MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CỦA THẦN KINH HỌC TRONG Y HỌC VÀ Y TẾ VIỆT NAM

Một số đống góp của Thần kinh học trong y học và y tế Việt Nam

 

 GS.TS. Lê Đức Hinh, PGS.TS. Nguyễn Chương

        Hội Thần kinh học Việt Nam

 

TÓM TẮT

Trong sáu mươi năm qua, Thần kinh học Việt Nam đã có một số hoạt động đáng kể như: Xây dựng thuật ngữ và đội ngũ chuyên khoa, ứng dụng và phát triển kỹ thuật chuyên khoa, tổ chức các nhóm nghiên cứu và thành lập các phân khoa, hợp tác hoạt động trong các chuyên khoa khác. Từ một Khoa – Bộ môn Tinh Thần kinh hình thành ban đầu tại Hà Nội vào cuối năm 1956, đến nay Thần Kinh học đã và đang được phát triển tại hầu hết các địa phương trong nước. Những kết quả đã đạt được có thể phần nào phản ánh vai trò của chuyên khoa Thần kinh học trong y học và y tế Việt Nam.

 MỞ ĐẦU

Lịch sử của Thần kinh học Việt Nam bắt đầu từ sau khi miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Ngày 2 tháng 12 năm 1956, thực hiện Quyết định của Bộ Y tế nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, khoa Thần kinh và Tinh thần đầu tiên (gọi tắt là Khoa Tinh Thần Kinh được thành lập tại Bệnh viện Bạch Mai đồng thời với sự khai giảng Bộ môn TinhThần Kinh tại Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Từ đầu năm 1957, các hoạt động khám và chữa bệnh, giảng dạy sinh viên và đào tạo thầy thuốc chuyên khoa Tinh Thần Kinh được song song triển khai. Khoa là cơ sở thực hành của Bộ môn và được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp Bộ chỉ đạo ngành chuyên khoa.

Lúc đầu với khoảng 80 giường điều trị nội trú phần lớn dành cho bệnh nhân loạn thần, Khoa đã bố trí một Phòng Thần kinh và mở một Phòng khám – điều trị nội trú. Đơn vị Thần kinh nhỏ bé ngày ấy chính là tiền thân của Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai ngày nay. Trong thời kỳ sơ khai đó, ngày 8 tháng 3 năm 1960 khi tới thăm Bệnh viện cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống thăm Khoa – Bộ môn Tinh Thần Kinh. Sự kiện lịch sử này là niềm vinh dự vô cùng to lớn đã động viên toàn ngành thi đua xây dựng và phát triển chuyên khoa. Giờ đây nhìn lại chặng đường ngót sáu mươi năm qua, chúng ta hãy nêu lên một số đóng góp của Thần kinh học vào sự nghiệp y học và y tế Việt Nam.

XÂY DỰNG THUẬT NGỮ VÀ ĐỘI NGŨ CHUYÊN KHOA

Vấn đề có tính quyết định cho sự xây dựng và phát triển chuyên khoa là chương trình giảng dạy Thần kinh học và Tâm thần học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Tuy trong ngôn ngữ Việt Nam vốn đã sẵn có một số từ ngữ thông thường liên quan đến hai chuyên khoa trên nhưng thực tế không đủ để diễn giải hoặc thay thế các thuật ngữ y học quốc tế. Do đó các cán bộ tiên phong đứng đầu là Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Trưởng Khoa – Bộ môn đã dành tâm huyết và trí tuệ hoàn thiện nhiệm vụ khó khăn phức tạp này. Các thuật ngữ tiếng Việt về Thần kinh học và Tâm thần học đã được sử dụng rộng rãi tại Bộ môn ở Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội và trong Khoa Tinh Thần Kinh Bệnh viện Bạch Mai. Đến nay các thuật ngữ chuyên khoa đó đã được ghi trong các từ điển thuật ngữ y học Việt Nam. Cùng với xây dựng thuật ngữ là soạn thảo các giáo trình Thần kinh học và Tâm thần học. Những nội dung về giải phẫu chức năng hệ thần kinh, bệnh học tâm thần cũng như các chủ đề liên quan đến chẩn đoán và điều trị được trình bày rõ ràng, khúc triết với một văn phong thuần Việt. Cho đến những năm đầu của thập kỷ 80, các hình minh hoạ giải phẫu hệ thần kinh vẫn được thuyết trình với viên phấn trắng trên các bảng đen trong các giảng đường và sau đó dần dần được thay thế bằng các phim ảnh trình chiếu trên màn hình.

