Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh người thầy của Ngành Thần kinh học Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh
người thầy của Ngành Thần kinh học Việt Nam

GS.TS. Lê Đức Hinh, PGS.TS. Nguyễn Chương
Hội Thần kinh học Việt Nam

Dưới thời đất nước còn bị đô hộ, ở Việt Nam không có chuyên khoa Thần kinh học. Trong các cơ sở bệnh viện của chế độ cũ như ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn, các bệnh nhân thường được điều trị trong các khu Nội thương hoặc Truyền nhiễm, trẻ em trong các Khoa Nhi; còn các bệnh nhân loạn trí được giữ riêng trong một số trại như ở Bắc Giang, Biên Hòa. Riêng tại Nhà thương Cống Vọng Bạch Mai, sau khi được cải tạo năm 1939 vẫn có một “Khu Điên và Tù” (Service des Aliénés et Prisonniers) nhưng trên lối cửa ra vào nơi này từ năm 1949 lại được ghi là “ Khoa Thần kinh”. Thực chất không phải là Khoa mà cũng chẳng phải là Thần kinh vì đó là nơi giam giữ các bệnh nhân loạn thần nặng và các tù nhân khi bị ốm đau kể cả các phạm nhân chính trị. Còn tại Trường Đại học Y Dược khoa Đông dương thời trước không thấy giảng dạy về Thần kinh học và Tâm thần học.
Lịch sử của chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam chỉ bắt đầu từ sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng tháng 10 năm 1954. Theo Quyết định của Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 12 năm 1956, Khoa Thần kinh và Tinh thần đầu tiên gọi tắt là Khoa Tinh Thần kinh, được thành lập tại Bệnh viện Bạch Mai trên mảnh đất của Khu Điên và Tù cũ, đồng thời với sự khai giảng Bộ môn Tinh Thần kinh ở Trường Đại học Y Dược Khoa Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, một thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh và Tinh thần, nguyên Trưởng Khoa lâm sàng tại Đại học Y khoa Paris về nước sau 18 năm ở Pháp, được giao phụ trách Trưởng Khoa và Trưởng bộ môn đầu tiên của chuyên ngành.

XÂY DỰNG CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ CHUYÊN KHOA
Theo đề nghị của Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, năm 1957 một đề án sửa sang và mở rộng Khu Điên và Tù cũ thành Khoa Tinh Thần kinh đã được Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế duyệt. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, với sự góp ý của Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã tiến hành “xây dựng khu mới – cải tạo khu cũ” khởi công vào tháng 10 năm 1957. Ba tòa nhà mới được hoàn thành trong tháng 8 năm 1958 và tới tháng 6 năm 1959 toàn bộ công trình được hoàn chỉnh.
Ba tòa nhà khang trang rộng rãi gồm sáu gian, có hành lang nối tiếp với nhau, xếp thành hình chữ U bao quanh một vườn hoa lớn trông về hướng Đông. Bên trong sáu gian nhà là những đơn vị điều trị nội trú cho từng nhóm 20 – 25 bệnh nhân. Mỗi đơn vị đó đều có phòng ngủ, phòng ăn và sinh hoạt; một số buồng cá nhân và một khoanh sân vườn nhỏ. Khoa Tinh thần có hai khu vực dành riêng cho bệnh nhân nữ (Phòng T1, T2) và nam (Phòng T4, T5) trong đó các phòng T1, T5 cho các bệnh nhân tiến triển tốt và Phòng T2, T4 cho các trường hợp chưa ổn định. Phòng T3 dành điều trị bệnh thần kinh và cơ sở Phòng Khám – Điều trị ngoại trú. Sảnh trung tâm được tổ chức thành nơi điều trị hoạt động (occupational therapy) cho bệnh nhân tâm thần và phục hồi chức năng (rehabilitation therapy) cho bệnh nhân thần kinh ở tầng dưới; trên gác là một giảng đường nhỏ. Vườn hoa khá rộng với cây cao tỏa bóng mát xuống thảm cỏ xanh bao quanh một bể nước giữa sân có hòn non bộ và cá cảnh điểm tô. Đây cũng là nơi để bệnh nhân dạo chơi cùng người thân khi đến thăm và cán bộ nhân viên tập thể dục hàng ngày.
