ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ CỦA SYNAPAIN TRONG BIẾN CHỨNG THẦN KINH NGOẠI VI Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ CỦA SYNAPAIN TRONG BIẾN CHỨNG THẦN KINH NGOẠI VI Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN

Phạm Trang Linh*, Nguyễn Thị Lan Hương **

Nguyễn Thu Minh *, Trần Văn Tuấn**

*Bệnhviện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên

**Trường ĐH Y Dược – Đại học Thái Nguyên

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị của synapain trong biến chứng thần kinh ngoại vi ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Đối tượng: 35 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi điều trị tại khoa Nội tiết – Hô hấp Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả. Kết quả: các triệu chứng đau, tê bì các chi giảm so với trước điều trị (p< 0,05). Mức độ giảm đau theo thang điểm VAS có sự cải thiện rõ rệt với điểm đánh giá đau trung bình trước điều trị (6,1 ± 1,27) sau điều trị giảm còn 4,5 ± 1,79.  Kết luận:  Synapain có hiệu quả trong điều trị giảm đau thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, thuốc ít tác dụng không mong muốn.

 Từ khóa: synapain, đái tháo đường typ 2

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính với nhiều biến chứng tại các cơ quan như: tổn thương mắt, thận, thần kinh, bệnh lí mạch máu và tim mạch, nhiễm trùng,….Trong số đó có biến chứng thần kinh ngoại vi. Đây là biến chứng thường gặp, tần suất xuất hiện bệnh tăng theo thời gian, từ 8,3 % lúc khởi bệnh tới 41,9 % sau 10 năm. Đặc biệt có thể thấy biến chứng này, ngay sau thời điểm mới chẩn đoán đái tháo đường typ 2 [6].

Thần kinh ngoại vi bắt nguồn từ tủy sống đến tay và chân. Khi bị tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng như: tê bì, cảm giác như kiến bò, châm chích  chủ yếu ở hai bàn chân, ngón chân hoặc mất cảm giác với các kích thích như đau, nóng, lạnh,…đau nóng rát hai bàn chân, đau tăng về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ, triệu chứng đau này khó điều trị và thường không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Trong nhiều năm qua Pregabalin (Synapain) đã được đưa vào để điều trị phối hợp với các thuốc chữa đái tháo đường, nhằm làm giảm cảm giác đau, chậm diễn tiến của biến chứng thần kinh ngoại vi cho bệnh nhân. Do đó, để hiểu rõ hơn tác dụng của thuốc Synapain đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tổn thương thần kinh ngoại vi, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài với mục tiêu sau:

Đánh giá kết quả điều trị của Synapain trong giảm đau thần kinh ngoại vi ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

Gồm 66 bệnh nhân được chẩn đoán là đái tháo đường typ 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi đang được điều trị tại khoa Nội tiết – Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái nguyên.

1. Tiêu chuẩn lựa chọn

– Bệnh nhân đái tháo đường typ 2 theo tiêu chuẩn của WHO và ADA  năm 2009.

– Có biến chứng thần kinh ngoại vi.

– Đồng ý tham gia vào nghiên cứu

1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

– Tiền sử dị ứng với Pregabalin.

– Yếu tố gia đình: loại các bệnh thần kinh do di truyền.

– Yếu tố tiền sử: ngộ độc hóa chất như chì, asenic.

– Bệnh thận: loại nguyên nhân suy thận gây tổn thương thần kinh.

– Tiền sử nghiện rượu: loại tổn thương đa dây thần kinh do rượu.

– Loại trừ các trường hợp quá thiếu thốn gây suy dinh dưỡng.

– Biểu hiện thiếu vitamin nhóm B.

– Phụ nữ có thai và cho con bú.

– Tiền sử dùng các thuốc gây tổn thương thần kinh ngoại vi: INH, Metronidazol, Vincristin.

–   Các bệnh lý ác tính kèm theo: ung thư, bệnh máu, nhiễm khuẩn.

2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

–   Địa điểm nghiên cứu: khoa nội 3 – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

–   Thời gian nghiên cứu: tháng 01/2013 đến tháng  08/2013.