Chương trình Thần kinh học được soạn cho các lớp sinh viên luân khoa, đa khoa và chuyên khoa. Từ những năm 1959-1960 các bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa đầu tiên về công tác tại một số bệnh viện tỉnh (như Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hoá….) và trung ương. Tới tháng 8 năm 1960 đã có 9 Y sĩ chuyên khoa đầu tiên đi xây dựng cơ sở điều trị tại các địa phương lớn ở miền Bắc. Như vậy, một mạng lưới Tinh Thần Kinh đã bước đầu được hình thành trong hệ thống y tế. Ngoài đào tạo trong nước, một số cán bộ được gửi đi học tập, nghiên cứu tại một số nước ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Sau khi đất nước được thống nhất, các cán bộ chuyên khoa khi về miền Nam đã tham gia xây dựng và phát triển Thần kinh học. Từ Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Dược khoa TP. Hồ Chí Minh và Khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, mạng lưới chuyên khoa Thần kinh đã và đang được mở rộng tới nhiều bệnh viện lớn khác. Tại khu vực Huế, Đà Nẵng và Tây Nguyên, vai trò của chuyên khoa Thần kinh học ngày càng được khẳng định trong giảng dạy đào tạo cũng như trong điều trị dự phòng. Ở đây cần nhắc tới sự tham gia của các thầy thuốc quân y được đào tạo từ Học viện Quân y – Bệnh viện 103 và Viện Nghiên cứu khoa học Y Dược lâm sàng 108 đã và đang hoạt trong chương trình kết hợp quân dân y tại nhiều địa phương trong nước.

ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT CHUYÊN KHOA

Ngay từ khi mới hình thành hai chuyên khoa, ngoài thăm khám lâm sàng hệ thống và toàn diện, trong thực hành bệnh viện đã tiến hành thường quy xét nghiệm cận lâm sàng. Các kết quả huyết học, sinh hoá, vi sinh y học, mô bệnh học, di truyền học, ghi điện não, ghi điện cơ… luôn hỗ trợ tích cực cho chẩn đoán. Nhưng đáng chú ý nhất là Điện quang Thần kinh. Ngoài chiếu và chụp X quang quy ước, các thầy thuốc thần kinh đã trực tiếp tiến hành chụp động mạch não qua da và theo kỹ thuật Seldinger, chụp tuỷ sống với chất cản quang và bơm hơi chụp não ngay từ năm 1960 cho đến khi có các trang thiết bị hiện đại. Với các máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy siêu âm, v.v… các kết quả hình ảnh học thần kinh những năm gần đây đã nâng cao hơn nữa chất lượng chẩn đoán đối với nhiều bệnh lý thần kinh phức tạp.

Sử dụng an toàn hợp lý các thuốc theo dược lý thần kinh và tâm thần đã điều trị được các chứng bệnh động kinh, đau thần kinh, rối loạn tâm lý và cảm xúc cũng như nhiều bệnh cảnh thường gặp trong lâm sàng. Mặt khác, trước khi Thần kinh học và Tâm thần học được tách biệt thành hai chuyên khoa vào cuối năm 1969, các liệu pháp insulin và choáng điện kết hợp với các thuốc an thần kinh đã góp phần điều trị thành công các trường hợp loạn thần nặng, làm thay đổi khung cảnh bệnh viện tâm thần, giúp cho xã hội nhận định đúng về các bệnh thần kinh và tâm thần.

Từ khi hoạt động độc lập, Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phát triển chẩn đoán và điều trị một số bệnh nặng như: Viêm não Nhật Bản, bệnh não nhiễm ấu trùng sán lợn, bệnh thần kinh – cơ, bệnh thần kinh ngoại vi, viêm màng nhện tuỷ sống, áp – xe ống sống, áp – xe não và tiểu não… Kết hợp chặt chẽ với chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, từ hơn mười năm nay nhiều trường hợp nhồi máu não cấp tính đã được chuyên khoa Thần kinh học xử trí ngay trong vòng 4,5 giờ đầu bằng phương pháp tiêu huyết khối với chất hoạt hoá sinh plasmin mô tái tổ hợp (rTPA) theo đường tĩnh mạch. Ngoài ra còn sử dụng các thiết bị cơ học hút máu tụ (như Solitaire, MERCI). Trường hợp có bất thường mạch máu được giải quyết bằng các cuộn kim loại (Coils), thả bóng         (Balloon), đặt giá đỡ (Stent) cũng như các phương thức phẫu thuật thần kinh, mạch máu, v.v… Trong nội trú cũng như ở ngoại trú, phần lớn bệnh nhân đều được điều trị phục hồi chức năng.