Mô hình tổ chức này đã được các chuyên gia nước ngoài khi tới thăm Khoa cũng đã nhận định là phù hợp với quan điểm của thời đại đối với hoạt động điều trị chăm sóc bệnh nhân thần kinh và tâm thần.

GIẢNG DẠY VÀ ĐÀO TẠO CHUYÊN KHOA
Việc quan trọng đầu tiên là xây dựng thuật ngữ chuyên khoa dùng trong các giáo trình. Nếu từ năm 1945 ở nước ta đã sử dụng rộng rãi các danh từ khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, thiên văn) Việt Nam trong giảng dạy thì những thuật ngữ Thần kinh học và Tâm thần học chỉ bắt đầu được dùng từ năm 1957 tại Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Việc xây dựng những thuật ngữ này cơ bản là công sức trí tuệ của bản thân người Thầy của hai chuyên ngành và sau đó có sự đóng góp của các cộng sự đầu tiên là Giáo sư Nguyễn Văn Đăng, Giáo sư Nguyễn Việt, Giáo sư Trần Đình Xiêm và Giáo sư Nguyễn Chương.
Công tác giảng dạy lý thuyết dược được triển khai từ năm 1957 ở Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Từ năm 1959 đã đón nhận 4 sinh viên Y khoa năm thứ IV đến học chuyên khoa Tinh Thần kinh khóa đầu tiên và 16 Y sĩ tới thực tập chuyên khoa.
Lúc đầu là các buổi giảng lý thuyết cho các lớp Y khoa năm thứ IV và thứ V; sau đó là hướng dẫn thực hành theo luân chuyển các tổ sinh viên năm thứ IV và thứ V. Như vậy đã đào tạo được 8 khoa Bác sĩ chuyên khoa sơ bộ (trong đại học) với 54 Bác sĩ chuyên khoa Tinh Thần kinh, trong đó có 13 Bác sĩ hàm thụ.
Trong các năm 1962 – 1964, Bộ môn còn đảm nhiệm giảng dạy phần triệu chứng học thần kinh cho các lớp sinh viên Y năm thứ II và thứ III đi luân khoa về Nội khoa cơ sở.
Với khối lượng công việc bộn bề, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã có sự giúp việc nhiệt tình của Y sĩ Trịnh Tân, Y tá trưởng Hoàng Đình Canh, Y tá kiêm Thư ký Nguyễn Văn Lợi và một số nhân viên y tá, hộ lý. Từ năm 1960, Giáo sư Nguyễn Chương được giao nhiệm vụ phụ trách Giáo vụ và Nghiên cứu khoa học. Các cán bộ giảng dạy dần dần được bổ sung và từ năm học 1967 – 1968, ngoài Bác sĩ Trưởng Bộ môn, đã có 4 cán bộ giảng dạy và 1 kỹ thuật viên. Năm 1965 Giáo sư Nguyễn Việt sau thời gian thực tập ở Liên Xô về Bộ môn đã được phân công giảng dạy về Tâm thần học cùng với Giáo sư Trần Đình Xiêm.
