Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Chương

Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Bác sỹ Nguyễn Chương

   

Mỗi một câu chuyện, một mảnh đời đều chứa đựng nhiều dấu ấn, đổi thay thời đại. Vốn là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, PGS. TS Nguyễn Chương đã có duyên đến với y học và trở thành chuyên gia uy tín trong lĩnh vực Thần kinh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một chặng đường dài với rất nhiều nghiên cứu, suy ngẫm về y học Việt Nam. Không những thế, khi đến tuổi xế chiều ông vẫn còn nhiều trăn trở, gửi gắm vào thế hệ học trò, thế hệ nhà Thần kinh học trẻ tuổi.

8

Chuyện nghề Y của chàng thanh niên yêu nước

Bác sĩ Nguyễn Chương có bí danh là Lê Thạch. Ông sinh năm 1934, quê ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Chương xuất thân trong gia đình viên chức, có truyền thống và tinh thần yêu nước. Lớn lên trong thời buổi đất nước còn nhiều gian khó, cuộc kháng chiến chống Pháp còn cam go. Tháng 9/1949, ông tham gia phong trào Học sinh kháng chiến Thành phố Hà Nội, đến tháng 9/1952 ông công tác tại Văn phòng Ủy ban Kháng Hành chính quận Nội, Hà Nội. Đến khi hòa bình lập lại, tháng 8/1954 ông ra vùng tự do, học tập chính sách tiếp quản thủ đô.

Thời kỳ này, chàng thanh niên Nguyễn Chương bắt đầu định hướng, có ý định theo học ngành Y. Ông vẫn còn nhớ bấy giờ có một xu hướng chọn nghề thường được nhắc tới như câu cửa miệng rằng: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Hơn nữa, gia đình ông cũng là gia đình có nhiều người làm về lĩnh vực Y tế. Tiêu biểu như người bác – tức bác sĩ Trần Duy Hưng, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Hành Chính Hà Nội, hơn nữa lúc đó anh rể và chị gái ông cũng là sinh viên Y khoa năm thứ 5. Gia đình, người thân, xu thế chung bấy giờ của những trí thức yêu nước, những thanh niên thời đại mới đã “thổi bùng” lên ý định từ làm cứu thương sang học về Y khoa. Cùng với đó, khi thủ đô mới được giải phóng, mái trường Đại học Y Dược Hà Nội chính là ngôi trường có điều kiện học tập tương đối tốt.

Khi ông bước chân vào trường Y, ngay năm thứ nhất đất nước đang trong thời điểm tiến hành Cải cách ruộng đất, ông đã có cơ hội tham gia đợt cải cách ruộng đất ở xã Hương Ngải, Sơn Tây. Ông đã trực tiếp xem mổ khám nghiệm tử thi của Pháp Y đến việc chứng kiến sự trưởng thành của nông dân trong các cuộc đấu tranh, qua đó đã giúp bản thân thấm hiểu đấu tranh giai cấp, giữa địch và ta… Vốn là thanh niên yêu nước, ông càng  được “giác ngộ” hơn khi tiếp cận với phong trào Nhân văn giai phẩm… Tại Đại học Y Dược khoa còn dấy lên chương trình Roupasov… Sau đó qua thực tế của ngành nên thời gian học Y khoa vẫn là 6 năm.

Ông đã lựa chọn chuyên ngành Thần kinh và đến năm thứ hai bắt đầu đi Bệnh viện, vừa học vừa trải nghiệm và thực hành. Đặc biệt, trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, cũng như các bộ môn khác, bộ môn Tinh Thần kinh đã tổ chức sơ tán chống Mỹ… rồi đưa sinh viên sắp tốt nghiệp đi thực tế chiến trường… Toàn thể cán bộ Bộ môn thực hiện chủ trương của nhà trường “ngoại khoa hoá cán bộ”, “cán bộ là tiểu đội trưởng”, thực hiện công tác dân vận, ba cùng ở nơi sơ tán cũng như ở vùng chiến đấu… Một lần nữa, từ thực tế học tập, thực hành, sống và trải nghiệm trong tháng ngày chiến đấu, ông đã dần trưởng thành về chuyên môn, tư tưởng chính trị, hiểu hơn thực tiễn xã hội cũng như ý nghĩa, vị trí ngành học của mình. Ông đã rút ra vấn đề rất quan trọng rằng: cần phải đặt chuyên khoa Thần kinh học trong thực hành đa khoa. Cụ thể, nghiên cứu chẩn đoán tai biến mạch máu não phải dựa vào thực tế người bệnh – thăm khám lâm sàng ở nhiều bộ phận có liên quan ở cơ thể (ví dụ tim mạch, huyết áp, phổi, thận, tiêu hoá….. Không những thế cho đến tận ngày nay ông vẫn có quan điểm rằng, phải nghiên cứu chuyên khoa này theo xu hướng hiện đại để có thể hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Sau một khoảng thời gian dài học tập trong bối cảnh nhiều biến động, tốt nghiệp ra trường, năm 1960 ông về giảng dạy tại bộ môn Tinh thần kinh, Đại học Y khoa Hà Nội. Những năm đầu tiên khi bước vào nghề, ông vừa giảng dạy vừa phụ trách công tác Giáo vụ, Giáo tài, Nghiên cứu khoa học của bộ môn. Từ năm 1975 – 1977, ông là Giáo vụ, Phụ trách Bộ môn. Tiếp đó, năm 1977 đến năm 1983, ông giữ vai trò Giáo vụ Bộ môn Thần Kinh. Giai đoạn từ 1983  –  1987, hết mình với công việc được giao, ông đã đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm, Phụ trách Bộ môn. Sau năm 1985, ông chính thức giữ vai trò Phó chủ nhiệm khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Trong suốt khoảng thời gian đó cho đến nay, ông luôn tận dụng thời gian, tâm sức để nghiên cứu, tìm hiểu. Hiện nay, với nỗ lực của mình, ông đã trở thành một chuyên gia có tiếng về Thần kinh, Bệnh viện 198, Bộ Công An, cũng như nhiều trường học, Viện ở địa phương như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Cần Thơ.