2.1. Phương pháp nghiên cứu.

–   Thiết kế nghiên cứu: phương pháp mô tả, theo dõi trước sau điều trị.

–   Cỡ mẫu: chọn mẫu thuận tiện.

–   Phương pháp thu thập số liệu: các đối tượng nghiên cứu được khám kỹ, ghi chép, đầy đủ vào mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất. Điều chỉnh glucose máu và huyết áp theo phác đồ thường quy. Sau khi có xét nghiệm cơ bản, đối tượng nghiên cứu được chia làm hai nhóm:

–   Nhóm 1: 35 bệnh nhân dùng Synapain viên 75 mg x 2 viên/ngày.

–   Nhóm 2: 31 bệnh nhân dùng paracetamol 0,5mg x 2 – 4 viên/ ngày.

–   Đánh giá kết quả điều trị:

+ Lâm sàng: Các triệu chứng: tê bì, kiến bò, kim châm…. Đánh giá điểm đau theo thang điểm đau VAS (Visual Analog Scale), đo huyết áp, chiều cao, cân nặng.

+ Cận lâm sàng: đường huyết lúc đói, creatinin, AST, ALT.

– Vật liệu nghiên cứu: Huyết áp kế đồng hồ Nhật. Ống nghe Nhật.

– Thuốc điều trị: viên Synapain hoạt chất là Pregabalin hàm lượng 75mg. Viên Paracetamol hàm lượng 0,5mg.

  1. Xử lý số liệu: Bằng phần mềm Epi-Info 6.0.

 III/.KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3.1. Một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân nghiên cứu

Nhóm

 

Thông số

Nhóm nghiên cứu (n=35) Nhóm chứng

(n=31)

p
n % n %
Nam 13 37,1 11 35,5 > 0,05
Nữ 22 62,9 20 64,5 > 0,05
Tuổi trung bình 61,43 ± 9,37 60,55 ± 10,15 > 0,05
Glucose 11,55  3,76 10,81  ± 5,94 > 0,05
Creatinin 77,56 ± 2,89 79,32 ± 3,88 > 0,05
AST 41,55 ± 9,43 40,21 ± 7,01 > 0,05
ALT 37,12 ± 4,87 38,66 ± 6,57 > 0,05

Nhận xét: không có sự khác biệt về tuổi trung bình, giới và hàm lượng một số chỉ số sinh hóa giữa hai nhóm nghiên cứu với p >0,05.

     Bảng 3.2. Triệu chứng đau, tê bì vùng chi trên trước và sau điều trị 

Thời điểm

Vùng đau

Trước điều trị

(n=66)

Sau điều trị

(n=66)

p
     n    %    n   %
Vùng vai 11 16,6 05 7,5 < 0,05
Vùng cánh tay 25 37,8 07 10,6 < 0,05
Vùng cẳng tay 41 62,1 12 18,1 < 0,05
Vùng bàn tay 9 13,6 8 12,1 > 0,05

Nhận xét:triệu chứng đau, tê bì vùng cẳng tay gặp nhiều nhất chiếm 62,1% trong cả hai nhóm nghiên cứu ở thời điểm trước điều trị. Triệu chứng đau, tê bì vùng vai, cánh tay, cẳng tay sau điều trị cải thiện rõ rệt với p < 0,05.

 Bảng 3.3. Triệu chứng đau, tê bì vùng chi dưới trước và sau điều trị 

Thời điểm

Vùng đau

Trước điều trị

(n=66)

Sau điều trị (n=66) p
n % n %
Vùng hông 45 68,1 11 16,6 < 0,05
Vùng đùi 47 71,2 12 18,1 < 0,05
Vùng cẳng chân 39 59,1 9 13,6 < 0,05
Vùng bàn chân 55 83,3 15 22,7 < 0,05

Nhận xét:triệu chứng đau, tê bì vùng bàn chân và đùi gặp nhiều nhất chiếm 83,3% và 71,2% trong cả hai nhóm nghiên cứu ở thời điểm trước điều trị. Các triệu chứng đau tê bì các vùng chi dưới sau điều trị được cải thiện rõ rệt so với trước điều trị với p < 0,05.

