Đánh giá kiến thức về đột quỵ não của người nuôi bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175

Đánh giá kiến thức về đột quỵ não của người nuôi bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175

Vũ Thị Phượng, Trần Thị Nguyên, Lâm Thị Anh Phương
Phan Xuân Uy Hùng, Hoàng Tiến Trọng Nghĩa
Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175

TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Tỷ lệ mắc đột quỵ não ngày càng tăng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh và gia đình họ. Tuy nhiên, đột quỵ não có khả năng phòng ngừa hiệu quả, giải pháp đặt ra là cần nâng cao kiến thức về đột quỵ não cho cộng đồng, đặc biệt là người trực tiếp nuôi bệnh.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ người nuôi bệnh có kiến thức đúng về đột quỵ não và các yếu tố liên quan.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang sử dụng bộ câu hỏi theo nghiên cứu của Anne Hickey trên 350 người nuôi bệnh nhân đột quỵ não tuổi từ 18 – 60, tại khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175.
Kết quả: Tỷ lệ người nuôi bệnh có kiến thức chung đúng về đột quỵ não là 46%. Có 75,1% đối tượng thực hành đúng khi gặp người đột quỵ não. Có mối liên quan giữa kiến thức về đột quỵ não và các đặc tính nền: Nhóm tuổi, nơi ở và nghề nghiệp của đối tượng người nuôi bệnh.
Kết luận: Tỷ lệ đối tượng có kiến thức đúng còn thấp nhưng thực hành đúng cao. Đối tượng có kiến thức chung cao gồm: Nhóm người nuôi bệnh từ 18-50 tuổi, nhóm sống ở TP. Hồ Chí Minh và nhóm người lao động trí óc.
Từ khóa: Đột quỵ não, kiến thức – thực hành, người nuôi bệnh.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau bệnh tim mạch và ung thư. Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, tỷ lệ tử vong do đột quỵ não tương đối cao, trung bình mỗi năm có khoảng 47.000 đến 140.000 người chết vì đột quỵ não (5). Tại Việt Nam, theo báo cáo tại Hội nghị khoa học Đột quỵ và Thần kinh toàn quốc lần thứ 7, đột quỵ thường xảy ra “bất ngờ” và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, có tới 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ. Trong số đó, chỉ 25%-30% người bệnh sau phục hồi có thể tự đi lại và phục vụ bản thân, 20%-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày, 15%-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Hiện nay, đột quỵ có thể xảy ra ở cả nam và nữ với tỷ lệ như nhau và ngày càng trẻ hóa trên những người ở tuổi lao động (LĐ). Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã kết luận “Đột quỵ não có khả năng dự phòng hiệu quả” (9). Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao kiến thức về đột quỵ não cho cộng đồng từ đó thay đổi hành vi của cộng đồng trong phòng chống đột quỵ não. Tại Việt Nam, những năm gần đây nhiều bệnh viện đã quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao kiến thức về đột quỵ não. Năm 2003, nghiên cứu của tác giả Vũ Anh Nhị về “Sự hiểu biết về tai biến mạch máu não trên thân nhân và bệnh nhân tai biến mạch máu não” đã được tiến hành tại Khoa Thần kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy (2). Năm 2013, tác giả Võ Thị Nhu đã thực hiện nghiên cứu mô tả trên 136 người chăm sóc người bệnh đột quỵ não tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm khu vực An Giang nhằm đánh giá kiến thức về đột quỵ não (3).
Bệnh viện Quân y 175 là một đơn vị có chuyên khoa nội thần kinh đang phát triển, tuy nhiên chưa có đề tài nghiên cứu nào tìm hiểu về vấn đề này. Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi tiến hành làm đề tài “Đánh giá kiến thức về đột quỵ não của người nuôi bệnh đang điều trị tại bệnh viện Quân y 175” với mục tiêu: Xác định tỷ lệ người nuôi bệnh có kiến thức đúng về đột quỵ não, xác định mối liên quan giữa kiến thức đúng với các đặc điểm nhân khẩu học của người nuôi bệnh đột quỵ não.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang trên 350 người nuôi bệnh nhân đột quỵ não tuổi từ 18 – 60 tuổi, tại Bệnh viện Quân y 175. Cỡ mẫu tối thiểu trong nghiên cứu được tính bằng công thức ước lượng tỷ lệ (p=0,35, ε = 0,15) theo nghiên cứu “Kiến thức và thái độ của người nuôi bệnh trong phòng ngừa tai biến mạch máu não thứ phát” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tình (năm 2014) (4).
2. Phương pháp thu thập số liệu
Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chọn thuận tiện tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho đến khi đủ 350 mẫu. Nếu người nuôi bệnh đồng ý tham gia nghiên cứu, tiến hành khảo sát bằng bộ câu hỏi có cấu trúc soạn sẵn. Nếu người bệnh không đồng ý tham gia nghiên cứu thì phỏng vấn viên chuyển sang đối tượng khác cho đến khi đủ cỡ mẫu cần thiết.
Bộ câu hỏi khảo sát kiến thức về Đột quỵ não bao gồm 24 câu hỏi: 4 câu hỏi về nhân khẩu học; 11 câu hỏi về kiến thức; 1 câu hỏi về thực hành; 4 câu hỏi về lịch sử y tế. Nghiên cứu được sự cho phép của bệnh viện Quân y 175 trước khi tiến hành thực hiện.
3. Phân tích thống kê
Kết quả thu thập được nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1 và phân tích số liệu bằng SPSS 25 và Stata 14. Thống kê mô tả được thể hiện qua tần số, tỷ lệ phần trăm đối với biến số định tính và trung bình, độ lệch chuẩn được sử dụng cho biến số định lượng. Kiểm định chi bình phương xác định mối liên quan giữa kiến thức về đột quỵ não và các đặc tính nền. Sử dụng số đo kết hợp OR để xác định mối liên quan giữa các biến số độc lập và biến số phụ thuộc.