Đồng thời, ông còn tham gia là thành viên, hội viên ở nước ngoài: Thành viên Hiệp hội Viện Hàn lâm Thần kinh Hoa Kỳ từ 1990 (American Academy of Neurology AAN ), trong Ban đào tạo bổ túc cán bộ của AAN; Hội Nghiên cứu Não quốc tế (IBRO); Thành viên Mạng lưới Thần kinh học các nước nói tiếng Pháp (RERENT) về Thần kinh nhiệt đới; Thành viên các nhà Thần kinh Tự do nói tiếng Pháp; Trưởng đại diện Hiệp hội Chống động kinh Việt Nam (VLAE) thuộc Hiệp hội Chống động kinh Quốc tế (ILAE).

Thành tựu trên chặng đường nghiên cứu, đào tạo

Vào thời điểm năm 1990, bác sĩ Nguyễn Chương hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài:  “Góp phần nghiên cứu chẩn đoán U tiểu não ở trẻ em”. Bắt đầu từ đó, ông tiếp tục chặng đường dài của mình với rất nhiều các đề tài tiêu biểu: Thiểu năng tuần hoàn não; Động kinh cục bộ vận động; Viêm não B ở người lớn. Đặc biệt, đề tài cấp Bộ: “Xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng của Nhồi máu não”(1999 – 2000); Tiếp đó, đề tài cấp Tỉnh: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ lâm sàng của bệnh động kinh ở cộng đồng dân cư tỉnh Kiên Giang”. Trong đó, đề tài cấp Bộ về Nhồi máu của ông đã được triển khai nghiên cứu ở Khoa – Bộ môn Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên;Khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ trong những năm 2000-2001.

Cùng với những đề tài khoa học trong nước, Bác sỹ Nguyễn Chương còn tích cực tham gia, hợp tác, nghiên cứu và làm các đề tài nước ngoài: Nghiên cứu lâm sàng thần kinh ở Việt Nam tạiHội nghị khoa học của AAN tại New York(Poster:Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm não B ở người lớn ở Việt Nam); Động kinh trong bệnh kến sán não, tại Hội nghị lần thứ 3 về Thần kinh nhiệt đới tổ chức tại Martinique, 1998. (Poster tại Martinique về Tai biến mạch máu não); Một vài đặc điểm dịch tễ lâm sàng của Tai biến mạch máu não ở Việt Nam, tại Hội nghị Đột quỵ các nước Đông Nam Á tổ chức tại Singapore 1998; Hai posters: Viêm não B ở người lớn và Tai biến mạch máu não ở Việt Nam tại Hội nghị ASNA tại Chiangmai, Thái Lan năm 1999; Đặc điểm lâm sàng động kinh ở Việt Nam tại Hội nghị động kinh quốc tế Bielfelf, Cộng hoà Liên bang Đức, 1998. Ông còn tham gia giảng bài về“Một vài đặc điểm bệnh Xơ cứng rải rác ở vùng Đông Nam Á” và “Viêm não Nhật Bản ở Việt Nam” tại Hội nghị Thần kinh các nước nói tiếng Pháp tại Lille, Pháp.“Nghiên cứu Thần kinh ở Việt Nam” Báo cáo tại hội nghị khoa họcthần kinh lần thứ 4 của Hội nghiên cứu Não quốc tế (IBRO ), 1999 tại Jerusalem, Israel.