 Bảng 3.4. Đánh giá mức độ giảm triệu chứng đau của bệnh nhân trước và sau điều trị bằng Synapain

Thời điểm

Mức độ đau

Trước điều trị Sau điều trị p
n % n %
Không đau (0-2 điểm) 0 0 8 22,9 0,00
Đau ít (2-4 điểm) 9 25,7 11 31,5 < 0,05
Đau vừa (4-6 điểm) 17 48,5 13 37,2 < 0,05
Đau nhiều (6-8 điểm) 8 22,8 3 8,6 < 0,05
Đau dữ dội (8-10 điểm) 1 2,8 0 0 0,00
Điểm đau trung bình

(X ± SD )

6,1 ± 1,27 4,5 ± 1,79 < 0,05

Nhận xét:Sau điều trị các mức độ đau do cảm nhận chủ quan của bệnh nhân theo thang điểm đau VAS được cải thiện rõ rệt có ý nghĩa với  p < 0,05.

Bảng 3.5. Đánh giá mức độ cải thiện sau điều trị theo thang điểm VAS

           Nhóm

Kết quả

Nhóm nghiên cứu Nhóm chứng p
n % n %
Tốt 8 22,9 3 9,6 < 0,05
Khá 11 31,5 8 25,8 < 0,05
Trung bình 13 37,2 11 35,5 > 0,05
Không đổi 3 8,6 9 29,1  < 0,05
   Tổng cộng 35 100 31 100  

Nhận xét: Đánh giá kết quả điều trị theo thang điểm đau VAS cho thấy nhóm nghiên cứu có sự cải thiện tốt là 22,9% cao hơn so nhóm chứng (9,6%), sự khác biệt có ý nghĩa với p <0,05.

  Bảng 3.6. Tác dụng không mong muốn trong điều trị

Nhóm

 

Triệu chứng

Nhóm nghiên cứu

(n=35)

Nhóm chứng

(n=31)

n % n %
Rối loạn thăng bằng 2 5,7 0 0
Khô miệng 3 8,5 1 3,2
Buồn nôn, nôn 1 2,8 0 0
Đau bụng 0 0 2 6,4
Tăng SGOT, SGPT 0 0 3 9,6

Nhận xét:ở cả hai nhóm nghiên cứu tỷ lệ gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc là không đáng kể. Ở nhóm dùng paracetamol tỷ lệ tăng SGOT, SGPT chiếm 9,6%.

IV. BÀN LUẬN

1. Đặc điểm của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Qua nghiên cứu 66 đối tượng bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi, chúng tôi thấy: đối tượng nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 61,43 ± 9,37 và 60,55 ± 10,15. Tỷ lệ bệnh nhân nữ giới cao hơn bệnh nhân nam giới (bảng 1). Không có sự khác biệt giữa hai nhóm với p >0,05. Một số nghiên cứu cũng ghi nhận tỷ lệ gặp bệnh nhân đái tháo đường typ 2 ở nữ cao hơn nam [3],[4],[5].

Hàm lượng glucose huyết tương trung bình ở cả hai nhóm tại thời điểm nhập viện ở mức kiểm soát kém với 11,55± 3,76mmol/l (nhóm nghiên cứu) và 10,81± 5,94mmol/l ở nhóm chứng bệnh . Lý do có lẽ do tất cả đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân vào viện điều trị nội trú với biến chứng thần kinh và một số biến chứng khác nên việc kiểm soát đường huyết là chưa tốt.  Các chỉ số về Creatinin, AST, ALT trung bình ở cả hai nhóm trong giới hạn bình thường, không có sự khác biệt về hàm lượng một số chỉ số sinh hóa máu giữa hai nhóm trước điều trị với p > 0,05.