KẾT QUẢ
1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Bảng 3.1. Đặc điểm nhân khẩu học (n=350)

Đặc tính Tần số Tỷ lệ (%)
Giới

Nam

Nữ

 

284

66

 

81,1

18,9

Nhóm tuổi

18 – 30 tuổi

31 – 50 tuổi

51 – 60 tuổi

 

185

105

60

 

52,9

30,0

17,1

Nơi ở

TP. Hồ Chí Minh

Tỉnh, thành khác

 

263

87

 

75,1

24,9

Nghề nghiệp

Nông dân

Cán bộ, viên chức

Hưu trí

Kinh doanh, nội trợ

Sinh viên

Khác

 

90

68

76

47

21

47

 

26,0

19,4

21,7

13,4

6,0

13,4

Hầu hết đối tượng tham gia nghiên cứu là nam (81,1%). Nhóm tuổi từ 18 – 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (52,9%). Đa số đối tượng tham gia nghiên cứu sống tại TP. Hồ Chí Minh (75,1%). Về nghề nghiệp, chủ yếu đối tượng tham gia là nông dân (26%), sinh viên chiếm tỷ lệ thấp nhất (6%).

  1. Kiến thức và thực hành về đột quỵ não của đối tượng

Bảng 3.2. Kiến thúc của người nuôi bệnh (n=350)

Nội dung kiến thức Tần số Tỷ lệ (%)
Định nghĩa về đột quỵ não 297 84,9
Định nghĩa cơn thiếu máu não thoáng qua 237 67,7
Những yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ não 327 93,4
Triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ 162 46,3
Có thể can thiệp/phẫu thuật vài giờ sau đột quỵ 240 68,6
Thuốc hoặc phương pháp điều trị đột quỵ 270 77,1
Đột quỵ não theo giới tính 124 35,4
Khả năng tái phát đột quỵ não 301 86,3
Khả năng giảm nguy cơ tái phát đột quỵ não 146 41,7
Biện pháp giảm nguy cơ đột quỵ não 261 74,6
Hậu quả của đột quỵ não 304 86,9
Kiến thức chung về đột quỵ não 161 46

Người nuôi bệnh có kiến thức chung về đột quỵ não chiếm 46%. Kiến thức của người nuôi bệnh cao nhất là khía cạnh “Hậu quả của đột quỵ não” (chiếm 86,9%), thấp nhất là khía cạnh “Đột quỵ não theo giới tính” (chiếm 35,4%).

Bảng 3.3. Thực hành của người nuôi bệnh (n=350)

Thực hành Tần số Tỷ lệ (%)
Đúng 263 75,1
Chưa đúng 87 24,9

Người nuôi bệnh có thực hành đúng khi gặp người đang đột quỵ não đạt tỷ lệ cao (chiếm 75,1%).

