Bước đầu nghiên cứu nồng độ dopamin huyết tương ở bệnh nhân parkinson

PGS.TS. Phan Việt Nga, ThS.Hoàng Thị Dung

Bệnh viện 103

TÓM TẮT

Nghiên cứu tiến cứu, cắt ngang trên 30 bệnh nhân được chẩn đoán xác định bị bệnh Parkinson và 30 người khỏe mạnh tương đồng về tuổi, giới. Xét nghiệm định lượng nồng độ dopamin huyết tương cho cả nhóm bệnh và nhóm chứng.

Kết quả:nồng độ dopamin huyết tương trung bình nhóm bệnh nhân Parkinson (0 pg/ml và 4,51 ± 2,93 pg/ml) nhỏ hơn nhóm chứng (9,68 ± 4,18 pg/ml). Giữa nồng độ dopamin huyết tương với mức độ bệnh và giai đoạn bệnh có mối tương quan nghịch mức độ vừa với hệ số tương quan lần lượt là – 0,462 và – 0,397.

Kết luận: Nồng độ dopamin huyết tương giảm ở bệnh nhân Parkinson.

Từ khóa: bệnh Parkinson, nồng độ dopamin .

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh Parkinson là bệnh thường gặp trong nhóm bệnh do thoái hóa mạn tính tiến triển của hệ ngoại tháp. Bệnh sinh của bệnh Parkinson theo nhiều nghiên cứu được cho là do sụt giảm nồng độ dopamin ở hệ tiết dopamin của não và việc điều trị bệnh nhân bằng các thuốc theo cơ chế trên đem lại hiệu quả tốt trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đề cập đến việc định lượng và đánh giá sự thay đổi nồng độ dopamin huyết tương ở bệnh nhân Parkinson. Từ đó nghiên cứu của chúng tôi có mục tiêu:

Nhận xét nồng độ dopamin huyết tương ở bệnh nhân Parkinson và mối liên quan với lâm sàng.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Gồm 60 đối tượng chia làm 2 nhóm: nhóm bệnh (30 bệnh nhân bị bệnh Parkinson được khám và điều trị tại khoa Nội thần kinh Bệnh viện 103 từ tháng 10/2013 đến 07/2014) và nhóm chứng 30 người khỏe mạnh tương đồng về tuổi, giới với nhóm bệnh.

Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng nghiên cứu:

* Nhóm bệnh:

+ Chẩn đoán bệnh Parkinson theo tiêu chuẩn của Hội Ngân hàng não và Parkinson Vương quốc Anh [3].

+ Các bệnh nhân chưa được điều trị gì

* Nhóm chứng: là những người đi khám sức khỏe, đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

+ Tuổi, giới tương đồng nhóm bệnh.

+ Xác định khỏe mạnh dựa vào tiền sử và khám lâm sàng, cận lâm sàng.

Tiêu chuẩn loại trừ nhóm bệnh

+ Rối loạn chức năng tuyến giáp

+ Tiền sử nghiện ma túy, nghiện rượu,nghiện cà phê.

+Bệnh nhân mù chữ hoặc rối loạn chức năng ngôn ngữ như đọc, nghe.

+ Bệnh nhân mắc các bệnh ảnh hưởng đến nồng độ dopamin huyết tương: hội chứng chân bất an, các bệnh lý thần kinh ngoại vi…

Phương pháp nghiên cứu

Tiến cứu, mô tả, cắt ngang có đối chứng.

– Lựa chọn đối tượng theo tiêu chuẩn lựa chọn

– Đánh giá mức độ rối loạn vận động theo thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS – phần III)[7].

-Đánh giá giai đoạn bệnh theo Hoehn và Yahr gồm 5 giai đoạn [8].

– Thang đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (Mini – Mental State Examination – MMSE) [5].

– Xét nghiệm nồng độ dopamin huyết tương bằng phương pháp miễn dịch enzym (Enzym Immuno Assay) và định lượng bằng phương pháp ELISA tại khoa Miễn dịch – Bệnh viện TWQĐ 108.

– So sánh nồng độ dopamin huyết tương giữa nhóm bệnh và nhóm chứng, mối liên quan giữa nồng độ dopamin huyết tương với một số dặc điểm lâm sàng nhóm bệnh.