2. Kết quả điều trị

Ở cả hai nhóm nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân có các triệu chứng đau và tê bì các vùng chi trên như vùng vai, cánh tay, cẳng tay trước điều trị là 16,6%; 37,8%; 62,1% sau điều trị có sự cải thiện rõ rệt với 7,5%; 10,6% và 18,1%. Các triệu chứng đau, tê bì các vùng chi dưới cũng được cải thiện đáng kể sau điều trị ở cả hai nhóm nghiên cứu. Rối loạn cảm giác chủ quan như tê bì, kim châm, cóng buốt được thống kê trong kết quả nghiên cứu của Nguyễn Trọng Hưng với 100%; 89,41%; 65,88% trước điều trị và sau điều trị giảm còn 48,24%; 37,65 và 24,70% đặc biệt 23,53% số đối tượng nghiên cứu không còn các triệu chứng chủ quan sau điều trị, sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05 [2].

Trong một nghiên cứu về hiệu quả điều trị giảm đau của Synapain trong hội chứng cổ vai cánh tay, tác giả Vi Quốc Hoàng và cs (2012) cho biết: triệu chứng đau mỏi vùng cổ vai giảm từ 97,1% xuống còn 11,8%; đau vùng cánh tay từ 82,4% xuống còn 2,9%; người bệnh có đau ảnh hưởng đến giấc ngủ 94,1% sau điều trị giảm còn 8,8% (p < 0,05) [8]. Nhận xét này cũng được ghi nhận ở một số nghiên cứu khác trong và ngoài nước.

Nhận xét kết quả giảm đau của Synapain sau điều trị các mức độ đau do cảm nhận chủ quan của bệnh nhân theo thang điểm đau VAS, chúng tôi nhận thấy:  tỷ lệ bệnh nhân không đau sau điều trị là 22,9 % so với 0% ở thời điểm trước điều trị, các mức độ đau ít, đau vừa, đau nhiều  được cải thiện rõ rệt có ý nghĩa với  p < 0,05. Mức đau dữ dội trước điều trị là 2,8% sau điều trị là 0%. Điểm đau trung bình trước điều trị là 6,1 ± 1,27 sau điều trị giảm còn 4,5 ± 1,79, sự khác biệt có ý nghĩa. Theo Vi Quốc Hoàng (2012), điểm đánh giá đau trung bình là 8,21 ± 0,59 trước điều trị và sau điều trị xuống còn 2,94 ± 1,01[8]. Năm 2011, Nguyễn Trọng Hưng nghiên cứu đánh giá hiệu quả giảm đau thần kinh của Pregabalin( Synapain) trong bệnh thần kinh ngoại vi ở người đái tháo đường typ 2 tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho kết quả: mức độ đau giảm rõ rệt có ý nghĩa thống kê sau thời gian điều trị ưu thế ở những bệnh nhân có đau nhiều trở xuống, còn đau dữ dội thì chưa thấy có cải thiện [2]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nhận xét của các tác giả trong và ngoài nước nhận định về hiệu quả điều trị giảm đau của Synapain trong bệnh lý thần kinh là do cơ chế tác dụng: gắn mạnh vào thụ thể alpha-2-delta (một thụ thể phụ của kênh calci mang điện thế) trong các mô của hệ thống thần kinh trung ương, sự gắn này là cần thiết cho tác dụng giảm đau và chống co giật, làm giảm giải phóng một số chất dẫn truyền thần kinh [9].

So sánh kết quả điều trị theo thang điểm VAS giữa hai nhóm nghiên cứu chúng tôi thấy:nhóm nghiên cứu có sự cải thiện tốt là 22,9% cao hơn so nhóm chứng (9,6%), mức độ khá (31,5%) so với nhóm chứng (25,8%), mức độ đau không thay đổi là 8,65 thấp hơn so với nhóm chứng bệnh là 29,1%, sự khác biệt có ý nghĩa với p <0,05.

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính mang tính chất xã hội, mà  bệnh thần kinh ngoại vi là một biến chứng nghiêm trọng thường gặp ở bệnh đái tháo  đường, nhất là trong đái tháo đường typ 2. Song song với việc kiểm soát đường huyết tốt thì vấn đề sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị đau thần kinh ngoại vi là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng với đau thần kinh ngoại vi, nhưng Synapain (Pregabalin) đã trở thành một lựa chọn có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thần kinh ngoại vi [7]. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy điều trị bằng Synapain (Pregabalin) có tác dụng giảm đau rõ rệt trong giảm đau thần kinh ngoại vi do biến chứng bệnh đái tháo đường, cải thiện chất lượng cuôc sống cũng như các rối loạn cảm giác chủ quan của người bệnh.