  1. Kiến thức của đối tượng về đột quỵ não và các yếu tố liên quan

Bảng 3.4. Mối liên quan giữa kiến thức về đột quỵ não và các đặc tính nền

Đặc tính mẫu Kiến thức p
Đúng (n) Sai (n)
Giới

Nam

Nữ

 

130

31

 

154

35

0,86
Nhóm tuổi

51 – 60

18 – 50

 

41

120

 

19

170

0,0001
Nơi ở

TP. Hồ Chí Minh

Khác

 

107

54

 

156

33

0,0005
Nghề nghiệp

LĐ chân tay

LĐ trí óc

 

119

42

 

116

73

0,01

*Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê
Phân tích mối liên quan giữa kiến thức về đột quỵ não và đặc tính nền của đối tượng nghiên cứu cho thấy: Nhóm tuổi, nơi ở và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu có liên quan đến việc có kiến thức đúng về bệnh đột quỵ não.

BÀN LUẬN
1. Kiến thức về đột quỵ của đối tượng nghiên cứu
Kiến thức của người nuôi bệnh về định nghĩa đột quỵ não cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Nương (n=136) (3). Tuy nhiên, các đối tượng có kiến thức không đầy đủ về đột quỵ não: về dấu hiệu của đột quỵ có 50% người cho rằng là nhồi máu não và 27,1% xuất huyết não. Nhóm dấu hiệu: dị dạng mạch máu não (6%), thiểu năng tuần hoàn (1,7%) ít được biết đến hơn.
Kiến thức của người nuôi bệnh về “Nguy cơ liên quan đến đột quỵ não” có sự khác biệt so với các nghiên cứu trước đây vì nhóm nghiên cứu xét nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ não hơn. Cụ thể là trong nghiên cứu đa số đối tượng có kiến thức đúng về những nguy cơ liên quan đến đột quỵ (93,4%). Trong khi các nghiên cứu trước đây tỷ lệ này chỉ ở mức từ 50% – 79,4% (3, 6). Điều này được lý giải vì phương pháp đo lường chưa đồng nhất, cỡ mẫu và đặc tính mẫu khảo sát ở hai nghiên cứu là khác nhau. Đa phần đối tượng nhận biết hầu hết các nguy cơ liên quan đến đột quỵ não, trong đó nguy cơ được đối tượng nhận biết nhiều nhất là tăng huyết áp (17,4%), tương đồng với các nghiên cứu trước đây.
Người nuôi bệnh có kiến thức về “Triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ não” khá đồng đều ở các triệu chứng, tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn thấp. Các đối tượng chủ yếu có kiến thức chưa đúng về triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo đột quỵ (chiếm 53,7%), điều này tương đồng với nghiên cứu tại Ireland (6).
Kiến thức về “Biện pháp giảm nguy cơ đột quỵ não” đạt tỷ lệ khá cao (chiếm 74,6%). Trong đó, hạ huyết áp hay kiểm soát huyết áp ổn định được các đối tượng lựa chọn nhiều nhất (20,5%), điều này tương đồng với nghiên cứu của tác giả Vũ Anh Nhị (1). Tuy nhiên so với nghiên cứu của tác giả Vũ Anh Nhị thì nghiên cứu của chúng tôi xét nhiều biện pháp giảm nguy cơ đột quỵ não hơn. Các biện pháp như: Sử dụng Aspirin, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, giảm mỡ máu cũng được các đối tượng biết đến nhưng với tỷ lệ ít hơn. Các phương pháp không dùng thuốc như: Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, châm cứu và ăn kiêng được chọn với tỷ lệ là 8,5%; 6,2% và 4,5%. Việc sử dụng thuốc đông y, thuốc bắc cũng được các đối tượng cho rằng có tác dụng giảm đột quỵ não với tỷ lệ ít hơn lần lượt là 3,2% và 1,2%. Điều này có thể lý giải vì các phương pháp đông y này chưa được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện.
Kiến thức về “Hậu quả của đột quỵ não” đạt 86,9%. Người nuôi bệnh biết đến nhiều nhất là triệu chứng yếu liệt nửa người (chiếm 21,5%). Tiếp theo là nói ngọng/không hiểu lời nói của người khác (17,9%); suy giảm trí nhớ/khó suy nghĩ (15,8%); tiêu, tiểu không tự chủ (13,8%); giảm thị lực (12,5%). Đặc biệt tỷ lệ người nuôi bệnh cho rằng đột quỵ não dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất là tử vong cũng khá cao (chiếm 14,8%). Các kiến thức về hậu quả của đột quỵ não được người nuôi bệnh biết đến gần như bằng nhau. Điều này có thể được lý giải vì đa phần đối tượng trong nghiên cứu có kiến thức khá đồng đều về triệu chứng và dấu hiệu của đột quỵ não nên đồng thời có kiến thức về hậu quả của đột quỵ não.
2. Thực hành về đột quỵ của đối tượng nghiên cứu