Xử lý số liệu: bằng phần mềm SPSS 15.0.

 

 

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu

 

Bảng 1. Đặc điểm giai đoạn bệnh theo Hoeh và Yahr

Giai đoạn Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
Giai đoạn I 6 20,0
Giai đoạn II 9 30,0
Giai đoạn III 15 50,0
Giai đoạn IV 0 0
Cộng 30 100

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh tập trung chủ yếu ở giai đoạn II và III của     bệnh chiếm tỷ lệ 80%, trong đó tỷ lệ cao nhất ở giai đoạn III (50%).

Nghiên cứu của Nguyễn Thế Anh, đa số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm (82%), phần lớn bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn I và II) chiếm tỷ lệ 70 %, không có bệnh nhân nào ở giai đoạn IV và V[1]. Nhữ Đình Sơn (2004)[5] nghiên cứu đặc điểm lâm sàng ở 103 bệnh nhân thấy 73% bệnh nhân ở giai đoạn I và II. Nghiên cứu của Nguyễn Thế Anh, đa số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm (82%), phần lớn bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn I và II) chiếm tỷ lệ 70 %, không có bệnh nhân nào ở giai đoạn IV và V.

Bảng 2. Đặc điểm mức độ bệnh theo thang điểm UPDRS

Mức độ Số lượng (n) Tỷ lệ ( %)
Nhẹ (1 – 14 điểm) 6 15,0
Vừa (15 – 28 điểm) 10 33,3
Nặng (29 – 42 điểm) 14 46,7
Rất nặng (43 – 56 điểm) 0 0
Tổng 30 100

Phần lớn bệnh nhân rối loạn vận động ở mức độ vừa và nặng (80%), trong đó mức độ nặng chiếm tỷ lệ cao nhất là 46,7%.

Nhiều nghiên cứu về mức độ rối loạn vận động cũng cho thấy một tỉ lệ gần tương tự: Nhữ Đình Sơn, số bệnh nhân rối loạn chức năng vận động ở mức độ nhẹ và vừa chiếm 88,37%; mức độ nặng và rất nặng có 11,63% [5]; Nguyễn Thế Anh (2008), số bệnh nhân rối loạn chức năng vận động mức độ nhẹ chiếm 52%, mức độ trung bình chiếm 32%, mức độ nặng chiếm 16% [1].

 

Nồng độ dopamin huyết tương ở đối tượng nghiên cứu

Bảng 3. Nồng độ dopamin nhóm bệnh và nhóm chứng

Nhóm Nhóm bệnh (n =30) Nhóm chứng (C)(n=30)
B1 B2
Số lượng (n) 16 14 30
± SD 0 4,51 ± 2,93 9,68 ± 4,18
P PB1C < 0,01; PB2C < 0,01

Bước 1: Nhóm bệnh có nồng độ dopamin huyết tương dưới ngưỡng phát hiện của kít

Bước 2: Nhóm bệnh có nồng độ dopamin huyết tương trong ngưỡng phát hiện của kít

Nghiên cứu của chúng tôi bước đầu định lượng nồng độ dopamin huyết tương cũng nhận thấy rằng nồng độ dopamin huyết tương ở nhóm bệnh nhân bị bệnh Parkinson (Bước 1và Bước 2) thấp hơn so với nhóm chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thông kê với p < 0,01.

Dopamin được hình thành từ vỏ não, cầu não, ở thần kinh ngoại vi, các hạch giao cảm…và thường lưu hành trong máu. Nồng độ dopamin tự do trong máu tăng khi có kích thích cường giao cảm. Như vậy ở tư thế đứng, vận động nhiều, một số phản ứng cảm xúc và giảm đường huyết có thể gây tăng dopamin trong máu. Dopamin máu giảm khi thực hiện chế độ ăn kiêng muối và dopamin còn có vai trò điều tiết aldosteron trong cơ thể.

Woolf P. D và cs.(1993) đã tiến hành định lượng các dopamin bằng phương pháp enzyme phóng xạ trên người bình thường và không thấy có sự khác biệt về giới tính của nồng độ dopamin. Ở người bình thường nồng độ dopamin là 31 pg/ml [6].