Cùng với giảng lý thuyết tại Trường, các kỹ thuật và phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh thần kinh, tâm thần được áp dụng tại Khoa. Trong chẩn đoán, ngoài thăm khám lâm sàng theo đúng qui cách chuyên khoa còn triển khai các thăm dò chức năng và xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X quang sọ não theo quy chuẩn, xét nghiệm dịch não – tủy, giải phẫu bệnh thần kinh… Từ năm 1959 đã triển khai chụp X quang mạch não có bơm cản quang, bơm hơi chụp não. Các thuốc kháng động kinh, chống phù não, điều hòa mạch não được chỉ định phù hợp với bệnh trạng của bệnh nhân. Trong tâm thần học, chiếc “áo cố định” bằng vải bạt thời cũ được thay thế bằng chiếc “áo hóa học” là thuốc Clopromazin (Iargactil). Các thuốc an thần kinh khác và thuốc điều hóa khí sắc được sử dụng rộng rãi. Đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt đã tiến hành liệu pháp Sakel (gây hôn mê hạ đường huyết) mang lại kết quả khả quan. Ngoài ra đã tổ chức các hình thức của liệu pháp lao động (ergotherapy) để giúp cho các bệnh nhân tâm thần tái hòa nhập cộng đồng. Riêng đối với các trường hợp như dị dạng mạch não, u não, u tủy sống, chấn thương thần kinh, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã kết hợp với các khoa Phẫu thuật thần kinh, Phẫu thuật chỉnh hình (ở Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện K) để bệnh nhân được xử trí tốt. Đối với một số trường hợp cần kết hợp điều trị Đông Y, Khoa đã cộng tác với các chuyên gia của Viện Y học cổ truyền Trung ương và cả một số lương y nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra một số chuyên gia nước ngoài như Bác sĩ Kolek (Tiệp Khắc), Kenarov (Bungari) Boszormynei (Hungari)… cũng được mời tới báo cáo một số chuyên đề giúp nâng cao kiến thức cho đội ngũ thầy thuốc trong Khoa – Bộ môn.
Mặt khác, tuy số cán bộ còn hạn hẹp nhưng Bộ môn và Khoa cũng đã đề nghị Bộ Y Tế và Trường duyệt cho một được đi thực tập sinh ở Cuba, Hunggari, Hà Lan, Pháp, Tiệp khắc, Bun ga ri. Một số cán bộ nói trên sau này đã có điều kiện bảo vệ thành công các luận án Tiến sĩ Y học ở trong nước, tiếp tục tham gia công tác của Khoa – Bộ môn.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Ngay từ khi đảm nhận vụ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng, trong và ngoài Bệnh viện Bạch Mai kể cả các bệnh viện quân y. Mối quan hệ này không những giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo chuyên khoa mà còn là cơ sở để hoàn thành một số công trình nghiên cứu. Tác phẩm đầu tay của Khoa và Bộ môn về “Hội chứng thần kinh của u độc nền sọ” được báo cáo vào tháng 3 năm 1957 tại Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội và Tổng hội Y Dược học Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, một số công trình khác đã được hoàn thành như: Gãy đốt sống cổ, Nhức đầu ở công nhân dệt, Bệnh tê phù ở Kim Bôi, Salmonella Đồng Giao. Loạn thần thời chiến, bệnh thần kinh và tâm thần ở khu IV, Hội chứng não cấp , v.v. Đáng chú ý là “dấu hiệu Lê Văn Thành” phát hiện tổn thương bó tháp đã được báo cáo ở Hội nghị Y học toàn quốc năm 1971 và sau đó được Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh giới thiệu trong tạp chí y học Le Concours Médical xuất bản ở Pháp. Phương pháp tiêm Subtilis của Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch được nghiên cứu điều trị Nhiễm khuẩn thần kinh trước hết qua thực nghiệm trên khỉ Macacus Rhesus; sau đó Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã thử nghiệm trực tiếp trên bản thân ngay ở trong Khoa. Các phương pháp Phong bế sau trâm (infiltration rétro-stylien) và kỹ thuật tiêm Novocain vào động mạch đùi để điều trị các chứng nhức đầu, suy nhược thần kinh. Ngoài ra nhiều công trình khác về các bệnh thần kinh và tâm thần cũng đã được các thầy thuốc trong Khoa – Bộ môn hoàn thành và được báo cáo tại các hội nghị khoa học thường niên trong Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Một số công trình được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha cũng đã được xuất bản trong và ngoài nước.
Ngày 8 tháng 3 năm 1960, Bác Hồ đã tới thăm Khoa-Bộ môn Tinh Thần kinh động viên toàn thể cán bộ nhân viên. Đây thực sự là một vinh dự to lớn cho chuyên ngành, động viên mọi người ra sức thi đua làm tốt mọi nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân và giảng dạy đào tạo cán bộ chuyên khoa.