Tỷ lệ người có thực hành đúng khi gặp người đột quỵ não là khá cao (chiếm 75,1%). Nghiên cứu của tác giả Christopher McKevitt và cộng sự trong chủ đề “Nghiên cứu định tính về đột quỵ não: nghiên cứu hệ thống” cho kết quả người chăm sóc người bệnh đột quỵ não cần cung cấp thông tin về bệnh và chăm sóc sức khỏe cho những người có yếu tố nguy cơ trong gia đình. Người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ não có nhu cầu hỗ trợ các kiến thức cần thiết về các tác động lâu dài của đột quỵ não và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Họ mong muốn được trao đổi với nhân viên y tế và được nghe bác sĩ chẩn đoán về tình trạng bệnh của người nhà họ một cách thường xuyên. Ngoài ra, việc cải thiện trong chăm sóc sức khỏe và chăm sóc thay thế cho người bệnh cũng được đề xuất. Người nhà mong muốn có các nhóm nhân viên y tế hỗ trợ họ trong việc chăm sóc sức khỏe người đột quỵ và có đường dây nóng khẩn cấp, tiếp nhận các cuộc gọi cần được hỗ trợ (7). Có đến 13,4% đối tượng nghiên cứu lầm tưởng việc “cho bệnh nhân nằm xuống nghỉ ngơi” là có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân. Tỷ lệ người nuôi bệnh nhân đột quỵ não cho rằng nên lấy kim đâm và nặn máu ở 10 đầu ngón tay để giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng đột quỵ là 6% và 1,1% sẽ tự ý cho bệnh nhân uống thuốc. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có thực hành chưa đúng đối với bệnh nhân đột quỵ là khá cao. Điều này có thể được giải thích do người nuôi bệnh chưa thật sự có kiến thức về đột quỵ não. Do đó đối với việc thực hành khi gặp người đột quỵ còn sử dụng các phương pháp dân gian. Lý giải này cũng phù hợp với nghiên cứu của tác giả Simon và Kumar (2002) đã báo cáo rằng những người chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ não cảm thấy rằng họ không được tư vấn và xem xét đầy đủ bởi các chuyên gia nên chưa thật sự biết cách chăm sóc cho người bệnh (8).
3. Mối liên quan giữa kiến thức đúng với các đặc điểm nhân khẩu học của người nuôi bệnh đột quỵ não
Nghiên cứu tìm thấy mối liên quan giữa kiến thức về đột quỵ não và các đặc tính nền: Nhóm tuổi, nơi ở và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu có liên quan đến kiến thức đúng của người nuôi bệnh về bệnh đột quỵ não. Những người có độ tuổi từ 18-50 tuổi có kiến thức về bệnh đột quỵ não cao gấp 3,06 lần so với nhóm người trên 50 tuổi. Người trẻ tuổi tiếp có thể ghi nhớ nhiều kiến thức hơn những người lớn tuổi. Những người sống ở TP. Hồ Chí Minh có kiến thức về bệnh đột quỵ não cao gấp 2,39 lần so với những người sống ở các tỉnh thành khác. TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước với trình độ dân trí và mức sống cao, khoa học kỹ thuật hiện đại nên người dân có nhận thức cao hơn. Những người lao động trí óc như sinh viên, công nhân viên chức và người hưu trí có kiến thức cao gấp 1,78 lần so với người nông dân, nội trợ, kinh doanh tự do.
Kết quả nghiên cứu tương đồng với kết quả nghiên cứu đoàn hệ (n=147, bệnh nhân và thân nhân) ở Tây Bắc Ấn Độ về “Kiến thức về nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân đột quỵ và người thân của họ” năm 2006. Nhóm đối tượng có trình độ học vấn đại học có kiến thức về đột quỵ gấp 2,6 lần so với những nhóm học vấn khác và nhóm tuổi trẻ hơn tương quan với kiến thức tốt hơn về các triệu chứng cảnh báo của đột quỵ. Tuy nhiên, nghiên cứu ở Tây Bắc Ấn Độ tỷ lệ hai nhóm đối tượng tham gia trong nghiên cứu không đồng đều (9).
Kết quả nghiên cứu phân tích gộp “Kiến thức về các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ” của tác giả Marcus Nicol đã chỉ ra mối liên quan giữa trình độ học vấn và độ tuổi ảnh hưởng đến kiến thức về đột quỵ. Những người được hỏi ở các nhóm tuổi lớn hơn và có trình độ học vấn thấp hơn có xu hướng hiểu biết ít hơn về các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ so với những người ở độ tuổi trẻ hơn và những người có trình độ học vấn cao hơn kết quả này tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi (10).