Về tác dụng không mong muốn của thuốc, trong nghiên cứu này chúng tôi thấy tỷ lệ tác dụng không mong muốn của thuốc là không đáng kể. Ở nhóm dùng paracetamol tỷ lệ tăng SGOT, SGPT mức độ nhẹ chiếm 9,6%. Không có bệnh nhân nào phải ngừng điều trị.

V. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc Synapain điều trị biến chứng thần kinh ngoại vi, chúng tôi thấy:

–   Sau điều trị, các triệu chứng đau tê bì các chi giảm so với trước điều trị, sự khác biệt có ý nghĩa với  p < 0,05.

–   Mức độ giảm đau theo thang điểm VAS có sự cải thiện rõ rệt với điểm đánh giá đau trung bình là  6,1 ± 1,27 sau điều trị giảm còn 4,5 ± 1,79, sự khác biệt có ý nghĩa (p< 0,05).

–   Thuốc synapain ít có tác dụng không mong muốn trong điều trị

–   SUMMARY

–   Objective: Evaluating the treatment results of Synapain in type 2 diabettes mellitus with neurological complications. Subject: 35 patients type 2 diabettes mellitus with neurological complications impatient treatment in endocrinology-respiratory department, Thai Nguyen General Central Hospital. Results: pain and numbness symptoms are reducer than before treating (p <0,05). Average pain score on a scale VAS are improved with before treatment (6,1 ± 1,27) and after treatment 4,5 ± 1,79 (p< 0,05). Conclusions: Synapain has a great effort in the treatment of pain in type 2 diabettes mellitus with neurological complications, there is a few side effects.

–    Keyword: Synapain, type 2 diabettes mellitus.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thế Anh và cộng sự (2011), “Đặc điểm lâm sàng cận lâm sàng và kết quả điều trị ngoại khoa biến chứng bàn chân trên bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên”, bản tin Y Dược học miền núi số 4 năm 2011, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, tr.80 – 86.
  2. Nguyễn Trọng Hưng (2011), “ Đánh giá hiệu quả giảm đau thần kinh của Pregabalin( Synapain) trong bệnh thần kinh ngoại vi ở người đái tháo đường typ 2”, Tạp chí Y học thực hành (777), số 8-2011, tr. 36-39.
  3. Nguyễn Thị Thu Minh và cộng sự (2011), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cao tuổi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên”, bản tin Y Dược học miền núi số 4 năm 2011, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, tr.31 – 39.
  4. Nguyễn Kim Lương (2006), Nghiên cứu thực trạng bênh  đái tháo đường typ 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên năm 2006”.
  5. Nguyễn Kim Lương và cộng sự (2011), “Đánh giá hiệu quả điều trị bệnh nhân đái tháo đường typ 2 ≥ 60 tuổi bằng Sulfonylurea đơn thuần và kết hợp Metformin tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên”, bản tin Y Dược học miền núi số 4 năm 2011, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, tr.40 – 46.
  6. Trường Đại học Dược Hà Nội (2003), Bài giảng bệnh học (dùng cho sinh viên dược), Bộ môn Dược lâm sàng, Hà Nôi, tr.152 – 158.
  7. Trường Đại học Dược Hà Nội (2007), Dược lâm sàng và điều trị, bộ môn dược lâm sàng, Hà Nội, tr.151 – 170.
  8. Vi Quốc Hoàng, Trần Văn Tuấn và CS (2012), “ Đánh giá hiệu quả điều trị của Synapain trong hội chứng cổ vai cánh tay”, Tạp chí Y học thực hành, số 844-2012, tr. 201-205.
  9. Bryans JS, Wustrow DJ (1999), 3-substituted GABA analogs with central nervous system activity: a review. Med Rev 1999, 19: 149-177.