Kết quả nghiên cứu nồng độ Dopamin huyết tương ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể Paranoid của Nguyễn Thanh Bình cho thấy, nồng độ ở nhóm bệnh nhân (29,06 ± 8,24 pg/ml) lớn hơn so với nhóm chứng (16,69 ± 4,74 pg/ml) và sự khác biệt nồng độ dopamin của nhóm bệnh sau điều trị với nhóm chứng không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05[2].

Biểu đồ 1. Mối liên quan giữa nồng độ dopamin huyết tương theo nhóm tuổi ở nhóm bệnh và nhóm chứng.

 

 

Bệnh Parkinson xảy ra chủ yếu sau 60 tuổi. Ở những người già được coi là bình thường, các hội chứng vận động cũng có nhiều điểm giống các triệu chứng Parkinson. Tuy nhiên, gần đây nhiều nghiên cứu đã cho thấy giả thuyết nêu trên không hoàn toàn chắc chắn: nhiều triệu chứng ngoại tháp ở người già không đỡ khi điều trị bằng L – dopa. Bằng kỹ thuật gắn huỳnh quang vào dopamin ở thể vân, người ta thấy vị trí gắn của các chất đánh dấu không giống nhau giữa người bị Parkinson và người già trong quá trình lão hóa thông thường. Như vậy, nguyên nhân gây bệnh Parkinson không đơn thuần do gia tăng quá trình lão hóa, nhưng việc tham gia của yếu tố sinh lý vào cơ chế bệnh sinh của bệnh này cũng không thể bỏ qua [4]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tuổi của bệnh nhân càng cao thì nồng độ dopamin càng giảm ở cả nhóm bệnh và nhóm chứng. Nồng độ dopamin nhóm bệnh ở các nhóm tuổi đều thấp hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Phải chăng quá trình lão hóa sinh lý cũng ảnh hưởng đến bệnh Parkinson.

Biểu đồ 2. Mối liên quan giữa nồng độ dopamin huyết tương với thời gian mắc bệnh ở nhóm bệnh (n =30)

 

Thời gian mắc bệnh càng dài thì nồng độ dopamin huyết tương càng giảm.

Biểu đồ 3. Sự tương quan giữanồng độ dopamin huyết tương giai đoạn bệnh (n=30)

 

Phương trình tương quan: y = 7,516 – 2,34 x (y: nồng độ dopamin huyết tương, x: giai đoạn bệnh). Từ biểu đồ ta nhận thấy giai đoạn bệnh càng nặng thì nồng độ dopamin huyết tương càng giảm. Giữa giai đoạn bệnh và nồng độ dopamin có mối tương quan nghịch mức độ vừa với hệ số tương quan Spearman = – 0,397, p < 0,05.

Biểu đồ 4. Sự tương quan giữanồng độ dopamin huyết tươngmức độ bệnh (n=30)

Phương trình tương quan: y = 7,172 – 0,211 x (y: nồng độ dopamin huyết tương, x: mức độ bệnh tính theo điểm của thang UPDRS). Từ biểu đồ ta nhận thấy mức độ bệnh càng nặng thì nồng độ dopamin càng giảm. Giữa mức độ bệnh và nồng độ dopamin có mối tương quan nghịch mức độ vừa với hệ số tương quan Spearman = – 0,462, p < 0,05.

Thực tế, triệu chứng vận động chậm chạm có liên quan chặt chẽ đến mức độ suy giảm chất dopamin trong não nhiều hay ít. Người ta nhận thấy, khi chưa có triệu chứng Parkinson, dopamin có thể bị giảm dưới 50%; khi đã có biểu hiện của các triệu chứng, dopamin bị giảm tới 70%; ở các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, dopamin bị giảm tới hơn 90% [3], [9]. Phải chăng, cũng có mối liên quan giữa mức độ bệnh và giai đoạn bệnh với nồng độ dopamin huyết tương.

Biểu đồ 5. Mối liên quan giữa nồng độ dopamin huyết tương với suy giảm nhận thức (n = 30)

 

Nồng độ dopamin huyết tương có xu hướng cao hơn ở nhóm không suy giảm nhận thức.