KẾT LUẬN
Tỷ lệ kiến thức đúng về đột quỵ não còn thấp. Nhóm tuổi, nơi ở và nghề nghiệp có liên quan đến việc có kiến thức đúng về đột quỵ não.

ABSTRACT
Background: The incidence of cerebrovascular accident (CVA) is accelerating, posing serious consequences on patients and families. A resolution is enhancing the knowledge of CVA for the community, especially caregivers of stroke patients.
Objectives: Determine the rate of stroke patients’ caregivers, who have knowledge of CVA and related factors.
Subjects and methods: This cross-sectional study was done at Military Hospital 175, using a self-administered questionnaire on 350 caregivers of CVA patients aged 18-60 years.
Results: The proportion of caregivers with correct total knowledge of CVA was 46%. 75.1% of subjects have correct practice when facing CVA patients. There were correlations between knowledge of CVA and demographics: Age group, place of residence, and occupation of caregivers.
Conclusions: The proportion of subjects with correct knowledge was still low yet the correct practice rate was high. Subjects with good total knowledge included the group of caregivers aged 18-50 years, living in HCM City or intellectual workers.
Keywords: Cerebrovascular accident, knowledge – practice, caregivers.

Tài liệu tham khảo
1. Vũ Anh Nhị, Lê Văn Tuấn, Trần Ngọc Tài, Trần Thanh Hùng (2003) “Nghiên cứu sự hiểu biết về tai biến mạch máu não trên thân nhân và bệnh nhân tai biến mạch máu não”. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, Tập 7 (phụ bản số 1), tr. 81-83.
2. Võ Thị Nhu, Lê Thị Cẩm Tiên, Lê Văn Cường, Trần Thị Hoàng Mai (2013) Đánh giá kiến thức người nuôi bệnh về tai biến mạch máu não tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.
3. Bùi Thị Nương, Nguyễn Thị Minh Đức (2005) “Nghiên cứu nhận thức về đột quỵ ở thân nhân và bệnh nhân tai biến mạch máu não”. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, Tập 9 (Phụ bản số 1).
4. Nguyễn Thị Thanh Tình (2014) “Kiến thức và thái độ của người bệnh trong phòng ngừa tai biến mạch máu não thứ phát”. Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 18 (2).
5. Centers for Disease Control and Prevention (2020) Stroke Facts, https://www.cdc.gov/stroke/facts.htm, Accessed on 08/06/2020.
6. Anne Hickey, Ann O’Hanlon, Hannah McGee, Claire Donnellan, Emer Shelley, Frances Horgan, et al. (2009) “Stroke awareness in the general population: knowledge of stroke risk factors and warning signs in older adults”. BMC geriatrics, 9 (1), 35.
7. Christopher McKevitt, Judith Redfern, Freda Mold, Charles Wolfe (2004) “Qualitative studies of stroke: a systematic review”. Stroke, 35 (6), 1499-1505.
8. Chantal Simon, Satinder Kumar (2002) “Stroke patients’ carers’ views of formal community support”. British Journal of Community Nursing, 7 (3), 158-163.
9. Andrzej Sloma, Lars G Backlund, Lars-Erik Strender, Ylva Skånér (2010) “Knowledge of stroke risk factors among primary care patients with previous stroke or TIA: a questionnaire study”. BMC family practice, 11 (1), 47.
10. Amanda G. Thrift (2005) Marcus B. Nicol (2005) “Knowledge of risk factors and warning signs of stroke”. Vascular health and risk management, 1 (2), 137-147.