuất hiện triệu chứng đau. Các bệnh nhân chủ yếu bị đau ở mức độ nhẹ và trung bình (76,2%).

Bệnh nhân có trạng thái bồn chồn đứng ngồi không yên là 46,5%, đau  kèm theo tăng trương lực cơ (44,2%) và đau cơ xương khớp (32,6%).

Tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng đau tăng dần theo thời gian mắc bệnh, mức độ bệnh và giai đoạn của bệnh Parkinson.Với thời gian mắc bệnh trên 5 năm, giai đoạn IV của bệnh, hầu hết tất cả các bệnh nhân đều có triệu chứng đau. Mức độ bệnh nặng và rất nặng có tỷ lệ bệnh nhân bị đau cao nhất (94,1%).

Tỷ lệ đau tăng dần theo mức độ trầm cảm ở bệnh nhân Parkinson. Mức độ trầm cảm nặng có tỷ lệ bị đau cao nhất (87,5%).

Summary

Prospective, cross sectional study of 55 patients diagnosed as Parkinson’s disease. Reviews of the characteristics of pain: percentage of pain, pain intensity, pain types and related factors of pain (disease duration,degrees of motor disturbances , disease stage).

:Pain was reported by 42 (76,4%) patients with Parkinson’s disease.The majority (76,2%) of patients had lesser degree pain and moderate.Akathisia pain and restless legs syndrome were reported by 46,5%, dystonic pain by 44,2%, musculoskeletal pain by 32,6%.The disease duration over 5 years and fourth stage of disease, all patients had pain symptom. Serious degrees of motor disturbances and serious degrees of major depressive disorders, proportion of patients with pain symptom were the highestspectively 94.1% and 87.5%.

 Many patients with Parkinson’s disease had pain symptom.

The majority of pain types are Akathisia pain, restless legs syndrome dystonic pain and musculoskeletal pain. Proportion of patients with pain symptom gradually increase over disease duration,degrees of motor disturbances, disease stage and degrees of major depressive disorders in Parkinson’s patients.

 Parkinson’s disease, pain in Parkinson’s disease

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Quang Cường (2002), Bệnh và hội chứng Parkinson, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

2.Lê  Đức Hinh (2008), Bệnh Parkinson, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

3. Lê Minh (2014), Triệu chứng ngoài vận động của bệnh Parkinson, Chương trình đào tạo liên tục: Điều trị bệnh Parkinson và các rối loạn vận động khác cập nhật từ MDS 2014.

4.Poewe,Wenning (1998),The history natural of  Parkinson’s disease. Annneurol, 44 supple 1: S1-S9.

6. B Ford (2005), Pain in Parkinson’s disease. In Manuchair Ebadi and Ronald F Pfeiffer editors Parkinson’s Disease, CRC Press, p 199.

5.Beiske AGLoge JHRønningen ASvensson E, “Pain in Parkinson’s disease: Prevalence and characteristics”, Pain(2009),.141(1-2):173-7.