TỔ CHỨC CÁC NHÓM NGHIÊN CỨU VÀ THÀNH LẬP CÁC PHÂN KHOA

Xuất phát từ yêu cầu giảng dậy, nghiên cứu, điều trị và phục vụ, theo thời gian một số đơn vị nghiên cứu đã dần dần được hình thành như: Điện sinh lý thần kinh, Thần kinh dược lý, Thần kinh tâm lý, Hội chứng não cấp, bệnh Parkinson. Một số đơn vị trên sau đó đã gắn với các Khoa/ Phòng Thần kinh chung, Thần kinh nhiễm khuẩn, Thần kinh trẻ em, Thăm dò chức năng thần kinh. Một số bệnh viện nhi khoa đã tách ra các Phòng Thần kinh trẻ em và Tâm bệnh trẻ em.

Trong một số bệnh viện lớn, trước tình hình các tai biến mạch não ngày càng gia tăng, từ hơn mười năm nay đã hình thành các Đơn vị Đột quỵ não, Trung tâm Đột quỵ não, Trung tâm bệnh lý mạch não, Khoa Đột quỵ não. Kết hợp chặt chẽ chẩn đoán lâm sàng với chẩn đoán hình ảnh học thần kinh, việc xử dụng chất hoạt hoá sinh plasmin mô tái tổ hợp để tiêu huyết khối trong nhồi máu não cấp tính đã được khởi đầu từ TP. Hồ Chí Minh. Đến nay trong cả nước đã có hơn hai mươi Đơn vị Đột quỵ não. Cùng với sử dụng các thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Parkinson, tại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai phương pháp Kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation) để giải quyết một số bệnh lý ngoại tháp. Đối với trường hợp mắc động kinh khó chữa trị, một số kỹ thuật phẫu thuật thần kinh cũng đang được nghiên cứu.

Trong phong trào phát triển các Hội chuyên khoa, một số thành viên của Hội Thần kinh học Việt Nam phối hợp với Hội Tâm thần học Việt Nam đã tổ chức Hội chống Động kinh Việt Nam. Tiếp theo là sự ra đời của Hội phòng và chống Tai biến mạch máu não Việt Nam. Nhằm góp phần chăm sóc bệnh nhân mắc các chứng đau, Hội Đau TP. Hồ Chí Minh và Hội Chống đau Hà Nội đã bắt đầu hoạt động. Mới đây Hội bệnh thần kinh – cơ và chẩn đoán điện Việt Nam cũng đã được thành lập. Thiết nghĩ cũng cần nhấn mạnh tới ý nghĩa thực tế của các nhóm nghiên cứu, các phân khoa hay các mô hình tổ chức hội. Đó là sự hợp nhất nguyện vọng, trí tuệ và khả năng của đại diện các thành phần chủ chốt là Trường – Viện, Khoa – Bộ môn và Hội chuyên khoa nhằm đảm bảo cho hoạt động thành công và hữu hiệu của một tổ chức Hội xã hội – nghề nghiệp như Hội Thần kinh học Việt Nam.

HỢP TÁC HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC CHUYÊN NGÀNH KHÁC.

Theo chỉ định của Bộ Y tế, căn cứ vào yêu cầu công tác của Ngành Y tế trong từng thời kỳ, chuyên khoa Thần kinh học đã cử các đại diện tham gia các đoàn điều tra, các chương trình nghiên cứu. Một số nhiệm vụ đã được hoàn thành là: Giám định y khoa các thương bệnh binh, giám định pháp y, điều tra nguyên nhân các vụ dịch tê phù, đánh giá các di chứng sau tù đầy – tra tấn, nhận xét các di chứng thần kinh sau chiến tranh, các di chứng thần kinh sau chiến thương, xác định thanh toán bệnh bại liệt ở Việt Nam, xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán chết não, xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán di chứng bệnh thần kinh ngoại vi sau nhiễm chất độc hoá học/ dioxin, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng xử trí đột quỵ não ở Việt Nam.