Với vai trò là một giảng viên, trong công tác đào tạo, ông đã hướng dẫn 15 luận văn Thạc sĩ về Thần kinh. Cho các học viên ở Hà Nội, Thanh Hoá, Thái Bình, Quảng Ngãi và Nghệ An. Cùng với đó là 9 luận án Tiến sĩ về Thần kinh cho các nghiên cứu sinh ở Thái Nguyên, Cần Thơ, Hà Nội và tham gia nhiều Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ về Thần Kinh học. Đồng thời, biên soạn và tham gia viết nhiều sách, giáo trình. Có 14 đấu đề sách được in, đặc biệt: Sổ tay các chứng bệnh thần kinh.  NXBYH 1974;  Sổ tay thầy thuốc thực hành thần kinh (Đồng tác giả) NXBYH  1974. Tái bản  1985 và 2000; Hệ Thần kinh trung ương. NXBYH 1985. Tái bản 1990; Thường thức về bệnh thần kinh.  NXBYH 1987; Thực hành điều trị (Đồng tác giả). NXBYH 1993;Bài giảngThần kinh học(Đồng tác giả). NXBYH 1998; Mở đầu về Thần kinh lão khoa.  NXBYH 1999. Tái bản 2000; Viêm não Nhật Bản ở Việt Nam. NXBYH 1997. Tái bản 2001; Sổ tay điều trị bệnh Thần kinh. NXBYH 1998. Tái bản 2001; Thần kinh trẻ em  (Đồng tác giả). NXBYH 1998. Tái bản 2001; Khám lâm sàng thần kinh. NXBYH 2001; Thần kinh học (Đồng tác giả). NXBYH 2004; Cơ sở Thần kinh học. NXBYH 2004; “Sách” – Phương tiện  Nghe – Nhìn cho giảng dạy. Ngoài ra, ông còn biên soạn, tham gia thực hiện các phim như: Phim dương bản: Đặc điểm giải phẫu chức năng Não tủy ứng dụng vào khám lâm sàng thần kinh (54dia );Phim video “Khám phát hiện triêu chứng thần kinh (120 phút) và “Khám lâm sàng thần kinh”  (180 phút).

Cùng với đó, ông có nhiều bài báo đăng tải, nhiều đề tài cấp Trường, cấp Tỉnh, cấp Bộ… đăng trên Tạp chí Y học Thực hành, Kỷ yếu công trình của Đại học Y khoa Hà Nội, Thái Nguyên, Tạp chí Thần kinh của Hội Thần kinh học Việt Nam; Các bài viết tổng quan đăng ở các số Tạp chí Thần kinh của Hội Thần kinh học Việt Nam. Đó là các vấn đề về Thần kinh lão khoa (Parkinson, Alzheimer), Thần kinh trẻ em (Động kinh, viêm não B), Thần kinh nhiệt đới, Thần kinh thoái hoá (Xơ cứng cột bên teo cơ, Xơ cứng rải rác ), Lịch sử Thần kinh học Việt Nam.

Những hồi ức và trăn trở

Nhớ đến chặng đường học tập, công tác, BS Nguyễn Chương thường kể về người bác sĩ, Chủ nhiệm khoa Nguyễn Quốc Ánh, người đã hai lần tự mình thử nghiệm tiêm Subtilis để xem tác dụng chống nhiễm khuẩn cho điều trị viêm não và cho Phong bế sau Châm (IRS) để điều trị chứng nhức đầu vô căn…Thầy chính là một tấm gương, một đồng nghiệp mà ông luôn tôn trọng về y đức, sự hy sinh. Một trong kỷ niệm đáng nhớ khác mà ông hay nhắc tới là cơ hội được theo dõi điều trị cấp cứu Hội chứng não cấp cho vợ một chuyên gia Thụy Điển ở Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.Qua nhận xét đánh giá của đoàn chuyên gia, thông tin về Bác sỹ Nguyễn Chương đã được Thần kinh học Hoa Kỳ biết và ông có cơ hội tiếp xúc qua fax với Giáo sư Chủ tịch Hàn lâm Viện Thần kinh học Hoa Kỳ… Ngay sau đó ông được làm lý lịch có 2 giáo sư khác ở Hoa Kỳ chứng nhận và kết nạp vào tổ chức Thần kinh học Hoa Kỳ (năm 1990)… Hiện nay toàn quốc có 6 GS, PGS được là thành viên của Thần kinh học Hoa Kỳ.