CHỈ ĐẠO TUYẾN
Công tác giảng dạy và đào tạo từ năm 1959 đã cung cấp cho Bộ Y tế các Bác sĩ và Y sĩ chuyên khoa Tinh Thần kinh về nhận công tác xây dựng cơ sở tại các tỉnh và thành phố lớn ở Miền Bắc bao gồm Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Sơn La. Mạng lưới chuyên khoa này luôn liên hệ trực tiếp với Khoa Tinh Thần Kinh ở Bệnh viện Bạch Mai để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chuyên khoa ở địa phương. Mặt khác một số nơi như ở Hà Đông (Thường Tín), Bắc Thái, Thanh Hóa cũng là nơi tiếp tục công tác giảng dạy và đào tạo của tuyến trung ương với sự tham gia của cán bộ giảng viên thuộc Khoa – Bộ môn ở Hà Nội.
Ngoài ra Khoa – Bộ môn cũng đưa sinh viên chuyên khoa đi công tác thực tế ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC
Ngày 15 tháng 8 năm 1969 theo Quyết định của Bộ Y tế và Trường Đại học Y Dược Khoa Hà Nội, tổ Tâm Thần được tách khỏi Bộ môn Tinh Thần kinh và ở Bệnh viện Bạch Mai Khoa Tinh Thần kinh cũng được chia thành Khoa Thần kinh và Khoa Tâm Thần. Giáo sư Nguyễn Việt được giao nhiệm vụ phụ trách Khoa Tâm thần.
Ngày 3 tháng 9 năm 1962, tham gia Đại hội thành lập Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh được bầu là Phó Chủ tịch của Hội.
Trong điều kiện hoạt động mới của Khoa – Bộ môn Thần kinh, sau khi nhận được viện trợ hai máy ghi điện não, hai máy ghi vang não và một máy ghi điện cơ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã chỉ đạo thành lập tổ Thần kinh Sinh lý lâm sàng bao gồm một đơn vị chẩn đoán chức năng, xét nghiệm sinh hóa và giải phẫu bệnh thần kinh. Ngoài ra cũng triển khai Phiếu đục lỗ trong lưu trữ hồ sơ, tài liệu; đồng thời đã tổ chức nhóm nghiên cứu bước đầu về sự phát triển thần kinh – tâm trí ở trẻ em.
Ngoài việc biên soạn các giáo trình về thần kinh học bằng tiếng Việt, Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh còn tham gia ban Biên tập cuốn Từ điển Y Dược Pháp – Việt của Bộ Y Tế được xuất bản lần thứ nhất năm 1963 và lần thứ hai năm 1976.
Có một công việc đặc biệt ít được biết đến là Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã tranh thủ thời gian dịch ra Pháp văn tác phẩm Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận và tập thơ Từ Ấy của Tố Hữu đều được xuất bản ở Hà Nội vào những năm đất nước còn chiến tranh.
Còn rất nhiều đóng góp khác của Bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh trong giai đoạn Thầy là Trưởng Khoa – Bộ môn mà trong phạm vi bài viết này không nêu lên được. Nhưng điều đáng ghi nhớ là nhân cách, trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam đã để lại trong tâm trí các môn đệ cũ của Thầy những kỷ niệm không bao giờ phai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. NGUYỄN QUỐC ÁNH. Sự phát triển của Khoa Tinh Thần kinh sau ba năm thành lập. Đặc san Bệnh viện Bạch Mai kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III. Bệnh viện Bạch Mai, 1960; 52 – 57.
2. BỆNH VIỆN BẠCH MAI. Sơ lược lịch sử 85 năm Bệnh viện Bạch Mai. NXB Y học Hà Nội, 1997.
3. NGUYỄN CHƯƠNG. 45 năm xây dựng và phát triển Bộ môn Tinh Thần kinh. Y học thực hành 1987, 2.
4. LÊ ĐỨC HINH. Góp phần nghiên cứu lịch sử Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị khoa học lần thứ 6 Hội Thần kinh học Việt Nam (12-2006), Hội Thần kinh học khu vực Hà Nội, 2006, 3-10.
5. LÊ ĐỨC HINH, The Training of neurologists in Vietnam. Revue Mesdicale 2011, 1,1 – 4.
6. LÊ ĐỨC HINH, NGUYỄN CHƯƠNG. Lược sử Hội Thần kinh học Việt Nam. Tạp chí Y học Việt Nam, 2013; 1, 1 – 6.