Trong giảng dạy và đào tạo, điều trị và nghiên cứu, Thần kinh học luôn kết hợp với các chuyên khoa khác trong hệ nội khoa, ngoại khoa, y học cổ truyền và hệ cận lâm sàng bao gồm cả quân y. Sau công trình đầu tay năm 1959 của Khoa – Bộ môn Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai kết hợp với chuyên khoa Tai – Mũi – Họng về “Hội chứng thần kinh của u độc nền sọ”, các kết quả nghiên cứu khoa học đều đã được trình bày tại các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước cũng như được công bố trên các tạp chí y học Việt Nam và quốc tế.

Hội Thần kinh học Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Thần kinh học các nước Đông Nam Á (ASNA), Hiệp hội Thần kinh học các nước châu Á và châu Đại dương (AOAN), Liên đoàn Thần kinh học Thế giới (WFN). Một số hội viên của Hội cũng đã được công nhận là thành viên của Hội Thần kinh và Phẫu thuật Thần kinh Cuba (SCNN), Hội Nhi khoa Cuba (SCP), Hội Thần kinh học Pháp (SFN), Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ (AAN), Hội Tai biến mạch não Thái Lan (TSS), Tổ chức Nghiên cứu não Quốc tế (IBRO).

KẾT LUẬN

Trong ngót sáu mươi năm qua, với chức năng nhiệm vụ của một ngành chuyên khoa, Thần kinh học Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành mọi công tác hoạt động chuyên môn. Trên bước đường xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thành viên của Hội luôn đoàn kết chặt chẽ trong Khoa – Bộ môn, Viện – Trường, Dân y và Quân y dưới ngọn cờ của Hội. Những kết quả đã đạt được là phần đóng góp tích cực của chuyên khoa trong sự nghiệp xây dựng nền y học và y tế Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam, chúng ta hy vọng Thần kinh học Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trên bước đường tương lai.

 

SUMMARY

SOME CONTRIBUTION OF NEUROLOGY

TO  THE DEVELOPMENT OF MEDICINE IN VIETNAM

 

                                                                        Le Duc Hinh – Nguyen Chuong

                                                                        The Vietnamese Association of Neurology.

 

During the past sixty years, Vietnamese Neurology has accomplished some main activities such as: elaboration of terminology used in neuro- psychiatry and formation of specialists, application and development of clinical techniques, organization of working groups and establishment of sub – specialties, active collaboration with other medical organizations. Since the foundation of the Neuro – Psychiatry Department in Bach Mai Hospital and the Chair of Neuro- Psychiatry in Hanoi Faculty of Medicine and Pharmacy in 1956, Neurology has been expanded today in almost regions in Vietnam. All of our concerted efforts made might  represent the role of Neurology for the development of Medicine in our country.

 

 

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

 

  1. Nguyễn Quốc Ánh. Sự phát triển của Khoa Tinh Thần Kinh sau ba năm thành lập. Đặc san Bệnh viện Bạch Mai kỷ niệm 15 năm nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bệnh viện Bạch Mai, 1960, 52 – 57.
  2. Bệnh viện Bạch Mai. Sơ lược lịch sử 85 năm Bệnh viện Bạch Mai. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 1997.
  3. Nguyễn Chương. 45 năm xây dựng và phát triển Bộ môn Tinh Thần Kinh. Y học thực hành 1987, 2.
  4. Nguyễn Chương. Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, 57 năm thành lập chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam. Thần kinh học Việt Nam, 2013, 2, 71-73.
  5. Nguyễn Chương. Giảng dạy và đào tạo Thần kinh học tại Trung tâm Viện – Trường Bạch Mai. Thần kinh học Việt Nam, 2013, 3,72-77.
  6. Lê Đức Hinh. L’état passé et présent de la Neurologie au Vietnam. Revue Médicale, 1993, 13 -16.
  7. Lê Đức Hinh. Góp phần nghiên cứu lịch sử Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị khoa học lần thứ 6 Hội Thần kinh học Việt Nam. Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 2006, 3 -10.
  8. Lê Đức Hinh. The training of neurologists in Vietnam. Revue Médicale, 2011, 1, 1-4.
  9. Lê Đức Hinh. Nửa thế kỷ hoạt động của Hội Thần kinh học Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Quốc tế Thần kinh học Việt Nam lần thứ 15. Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 2011, 9 -11.
  10. Lê Đức Hinh, Nguyễn Chương. Lược sử Hội Thần kinh học Việt Nam. Thần kinh học Việt Nam, 2014, 10, 95-103.