Suy giảm nhận thức phát triển dần trong quá trình tiến triển của bệnh Parkinson, lúc đầu còn nhẹ, càng về sau càng nặng dần và có thể gây sa sút trí tuệ thực sự.

 

KẾT LUẬN

Nồng độ dopamin trung bình của nhóm bệnh B1(0 pg/ml), nhóm B2 (4,51± 2,93 pg/ml) đều nhỏ hơn so với nhóm chứng (9,68 ± 4,18 pg/ml). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.

Tuổi của bệnh nhân càng cao thì nồng độ dopamin càng giảm ở cả nhóm bệnh và nhóm chứng. Nồng độ dopamin nhóm bệnh ở các nhóm tuổi đều thấp hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.

Thời gian mắc bệnh càng dài thì nồng độ dopamin huyết tương càng giảm.

Giai đoạn bệnh càng muộn thì nồng độ dopamin càng giảm. Giữa giai đoạn bệnh và nồng độ dopamin có mối tương quan nghịch mức độ vừa với hệ số tương quan là – 0,397.

Mức độ bệnh càng nặng thì nồng độ dopamin huyết tương càng giảm. Giữa mức độ bệnh và nồng độ dopamin huyết tương có mối tương quan nghịch mức độ vừa với hệ số tương quan là – 0,496.

Nồng độ dopamin huyết tương có xu hướng cao hơn ở nhóm không suy giảm nhận thức.

 

 

KIẾN NGHỊ

Cần tiếp tục nghiên cứu dài hơn với số lượng bệnh nhân lớn hơn về nồng độ dopamin huyết tương đồng thời mở rộng nghiên cứu nồng độ dopamin dịch não tủy ở bệnh nhân mắc bệnh Parkinson. Từ đó tìm hiểu thêm mối liên quan giữa nồng độ dopamin huyết tương với nồng độ dopamin dịch não tủy và các triệu chứng lâm sàng, các yếu tố khác ở bệnh nhân bị bệnh Parkinson.

The first step studying about plasma concentration of dopamine at the patients with Parkinson’s disease

Summary

Prospective, cross sectional study of 30 patients diagnosed as Parkinson’s disease and 30 healthy people with the same of age, sex.Quantitative assay of plasma dopamine concentration for patients group and control group.

Results:Plasma dopamineaverage concentration at the patients group with Parkinson’s disease (0 pg/ml và 4.51 ± 2.93 pg/ml) less than the control group (9.68 ± 4.18 pg/ml).There was a moderate inversely correlated between plasma dopamine concentration and extent of disease and disease stages with correlated coefficients – 0,462 and – 0,397.

         Conclusion: The patients with Parkinson’s disease have been reducedplasma concentration of dopamine.

       Keywords: Parkinson’s disease, dopamine concentration.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thế Anh (2008), Nghiên cứu một số đặc điểm chức năng nhận thức ở bệnh nhân Parkinson cao tuổi, Luận văn thạc sĩ y học – Trường ĐHY Hà Nội.

2. Nguyễn Thanh Bình (2010), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và nồng độ dopamine huyết tương ở bệnh nhân tâm thần phần liệt thể Paranoid, Luận án tiến sĩ y học Học viện Quân Y

3. Lê Đức Hinh (2008), Bệnh Parkinson, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Chương (2006), Một số bệnh thoái hóa và di truyền hệ thần kinh, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 67 – 97.

5. Nhữ Đình Sơn (2004), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố nguy của bệnh Parkinson, Luận án tiến sĩ y học Học viện Quân y.

6. Woolf P.D., Akowuah E.S., Lee L. et al. (1993), ”Evaluation of   the dopamine response to stress in man”, J Clin Endocrinol Metab, 56 (2), pp. 246 – 250.

7. Functional and Streotactic Neurology Staging of Parkinson’s Disease. MGH Neurosugical Service 1999.

8. Poewe, Wenning (1998),The history natural of Parkinson’s disease. Annneurol, 44 supple 1: S1-S9.

9. Hauser. R (1997), Parkinson’s disease questions and answers, Merit publishing second edition.