Giờ đây, khi tâm sự về thời thế, những đổi thay và bước đi của thời đại, về bộ môn, Bác sĩ Nguyễn Chương cho rằng: “Thế giới bước vào Thiên niên kỷ mới với sự bùng nổ về khoa học thông tin, tự động hoá…: Trên cơ sở thành tựu của Thập kỷ Não (Đecade of the Brain 1900-2000), Thần kinh học trên toàn thế giới bước vào “Thế kỷ của tư duy”. Từ đó, Thần kinh học Việt Nam cũng phải có bước tiến vững chắc để có thể hoà nhập với Thần kinh các nước trong khu vực Đông Nam Á, với Thần kinh trên Thế giới – nên tập trung vào một số hướng sau: Thần kinh lão khoa: các chứng bệnh ở người cao tuổi, đặc biệt bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer…; Thần kinh trẻ em: Động kinh, Viêm não B, viêm não do virut, Rối loạn sự phát triển tâm thần vận động; Thần kinh nhiệt đới: Các chứng bệnh thần kinh ở môi trường nhiệt đới…Cùng các chứng bệnh thoái hoá ở thần kinh:  Xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), Xơ cứng rải rác. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu về các vấn đề đào tạo Thần kinh trong chương trình đào tạo đa khoa, đào tạo chuyên khoa Thần kinh (sau đại học và trên đại học; Lịch sử Thần kinh học Việt Nam).

Giờ đây, dẫu đã bao nhiêu năm theo nghề, nhiều cống hiến cho Y học nước nhà, ông vẫn luôn nặng lòng trăn trở. Ông tâm sự Đất nước – con người, thật muôn màu muôn vẻ.  Tùy từng góc độ, con người có những suy nghĩ, nhận định, hành động khác nhau …. ông mong muốn gửi đến đồng nghiệp, những nhà thần kinh học trẻ tuổi những điều ông vẫn còn đau đáu. Ông kể về nghề, kể về chính ông và nói về Bộ môn Thần kinh ở Đại học Y khoa Hà Nội và khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Ông cho biết đây là hai tổ chức kết hợp hoạt động – với tư cách đầu ngành Thần kinh – trên phạm vi cả nước – Trung tâm Khoa học Thần kinh Việt Nam thực hiện  tốt 4 nhiệm vụ chính trị là, điều trị, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia chỉ đạo tuyến. Sẻ chia về nghề, ông nhấn mạnh: Thần kinh học là một chuyên khoa khá lý thú và luôn luôn bám sát những thành quả củatác khoa học..  Thế kỷ 21 – “Thế kỷ của Tư duy” tiếp nối “Thập kỷ của Não” (Decade of the Brain 1990-2000). Suốt 50 năm làm việc tại khoa, gắn bó Trung tâm, cùng bộ môn vượt qua bao thử thách, thăng trầm, ông đã hiểu rằng: Cần phải gắn Thần kinh học trong Thực hành đa khoa. Quan niệm này phải được thể hiện trong đào tạo cũng như trong phục vụ, trong nghiên cứu khoa học và trong chỉ đạo tuyến; Đưa Thần kinh học vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Cộng đồng, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt ở nước ta cần chú ý tới người có công… Từ đó, góp phần phòng bệnh thần kinh ở cộng đồng, ở các tuyến – trước hết phải chú ý tới phát hiện sớm các bệnh tai biến mạch máu não (dự phòng cấp 1), Động kinh (liên quan chặt chẽ tới bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em,Vệ sinh phòng dịch…),  Viêm não, Viêm màng não…; Không ngừng cố gắng biết được những thông tin về Thần kinh học ở các nước phát triển, các nước đang phát triển, các nước ở khu vực Đông Nam Á. Không những thế, đối với thế hệ cán bộ Thần kinh học cần phải biết và thông thạo nhiều ngoại ngữ và tin học, luôn luôn tự bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn vững vàng. Đó chính là nền tảng để trở thành một Nhà thần kinh học xuất sắc, cống hiến được cho đất nước, xã hội.

Với những thành tích đã đạt được, ông đã vinh dự nhận: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sức khỏe nhân dân. Khi thời gian đã trôi qua, bồi hồi hồi tưởng ký ức, từ những tháng ngày đi học, mơ màng ngẫm về tương lai, mang theo ước mơ nhiệt huyết cống hiến hay những kỷ niệm trên chặng đường nghiên cứu y học, cho đến nay ông vẫn không ngừng phấn đấu, không ngừng ấp ủ những dự định, những công trình mới, xây dựng Bộ môn ngày càng phát triển, góp phần sự nghiệp Chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

11

Hình 1. Bác sỹ Nguyễn Chương tại Hội nghị các nước ASEAN về Thần kinh tại Thái Lan.

 

44

Hình 2. Gặp trưởng đoàn Canada tại Hội nghị khoa học ở New York, Hoa Kỳ.

 

KS. Nguyễn Thị Lan